Thầy cô giáo vùng cao không dám nghĩ về quà Tết
Những người thầy, cô cõng chữ lên non chẳng bao giờ dám nghĩ đến quà Tết từ phụ huynh học sinh. Họ chỉ mong trẻ con nơi khó khăn được ăn no, mặc ấm, đến lớp đầy đủ.
Thời khắc chuyển giao năm cũ, cô giáo Cao Thị Nghĩa (Trường tiểu học Mường Lồng I, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) nhớ lại khoảnh khắc chứng kiến bữa cơm trắng với quả ớt tươi, nước lã của học trò ngày mới lên đây công tác năm 2002. Chính bữa cơm trong căn bếp lụp xụp đã khiến cô yêu trò hơn và quyết tâm bám bản.
Quà Tết là gạo nếp, hạt hầu
13 năm công tác trong nghề, đối với cô Nghĩa “quà Tết hiếm lắm”, nếu có cũng chỉ là cân gạo nếp, con gà, rau, hạt bầu về làm quà. Cô giáo cắm bản không chạnh lòng mà thấy thương học sinh nhiều hơn, khi đợt rét kỷ lục tháng 12 vừa qua khiến cây cối đông đá, rau cỏ dập nát, thức ăn khan hiếm, chẳng ai ra khỏi nhà, chỉ ngồi trong nhà sưởi lửa.
Cô Cao Thị Ngĩa tâm sự về học trò. Ảnh: Quyên Quyên.
Cô Nghĩa kể, thương nhất bọn trẻ, lúc đi học trở lại, chúng chỉ mặc một, hai chiếc áo sơ mi mỏng đã sờn cũ, đi đôi dép tổ ong. Những người miền xuôi lên từ thiện không khỏi rưng rưng nước mắt khi thấy các em co ro giữa buốt lạnh.
“Mỗi dịp Tết đến, tôi chẳng dám nghĩ đến quà cáp, bởi cuộc sống ở đây vốn đã khó khăn, phụ huynh còn phải lo miếng ăn, cái mặc. Nếu có một điều ước cho năm mới, tôi chỉ mong các em có được con đường đến trường”, cô giáo Nghĩa bày tỏ.
Hầu hết các điểm trường cô Nghĩa dạy là điểm lẻ, học sinh phải đi bộ 2 tiếng đường rừng để đi học. Vất vả nhất là những ngày mưa gió, xe máy phải đi mất 3 tiếng và nhiều chỗ cần hai người đẩy. Cô giáo phải đi ủng, lội bùn.
Là người thầy đầu tiên mang chữ đến cho các em ở Trường tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, Nghệ An), thầy Hồng Hiệp hiểu hơn ai hết điều kiện khó khăn ở đây. 15 năm gắn bó, thầy luôn cảm thấy hạnh phúc khi được nhận món quà nhỏ chân thành của học trò. Đó chỉ là những bông hoa rừng, bó mía, chút rau hay quả bầu, bí… Nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng, nhưng thầy Hiệp chia sẻ, đồng nghiệp luôn lạc quan, động viên nhau vượt qua khó khăn.
Video đang HOT
Những dịp lễ tết, giáo viên vùng cao nơi thầy Hiệp công tác không được nhận quà. Nhưng khi được hỏi về mong muốn năm mới, thầy không mong gì cho bản thân, chỉ ước xây được con đường chính cho học trò đỡ vất vả; phòng học kiên cố để nâng cao chất lượng dạy và học.
Tết chỉ ước được gần con
Bốn năm gắn bó điểm trường mầm non ở Huổi Lếch, Mường Nhé, Điện Biên, cô giáo trẻ (25 tuổi) Phùng Thị Huyền nghẹn ngào khi kể về khó khăn trong công tác giảng dạy.
Thầy và trò Trường tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, Nghệ An). Ảnh: Thầy Hiệp cung cấp.
Từ Tân Sơn (Phú Thọ) lên vùng cao cắm bản, cô Huyền chỉ được về mỗi năm hai lần, là dịp hè và Tết. Ngày ấy, con trai 14 tháng tuổi phải theo mẹ lên Điện Biên. Đó là khoảng thời gian vất vả, nhiều nước mắt. Để đảm bảo sức khỏe, vợ chồng cô Huyền đành gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm từ 6 tháng trước.
