Thầy cô hỏi đứa nào, đứa ấy đều khai hết…tội của lớp
Trò ra trường, trưởng thành, đi làm ăn muôn nơi. Thầy – trò gặp nhau, ăn bữa cơm, ly bia… đó là cái nghĩa, cái tình đáng quý của ngày ấy và cho đến tận bây giờ
LTS: Với kinh nghiệm hơn 22 năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm và dạy học ở một trường trung học phổ thông của tỉnh Quảng Ngãi, thầy giáo Sông Trà đã có những chia sẻ về hành trình “ trồng người” đầy ắp kỉ niệm và tình yêu thương của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Thời còn học phổ thông, chúng tôi rất háo hức, mong ngóng chờ đợi đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, vì ngày này chúng tôi sẽ được nghỉ học, được đến nhà thăm thầy cô giáo.
Ngày ấy, lớp chúng tôi mỗi đứa góp một chút tiền (vài ba nghìn đồng gì đó) mua biếu thầy cô giáo cái nón, cái mũ, xấp vải, hay bộ bình ly uống nước… rồi kéo đến nhà thầy cô ngồi lì cả buổi mới chịu về.
Có thầy cô giáo chiêu đãi chúng tôi ly chè, bữa cơm đạm bạc. Thầy – trò ngồi uống nước, ăn chè… và nói chuyện không dứt.
Thầy cô giáo hỏi tới đứa nào, đứa ấy đều “khai” rất thành thật, thậm chí kể đủ thứ “tội” của lớp, bạn bè với thầy cô giáo.
Có lúc chúng tôi lặng lẽ ngồi nghe thầy cô giáo kể về những năm tháng tuổi học trò trước đây và chặng đường dạy học của thầy cô giáo sau này với bao kỷ niệm buồn, vui.
Những lần đến thăm thầy cô giáo trong dịp 20/11, học trò chúng tôi càng thêm đoàn kết, yêu quý, phấn đấu học tập tốt hơn và thêm hiểu biết, thấu cảm về cuộc sống, gia đình, tính cách… của thầy cô giáo mình.
Học trò thăm các thầy cô giáo (Ảnh minh họa: giaoductuyensinh.edu.vn).
Ở lớp, nhiều khi thấy ông thầy, bà cô chủ nhiệm, dạy các bộ môn sao mà xa cách, nghiêm nghị quá. Nhưng đến tận nhà thăm thầy, thăm cô, qua chuyện trò, tâm sự, ông thầy, bà cô ấy sao lại gần gũi, thân thiện đến lạ, như mẹ cha, anh, chị em ruột rà.
Video đang HOT
Thương cô, thầy, quý trọng nghề dạy học là động lực chính để tôi và nhiều bạn bè cùng khối lớp 12 (năm 1992) đăng ký thi vào trường đại học sư phạm và “bén duyên” với giáo dục đến tận ngày hôm nay.
Khi trở thành thầy giáo, được làm công tác chủ nhiệm và dạy học ở một trường trung học phổ thông trong suốt 22 năm qua, tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc biết nhường nào.
Các ngày Lễ, Tết, nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn chúc mừng và nhiều thế hệ học trò đến nhà thăm nom, tri ân.
Tôi dạy và chủ nhiệm đối tượng học sinh từ 15 đến 18 tuổi, khi mà nhận thức, nghĩ suy của các em về thầy cô giáo đã có phần chín chắn nên tôi được các thế hệ học trò biết và nhớ đến nhiều hơn.
Với bản tính giản dị, chân thành, dễ gần, lúc giảng dạy và chủ nhiệm luôn hết mình vì học sinh thân yêu nên tôi được nhiều lớp học trò quý mến.
Ngày nay, ở các địa phương, thành phố lớn, cứ đến ngày 20/11 nhiều em học sinh, phụ huynh có rất nhiều lựa chọn trong việc tặng quà cho thầy cô giáo khi thì hiện vật, khi thì lẵng hoa, lúc thì phong bì, hay mời đi liên hoan…
Có người cực đoan cho rằng, ngày nhà giáo mà tặng phong bì cho thầy cô thì mất hết ý nghĩa, giá trị truyền thống, thực dụng quá.
