Thầy cô Hải Phòng trở thành streamer khi học sinh ở nhà tránh dịch
Khi học sinh nghỉ ở nhà tránh dịch corona, các giáo viên trường THPT Hàng Hải (Hải Phòng) vẫn tới trường, dạy học online và cho các em thi cử qua phần mềm.
Thời gian gần đây, khi học sinh cả nước đang tạm thời nghỉ ở nhà để tránh lây nhiễm dịch corona, nhiều trường học tổ chức dạy học online qua nền tảng mạng xã hội.
Trên diễn đàn dành cho học sinh, hình ảnh các thầy cô trường THPT Hàng Hải (Ngô Quyền, Hải Phòng) ngồi trong phòng học, dạy qua livestream khiến dân mạng thích thú.
Thầy cô trường THPT Hàng Hải trở thành streamer giữa mùa dịch.
Chia sẻ với Zing.vn, thầy Phạm Anh Phong – hiệu trưởng nhà trường – cho hay việc dạy học online được tiến hành ngay sau khi học sinh nghỉ tránh dịch corona. Các môn học áp dụng hình thức này như Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh, Giáo Dục Công Dân…
“Điều lo lắng nhất đối với mỗi người làm trong ngành giáo dục là các em học sinh suốt thời gian gian nghỉ không có tinh thần tự học khi không có áp lực hay sự động viên, khuyến khích từ cô giáo, nhà trường. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thầy cô và nhà trường thực hiện giảng dạy số hóa trong thời buổi công nghệ thông tin 4.0″, thầy Phong chia sẻ.
Tuy nhiên việc dạy online không phải dễ dàng với tất cả đội ngũ giáo viên khi thầy cô buộc phải trở thành những “streamer bất đắc dĩ”. Nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ vì việc dạy học trực tuyến đòi hỏi kỹ năng và sự tập trung của cả hai phía gấp nhiều lần so với dạy học truyền thống.
Thầy cô đa số áp dụng hình thức livestream trên Facebook, một số khác sử dụng phần mềm Zoom. Những thầy cô lớn tuổi không quen dùng công nghệ hoặc mới dùng lần đầu được nhà trường tổ chức tập huấn cơ bản.
Sau khóa tập huấn, các giáo viên cơ bản đều có thể dạy học trực tuyến qua livestream.
“Sự tương tác của học sinh cũng như tỷ lệ tham gia khá tốt, có những lớp có hơn 90% học sinh tham gia, đó là thành công bước đầu. Các thầy cô và học trò đều rất hứng thú với việc triển khai này. Dẫu vậy tâm lý chung là các cháu rất muốn đi học rồi”, thầy Phong cho hay.
Video đang HOT
Bên cạnh dạy qua livestrem, nhà trường cũng áp dụng hình thức thi trực tuyến bằng phần mềm “Kiểm tra online”. Đây là ứng dụng do thầy Vũ Văn Hưng – giáo viên Tin học của trường phát triển – nhằm phục vụ cho công tác đào tạo thi trên máy tính theo phổ biến của bộ Giáo dục và Đào tạo trước đó.
Theo đó, trường tiến hành lên lịch kiểm tra một số môn nhất định, sau đó hệ thống sẽ chấm điểm tự động, trích xuất kết quả. Giáo viên sẽ chữa bài cho học sinh kết hợp giảng dạy online theo thời khóa biểu.
Thầy Phong cho rằng dù việc dạy học online khá thuận lợi song đây chỉ là biện pháp tạm thời. Thầy mong dịch sớm kết thúc để học sinh trở lại trường bởi trên hết, sự tương tác giữa thầy và trò tại lớp vẫn là điều quan trọng mà giảng dạy trực tuyến không thể thay thế.
Theo Zing
Loạt điểm nhấn trong giáo dục năm 2019 được cha mẹ quan tâm, nổi bật nhất là sách giáo khoa mới và học phí
Tăng giảm học phí, công bố sách giáo khoa mới, Luật Giáo dục 2019 được thông qua... là những chính sách đáng chú ý trong ngành giáo dục năm qua.