“Xa con, cứ nghĩ đến là nước mắt mình trực rơi. Mặc dù mình thường xuyên gọi điện, nghe giọng nhưng con chỉ thấy mẹ qua ảnh. Làm cô giáo vùng cao nhiều khi tủi thân lắm, nhưng thấy tụi trẻ trên này nghèo khổ quá nên mình coi như con đẻ”, cô Huyền nói.
Món quà Tết lớn nhất của cô giáo này là được gặp con. Người mẹ trẻ mong muốn, thời gian nghỉ Tết chậm lại để được gần con nhiều hơn.
Cô giáo trẻ bày tỏ thêm, khi mới về trường công tác từ năm 2011, nhớ gia đình quá, phải đi bộ lên đồi mấy cây số mới có sóng. Cuộc sống hiện tại của người dân và học sinh vẫn khó khăn nên Huyền không mong ước món quà Tết xa xỉ.
Tết là lúc những đồng nghiệp thường chúc và đồng viên nhau. Món quà của mình là nụ cười trẻ thơ, bó mía, nắm xôi hay bó rau”.
Chung cảnh sống xa con, cô giáo Nguyễn Thị Thêu (45 tuổi) gắn bó với các lớp học từ Lũng Thầu đến Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) tâm sự, khó khăn đã quen rồi nhưng thấy thương và có lỗi nhất lại chính là con cái của mình.
“Thương con nhưng khi bước lên bục giảng, mỗi giáo viên lại gác việc riêng để tiếp tục dạy học trò, hoàn thành nhiệm vụ. Không bao giờ chúng tôi bù đắp được những năm tháng các con thiếu thốn tình cảm khi không có cha mẹ ở bên”, cô Thêu rưng rưng nói.
Theo Zing
Thưởng tết của giáo viên vùng cao
Với các giáo viên vùng cao, được trở về với gia đình, với quê hương trong những ngày tết ngắn ngủi chính là phần thưởng lớn nhất.
Thầy cô giáo vùng cao tặng quà cho trò mỗi khi tết đến xuân về - Ảnh: T.L.
Thời gian này đâu đâu cũng "nóng" với câu chuyện thưởng tết. Thế nhưng với các giáo viên vùng cao, thưởng tết dường như không có trong suy nghĩ của các thầy cô. Điều họ quan tâm hơn cả là chuẩn bị "khăn gói" xuống núi về quê ăn tết.
"Hạ sơn" vừa mừng vừa lo
Giáo viên dưới xuôi lên vùng cao dạy học chiếm tỉ lệ cao. Nhiều người được phân công vào dạy học ở những địa bàn nghe qua đã thấy sự xa xôi như Simacai (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường Nhé (Điện Biên), Mèo Vạc (Hà Giang)...
Mỗi khi tết đến xuân về, nghĩ đến chặng đường về quê ăn tết ai cũng thấy nổi da gà vì quãng đường từ trường về quê quá xa. Trường xa bến xe, để về được quê nhiều thầy cô phải lặn lội đi xe đêm, chờ xe, đón nhiều tuyến, nhiều bến tàu mới về được nhà. Cả năm mới có một dịp đoàn tụ gia đình, các thầy cô không thể không cố gắng xuống núi để về với tổ ấm của mình ở quê.
Cô giáo Đặng Thị Thúy Minh, dạy học ở trường vùng cao Bảo Yên (Lào Cai), cho biết: "Chúng tôi ở tập thể nhưng nhà tạm nên không yên tâm nghỉ tết. Có năm để nguyên đồ, không có người bảo vệ nên sau tết bị mất hết bếp và chăn, giáo án và sách vở thì vứt mỗi quyển một nơi, ẩm mốc hết". Tuy mất thời gian một chút nhưng năm nào cô Minh và đồng nghiệp ở khu tập thể cũng phải dọn đồ cất ở nơi an toàn rồi mới yên tâm về quê. Sau tết lên lại bỏ thời gian để dọn lại như cũ.
