Thấy bạn làm ăn thua lỗ, một cô gái bán thận để giúp đỡ
Chăm sóc người bạn thân thiết trong thời gian người này bán thận, thấy bạn làm ăn thua lỗ, một cô gái bán thận lấy tiền đưa cho bạn.
Ngày 23-8, TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Cường (SN 1980, ở Phú Thọ) mức án 13 năm tù về tội mua bán bộ phận cơ thể người.
Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Thị Phượng (SN 1988, ở Hải Phòng) nhận mức án 12 năm tù và bị cáo Mai Ngọc Nhã (SN 1993, ở Vĩnh Phúc) nhận án 7 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2021, Nguyễn Văn Cường có nhu cầu bán 1 quả thận lấy tiền để trả nợ. Sau khi tìm hiểu thông tin trên nhóm “Hội bán thận” và “Hội những người muốn hiến thận”, Cường đi khám sức khoẻ tổng thể, làm các xét nghiệm để bán thận. Tại đây, Cường quen biết Nguyễn Thị Phượng cũng đi bán thận.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV
Vì mục đích kiếm lời
Sau khi bán thận thành công, thấy nhiều người có nhu cầu mua bán thận, Cường và Phượng đã rủ nhau làm môi giới mua bán thận để hưởng tiền chênh lệch. Cường có trách nhiệm tìm người bán thận còn Phượng có trách nhiệm tìm người mua thận để cấy, ghép.
Video đang HOT
Kết quả điều tra xác định từ khoảng cuối năm 2022 đến tháng 6-2023, Cường và Phượng 9 lần môi giới mua bán thận để hưởng lời bất chính.
Trong đó, khoảng tháng 5-2022, do cần tiền để chi tiêu cá nhân, Mai Ngọc Nhã đã truy cập vào “Hội nhóm những người muốn hiến thận” để tìm hiểu thông tin.
Tại đây, Nhã thấy Phượng đăng thông tin tìm người có nhu cầu hiến thận nên đã kết bạn, trao đổi và thỏa thuận bán 1 quả thận với giá 380 triệu đồng. Phượng hẹn gặp Nhã tại một bệnh viện để làm các xét nghiệm.
Khi có các kết quả xét nghiệm của Nhã, Cường và Phượng đăng tải các thông tin lên mạng xã hội nhằm “rao bán” thận và tìm được 1 người ở Hải Phòng (hiện không xác định được lai lịch). Hai bên thoả thuận bán quả thận của Nhã cho người này với giá 825 triệu đồng.
Đến tháng 8-2022, ca ghép thận của Nhã cho người đàn ông ở Hải Phòng được thực hiện thành công tại một bệnh viện. Số tiền nhận được, Cường và Phượng trả cho Nhã 380 triệu đồng. Số tiền còn lại, hai bị cáo chi trả chi phí ăn ở, xét nghiệm và chia nhau.
Sau khi bán thận, bị cáo Nhã đặt vấn đề với Cường, Phượng và xin tham gia cùng môi giới mua bán thận. Bị cáo đã thực hiện 5 vụ môi giới mua bán thận.
Bán thận để có tiền cho người bạn thân thiết
Thời điểm Nhã bán thận thì chị Đỗ Thị Phương (SN 1995, ở tỉnh Vĩnh Phúc) là người chăm sóc cho Nhã. Chị Phương có mối quan hệ thân thiết với Nhã, thấy Nhã làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ nên chị Phương muốn bán thận lấy tiền đưa cho Nhã.
Từ việc chăm sóc Nhã, chị Phương quen biết với bị cáo Cường, Phượng và đề nghị bán thận. Hai bên thỏa thuận giá bán là 600 triệu đồng. Sau đó, Cường và Phượng đăng tin trên mạng và tìm được một người mua thận với giá 900 triệu đồng.
CQĐT xác định bị cáo Cường hưởng lợi 1,4 tỉ đồng, bị cáo Phượng hưởng lợi 1 tỉ đồng còn bị cáo Nhã hưởng lợi 312 triệu đồng.
Ngoài ra, CQĐT còn xác định từ tháng 6-2023 đến khi bị bắt giữ, Cường và Phượng còn thỏa thuận mua thận của một số người. Tuy nhiên, khi họ đi khám sức khỏe thì chưa đủ điều kiện để hiến thận, chưa chuyển tiền cho nhau và việc mổ ghép thận chưa được thực hiện. Vì vậy, CQĐT không đề cập xử lý đối với Cường và Phượng về hành vi trên.
Trong vụ án, những người bán thận, đều có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền để trang trải cuộc sống; những người mua đều là mắc bệnh hiểm nghèo về thận; việc mua bán thận của những người trên và thân nhân đều trên cơ sở tự nguyện. CQĐT không đề cập xử lý những người này về tội mua bán bộ phận cơ thể người.
