Thầy cô “2 trong 1″ để kịp triển khai Chương trình mới
Theo kế hoạch, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới phải hoàn thành trước 1/5. Từ 1/5 đến 30/6, các nhà trường phải phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn, tập huấn để giáo viên nắm vững sách. Thời gian nghỉ khá dài vì dịch Covid-19 liệu có ảnh hưởng đến tiến độ này?
Giáo viên trao đổi về SGK mới.
Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên bị ảnh hưởng
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ tình hình thực tiễn của dịch bệnh để điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học; có thể từ 1 đến 2, thậm chí là 3 tuần nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và thời gian học sinh tạm nghỉ học tại địa phương kéo dài, để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả.
Việc điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học trên tinh thần hướng tới lợi ích của người học. Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để địa phương, cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch năm học, bố trí việc dạy học bù, bảo đảm yêu cầu kiến thức cho học sinh trước khi đi học trở lại.
Việc học sinh nghỉ học, theo PGS Nguyễn Xuân Thành, làm ảnh hưởng đến kế hoạch giáo dục chung của nhà trường, cũng như ảnh hưởng đến việc các trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, trong đó có việc lựa chọn sách giáo khoa và bồi dưỡng giáo viên.
“Theo kế hoạch, hoạt động bồi dưỡng với các nội dung trên sẽ tập trung vào dịp hè. Năm 2019, bồi dưỡng tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ cốt cán đã hoàn thành. Năm nay sẽ triển khai bồi dưỡng đại trà, có 3 mô đun quan trọng, đó là bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá và xây dựng kế hoạch giáo dục. Tuy nhiên, với tình hình này, khung thời gian năm học sẽ phải điều chỉnh, thời gian kết thúc năm học phải lùi lại một khoảng để nhà trường xây dựng kế hoạch học bù, đáp ứng yêu cầu chương trình, nên chúng tôi phải tính toán lại việc này.
Đối với các nhà trường, cần tranh thủ thời gian cho học sinh nghỉ học triển khai tập huấn đại trà mô đun 1 (Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018) cho toàn thể giáo viên theo phương thức kết hợp giữa học qua mạng và sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã được Bộ GD&ĐT bồi dưỡng cấp Trung ương trong năm 2019″ – PGS Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Video đang HOT
Tập huấn và nghiên cứu SGK mới là việc mà các giáo viên cần tập trung trong thời gian học sinh nghỉ học.
Xây dựng kế hoạch hợp lý
Mặc dù học sinh tạm nghỉ học, nhưng các cán bộ, giáo viên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong thời gian qua, các thầy cô đã cơ bản hoàn thành việc vệ sinh trường lớp để đảm bảo môi trường an toàn, sẵn sàng đón học sinh trở lại. Khoảng thời gian còn lại, bên cạnh việc duy trì vệ sinh trường lớp, một số việc nhà trường cần quan tâm triển khai thực hiện để bù lại khoảng thời gian nghỉ hè bị ngắn lại.
Nhấn mạnh điều này, PGS Nguyễn Xuân Thành gợi ý, trong thời gian học sinh tạm nghỉ vì dịch bệnh, các thầy cô trường tiểu học cần tập trung tổ chức sinh hoạt chuyên môn, họp tổ chuyên môn, làm một lúc 2 việc: Nghiên cứu tìm hiểu sách giáo khoa lớp 1, đồng thời cũng là nghiên cứu sâu hơn về chương trình, để tập huấn tại nhà trường của mình, chuẩn bị sẵn sàng triển khai chương trình mới.
“Thời gian này, các trường phải chuẩn bị việc lựa chọn sách giáo khoa cho tốt. Bản in và bản điện tử sách giáo khoa lớp 1 được các nhà xuất bản đưa lên mạng để mọi giáo viên, phụ huynh có thể dễ dàng tiếp cận. Thầy cô chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để thực hiện việc lựa chọn.
Cùng với đó, nghiên cứu sâu hơn về chương trình, để tập huấn tại nhà trường của mình, chuẩn bị sẵn sàng triển khai chương trình mới. Các tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD&ĐT đưa lên mạng, bao gồm tài liệu bản in dạng PDF, các video hướng dẫn của các báo cáo viên, các bài tương tác, các bài tập” – PGS Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Chúng tôi sẽ tổ chức hoạt động bồi dưỡng phù hợp trong thời gian học sinh được nghỉ học, đến giai đoạn hè, khi học sinh vẫn còn phải học vì kéo dài thời gian năm học, thầy cô không quá vất vả. - PGS Nguyễn Xuân Thành
Hiếu Nguyễn
Theo Giáo dục thời đại
Bộ GD-ĐT: Các trường đã học trực tuyến vẫn phải học bù
Những trường đã tổ chức dạy học trực tuyến kiến thức mới thì khi học sinh đi học trở lại, trường vẫn phải có kế hoạch bố trí dạy bù, khẳng định của đại diện Bộ GD-ĐT.
