Thầy cô nên xưng hô đúng mực
Xưng khiêm hô tôn là một đặc điểm giao tiếp tinh tế của ông cha ta. Cách xưng hô này thể hiện sự khiêm nhường, nhã nhặn của người nói luôn tôn trọng, đề cao người nghe.
Nhưng điều đó không có nghĩa là người nói cứ hạ mình xuống để biểu hiện sự nền nã, lịch sự trong giao tiếp mà tùy vào môi trường, hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp để xưng ngôi cho phù hợp, đúng mực. Mặt khác, cũng không nên tận dụng vị trí xã hội, chức vụ công tác để xưng ngôi một cách thiếu tương xứng với phẩm chất, tư cách nghề nghiệp của mình.
Từ lâu, xã hội ta luôn đề cao đạo học, coi trọng chữ nghĩa, tri thức, vì thế những người làm nghề dạy học được nhân dân gọi chung là “thầy giáo”. Cùng với thầy thuốc, thầy giáo là danh xưng cao cả, được xã hội trọng vọng. Tuy vậy, danh xưng này chỉ thật sự mang lại tình cảm, niềm tin chân thành của người dân đối với những người cả đời gắn bó với nghiệp phấn trắng bảng đen. Trong thực tế, đa số thầy giáo, cô giáo luôn giữ gìn lời ăn tiếng nói mô phạm, chuẩn mực của nghề giáo, được cả học sinh và phụ huynh trân quý, thì vẫn có một số giáo viên nói năng, xưng hô, không hẳn lúc nào cũng chuẩn mực, phù hợp với môi trường, hoàn cảnh giao tiếp.
Thầy cô nên xưng hô đúng mực. Ảnh minh họa: TTXVN.
Có cô giáo chủ nhiệm một lớp ở bậc trung học cơ sở, tuy tuổi đời mới ngoài ba mươi nhưng khi chủ trì buổi họp phụ huynh, cô luôn xưng “mình” trong quá trình trao đổi với hơn bốn chục cha mẹ, ông bà của học sinh có mặt trong buổi họp. Chẳng hạn, cô hồn nhiên nói: “Mình mong các bác phụ huynh luôn giữ mối liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để cùng động viên, quản lý việc học tập, rèn luyện của các con”; “Mình đề nghị các bác phụ huynh không lơ là đối với việc tự ôn luyện, tự học tập ở nhà buổi tối”; “Mình yêu cầu các bác phải thường xuyên nhắc nhở, giám sát, kiểm tra việc làm bài tập về nhà thầy cô giao cho”,…
Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ngót tuổi ngũ tuần mà khi trao đổi, nói chuyện với các phụ huynh luôn xưng là “thầy”, cho dù đối tượng giao tiếp nhiều tuổi hơn. Chẳng hạn, hiệu trưởng từng nói: “Thầy nói thật với anh việc chấp hành kỷ luật học tập, rèn luyện của con anh là thiếu nghiêm túc”; “Thầy muốn trao đổi với bác rằng, việc bác cho con học tăng cường ở trường hay không là tùy bác, chứ nhà trường không ép buộc”; “Bố mẹ học sinh đâu mà không đến báo cáo trực tiếp với thầy mà sao ông nội cháu phải đến tận trường nói chuyện với thầy?”…
Cả hai tình huống xưng hô nêu trên đều không phù hợp. Việc cô giáo xưng “mình” thoạt nghe có vẻ gần gũi, thân mật nhưng lại không thích hợp với ngữ cảnh, môi trường, đối tượng giao tiếp. Vì chủ thể xưng ngôi là “mình” chỉ tương thích với tình huống có đối tượng giao tiếp bằng vai phải lứa, hoặc ít tuổi hơn, chứ không thể xưng “mình” với nhiều phụ huynh có tuổi đời cao hơn (nhất là các bậc cao niên). Thế nên, nếu xuê xoa một chút tình cảm thì có thể tạm chấp nhận với lời cô giáo khi nói “mình mong, mình đề nghị…”, còn khi nói “mình yêu cầu…” thì nghe vừa thiếu lịch sự, vừa không hợp với ngữ cảnh giao tiếp.