Cẩn thận với những chiêu trò môi giới mua bán thận trên mạng Internet
Lợi dụng một số hội nhóm hỗ trợ hiến thận nhân đạo trên mạng xã hội, không ít đối tượng môi giới đã đăng thông tin công khai để tìm người mua thận, bán thận nhằm trục lợi.
Điều đáng nói, thời gian qua, có rất nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, thành về Thừa Thiên Huế để điều trị thận, ghép thận. Lợi dụng tình trạng này, nhiều đối tượng môi giới lân la nhằm móc nối giữa người mua với người bán để hưởng chênh lệch hàng trăm triệu đồng/quả thận...
Qua tìm hiểu của PV Báo CAND, trên một số trang mạng xã hội hiện có rất nhiều hội nhóm liên quan đến hiến ghép thận. Tại một trang fanpage Facebook hỗ trợ hiến thận tại Huế với hơn 4K thành viên tham gia đang hoạt động, có nhiều tài khoản công khai đăng thông tin với nội dung tìm người hiến thận. Chẳng hạn tài khoản H.L đăng tin: "Mình vẫn nhận anh chị em nào muốn HT (hiến thận - PV) để làm lại từ đầu hay muốn lập nghiệp mà chưa có vốn thì liên hệ cho mình tư vấn ạ". Hay tài khoản V.M.N đăng thông tin: "Cùng đường cần hiến thận, nữ cần tư vấn". Còn tài khoản L.M.M đăng: "Bạn nào đang bế tắc không có tiền xoay xở muốn HT (hiến thận- PV) để trả nợ lo cho gia đình thì liên hệ mình tư vấn hay"...
Đối tượng Trần Việt Thành khai nhận hành vi phạm tội tại cơ quan điều tra.
Trong nhóm vừa kể, các bài viết cần tìm người hiến thận được đăng tải liên tục. Theo chia sẻ của một người từng bán thận, trước tiên muốn bán thì cần phải làm xét nghiệm nhóm máu, siêu âm tổng quát ổ bụng, kiểm tra chức năng gan, thận. Sau khi có kết quả xét nghiệm, người hiến thận phải gửi cho các đối tượng môi giới kiểm tra. Khi đạt yêu cầu, các đối tượng sẽ liên hệ lại để thực hiện giao dịch. Người môi giới thường ra giá cho người bán thận với khoảng 350 - 450 triệu đồng/quả thận. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề với người mua thì 1 quả thận sẽ được đẩy lên giá dao động từ 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng.
Trước thực trạng các đối tượng môi giới mua bán thận ngang nhiên hoạt động, thời gian qua, Công an Thừa Thiên Huế đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thận trên địa bàn. Điển hình và gần đây nhất, vào cuối năm 2023, từ quá trình trinh sát trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện Trần Tuấn Anh (SN 1992, trú tỉnh Hà Nam) và Trần Việt Thành (SN 1996, trú tỉnh Bắc Cạn) tham gia đường dây tổ chức mua bán thận. Tuấn Anh nắm được tỷ lệ người mắc bệnh thận, hư thận ngày càng cao và nhu cầu ghép thận rất lớn. Bệnh viện Trung ương (BV T.Ư) Huế là một trong số ít tỉnh, thành thực hiện thành công nhiều ca ghép thận, trong khi đó chi phí lại thấp hơn so với việc ghép thận ở các tỉnh, thành lớn. Vì vậy, nhiều bệnh nhân, người nhà sinh sống ở miền Trung - Tây Nguyên, kể cả một số người bệnh ở khu vực phía Bắc, phía Nam cũng đến Huế để tìm hiểu ghép thận.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2018, Tuấn Anh đến Khoa Thận BV T.Ư Huế để tìm kiếm bệnh nhân có nhu cầu ghép thận rồi để lại số điện thoại và rao giá bán 1 quả thận từ 800 triệu đến 1,3 tỷ đồng. Qua xác minh, từ năm 2018 đến nay, Tuấn Anh đã tổ chức 8 ca ghép thận tại BV T.Ư Huế, trong đó có 4 ca thành công. Ngoài ra, Công an còn phát hiện thêm 2 đối tượng là Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1986, trú tại tỉnh Quảng Bình) và Nguyễn Văn Ninh (SN 1998, trú tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đưa những trường hợp bán thận về nuôi tập trung tại một nhà trọ ở Thừa Thiên Huế để làm các xét nghiệm, thủ tục, giấy tờ. Mỗi ca ghép thận có giá từ 900 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng. Trong số tiền này, người hiến nhận được 450 triệu đồng. Công an xác định từ năm 2020 đến nay, Hà đã môi giới cho khoảng 18 trường hợp, trong đó có 3 ca phẫu thuật, ghép thận thành công. Riêng đối tượng Ninh môi giới thành công 5 ca ghép thận. Công an đã khởi tố 4 bị can gồm: Trần Tuấn Anh, Trần Việt Thành, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Văn Ninh về tội "Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người".
