Thầy cô ăn mì tôm để dọn dẹp trường lớp sau cơn lũ dữ
Sau 4 ngày bị nước lũ bủa vây, nhiều trường học tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị cho công tác giảng dạy trở lại.
Ngày 9/11, mực nước trên sông Hương, sông Bồ (Huế) tiếp tục giảm dù tối hôm trước nước trên các sông có dấu hiệu lớn trở lại.
Tại các vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền, nước đã bắt đầu rút. Các trường học trên địa bàn huyện này tất bật dọn dẹp vệ sinh sau lũ chuẩn bị đón học sinh trở lại sau thời gian nghỉ học vì lũ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 1 Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) cho biết, ngay sau khi nước rút, các thầy cô đã dọn vệ sinh.
Chiều 8/11, trường Quảng Vinh cơ bản đã được dọn dẹp.
Tuy nhiên, tối cùng ngày lũ tiếp tục lên nên sáng 9/11 giáo viên trong trường tiếp tục xịt nước vệ sinh phòng học, lau chùi, kê dọn lại bàn ghế.
Theo cô Bình, trong những ngày lũ trường luôn có giáo viên túc trực để theo dõi tình hình.
Ngay khi lũ tan, dù sân trường vẫn còn ngập nước các giáo viên đều đã được huy động để dọn vệ sinh.
Do công tác đối phó với lũ chuẩn bị kỹ càng nên đồ dùng học tập và sách vở của học sinh không bị ảnh hưởng.
Tại trường Tiểu học số 1 Quảng Phước, trong sân nước vẫn còn ngập sâu đến đầu gối, nhưng giáo viên của trường vẫn dọn vệ sinh.
Theo ghi nhận của phóng viên, do nằm ở vị trí thấp trũng, sát sông nên khi lũ đi qua trong trường có một lớp bùn non khá dày.
Giáo viên phải dùng xô múc nước để vệ sinh, phải rất vất vả mới có thể dọn dẹp được số bùn nói trên.
Cô Lê Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trận lũ vừa rồi các lớp học trong trường bị ngập từ 10-15cm.
Ngay sau khi nước rút, giáo viên đã đến trường để dọn vệ sinh, kê dọn trang thiết bị dạy học, sắp xếp lại bàn ghế.
Đồng thời phối hợp với đội ngũ y tế xã Quảng Phước vệ sinh, tiêu độc môi trường xung quanh trường.
Vì công việc khá nhiều nên giáo viên của trường này ở lại luôn tại trường ăn vội gói mì gói để tiếp tục công việc cho buổi chiều. Cô Loan cho hay, thứ 2 đến trường sẽ giảng dạy trở lại.
Video đang HOT
Trong khi đó, tại huyện Phú Lộc, trên 10.000 học sinh ở 73 trường đã đi học trở lại.
Trước đó, các trường huy động cán bộ, giáo viên, học tập trung tổng vệ sinh, cào lớp bùn non.
Ở thị xã Hương Thủy, hiện 34/46 trường đã đi học trở lại. Một số trường ở các vùng trũng vẫn chưa quay trở lại giảng dạy.
Ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường vệ sinh phòng học, khắc phục hậu quả để việc học không bị gián đoạn.
Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận công tác làm vệ sinh tại các trường:
Giáo viên trường Tiểu học số 1 Quảng Vinh dùng nước làm sạch nền nhà.
Dùng chổi để lau nền lớp học.
Bàn ghế kê lên tránh lũ được đưa xuống để chuẩn bị cho học sinh vào học.
Thầy cô giúp nhau làm vệ sinh trường lớp sau cơn lũ.
Lớp học sạch bóng sau khi được thầy cô dọn dẹp.
Cô giáo trường Tiểu học số 1 Quảng Phước dọn bùn sau lũ.
Nước lũ rút để lại lớp bùn đen trên nền nhà.
Hai thầy trường Tiểu học Quảng Phước mang loa về lại lớp sau khi được kê lên vì lũ.
Nước lũ vẫn còn “ngấp nghé” bên ngoài trường Quảng Phước.
Dùng nước để tẩy rửa hành lang lớp học bị bùn bám đặc.
Cô Lan Hiệu trường trường Quảng Phước (áo xanh) cùng các giáo viên dọn vệ sinh sau lũ.
Dùng bếp lò nhóm lửa nấu mì gói ăn trưa và tiếp tục công việc dọn vệ sinh trường lớp vào buổi chiều.
Giáo viên trường Quảng Phước lót dạ buổi trưa bằng mì gói.
Theo GDVN
Công trình hơn 18 tỷ tan nát sau lũ: UBND tỉnh TT-Huế nói gì?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Văn Phương nói về vụ công trình Đập Đá tan nát sau lũ sau khi được cải tạo, nâng cấp hoàn thành chưa lâu.
