Thầy cô ở Thủ đô ước ao một kỳ thi tuyển viên chức công bằng, minh bạch
Theo lịch dự kiến chỉ còn 3 ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi viên chức giáo dục tại Hà Nội. Giáo viên không mong gì hơn là có một kỳ thi công bằng, minh bạch.
Năm nay là năm dạy hợp đồng thứ 23 của cô giáo N.T.L, giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì.
Cô L. cũng thật thà chia sẻ: “Mấy lần thi viên chức trước đây cũng có người đặt vấn đề với tôi bảo bỏ ra khoảng 250 triệu là xong.
Cũng thú thật lương của chúng tôi có 1.3 triệu đồng/ tháng (sau khi trừ bảo hiểm) thì lấy đâu ra tiền mà chạy”.Nhưng mình nghĩ dạy còn vài năm nữa là nghỉ hưu bây giờ bỏ ra 250 triệu đồng để chạy viên chức cũng lãng phí.
Nghĩ thế nên cô L. không bỏ tiền chạy viên chức cũng không thi vì biết có thi cũng vẫn sẽ trượt. Theo cô L. khẳng định: Chuyện bỏ tiền ra chạy chỉ tiêu là có thật, người thật, việc thật.
Tại huyện Sóc Sơn, rục rịch vài ngày trước kỳ thi cô giáo L.T.H được một người quen biết đặt vấn đề chạy viên chức.
Cô H. nói: “Họ cũng đặt vấn đề bảo tôi chạy viên chức. Mức giá hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn 250 triệu đồng.
Nhưng tôi cũng bảo năm nay tôi không thi. Những năm trước tôi cũng chứng kiến nhiều trường hợp tưởng thi đỗ đến nơi, tổ chức ăn mừng các kiểu, khoảng vài tháng sau thì có thông báo trượt.
Khổ thân bạn ấy điểm cao chót vót cứ nghĩ mình đỗ làm cả cỗ bàn khao hàng xóm, bạn bè, lúc biết trượt ôm mặt khóc rưng rức”.
Thực hư câu chuyện chạy viên chức, chạy chỉ tiêu trong các kỳ thi tuyển viên chức như thế nào? Có hay không? Chúng tôi không dám khẳng định, chỉ xin đưa ra những ý kiến từ những người trong cuộc – đó chính là những giáo viên.
Cô H. lương 1.3 triệu đồng/ tháng nhưng vẫn được chào mời chạy viên chức (Ảnh: V.N)
Trên một diễn đàn dành cho giáo viên, cô giáo N.T.B (Thường Tín, Hà Nội) đặt câu hỏi: Có người bảo em bỏ ra 250 triệu đồng chạy một suất vào viên chức có đáng không cả nhà?
Ngay sau khi cô B. đặt câu hỏi đã có rất nhiều giáo viên vào bình luận, cũng có không ít người nhận được những lời mời chào chạy viên chức.
Liên hệ với cô B, giáo viên này kể: “Vài ngày trước có một người quen hỏi tôi có muốn chạy viên chức không.
Video đang HOT
Người này bảo mỗi suất bỏ ra 250 triệu cam kết đỗ. Nói thật mình có tuổi rồi giờ bỏ 250 triệu đồng lương ba cọc ba đồng làm đến khi nào cho hòa vốn nên tôi không chạy.
Nhưng tôi biết nhiều bạn gia đình có điều kiện sẵn sàng bỏ ra số tiền đấy. Họ đi làm một vài năm, dạy thêm và làm những công việc bên ngoài có khả năng cao là hòa vốn.
Người có tiền họ sẵn sàng đầu tư. Nhiều người còn bảo 250 triệu đồng là còn rẻ đấy nhưng bản thân mình thì lấy đâu ra.
Trong căn nhà lụp xụp của cô giáo P.T.H, giáo viên hợp đồng 20 năm tại huyện Ba Vì, gia cảnh của cô H. khó khăn đến mức phải đi dán vàng mã, cấy thuê, nuôi gà lợn…Khi chạy cho mình chủ yếu họ lo vòng tiếng Anh và vòng chuyên môn. Còn tin học có phải cái gì cao siêu đâu, toàn kiến thức cơ bản như word, excel…Đã là giáo viên thì không ai không biết tin học cả”.
