Thầy cô lại bắt đầu tối mặt vì các hội thi
Trong khi có rất nhiều việc phải làm vào đầu năm học, giáo viên lại phải bắt đầu quay cuồng với các hội thi của chính mình và của cả học trò.
Vừa bước vào năm học khoảng vài tuần, giáo viên đang dốc hết sức để làm công tác chủ nhiệm lớp, một công việc vô cùng mệt mỏi ngay từ đầu năm học.
Nào là ổn định trật tự, tập và hướng dẫn các em một số nề nếp sinh hoạt của lớp, của trường như tập thể dục đầu giờ, múa sân trường, nề nếp ra vào lớp, an toàn giao thông…
Cùng với đó là biết bao công việc cũng không kém phần quan trọng như họp phụ huynh đầu năm, thu các khoản tiền trường.
Trong khi có rất nhiều việc phải làm như vậy, giáo viên lại bắt đầu quay cuồng với các hội thi của chính mình và của cả học trò.
Hội thi của thầy
Đầu tiên phải kể đến đó là hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, một hội thi mà bất kể thầy cô nào cũng phải tham gia và tỉ lệ đậu bao giờ cũng gần như cán mức tuyệt đối.
Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc” do công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại.
Giáo viên cũng phải trải qua 3 vòng thi. Vòng 1 là nộp một sáng kiến kinh nghiệm. Vòng 2 thi năng lực sư phạm bằng bài viết. Vòng 3 thi 2 tiết dạy ở hai khối lớp tự bốc thăm.
Sau hội thi cấp trường, một số giáo viên tiềm năng được nhà trường “chọn mặt gửi vàng” sẽ cử đi thi tiếp hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện (thị) có khi tổ chức luôn năm đó.
Giáo viên cũng phải trải qua 3 vòng thi giống hội thi cấp trường nhưng mức độ căng thẳng hơn nhiều. Bởi thế, sự chuẩn bị cũng trở nên công phu hơn thế.
Thường thì mỗi hội thi cũng phải kéo dài vài tháng mới kết thúc (vì thi từng vòng rồi đợi chấm, công bố kết quả, tiếp tục sang vòng thi khác và cứ thế…)
Thế nên một năm, thầy cô nào tham gia hai hội thi giáo viên dạy giỏi (hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi) xem như cả năm chỉ mỗi việc chuẩn bị thi thố gây không ít mệt mỏi, áp lực cho những giáo viên này.
Thầy cô lao vào các hội thi sẽ chẳng còn thời gian nhiều chăm sóc cho học trò.
Chưa nói, nhiều tiết dạy giáo viên thả lớp hoặc nhờ một đồng nghiệp khác trông giúp để dạy thử ở một số lớp khác.
Video đang HOT
Vì thế, lực học của học sinh cũng có phần giảm sút.
Hội thi của trò
Song song với việc ôn luyện cho chính mình đi thi, giáo viên chủ nhiệm cũng phải ôn tập cho học sinh cũng bước vào những cuộc thi kiến thức không kém phần căng thẳng.
Có điều, kiến thức của các em bỏ ra thì ít mà sự vay mượn hoặc dùng “thủ thuật” để đạt được lại quá nhiều.
Điển hình thi Toán, Anh văn trên mạng. Giáo viên có nhiệm vụ thành lập đội tuyển, hướng dẫn cho các em các dạng toán nâng cao.
Thầy cô có nhiệm vụ tải bài các vòng từ trên mạng xuống (bằng cách lập nhiều nick giả) rồi hướng dẫn cho học sinh cách làm.
Nhiều dạng toán khó, học sinh khó theo kịp nên không ít em nghĩ ra cách học thuộc. Cũng có một số khác do gia đình có điều kiện nên gửi các em tới lò luyện Violympic.
Thế là hằng ngày, cứ sau mỗi buổi học buổi chiều, những học sinh này chỉ kịp ăn vội nắm xôi, ổ bánh mì là chạy ngay tới lò luyện thi.
Học vật vã hơn 8 giờ mới tan. Về nhà, mệt mỏi nên chẳng em nào xem qua bài vở học ở nhà.
Không ít học sinh lao vào học toán nâng cao mà quên luôn bài vở học hàng ngày nên lực học cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài cuộc thi Violympic trên mạng, học sinh còn trải qua nhiều hội thi giao lưu khác.
Có hội thi do ngành tổ chức như thi hùng biện tiếng Anh, giao lưu tiếng Anh giữa các trường. Có hội thi do xã phường tổ chức như em yêu lịch sử, kể chuyện các anh hùng dân tộc…
Học trò thi nhưng thầy cô phải chuẩn bị cho các em từ A đến Z, từ việc viết kịch bản đến đạo diễn.
Thế là, cứ sau những giờ ra chơi hay những buổi tan trường những học sinh trong đội thi lại tập trung tập dượt.
Những ngày gần đến thời gian thi, thầy cô quên dạy mà trò cũng được xin đặc cách khỏi phải lên lớp học bài để tăng tốc.
Sau mỗi hội thi, khác với nhận xét của ban tổ chức học sinh được giao lưu học hỏi để nâng cao kiến thức…, cái được lớn nhất mà thầy và trò có được là chấm dứt những ngày bỏ bê học tập để khổ luyện “đem chuông đi đánh xứ người”.
Nên hạn chế các hội thi của thầy và trò
Theo quy định của nhiều địa phương về hội thi giáo viên dạy giỏi, cấp trường mỗi năm một lần, cấp huyện thị 2 năm một lần, cấp tỉnh 3 năm một lần.
Thế nên, có năm một giáo viên phải tham dự cùng lúc 3 hội thi từ cấp trường trở lên.
