Thầy cô mà thuê người học hộ, làm bài thay thì còn dạy được ai?
Thuê người học thì dễ vô cùng nhưng giáo viên ấy sẽ lấy gì làm “hành trang” cho riêng mình để bước vào giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018?
Bài viết Nở rộ dịch vụ học hộ, làm bài tập thay giáo viên tập huấn trực tuyến của tác giả Lê Văn Minh đăng trên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam ngày 02/1/2021 đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc trên cả nước.
Trong bài viết này, chúng tôi đã phản ánh thực trạng một số giáo viên đứng ra nhận “học hộ, làm bài tập thay” và điều này đã được nhiều trang facebook giáo viên công khai trao đổi, thỏa thuận với nhau về giá cả.
Thông tin chào mời “bồi dưỡng hộ” cho giáo viên có nhu cầu (Ảnh chụp màn hình)
Để ngăn chặn tình trạng này, có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các sở giáo dục cần có những chỉ đạo để chấn chỉnh, nếu không thì nhiều giáo viên sẽ hổng những kỹ năng, kiến thức và phương pháp cần thiết về chương trình mới mà Bộ đã và đang triển khai.
Xót xa chuyện giáo viên phải thuê người học và làm bài tập thay
Khi tham khảo nhiều trang facebook của giáo viên, điều chúng tôi cảm thấy xót xa nhất là sau mỗi tin quảng cáo dịch vụ “hỗ trợ” bồi dưỡng trực tuyến luôn có hàng trăm giáo viên liên hệ với chủ tài khoản để trao đổi việc mua bán gói dịch vụ.
Những giáo viên đứng ra làm các gói dịch vụ này có người thì chỉ quảng cáo phần việc rồi những người có nhu cầu sẽ liên hệ riêng, có giáo viên thì chẳng e dè, ngại ngùng gì nên họ đã nhiều lần đăng bảng giá tiền cụ thể cho từng gói dịch vụ.
Chúng tôi vào trang facebook của một giáo viên có tên H.N. thì thấy người này liên kết với nhiều nhóm facebook giáo viên của một số môn học và quảng cáo nội dung dịch vụ của mình.
Nghĩ thật buồn, hàng ngày thì các thầy cô giáo đang dạy cho học sinh về lòng trung thực, sự cố gắng vươn lên trong học tập mà bản thân một số người thầy lại không trung thực trong việc bồi dưỡng trực tuyến bắt buộc của mình!
Nếu là học sinh thì tại Thông tư 58/2011/TT/BGDĐT đã quy định học sinh không trung thực trong kiểm tra, thi cử sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm.
Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ngày 13/8/2007 cũng ghi rõ: “Người học hộ hoặc nhờ người khác học hộ tùy theo mức độ sẽ xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học”.
Tài liệu trao đổi công khai trên trang facebook giáo viên (Ảnh chụp màn hình)
Video đang HOT
Vậy mà một số giáo viên vẫn đứng ra nhận học và làm bài tập trọn gói cho việc bồi dưỡng trực tuyến mà Bộ đang triển khai! Có lẽ nào mà những thầy cô này lại không biết nếu sự việc này bị phát giác cũng đồng nghĩa với việc mình sẽ bị kỷ luật của ngành?
Chúng tôi cho rằng những thầy cô này đều biết hết nhưng người đứng ra học thay, làm bài tập thay hoặc bán các gói dịch vụ này nhìn thấy thị trường đầy tiềm năng nên họ vẫn làm.
Những thầy cô phải thuê người khác học thay, làm bài tập thay mình, hoặc phải mua các bài tập thì có thể vì yếu chuyên môn, yếu tin học, ngại khó và cũng có thể họ còn… bận việc trường lớp.
Nhưng, dù là nguyên nhân, lý do nào đi chăng nữa thì việc thuê người bồi dưỡng chuyên môn thay cho mình cũng là một điều không nên làm bởi nó khó được dư luận chấp nhận.
Bộ và các Sở Giáo dục cần xiết lại việc “học thay, làm bài hộ”
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần này là một chủ trương lớn của Bộ Giáo dục trong nhiều năm qua. Bởi, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông lần này đã được manh nha, chuẩn bị mất nhiều năm trời để bây giờ triển khai đến giáo viên ở các nhà trường.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Bộ đã xác định việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn lần này sẽ kết hợp cả “trực tuyến” và “trực tiếp” nên tất nhiên giáo viên phải làm quen với cách tập huấn chuyên môn mới mẻ này.