Thế nhưng, vài ngày trước cô H. cũng được người ta chào mời chạy một suất vào viên chức với giá 300 triệu đồng.
Cô H. cười trớ trêu: “Nhìn gia cảnh của mình như thế này mà cũng có người chào mời chạy viên chức. Họ bảo có thi thì đưa tiền họ lo cho, đảm bảo 100% đỗ. Nếu không đỗ thì họ sẽ hoàn lại tiền.
Nhưng lương của tôi bây giờ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, con cái còn phải bỏ học đi làm phụ mẹ thì lấy đâu ra từng đấy tiền để mà chạy. Cho nên tôi quyết định không chạy cũng không thi, chấp nhận mất việc”.
Thầy giáo Phùng Đức Tăng (Ba Vì – Hà Nội), khẳng định: Những chuyện chạy viên chức là có mặc dù không nhiều.
Thầy Tăng kể: “Cái này ai cũng biết nhưng mình không có chứng cứ không thể nói cho một ai. Những chuyện này giáo viên kể cho nhau nghe cũng nhiều.
Chúng tôi cũng hiểu rằng tiêu cực trong một kỳ thi là không tránh khỏi cũng có người này người kia.
Thậm chí có nhiều lúc giáo viên nói đùa với nhau rằng: Sao không bỏ quách tiền ra mà chạy. Nhưng đâu phải ai cũng có tiền mà chạy đâu.
Cho nên khi thi viên chức chúng tôi cũng bảo nhau chưa chắc đã thi đỗ vì mình là người trong cuộc nên mình hiểu câu chuyện này.
Có những bài điểm thi rất cao đứng nhất nhì, nhưng khi có thông báo vẫn trượt như thường”.
Giáo viên không mong gì hơn một cuộc thi công bằng, minh bạch (Ảnh:L.Đ)
Những câu chuyện được chính những người trong cuộc nói ra như một hồi chuông cảnh báo về tính minh bạch của kỳ thi viên chức.
Tất nhiên chúng ta có quyền tin tưởng vào một cuộc thi công bằng và minh bạch. Nhưng cũng có không ít những chuyện đáng lo ngại.
Chẳng hạn, mới đây, Thanh tra Bộ Nội vụ ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 502/TB-TTBNV việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng công chức, viên chức… của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn từ ngày 1-1-2016 đến ngày 28-2-2019.
Trong thông báo này có một chi tiết đáng lưu ý: Có đến 4 bài thi sửa chữa điểm làm thay đổi kết quả tuyển dụng. Sau đó, 1 trường hợp đã thôi việc tháng 1-2018, 3 trường hợp thôi việc tháng 7-2019.
Một kỳ thi công chức tại một Bộ còn xảy ra những chuyện như vậy nói gì đến một kỳ thi tuyển viên chức với quy mô hơn 22.000 thí sinh.
Bên cạnh đó, hiện nay cơ chế tuyển dụng được giao cho các địa phương, điều này không tránh khỏi mối lo ngại về tình trạng chạy viên chức.
Nhiều giáo viên hợp đồng chưa thi đã biết mình bị trượt (Ảnh:V.N)
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong: Cơ chế tuyển dụng hiện nay nói chung các ứng viên thi tuyển xong vào cơ quan chưa chắc đã ung dung mà còn phải trải qua một bước lọc từ cơ quan tuyển dụng.
Nếu anh có trình độ và chuyên môn, phẩm chất đạo đức đạt yêu cầu của họ thì anh tiếp tục làm việc còn không phải trau dồi thêm.
Nhưng đối với việc tuyển viên chức của ngành giáo dục đang thiếu khâu lọc tại cơ quan làm việc. Thí sinh đỗ chỉ tiêu của trường sẽ làm việc ổn định và mã mãi đến khi về hưu (nếu không bị kỷ luật).