Hạn chế các hội thi không nhất thiết phải xóa bỏ. Cũng cần nên quy định thời gian bảo lưu các hội thi đó dài hơn.
Chẳng hạn, đạt giáo viên giỏi cấp trường 3 năm mới đăng kí thi lại, cấp thị 5 năm và cấp tỉnh 6 năm. Có thế, giáo viên mới có thời gian chăm lo cho việc dạy và chuẩn bị kiến thức để đáp ứng cho hội thi.
Riêng học sinh, các em đang ở độ tuổi tiểu học không nên tổ chức nhiều cuộc thi, hội giao lưu kiến thức gây căng thẳng, áp lực, tạo tâm lý ganh đua, hiếu thắng cho các em đang còn quá nhỏ.
Chỉ nên khuyến khích học sinh thật sự có năng khiếu, muốn học thêm tự đăng kí dự thi trên mạng như một thí sinh tự do mà chẳng lo áp lực phải có thành tích như khi nhà trường tổ chức.
Theo GDVN
Bộ GD&ĐT dừng thi giải Toán, Tiếng Anh qua mạng
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết từ năm học 2017-2018, bộ này tạm dừng các cuộc thi giải Toán, Tiếng Anh trên mạng.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, các cuộc thi trên mạng dành cho học sinh được tổ chức thời gian qua rất ý nghĩa và thiết thực, giúp các em mở mang kiến thức, nâng cao cơ hội thực hành. Tuy nhiên, sau nhiều năm tổ chức, Bộ GD&ĐT cần rà soát, nâng cấp nội dung, ngân hàng câu hỏi để đáp ứng tính chất cuộc thi.
Giảm những cuộc thi không cần thiết
Ông Thành cho rằng hiện tại, số lượng các cuộc thi còn nhiều và chồng chéo, không nhận được sự đồng tình của xã hội. Một số cuộc thi chủ yếu tập trung việc kiểm tra kiến thức lý thuyết đã học trong trường, còn hạn chế trong việc tạo cơ hội để các em rèn luyện, trải nghiệm, qua đó phát triển kỹ năng và hình thành năng lực học sinh.
Thời gian vừa qua, như báo chí phản ánh, có những trường hợp vì áp lực thành tích mà phụ huynh "ép" học sinh phải luyện thi. Điều này trái với tinh thần của sân chơi ở cấp phổ thông.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT chủ trương tinh giản các cuộc thi để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Giáo Dục Thời Đại.
Cuối tháng 5/2017, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn tới các sở GD&ĐT, trường phổ thông trực thuộc bộ, yêu cầu tinh giảm cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông.
Trong đó, bộ yêu cầu các sở chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Theo ông Thành, sau khi rà soát, số lượng cuộc thi đã giảm mạnh.
"Hiện nay, số lượng cuộc thi mà các địa phương đề xuất tiếp tục duy trì chỉ còn khoảng 50% so với trước đây. Nội dung và hình thức thi đáp ứng yêu cầu tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, ưu tiên tổ chức hình thức thi trực tuyến", ông Thành thông tin.
Rà soát kỹ để giữ đúng tinh thần sân chơi trí tuệ
Thông tin thêm về việc năm học 2017-2018 Bộ GD&ĐT sẽ tạm dừng tổ chức thi giải Toán, Tiếng Anh trên mạng, ông Thành cho hay: "Các cuộc thi kiến thức như giải Toán, Tiếng Anh qua mạng những năm qua đã đáp ứng được yêu cầu tăng cường vận dụng kiến thức học được từ các môn trong nhà trường.
Do đã được tổ chức khá nhiều năm, chúng ta cần rà soát cả về nội dung, phương thức tổ chức để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì vậy, trong năm học tới, bộ tạm dừng tổ chức các cuộc thi này".
Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng cho biết việc không sử dụng kết quả các cuộc thi trên mạng vào ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển chọn học sinh của các trường đặc thù.
Theo ông Thành, công văn của Bộ GD&ĐT đã nêu rõ: "Không sử dụng kết quả của các cuộc thi do sở GD&ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do sở GD&ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018 - 2019".
Đối với hệ THPT, đây chỉ là nhắc lại quy định tại Thông tư số 11/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, đối tượng được tuyển thẳng vào THPT được quy định tại khoản 1 điều 7: "Học sinh đoạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học".
Học sinh đoạt giải tại các cuộc thi do địa phương tổ chức và các cuộc thi ở ngoài nước mà địa phương đưa đi tham dự không phải là đoạt giải cấp quốc gia.
Với tuyển sinh THCS, tại Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH ngày 17/3/2015 về việc không thi tuyển vào lớp 6, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục này căn cứ quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định.
Như vậy, Bộ GD&ĐT cũng đã giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đầu cấp THCS. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đặc thù tuyển sinh được học sinh có chất lượng theo yêu cầu riêng của trường, mà việc tổ chức thi vào lớp 6 như trước đây không đáp ứng được.
ViOlympic là cuộc thi giải Toán quốc gia trên Internet bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc, được Bộ GD&ĐT và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức.
Qua 9 năm tổ chức, đây là sân chơi quen thuộc của các em học sinh phổ thông. Mặc dù cuộc thi mang tính chất tự nguyện nhưng không ít phụ huynh, giáo viên vì thành tích đã khiến học sinh gặp áp lực thi cử.
Theo Zing
Sân chơi trẻ em hay những biến tướng thành tích? Câu chuyện về cuộc thi ViOlympic (giải toán trên mạng) khiến lãnh đạo của ngành Giáo dục phải lập tức ra công văn chấn chỉnh toàn ngành, rà soát lại các cuộc thi trong trường học. Nguyên nhân là việc trẻ em tham gia các cuộc thi trí tuệ như một cuộc vui chơi, chơi mà học đang lại bị biến tướng thành...