Thầy cô cùng chuyển động
Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo TPHCM đã chủ động, đi đầu trong việc tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy.
Những tiết học truyền thống dần dần được “công nghệ hóa” qua bảng tương tác, video, hình ảnh sinh động, ứng dụng phương pháp giáo dục STEM… để tăng hiệu quả giờ học.
Cô Nguyễn Thị Liễu tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lí khối tiểu học về vận dụng phần mềm OneNote – Ảnh: P.Nga
Ứng dụng tối đa CNTT
Giành giải Nhất tại cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2014; là một trong ba giáo viên của Việt Nam được tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu tổ chức tại Mỹ; đồng thời là chuyên gia giáo dục của Microsolf, cô Nguyễn Thị Liễu, Trưởng chương trình GD phổ thông của Bộ GD&ĐT tại Trường Quốc tế Việt Úc cho biết: “Sự phát triển của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho giáo viên, nhà quản lý trong việc tận dụng tính ưu việt của nó vào giảng dạy, quản trị nhà trường.
Mặc dù công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, nhưng nếu tận dụng tốt, nó sẽ đem lại tiết học hiệu quả, tạo hứng thú cho học sinh. Qua đó, giúp các em chủ động trong học tập, tham gia tích cực vào bài học, có những sản phẩm sáng tạo”.
Khi còn công tác tại Trường THCS Đức Trí (quận 1), cô Nguyễn Thị Liễu chính là người truyền lửa giúp các giáo viên trong trường tích cực tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Dù bận rộn với công tác quản lý, nhưng cô đã chủ động triển khai cho học sinh của trường tham gia tiết học kết nối với học sinh Sri Lanka, Ấn Độ về chủ đề văn hóa, ẩm thực; trao đổi trực tuyến với học sinh Phần Lan về địa lý, văn hóa qua phần mềm Skype…
Sau khi chuyển qua làm công tác quản lý tại Trường Việt Úc, cô tiếp tục thực hiện nhiều dự án dạy học hiệu quả, triển khai các tiết học kết nối như với chuyên đề giáo dục giới tính. Học sinh của nhà trường được kết nối trực tuyến, trò chuyện online cùng cô Nguyễn Thị Hiệp Tuyết – bác sĩ, giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
Dự án bảo vệ môi trường có tên Hành động vì biến đổi khí hậu tham gia kết nối với nhiều học sinh các nước trên thế giới… Cô cũng vinh dự được Sở GD&ĐT TPHCM mời tập huấn cho các giáo viên, cán bộ quản lý (khối tiểu học) của các quận, huyện về ứng dụng OneNote trong quản lý hồ sơ điện tử, cũng như được nhiều cơ sở GD trên địa bàn TPHCM mời tập huấn về việc ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý.
“Với sự phát triển nhanh của công nghệ, bản thân tôi cho rằng, đến lúc người thầy chúng ta phải thay đổi, không chỉ là soạn giáo án và lên lớp mà phải tự trang bị cho mình kiến thức ngoại ngữ, tin học, các kĩ năng mềm… để trở nên đa năng hơn trên con đường đưa học trò của mình tiếp cận tri thức.”
Thầy Đức Anh
Video đang HOT
Từng triển khai nhiều dự án dạy học cho học sinh như Học văn từ cuộc sống; Có thư ngoài cửa… thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cho biết, mỗi dự án ngoài việc bảo đảm cho học sinh về mặt kiến thức, trải nghiệm thú vị về cuộc sống, rèn các kỹ năng, việc ứng dụng CNTT như cho các em làm video ngắn, clip ngắn, dựng phim hay trao đổi thông tin, báo cáo công việc qua nhóm online luôn được thầy chú trọng.
Bên cạnh đó, thầy Đức Anh cũng lập trang cá nhân, trực tuyến trò chuyện, trao đổi, giúp học sinh ôn tập, ôn thi; tận dụng kênh YouTube để đăng tải các clip hướng dẫn học sinh ôn tập theo từng chủ đề của môn Ngữ văn…
Học sinh Trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Phú Nhuận) tham gia tiết học kết nối với học sinh nước ngoài với chủ đề Hành động vì môi trường. Ảnh: P.Nga
Chủ động bắt kịp với thời cuộc
Sự phát triển của CMCN 4.0, tạo ra nhiều cơ hội cho đội ngũ nhà giáo ứng dụng những ưu việt của nó vào giảng dạy. Bên cạnh đội ngũ nhà giáo trẻ, nhiều giáo viên dù tuổi đã lớn nhưng vẫn chủ động tìm tòi, tiếp cận để đổi mới sáng tạo trong từng tiết dạy.