Song các em học sinh, phụ huynh cũng có lý, tặng hoa nhiều thầy cô để đầy nhà vài bữa cũng đem vứt thùng rác; tặng hiện vật không biết thầy, cô giáo có thích, có sử dụng phù hợp không; tốt nhất gửi thầy cô giáo cái phong bì vừa gọn nhẹ vừa để thầy cô dễ xử lý.
Cuộc sống xã hội hiện đại, nhất là ở các đô thị lớn đã có nhiều đổi thay thì hình thức chúc mừng, tặng quà cho thầy cô giáo bây giờ cũng không nên quá cứng nhắc, nặng nề, bắt buộc phải giống y như thời trước đây.
Hơn 20 năm dạy học, ngoài nhận lời chúc mừng, những lẵng hoa, những món quà nhỏ, bản thân tôi và các đồng nghiệp ở đây (Quảng Ngãi) chưa bao giờ nhận phong bì của các em và phụ huynh. Và chúng tôi luôn trông mong cácthầy cô ở nhiều nơi khác cũng như thế.
Làm sao tôi quên được, ngày 20/11 của năm ngoái, các thế hệ học trò mà mình đã dạy và chủ nhiệm cách đây 18, 20 năm đến nhà chúc mừng thầy và tặng tôi các thứ quà rất bất ngờ như: 1 con gà trống to, 1 thùng bia, 1 chai rượu vang, 1 cân mực khô (Phú Quốc), còn mấy lớp khác thì đến nhà thầy mời, chở thầy đi liên hoan bên phố, dưới biển.
Gần một năm qua, những ngày Lễ, Tết, ngày thường, các học trò ở địa phương, làm ăn xa ở Sài Gòn, Bình Phước, Tây Nguyên… về quê thăm nhà, có việc liên tục mời tôi dự liên hoan (tôi đếm được không dưới 50 lần), có tiệc tôi dự được, có tiệc tôi không đến được vì bận công việc.
Khi tôi đi công tác ngoại tỉnh, chỉ cần vài em biết tin, cả 5, 7 chục em phấn khởi, vui mừng, gọi điện mời thầy đi đó đây.
Trò ra trường, trưởng thành, đi làm ăn muôn nơi. Thầy – trò gặp nhau, hàn thuyên, ăn bữa cơm, uống ly bia… đó là cái nghĩa, cái tình vô cùng đáng quý của ngày ấy và cho đến tận bây giờ.
Đối với tôi không có cuộc gặp nào, vui vẻ, thoải mái, ấm áp bằng những cuộc gặp gỡ với các thế hệ học trò.
Tất nhiên, cuộc đời, công việc của tôi còn gắn kết với trường, lớp, học trò, ngành giáo dục hơn 15 năm nữa, tôi thường tự nhủ với mình, không được phép bằng lòng, chủ quan mà cần nhiệt tâm hơn với sự nghiệp “trồng người” để được phụ huynh và các thế hệ học trò hôm nay sẽ nhớ, quý trọng thầy giáo như các thế hệ học trò trước đây đã dành cho mình.
SÔNG TRÀ
Đa số học sinh tiểu học đạt điểm tổng kết 9 và 10
Một số phụ huynh phản ánh điểm tổng kết của học sinh tiểu học được chấm ở mức cao, đa số đạt 9và 10 điểm. Lý do được đưa ra là khuyến khích các em trong quá trình học tập.
Năm nay, việc đánh giá học sinh bậc tiểu học sẽ có sự điều chỉnh theo cách kết hợp nhận xét của giáo viên với các bài kiểm tra cuối học kỳ và năm học.
Thầy cô không phải nhận xét vào vở của học sinh nhiều như trước. Quy định mới cho phép họ nhận xét trực tiếp với học sinh trên lớp để các em biết mình làm tốt và chưa tốt ở đâu. Từ đó, giáo viên hướng dẫn lại kiến thức, kỹ năng cho các em. Số lượng sổ sách giáo viên phải theo dõi cũng giảm đi nhiều.
Trong sổ liên lạc của học sinh lớp 5, trường Tiểu học thị trấn Thứa (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), phần "Các em sợ điều gì?", hầu như em nào cũng chọn ô "sợ bị la mắng" hoặc "trách phạt". Có lẽ chính vì thế, việc không còn bị chấm điểm hàng ngày là điều khiến học sinh thích nhất.