Khó khăn, áp lực- đó là điều mà nhiều giáo viên đang phải đối mặt hàng ngày bởi thời điểm các địa phương triền khai cũng là lúc các nhà trường đang tiến hành ôn tập, kiểm tra học kỳ I.
Nhưng, không phải vì thế mà một số giáo viên làm những điều ngược lại chủ trương của ngành là đi thuê người khác thực hiện nhiệm vụ thay cho mình.
Làm như vậy, mọi người sẽ nhìn mình ra sao? Phụ huynh và học sinh có còn tin tưởng vào những người thầy như thế hay không? Rõ ràng, những người thầy phải thuê người khác học thay, làm bài tập thay dù có biện minh như thế nào đi chăng nữa thì đây cũng là một việc làm rất đáng trách.
Bởi, dù khó khăn nhưng đại đa số giáo viên cũng đang cố gắng, nỗ lực để hoàn thành việc trường, việc tập huấn của mình để trang bị những kiến thức cần thiết để khi giảng dạy không phải bỡ ngỡ, không phải bị lệ thuộc vào đồng nghiệp của mình về chuyên môn.
Vậy nhưng, vẫn có một bộ phận giáo viên lại đi ngược lại nhiệm vụ, trách nhiệm nhiệm của một người thầy đang đứng trên bục giảng…
Nếu giáo viên đi thuê người học thay cũng đồng nghĩa sẽ khó có cơ hội đọc các modul bồi dưỡng mà Bộ đang triển khai.
Trong khi, mỗi modul đều có một phần việc, một chức năng riêng nên không theo dõi từ đầu sẽ khó nắm bắt liền mạch nội dung kiến thức và phương pháp dạy học đang được các địa phương bồi dưỡng cho giáo viên.
Thuê người học thì dễ vô cùng nhưng giáo viên ấy sẽ lấy gì làm “hành trang” cho mình để bước vào giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018?
Chính vì thế, nên chăng Bộ và các Sở Giáo dục cần lên tiếng để việc “học hộ, làm bài tập thay” không còn tái diễn đối với những modul tới đây.
Bóng dáng mô hình trường học mới VNEN trong chương trình mới
Nhiều giáo viên đã từng mừng thầm vì cứ tưởng không còn bị bắt buộc dạy theo mô hình VNEN nữa, nhưng thực tế dường như không phải vậy.
Thời điểm này, các địa phương đang tiến hành tập huấn trực tuyến đại trà chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên phổ thông ở những modul đầu tiên.
Quan sát và trao đổi với các đồng nghiệp, người viết nhận thấy điều mà giáo viên có phần bất ngờ là những hoạt động dạy học của chương trình mới gần như kế thừa nguyên vẹn cả 5 hoạt động dạy học của mô hình trường học mới VNEN trước đây.
Vì thế, dù muốn, dù không thì tới đây giáo viên cũng phải soạn giáo án, phải giảng dạy theo mô hình trường học mới VNEN bởi giờ đây đã được Bộ "kế thừa" trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
VNEN không hợp với giáo dục Việt Nam
Những năm vừa qua, mô hình trường học mới VNEN đã từng bị một số địa phương phản đối kịch liệt. Điều này đã được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc đoàn Bình Thuận phản ánh trong chất vấn của bà với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
"Ý kiến cử tri cho rằng: Mô hình trường học mới VNEN không hợp với "thổ nhưỡng" giáo dục Việt Nam; chương trình VNEN: giáo viên, học sinh đang "lạc đường". Nhiều tỉnh đã quyết định dừng triển khai chương trình này ở địa phương; nhiều trường, nhiều tỉnh rơi vào tình trạng"tiến, thoái, lưỡng nan"... đã gây tâm trọng lo lắng đối với các bậc phụ huynh." [1]
Ngày 18/8/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản 4068/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị:
1. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
2. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. [2]
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc tại trường Tiểu học Thụy Sơn-Thái Thụy-Thái Bình dự hội nghị Sơ kết thực hiện trường học mới Việt Nam của huyện Thái Thụy ngày 7/4/2017. Ảnh: thaithuy.edu.vn.
Ngay cả Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đã từng lên tiếng không đồng tình chương trình VNEN vì nó không phù hợp với đặc điểm giáo dục nước ta.
Thế nhưng bây giờ, trong quá trình tập huấn đại trà các modul đầu tiên của chương trình mới thì giáo viên chúng tôi đang được định hướng về các hoạt động dạy học gần như nguyên vẹn các hoạt động của VNEN.