Nhiều năm qua, Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Lài, Tổ trưởng tổ Lý, Hóa, Sinh của Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), luôn được nhà trường đánh giá cao trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, quản lý tổ chuyên môn. Cô từng tham gia rất nhiều cuộc thi như thiết kế bài giảng E-Learning; dạy học theo chủ đề tích hợp cấp quốc gia…
Ở tuổi 54, cô Lê Thị Lài vẫn luôn chủ động trang bị kĩ năng tin học cho mình, tìm tòi học hỏi để ứng dụng CNTT vào các chuyên đề dạy học, quản lý trực tuyến tổ chuyên môn hiệu quả… Ngoài ra, cô còn vận dụng sự phát triển của mạng xã hội để lập nhóm trao đổi về công việc với đồng nghiệp, kết nối với học sinh, phụ huynh.
Cũng giống như đồng nghiệp của mình, ở tuổi ngoài 50, cô Nguyễn Thị Phương Nam, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), không ngần ngại tiếp cận những tiến bộ CNTT để phục vụ cho việc dạy học như sử dụng thuần thục bảng tương tác, ứng dụng phần mềm ôn tập trực tuyến, kết nối với học trò, phụ huynh qua mạng xã hội; dạy học tích hợp…
Cô cho rằng, là giáo viên, dù ở độ tuổi nào, vẫn phải chủ động tìm hiểu cái mới, cái hay để phục vụ cho công việc của mình. Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, phải công nhận rằng, các bạn trẻ sẽ có những thuận lợi hơn, nhưng giáo viên lớn tuổi cũng không thể lấy lý do tuổi tác để… ỷ lại.
Bên cạnh dạy học hiệu quả, tận dụng sự phát triển của CNTT vào quản lý lớp học cũng được nhiều giáo viên áp dụng. Để quản lý lớp do mình chủ nhiệm, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã thành lập một cổng thông tin của riêng lớp. Trang web được xây dựng trên nền tảng thiết kế web miễn phí của Google có tên là Google site hay quản lý lớp qua trang Facebook.
Từ việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, rất nhiều giáo viên tại TPHCM đã triển khai nhiều dự án, phần mềm dạy học hiệu quả như phần mềm học Lịch sử trực tuyến cho học sinh tiểu học của thầy Vũ Hoàng Sơn; học Ngữ văn qua game Pokemon của cô Trịnh Thị Minh Hương…
Thảo Nguyên
Theo GDTĐ
Giáo dục STEM: Gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Điều này phù hợp với cách tiếp cận tích hợp trong Chương trình GDPT mới.
HS Trường Nguyễn Siêu tham gia cuộc thi "Cùng robot chung tay xử lý rác thải". Ảnh: Lê Đăng
Khuyến khích các trường mạnh dạn đổi mới
Từ năm 2014, Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội đồng Anh triển khai thí điểm chương trình giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Nam Định. Đến nay giáo dục STEM được xem xét đưa vào đại trà trong Chương trình GDPT mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của STEM là gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học. Để giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế, các em thỏa sức với những đam mê của mình, các nhà trường đã thành lập ra những câu lạc bộ (CLB): Tái chế, Sáng tạo, Nhà sinh học trẻ, Robotic...
Tại ngày hội STEM của học sinh Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội), các em đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, thiết thực với cuộc sống như máy nhặt rác
Ecorobot, thùng phân loại rác tự động (kim loại - phi kim), giải pháp tuần hoàn rác hữu cơ, chiếc thuyền vớt rác... Em Nguyễn Phú Lộc, lớp 10F1, cho biết: Cuộc thi năm nay của trường là sáng tạo robot với chủ đề "Cùng robot chung tay xử lý rác thải". Nhiêm vu cua cac đôi chơi la thiêt kê robot thu gom rác thải ở sân trường về nhà máy xử lý, tái chế rác thải. Sau 2 - 3 tuần lắp ghép từng bộ phận, đấu nối và lập trình, các robot sẽ tham gia phân loại rác thải theo đúng vị trí của nó. Nguyên liệu lắp ghép do các em tự tìm kiếm, lắp ghép dưới sự hướng dẫn của thầy cô.