Bên cạnh một số bệnh nhân mua thận thành công để ghép thì rất nhiều người bệnh đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để mua thận nhưng đến "phút chót" không thành công để rồi tiền mất tật mang. Cuối tháng 2 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử Nguyễn Thanh Tú (SN 1982, trú TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1990, trú huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre), Phạm Lê Tuấn Anh (trú TP Huế, Thừa Thiên Huế) về tội "Mua, bán bộ phận cơ thể người".
Theo hồ sơ vụ án, Tú và Nghĩa từng là bệnh nhân được hiến, ghép thận nên cả hai đều am hiểu về quy trình hiến, ghép thận. Đồng thời, thông các mối quan hệ xã hội, Tú và Nghĩa biết được hoạt động môi giới mua bán thận dưới hình thức hiến tặng thận đang diễn ra trên thực tế và quá trình trao đổi thông tin, tặng cho, mua bán đang diễn ra trên không gian mạng nhằm giúp cho các bên có nhu cầu mua bán thận tiếp cận để thỏa thuận. Chỉ trong thời gian ngắn, Tú và Nghĩa đã thực hiện môi giới mua bán thận cho nhiều trường hợp. Đơn cử, thông qua mạng xã hội, Nghĩa và Tú đã tìm được Nguyễn Đình Th (SN 1990, trú tại xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) - người đồng ý bán thận cho anh Phan H. (SN 1988, trú phường Hương Hồ, TP Huế) đang bị suy thận giai đoạn cuối đang điều trị tại BVT.Ư Huế. Nghĩa chốt giá với Th 1 quả thận có giá 360 triệu đồng. Sau đó, báo với anh H là quả thận có giá 800 triệu đồng. Anh H đồng ý và đưa trước số tiền 330 triệu đồng cho Nghĩa và Tú. Tuy nhiên, khi gia đình Th biết chuyện nên không đồng ý. Do không được ghép thận, H liên hệ với Tú và Nghĩa để xin lấy lại tiền thì chỉ được trả lại 35 triệu đồng nên H đã trình báo cơ quan Công an.
Tương tự, chị Lê Thị Lan H. (SN 1971, trú huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cần mua thận để ghép nên liên hệ với Tú. Thông qua mạng xã hội, Tú biết được Nguyễn Anh Th. (SN 1991, trú TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) có nhu cầu bán và thỏa thuận mua 1 quả thận với số tiền 450 triệu đồng. Sau đó, Tú báo với chị H, giá 1 quả thận là 950 triệu đồng và việc khám, xét nghiệm diễn ra tại BVT.Ư Huế. Chị H và chồng chuyển trước cho Tú 500 triệu đồng. Sau đó, sự việc bị Công an phát hiện nên việc ghép thận giữa Th và chị H chưa thực hiện được. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm do TAND TP Huế (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức, Tú và Nghĩa vẫn chưa trả lại số tiền hơn 1 tỷ đồng đã nhận của các bị hại mua thận... TAND TP Huế đã tuyên phạt Tú 7 năm tù và Nghĩa 5 năm tù về tội "Mua, bán bộ phận cơ thể người". Riêng Phạm Lê Tuấn Anh không vì mục đích tư lợi cá nhân mà chỉ xuất phát từ sự đồng cảm với người bệnh, Tòa tuyên phạt Tuấn Anh 2 năm tù cùng tội danh nói trên nhưng cho hưởng án treo.
Theo cơ quan Công an, tội phạm lợi dụng nhu cầu được ghép thận của nhiều người trong xã hội để thực hiện việc môi giới, lừa đảo đang có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy, người dân có nhu cầu nhận thận, hiến thận cần đến các cơ sở y tế tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô, bộ phận hiến tặng, chờ cơ hội được ghép nội tạng; tuyệt đối không tự ý làm quen, đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội, qua dịch vụ và các đối tượng không phải là cán bộ, y tá, bác sĩ thuộc các bệnh viện chuyên khoa thận. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan Công an, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để người dân nắm được đầy đủ. Đồng thời, khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến, tặng mô với ý nghĩa nhân đạo cho những người mắc bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe.
Mua bán thận "núp bóng" hợp đồng tư vấn chăm sóc sức khỏe Những năm gần đây, nhiều đối tượng môi giới mua bán thận đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, thế nhưng, do lợi nhuận cao, 1 quả thận khi mua có giá khoảng 350-400 triệu đồng thì khi qua tay môi giới đến người ghép có giá từ 1 tỷ đến 1,3 tỷ đồng. Vì vậy, nhiều đối tượng ở khắp...