Bóng dáng VNEN trong chương trình phổ thông mới
Theo mô hình trường học mới VNEN thì quá trình giảng dạy và học tập trên lớp của thầy và trò sẽ có 5 hoạt động chính, đó là: Khởi động; Hình thành kiến thức; Luyện tập; Vận dụng và Tìm tòi mở rộng.
Bây giờ chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng được triển khai bằng 5 hoạt động dạy học như sau: Khởi động; Khám phá kiến thức; Luyện tập; vận dụng, mở rộng. Như vậy, so với mô hình VNEN thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ đổi tên gọi ở hoạt động 2 mà thôi.
Nếu như trước đây chương trình VNEN gọi hoạt động này là "Hình thành kiến thức" thì bây giờ chương trình giáo dục phổ thông 2018 được gọi là "Khám phá kiến thức".
Vì thế, dù ngành giáo dục mới triển khai chương trình mới ở lớp 1 và đang tập huấn đại trà cho giáo viên để chuẩn bị thực hiện dạy lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới đây nhưng "hình bóng" của chương trình mới đã được kế thừa gần như trọn vẹn các hoạt động dạy học của VNEN.Thực ra, tên gọi này có khác đi một chút nhưng về bản chất thì cơ bản vẫn như trước đây. Các hoạt động còn lại của mô hình trường học mới VNEN thì được giữ nguyên tên để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước đây, chỉ có một số địa phương áp dụng chương trình VNEN còn đa số vẫn dạy chương trình năm 2000, khi dư luận phản đối mạnh mẽ thì lãnh đạo Bộ Giáo dục đã không triển khai mở rộng thêm.
Lúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển quyền tự quyết cho các địa phương, các nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế để mở rộng, duy trì hoặc không dạy chương trình VNEN nữa.
Tuy nhiên, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức áp dụng đại trà thì những "tinh túy" của VNEN cả về mục tiêu, phương pháp và định hướng của chương trình và sách giáo khoa đã được hợp thức hóa một cách hợp pháp.
Thậm chí, một số môn học của chương trình mới ở cấp tiểu học và trung học cơ sở cũng giống với tên tên gọi của chương trình VNEN trước đây. Và, tất nhiên bây giờ đã được triển khai đại trà trên cả nước thì không còn chuyện dạy hay không dạy mà đó đã là điều bắt buộc.
Việc "quan tâm" không chỉ là dự án này đã triển khai mở rộng ở nhiều địa phương và được vận dụng bằng một số phương pháp, kỹ thuật dạy học mới mà nó còn được áp dụng cho cả những trường học không thực hiện dạy chương trình VNEN.Đối với dự án VNEN ngay từ bắt đầu triển khai cho đến khi một số địa phương dừng áp dụng mô hình này, nó đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ thầy cô giáo trong các nhà trường phổ thông.
Tuy nhiên, trước những bất cập và phản đối của nhiều phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo địa phương nên thời gian qua đã có nhiều tỉnh, trường học bỏ chương trình VNEN để quay lại chương trình, sách giáo khoa cũ (năm 2000).
Nhiều giáo viên đã từng mừng thầm vì nghĩ rằng không phải tiếp tục áp dụng mô hình VNEN một cách khiên cưỡng, đối phó, nhưng nay nó đã được vận dụng vào chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ cấp tiểu học mà cả 3 cấp học phổ thông, không biết Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết nghĩ thế nào, còn đứng lớp trực tiếp như người viết thực sự có rất nhiều băn khoăn, câu hỏi không lời đáp.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://quochoi.vn/vanphongquochoi/cocautochuc/Pages/trang-chu.aspx?ItemID=35299
[2]http://thaithuy.edu.vn/cong-van-van-ban/van-ban-trung-uong/cv-4068-bgddt-gdtrh-cua-bo-gd-dt-ve-trien-khai-mo-hinh-truon.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thầy giáo trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam chỉ ra mấu chốt khiến nhiều học sinh tưởng chăm chỉ nhưng điểm số lại lẹt đẹt, hóa ra do bố mẹ Con cứ ngồi cạnh như một chiếc bóng. Bố mẹ bảo gì con cũng dạ, vâng rồi gật gù cho qua mà không hề động não... * Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn. Thầy Ngân Kỳ hiện đang giảng dạy bộ môn Toán tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Với nhiều...