Cô Nguyễn Thị Thu Đàm, giáo viên tiểu học huyện vùng sâu Mèo Vạc (Hà Giang), tâm sự: "Chị dạy học ở Sìn Hồ đã hơn chục năm nay rồi, quê Phú Thọ, dạy điểm trường lẻ nên quanh năm làm bạn với suối, đèo cao dốc núi và lạnh giá. Chỉ mong tết đến để về xuôi ăn tết với gia đình".
Cô Đàm tâm sự về hoàn cảnh gia đình mình, chồng bộ đội ở Tuyên Quang, con nhỏ gửi ông bà nội ở quê để có điều kiện học hành hơn nên cả năm gia đình cô phải "tách" làm ba với biết bao điều thương nhớ.
Khi có lịch nghỉ tết, cô phải tức tốc thu dọn hành lý để ra trung tâm huyện đón xe lên tỉnh rồi vẫy xe về Hà Nội, rồi lại đón tiếp tuyến xe ngược lên Phú Thọ...
Không có nhà riêng, giáo viên nhiều trường học vùng cao phải ở trong những căn phòng tập thể rất chật chội. Vì vậy, trước khi về nghỉ tết, thầy cô phải bọc gói toàn bộ đồ đạc, tài sản để gửi chỗ an toàn hơn.
Công việc thu dọn mất nhiều thời gian. Nào bếp, nào nồi xoong, bát đũa, chăn màn, giáo án, sách vở... tất cả phải đóng gói rồi mang gửi nhà dân hay nhà kho của trường. Nếu để nguyên sẽ mất mát, hư hỏng.
Thầy cô "đi tết" trò
Đó là thực tế ở những trường học, những điểm trường ở vùng cao. Nếu như ở những tỉnh miền xuôi, thành phố, tết đến học trò đến chúc tết thầy cô nhưng ở vùng cao thì ngược lại, thầy cô phải tổ chức đi "chúc tết" học trò. Vào dịp này, các trường ở vùng cao thường tổ chức thăm hỏi những học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các bản xa.
Đây là nguồn động viên các em mỗi khi tết đến xuân về để các em có thêm sức mạnh mà học tập. Giá trị vật chất mỗi phần quà cho các em không lớn. Có thể chỉ là bộ quần áo mới, chiếc mũ len, đôi tất ấm... nhưng sự quan tâm của thầy cô đã nói lên tất cả niềm yêu thương và cổ vũ các em vượt qua mọi khó khăn.
Gần cuối năm, các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm khảo sát đối tượng học sinh ở xa trong các bản, sau đó lập danh sách để trường tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các em ngay tại nhà trước khi nghỉ tết. Dù đường núi vất vả nhưng các thầy cô vẫn lặn lội đến từng gia đình học sinh để mang hơi ấm đến cho học trò vùng cao mỗi khi xuân về.
Em Hoàng Thị Mừng (dân tộc Tày, Bảo Yên, Lào Cai) thổ lộ: "Em là học sinh nghèo, nhà ở xa nhưng năm nào tết đến, các thầy cô giáo đều lội suối vào tận nhà tặng quà, em cảm động lắm. Biết thầy cô quan tâm nên em cố gắng học tập thật tốt". Không riêng gì em Mừng, có lẽ em học sinh nào nhận được quà tết cũng cảm nhận được hơi ấm từ tấm lòng thầy cô. Tổ chức tặng quà tết cho học sinh xong, thầy cô vùng cao lại vội vàng thu dọn đồ đạc để về quê ăn tết.
Theo Tuoitre
Người truyền bá văn hóa Việt trên đất nước chùa Vàng Ngoài công việc chính dạy tiếng Việt tại Đại học Chulalongkorn, chị Thúy Hà còn là người sáng lập Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt, trung tâm đầu tiên tại Bangkok, Thái Lan. - Chào chị, cơ duyên nào đưa chị đến với đất nước Thái Lan và trở thành giáo viên giảng dạy tại ĐH Chulalongkorn? - Sau khi tốt...