Còn hiệu trưởng luôn để ngôi xưng “thầy” đối với các bậc phụ huynh học sinh trong bất cứ hoàn cảnh giao tiếp nào cũng là không nên. Ở nhà trường, hiệu trưởng có thể xưng hô “thầy” đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc quyền và các em học sinh trong trường, chứ không thể xưng “thầy” với cả bố mẹ, ông bà của học sinh được. Bởi vì, thực tế có nhiều bố mẹ, ông bà học sinh có tuổi đời cao hơn hiệu trưởng, có vị trí xã hội, chức vụ công tác và trình độ học vấn, tư cách nghề nghiệp có thể ngang bằng, thậm chí cao hơn hiệu trưởng, nên việc xưng ngôi “thầy” trong những trường hợp như vậy là thiếu nhã nhặn.
Video đang HOT
Nói năng, xưng hô chuẩn mực là một phần làm nên văn hóa sư phạm của nhà giáo. Vì vậy, hiểu đúng vị thế, chức danh nhà giáo để ứng xử, xưng hô với các thành phần trong xã hội sao cho văn minh, lịch sự và phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh giao tiếp chính là thể hiện tư cách đạo đức, nét đẹp văn hóa sư phạm của nhà giáo.
Trường học hạnh phúc khi giáo viên và học sinh được quan tâm, chia sẻ
Muốn thầy cô hạnh phúc, nhà trường cần có lộ trình xây dựng ngôi trường hạnh phúc và phải xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đơn vị.
Lộ trình đó không chỉ dừng lại trong một ngày, một tháng hay một năm.
Thầy cô và học sinh đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ thì mới là một trường học hạnh phúc.
Làm việc bằng cả trái tim
Cô Hồ Thị Sen, giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (huyện Cư' Mgar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Tôi vui khi được đến trường, được dạy, được cười với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh cũng như nhận được nụ cười hạnh phúc của học trò trong những tiết học hay cuộc hội thoại ngắn sau buổi học với các em.
Tôi hạnh phúc khi được mọi người thấu hiểu những việc của mình làm. Bản thân thấu hiểu được mọi người xung quanh, nhất là các em học sinh. Bởi như vậy, tôi mới có thể làm tốt công tác giáo dục của mình. Và tôi hạnh phúc khi nhìn thấy các em học sinh của mình trưởng thành.
Giáo viên và học sinh cùng cảm nhận được hạnh phúc khi được quan tâm, chia sẻ.
Để được hạnh phúc với công việc của mình, tôi luôn luôn đặt tâm mình vào công việc. Làm việc bằng cả trái tim sẽ luôn cảm thấy thoải mái, cho dù kết quả có như mong đợi hay không, miễn sao mình đã cố gắng hết sức có thể. Trước khi làm việc gì, tôi thường nghĩ xem có ảnh hưởng xấu gì đến ai không và mang lại lợi ích gì cho mọi người, cho học sinh của mình? Vì vậy, mỗi việc mình làm cho dù nhỏ mà ý nghĩa thì cũng giúp mình hạnh phúc hơn".
Bên cạnh đó, cô Sen thường tham khảo ý kiến những người thầy mà mình tin cậy để lắng nghe những lời khuyên, ý kiến đóng góp quý báu giúp mình hoàn thiện bản thân hơn.
Theo cô Sen, muốn thầy cô hạnh phúc, nhà trường cần có lộ trình xây dựng ngôi trường hạnh phúc và phải xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đơn vị mình. Lộ trình đó có thể dài, chứ không chỉ dừng lại trong một ngày, một tháng hay một năm. Để xây dựng được lộ trình đó cần có thời gian và được chia nhỏ ra để xây dựng mục tiêu phù hợp để có thể thực hiện được.
"Điều quan trọng là nhà trường cần tạo điều kiện cho giáo viên tham gia xây dựng kế hoạch đó. Một khi cả thầy cô, học sinh và phụ huynh cùng tham gia vào quá trình này thì tôi tin rằng, kế hoạch đó sẽ thực hiện được. Mọi người đều cảm thấy vui khi đến trường, thực hiện được mục tiêu đã đề ra cũng là niềm hạnh phúc với mỗi thầy cô" - cô Hồ Thị Sen tâm sự.
Trường học hạnh phúc từ các hoạt động cụ thể
Với 28 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy để xây dựng trường học hạnh phúc.
Cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh.
Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Hiền Lương cho hay, cô đã cùng đồng nghiệp vượt khó, xây dựng Trường Tiểu học Vân Canh đạt chuẩn quốc gia với nhiều ý tưởng sáng tạo. Trong đó, con đường vào trường nhỏ, hẹp và luôn tắc đường được cải tạo thành "Đường hạnh phúc"; ghế đá cũ được biến thành "Ghế đá thân thiện"; giúp học sinh học tập mọi nơi bằng "Cầu thang biết nói".
Để xây dựng thành công trường học hạnh phúc, theo cô Lương, trước hết phải xây dựng môi trường dạy học hạnh phúc; phải giúp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên hạnh phúc trong công việc của mình. Từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến học sinh. Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp dưới mái trường mà còn lan toả, song hành cùng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.
Xây dựng trường học hạnh phúc luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo, đòi hỏi từ lãnh đạo, giáo viên đến học sinh đều phải phấn đấu chuyển biến. "Trường học hạnh phúc" là nơi thầy - cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc khi tham gia vào hoạt động giáo dục của nhà trường. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày.
"Để giáo viên - nhân viên của mình hạnh phúc trong môi trường làm việc, bản thân tôi - một người Hiệu trưởng cũng phải tìm hạnh phúc trong công việc quản lí của mình. Đó là tự giảm áp lực công việc, tìm niềm vui trong công việc bằng sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao dung với đồng nghiệp. Chính vì vậy, trong điều hành, quản lí hoạt động giáo dục của nhà trường, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các quy định theo chỉ đạo của cấp trên, tôi đã thay đổi bằng việc chỉ đạo, quản lí bằng sự quan tâm, chia sẻ.
Điều này thể hiện trong việc quan tâm đến tâm tư và nguyện vọng của đồng nghiệp. Quan tâm đến ý kiến của mỗi thành viên trong hoạt động giáo dục của nhà trường, tạo môi trường dân chủ. Ngoài ra, Hiệu tưởng quản lý bằng sự tin tưởng, bao dung và hỗ trợ", cô Hiền Lương nhấn mạnh thêm.
Cũng theo cô Lương, để thầy trò cùng cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, việc không thể thiếu là đổi mới nội dung dạy học. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta loại bỏ tất cả "cái cũ" và thay vào bằng "cái mới". Để giáo giáo viên và học sinh hạnh phúc trong dạy - học chúng ta chỉ thực hiện "tinh lọc" cho phù hợp, tạo hứng thú cho cả thầy và trò.
Vị hiệu trưởng nhấn mạnh, từ trước đến nay, chúng ta luôn coi sách giáo khoa là pháp quy với người dạy. Nhưng vào thời điểm hiện tại, có nhiều nội dung đã không phù hợp và lạc hậu với thực tế cuộc sống. Đặc biệt với thời đại 4.0 này, khi giáo viên không phải là vạn năng, là tất cả kiến thức đối với học trò, càng đòi hỏi Hiệu trưởng cần thay đổi quản lý, chỉ đạo về nội dung dạy - học. Vẫn tuân thủ theo sách giáo khoa nhưng tôi trao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để thầy cô dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới, cùng thích ứng với thực tiễn sinh động của thời đại.
"Trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc, thầy cô cần sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành của chính ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh và xã hội! Các thầy cô muốn hạnh phúc cũng phải tự mình nâng cao năng lực, giá trị nghề nghiệp để thêm yêu và gắn bó với nghề, nhằm đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Nhà trường cần nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên, hỗ trợ thầy cô kịp thời khi có sự thay đổi, quan tâm đến chế độ chính sách. Nhà quản lý phải có nhiều biện pháp để tạo động lực cho giáo viên làm việc, tạo môi trường thân thiện, giúp đỡ nhau trong đội ngũ để giảm áp lực công việc" - cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội nói.
Ôn tập mùa dịch: Trường vùng khó "đua nước rút" Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới dạy học và ôn tập thi tốt nghiệp các trường THPT, đặc biệt trường vùng khó. Cô trò khối 12 Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) vừa dạy kiến thức buổi sáng vừa ôn tập thi tốt nghiệp buổi chiều. Ảnh: NTCC Tùy theo điều kiện, thầy cô sẵn sàng phương án ứng phó...