"Khi học chương trình cũ, mỗi ngày, em phải cố gắng đạt điểm 9, 10 để khoe với bố mẹ. Bây giờ, cô giáo sẽ đưa ra lời nhận xét, góp ý hàng ngày để em cố gắng hơn trong học tập", Nguyễn Như Ý, học sinh lớp 5, trường Tiểu học thị trấn Thứa, nói.
Sự điều chỉnh của Bộ GD&ĐT trong cách đánh giá học sinh tiểu học năm nay được cho là tích cực, giúp chính sách này triển khai hiệu quả hơn trong thực tế. Ngoài ra, quy định mới cũng bổ sung các mức độ về chuẩn kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất của học sinh để giáo viên có căn cứ đánh giá chính xác hơn những nỗ lực của học sinh trong cả năm học.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên trường Tiểu học thị trấn Thứa, cho biết: "Khi thực hiện đánh giá này, phụ huynh sẽ ít thắc mắc hơn so với Thông tư 30 vì cha mẹ sẽ thấy rõ con mình đã hoàn thành việc học tập ở mức độ nào".
Với những hạn chế cơ bản được khắc phục, năm nay, học sinh được đánh giá cụ thể hơn, chính xác hơn, giáo viên cũng có nhiều thời gian tập trung các hoạt động chuyên môn.
Cách nhận xét và đánh giá học sinh tiểu học hàng ngày của giáo viên vẫn còn chung chung, công thức. Ảnh cắt từ clip.
Tuy nhiên, một số phụ huynh ở Hà Nội cũng cho biết các nhận xét hàng ngày, được ghi trong vở của con em họ vẫn còn khá chung chung và công thức.
Một số giáo viên chỉ nhận xét: "Đạt" hay "Chưa đạt". Những câu như: "Con cần cố gắng phát huy", "Con hãy nỗ lực nhé" cũng được sử dụng khá phổ biến. Hàm lượng thông tin nhận xét trong những câu này không nhiều. Nguyên nhân là do ở nhiều trường học, sĩ số lớp quá đông.
Những lớp học lên tới gần 60 em diễn ra khá phổ biến ở các trường tiểu học công lập tại Hà Nội. Với sĩ số đông như vậy, giáo viên phải làm việc rất vất vả khó có những nhận xét cụ thể cho từng người.
Bà Nguyễn Ngọc Diệp, phụ huynh học sinh, chia sẻ: "Chúng tôi mong có sự thay đổi vì việc cô giáo đánh giá học sinh rất quan trọng đối với phụ huynh. Nhà trường cần có sự tương tác với cha mẹ tốt hơn, từ đó chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao hơn".
Ngoài ra, một số phụ huynh cũng phản ánh hiện nay, tại một số trường, điểm tổng kết của học sinh tiểu học được chấm ở mức cao, đa số đạt 9, 10 điểm. Lý do được đưa ra là để động viên, khuyến khích các em trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, ông Tạ Ngọc Trí, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho rằng cách làm này hoàn toàn không đúng với tinh thần đánh giá học sinh tiểu học. Mỗi khi các em mắc lỗi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, giáo viên sẽ trực tiếp trao đổi để các em tự nhận ra lỗi của mình, từ đó định hướng để học sinh tự tìm cách giải quyết.
Để việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét có thể triển khai hiệu quả như mong muốn, việc đảm bảo sĩ số lớp học đúng tiêu chuẩn từ 30 đến 35 em là một trong những điều kiện quan trọng. Thế nhưng, đây là vấn đề nan giải đối với giáo dục tại Hà Nội, nơi quỹ đất của thành phố dành cho việc xây dựng trường lớp chưa phải ưu tiên hàng đầu.
Theo Zing
'Ngày thầy trò' tôn vinh nhà giáo khắp mọi miền đất nước Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chương trình cầu truyền hình "Ngày thầy trò" được tổ chức nhằm tuyên dương những tấm gương sáng về giáo dục. Hướng tới ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, Mobi TV kết hợp Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện chương trình cầu truyền hình "Ngày thầy trò" với mục đích đề cao đạo nghĩa...