Về vụ "Công trình hơn 18 tỷ tan nát sau lũ, dân nghi làm dối" gây xôn xao dư luận mà Dân Việt thông tin, chiều nay (9.11), lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã lên tiếng về vụ việc.
Công trình Đập Đá tan nát sau thời gian ngắn ngâm trong lũ. Ảnh: Trần Hòe.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, ngay sau khi xảy ra việc công trình Đập Đá (nối đường Lê Lợi và đường Nguyễn Sinh Cung ở TP.Huế) bị bong tróc lớp thảm nhựa, ông đã trực tiếp về kiểm tra. Ông Phương nói, công trình chỉ bị bong lớp thảm nhựa khoảng 150m2, còn về tổng thể thì không ảnh hưởng gì.
Theo ông Phương, khi được nâng cấp mở rộng, bề mặt Đập Đá được thảm một lớp bê tông nhựa trên nền đập cũ. Trước đây đập này từng có lần nước lũ tràn qua sau khi được nâng cấp nhưng không xảy ra vấn đề gì. Vậy nhưng sau khi bị ngâm lũ 3 ngày trong đợt mưa lũ vừa rồi thì lớp thảm nhựa bị bong tróc.
Ông Phương nói công trình bị hư hại như trên "nhìn thì đúng là phản cảm" nhưng "cũng là chuyện thường". "Thường là vì nếu nhìn về góc độ kỹ thuật, lớp thảm đó không bao giờ chịu nổi với cái áp lực nước sâu khoảng 2 mét"- ông Phương nhận định.
Về chất lượng thi công, ông Phương cho hay: "Không có vấn đề gì về nhà thầu, vì quy trình thảm, tính chất thảm đó không có gì để làm ẩu hết. Hai năm vừa rồi mặt đường rất tốt".
Ông Phương cho biết thêm, sau khi nước lũ rút, công trình Đập Đá sẽ được thảm lại lớp bê tông nhựa ở những chỗ bị hư hỏng.
Những vết nứt kiểu hàm ếch xuất hiện trên mặt đường sau lũ. Ảnh: Trần Hòe.
Như tin đã đưa, từ sáng 8.11, sau khi lũ rút, công trình Đập Đá lộ ra nhiều điểm hư hỏng nghiêm trọng khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình mới được cải tạo, nâng cấp này.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, sau khi lũ rút, mặt đường của đập xuất hiện nhiều ổ voi lớn, gây mất an toàn giao thông. Nhiều mảng bê tông nhựa lớn, có độ dày hơn 10cm, rộng từ vài mét đến hàng chục mét, bị bóc tách hoàn toàn khỏi nền đường.
Một đoạn mặt đường ở phía sông Hương bị xói lở tạo thành hàm ếch. Bên cạnh đó, những vết nứt xuất hiện và những ụ bê tông nhựa trồi lên khiến mặt đường bị cong vênh. Giao thông qua Đập Đá trong sáng 8.11 bị cản trở vì công trình này hư hỏng. Sự hư hại của công trình xảy ra chỉ sau thời gian ngắn ngâm lũ khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ về chất lượng.
Trước những câu hỏi của PV Dân Việt về chất lượng công trình, vị cán bộ của Sở GTVT tỉnh có mặt tại hiện trường chỉ nói "không lý giải nổi". Vị cán bộ này cho hay công trình mới chỉ được bàn giao cho Sở GTVT tỉnh quản lý, bảo trì vào khoảng giữa năm 2016.
Được biết dự án cải tạo Đập Đá có tổng số vốn hơn 18 tỷ đồng, do Ban Đầu tư và xây dựng của Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện nhằm cải thiện môi trường sinh thái, chất lượng nước và bổ sung nguồn nước tưới cho đất nông nghiệp toàn bộ hệ thống sông Như Ý; tăng cường khả năng thoát lũ cho hệ thống sông vùng nam sông Hương, đồng thời mở rộng mặt đập bảo đảm an toàn giao thông đường bộ qua Đập Đá.
Theo Danviet
Huế: Công trình hơn 18 tỷ tan nát sau lũ, dân nghi làm dối Vừa được cải tạo với số vốn hơn 18 tỷ đồng, nhưng chỉ sau thời gian ngắn ngập lũ, công trình Đập Đá ở TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã hư hỏng nghiêm trọng. Từ sáng 8.11, sau khi lũ rút, công trình Đập Đá (nối đường Lê Lợi và đường Nguyễn Sinh Cung ở TP.Huế) lộ ra nhiều điểm hư hỏng nghiêm trọng khiến...