Công bố sách giáo khoa (SGK) mới
Tháng 11/2019, Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục SGK được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Có 32 sách giáo khoa của 8 môn học được phê duyệt trong danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng tại các trường phổ thông. Trong khi đó, cả 3 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đều bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "không đạt".
Các bộ sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ về lộ trình thực hiện. Trước tháng 3/2020, địa phương phải thành lập Hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK trong danh mục SGK được Bộ GD-ĐT ký thông qua ngày 21/11.
Từ tháng 3 đến tháng 5, Sở GD-ĐT cùng NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8, các nhà trường tập huấn, các NXB triển khai chương trình in ấn và xuất bản.
Các bộ sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021. Mỗi môn học có một hoặc một số SGK.
Hà Nội tăng học phí mầm non, TP.HCM giảm học phí một số cấp học, Hải Phòng miễn toàn bộ học phí
- UBND TP. Hà Nội thống nhất tăng học phí đối với cấp học mầm non (không bao gồm mầm non 5 tuổi) năm học 2019-2020 như sau:
Học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị (các phường, thị trấn) từ 155.000 lên 217.000 đồng/tháng, tăng 62.000 đồng so với năm trước (tăng 40%).
Học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn (các xã trừ các xã miền núi) tăng từ 75.000 lên 95.000 đồng/tháng, tăng 20.000 đồng so với năm trước (tăng 26,7%).
Và học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục ở các xã miền núi tăng từ 19.000 lên 24.000 đồng/tháng, tăng 5.000 đồng so với năm trước (tăng 26,3%).
- Từ năm 2019, TP.HCM áp dụng mức thu học phí đối với học sinh đang theo học các lớp nhà trẻ tại các trường mầm non công lập trên địa bàn 19 quận nội thành là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Mức học phí này giữ nguyên như mức học phí áp dụng trước đó dành cho khu vực nhóm 1.
Riêng đối với học sinh lớp nhà trẻ ở 5 huyện ngoại thành (gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ), mức thu học phí mới được điều chỉnh là 120.000 đồng/học sinh/tháng, giảm 20.000 đồng/tháng (giảm gần 17%) so với năm học trước.
Đối với học sinh bậc THCS, các em ở 19 quận sẽ được giảm từ 100.000 đồng/học sinh/tháng xuống còn 60.000 đồng/học sinh/tháng (giảm 50%), ở 5 huyện giảm còn 30.000 đồng/học sinh/tháng (giảm 70%).
- Chiều 5/12, Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hải Phòng khóa 15 bế mạc, nhiều nghị quyết quan trọng được thông qua, trong đó có miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT).
Theo đó, việc hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS và bổ túc THCS thực hiện từ năm học 2020-2021, học sinh THPT và bổ túc THPT được hỗ trợ từ năm học 2021-2022.
Theo ước tính, với năm học 2020-2021, tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 350 tỷ đồng, năm học 2021-2022 hơn 424 tỷ đồng. Tới năm học 2024-2025, kinh phí hỗ trợ là trên 480 tỷ đồng.
Trượt tốt nghiệp THPT được xác nhận hoàn thành chương trình
Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Giáo dục 2019, học sinh học hết chương trình trung học phổ thông (THPT) đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp nhưng không dự thi hoặc không đỗ tốt nghiệp thì được Hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp khác.
Còn bằng tốt nghiệp THPT được cấp cho học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện được dự thi tốt nghiệp và đạt yêu cầu, được Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo cấp bằng.
Như vậy, đã có sự phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT.
Giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm
Về quy định liên quan tới nhà giáo, Luật Giáo dục mới có quy định trình độ chuẩn giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật cũng bổ sung quy định cho phép trong trường hợp môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Chính thức bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức
Bên cạnh đó, để chấn chỉnh tránh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua chiều ngày 25/11 có nhiều điểm thay đổi mới.
Theo đó, vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay "chế độ biên chế suốt đời" chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp sau:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 01/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Theo Helino
Các trường ở Hải Phòng được giới thiệu sách giáo khoa lớp 1 mới Bốn bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu tới các trường học tại Hải Phòng. Ngày 21/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 1 theo...