Sẽ như thế nào: Nếu các nhà trường nhận ra thí sinh này không đáp ứng yêu cầu mà họ mong muốn?
Vì thế mới có tình trạng: Một số trường chuyên môn của giáo viên biên chế còn không bằng chuyên môn của giáo viên hợp đồng.
Do vậy nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn và kỳ vọng về một kỳ thi tuyển viên chức công khai, minh bạch trong ngày 15/9/2019 tới đây.
Cô Vũ Thị Hồng Vân, giáo viên tại Hà Nội bày tỏ: “Tôi cũng hy vọng kỳ thi sẽ được tổ chức công khai và minh bạch. Chúng tôi chấp nhận thi thố, nếu không đủ điểm chúng tôi không lấy làm buồn.
Chỉ buồn nếu như có những người kém năng lực hơn mình, bài thi không tốt bằng lại ung dung bước vào biên chế.
Ngành giáo dục hơn bất cứ ngành nào khác phải đề cao tính trung thực, minh bạch có như thế xã hội họ mới cảm phục giáo viên chúng ta”.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Giáo viên hợp đồng Sóc Sơn tiếp tục làm đơn không thi tuyển viên chức
Thông tin Tiền Phong nhận được, đến ngày hôm nay, số lượng giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội làm đơn không thi tuyển viên chức năm 2019 là 89/256 người.
Ảnh minh họa
Trước đó, trong tổng số 256 giáo viên hợp đồng (GVHĐ) lâu năm ở Sóc Sơn, Hà Nội có 78 người làm đơn không tham gia kỳ thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019.
Trong số 78 GVHĐ này có 62 người cống hiến trên 20 năm, người có thâm nhiên cao nhất là 29 năm, 2 người có thâm niên 19 năm; người ít cũng 8 - 9 năm, ít nhất là 6 năm.
Nhiều người tuổi đã cao, có người trên 50 tuổi, nhiều thầy cô hơn 40 tuổi, người ít cũng ngoài 30.
Đây là những giáo viên dạy tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Sóc Sơn, dạy các môn Văn, Sử, Toán - Lý, Sinh học, Tiếng Anh, Âm nhạc... Trong số đó có nhiều người là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố, có người đang được giao trọng trách ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của huyện, nhiều người là Chiến sĩ Thi đua cơ sở, có sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố...
Ngoài 78 người trên, hôm nay có thêm 11 GVHĐ Sóc Sơn làm đơn không tham gia kỳ thi. Trong đó, người lớn tuổi nhất sinh năm 1966 (53 tuổi), người ít tuổi nhất sinh năm 1990 (29 tuổi).
Được biết, toàn thành phố Hà Nội có gần 3000 GVHĐ giảng dạy từ 5 năm đến gần 30 năm. Tháng 3/2019, Thành phố có thông báo về kế hoạch thi tuyển viên chức năm 2019 trong đó có giáo dục.
Thành phố thực hiện theo Nghị định 161/2018 của Chính phủ, tất cả những GVHĐ của thành phố nếu thi tuyển viên chức không đỗ sẽ bị cắt hợp đồng.
Chính vì vậy, ngay sau khi kết thúc năm học 2018 - 2019, một số địa phương như Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây đã chấm dứt gia hạn hợp đồng với toàn bộ GVHĐ. Riêng Sóc Sơn, các GVHĐ vẫn tiếp tục được tham gia giảng dạy. Còn các huyện khác, sau khi cắt hợp đồng, các trường thiếu giáo viên lại phải mời chính những giáo viên này tham gia giảng dạy thỉnh giảng trong lúc chờ thi tuyển viên chức.
Theo Tiền phong
Huyện Sóc Sơn trả lời 256 giáo viên hợp đồng Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn nhận được đơn kiến nghị của tập thể 256 giáo viên hợp đồng và đã có công văn trả lời những nội dung kiến nghị của giáo viên. Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã ban hành công văn số 1629/ UNBD - NV: Về việc trả lời đơn kiến nghị của công dân. Nội...