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM đang học trực tuyến môn toán ngày 6-2-2020 - Ảnh: NHƯ HÙNG
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - đã chia sẻ với Tuổi Trẻ trước nỗi lo của nhiều phụ huynh khi con phải "học từ xa" trong thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19.
Ông cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trong thời gian nghỉ phòng dịch, các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giữ liên hệ với học sinh để hướng dẫn học sinh tự ôn tập, giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện nhằm duy trì động lực học tập của học sinh.
Việc giao bài, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học và đánh giá từ xa có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như tổ chức học trực tuyến hay tổ chức bài học trên mạng.
Ngoài ra, các trường cũng có thể tổ chức cho học sinh tự học theo từng bài học do giáo viên giao rồi nộp lên mạng để giáo viên hướng dẫn, chấm, chữa bài. Hoặc giáo viên giao bài và gửi tài liệu cho học sinh trên mạng hoặc qua email, tin nhắn... để học sinh tự học theo hướng dẫn rồi nộp bài cũng theo hình thức đó...
Các hình thức nói trên cũng đã được các trường áp dụng để thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức dạy học. Tùy vào điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, nhà trường có thể sử dụng hình thức "giao tiếp" giữa giáo viên và học sinh cho phù hợp.
Tuy các hình thức khác nhau, cho phép trao đổi lượng thông tin (bài học) khác nhau, sự hấp dẫn, sinh động, thuận tiện cũng khác nhau nhưng đều chung mục tiêu là tổ chức cho học sinh tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức.
* Nhưng trên thực tế trong thời gian qua, có trường tổ chức học trực tuyến, học từ xa, nhưng có trường không làm được. Nếu xem đây là hình thức thay thế học ở trường thì rất nhiều học sinh sẽ bị thiệt thòi. Ông có chia sẻ gì trước lo lắng này?
- Bộ GD-ĐT đã đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn các em tự học theo tinh thần đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nói trên. Đặc biệt, không để các em học sinh bị thiệt thòi trong thời gian nghỉ học do không nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các trường tổ chức học trực tuyến hoặc hướng dẫn học từ xa mà không cần tổ chức học bù sau đợt nghỉ này. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể để các sở GD-ĐT triển khai kế hoạch dạy bù cho học sinh. Tùy theo tình hình cụ thể của từng nhà trường có thể xây dựng kế hoạch dạy học bù khác nhau, đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình với mọi đối tượng học sinh.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành
* Nhưng hiện có một số trường đã tổ chức cho học sinh học theo đúng thời khóa biểu và dạy kiến thức mới. Học sinh phải điểm danh, dự học đầy đủ. Như vậy có thể trường đó sẽ không tổ chức dạy bù khi học sinh trở lại trường?
- Việc xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh, tất cả các trường phải thực hiện. Trường hợp những nơi đã tổ chức dạy học trực tuyến kiến thức mới thì khi học sinh trở lại trường vẫn phải có kế hoạch bố trí dạy bù.
Các trường có thể thực hiện việc khảo sát, đánh giá học sinh qua thời gian tự học hoặc học trực tuyến để thiết kế nội dung dạy học bù đắp phần còn yếu, còn thiếu, bố trí đủ thời gian, phòng lớp học và giáo viên cho việc dạy bù.
Những nơi đã tổ chức dạy kiến thức mới bằng hình thức trực tuyến vẫn cần bố trí thời gian trên lớp. Để từ đó học sinh có cơ hội luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, giải đáp những nội dung học sinh còn thắc mắc, không hiểu.
* Theo ông, việc dạy trực tuyến có thể thay thế được dạy trực tiếp tại trường không?
- Việc dạy học trực tuyến tuy có những ưu điểm nhưng mới chủ yếu đáp ứng được mục tiêu trang bị kiến thức cho học sinh. Qua việc học trực tuyến, học sinh có thể tiếp nhận được kiến thức, luyện tập được một số kỹ năng trong các bài tập, tình huống học tập nhưng chưa có nhiều cơ hội để phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết.
Các phẩm chất, năng lực đó chỉ có thể được hình thành và phát triển một cách đầy đủ trong môi trường học tập có sự tương tác, giao tiếp, hợp tác và trải nghiệm cùng bạn bè, thầy cô. Vì vậy, việc dạy học trực tuyến với học sinh phổ thông không thay thế được hoàn toàn việc dạy học tại trường.
Theo tuoitre
Sách giáo khoa lớp 1: Lựa chọn theo từng môn học Trước băn khoăn của nhiều người về việc lựa chọn liệu việc lựa chọn SGK lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) tới đây, liệu các nhà trường, địa phương có nhất thiết phải chọn sách theo từng bộ hay không? PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho hay: lựa chọn...