Thầy giáo Hoàng Văn Hiệp cùng học sinh trong ngày hội STEM
Cách tiếp cận tích hợp trong Chương trình GDPT mới
Trong những năm học qua, các đơn vị trường học trên địa bàn vùng cao huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã triển khai dạy học theo định hướng tiếp cận giáo dục STEM. Mặc dù bước đầu còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng các trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cô Nông Thị Thương, GV Trường THCS số 1 Phố Ràng cho biết, hiệu quả của các tiết dạy học theo mô hình giáo dục STEM đã xóa đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, các em được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Các em được làm việc cá nhân hoặc hoạt động theo nhóm để tạo ra sản phẩm gắn với kiến thức lí thuyết môn học.
Ngoài ra, các tiết học STEM đã tạo ra một phong cách học tập mới cho học sinh, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị, biết cách mở rộng kiến thức, cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống mà người học đang phải giải quyết. Điều này phù hợp với cách tiếp cận tích hợp trong Chương trình GDPT mới.
Dựa vào kiến thức bài tam giác và đường tròn trong môn Toán học, kiến thức môn Công nghệ, các em tạo ra biển báo giao thông, làm các loại hộp bút, đèn treo tường, đèn ông sao... Theo cô Nông Thị Thương, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra. Các kiến thức và kĩ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lí mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Chuẩn bị những kỹ năng và kiến thức theo chuẩn toàn cầu
Nhằm thúc đẩy việc triển khai công tác giáo dục về STEM trong chương trình GDPT mới, thời gian qua, các Sở GD&ĐT, nhà trường đã lan tỏa chương trình tập huấn STEM cho GV. Chương trình tập huấn nhằm cung cấp cho giáo viên phương pháp hỗ trợ học sinh nâng cao kiến thức chuyên môn và liên môn, phát triển tư duy, kỹ năng làm việc nhóm cũng như cá nhân trong quá trình học tập.
PGS.TS Mai Văn Hưng, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho biết: Chúng ta đang sống trong thời đại hòa nhập giữa các quốc gia có văn hóa khác nhau. Nhu cầu trao đổi công việc và nhân lực ngày càng cao. Trong bối cảnh như vậy, ngành GD cũng cần chuẩn bị cho HS những kỹ năng và kiến thức theo chuẩn toàn cầu.
Giáo dục STEM với nhiệm vụ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21 đang và sẽ là mô hình giáo dục diện rộng trong tương lai của thế giới. Phương pháp giáo dục STEM là phương pháp giáo dục mới và có phương pháp tiếp cận khác trong giảng dạy và học tập, nên cần được sự quan tâm và nhận thức của toàn xã hội. Học STEM để đón đầu xu hướng phát triển giáo dục tiên tiến, là bước đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển đất nước trong tương lai.
Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, trong nền giáo dục không có công nghệ và kỹ thuật thì HS chỉ được trang bị những kỹ năng về lý thuyết, về khái niệm, nguyên lý, công thức, định luật mà không được trang bị kiến thức để áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy việc kết hợp các kỹ năng về STEM ngày càng trở nên quan trọng trong thế kỷ 21.
Thầy giáo Hoàng Văn Hiệp, GV môn Công nghệ, Trưởng phòng STEM 1, Trường Nguyễn Siêu cho biết: Ngày hội STEM năm nay của nhà trường có chủ đề thu gom rác thải. HS có rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Mỗi lớp có 1 sản phẩm dự thi mang đến những ý tưởng riêng. Hoạt động STEM gắn với chủ đề cụ thể giúp HS chủ động hơn trong tiếp thu kiến thức, không phụ thuộc vào GV, vào sách vở. Các em chủ động ý thức, tìm tòi kiến thức trên mạng, trong sách vở để cho ra đời những sản phẩm gắn với thực tiễn.
Đăng Huyền
Theo GDTĐ
Đưa học sinh trường làng ra thế giới nhờ công nghệ Một chiếc máy tính có kết nối internet đã có thể mở ra một thế giới mới, giúp kết nối học sinh một trường học nông thôn với học sinh khắp năm châu. Đây là ý tưởng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tiếng Anh của cô Trần Thị Thúy, giáo viên trường THPT Đức Hợp (huyện Kim Động, tỉnh...