Thật đến xót xa
Tất cả đều khẳng định rằng, giờ ấy, ngày ấy, chuyến bay ấy, có một người đàn ông tên là Haru sẽ đáp xuống Tân Sơn Nhất, mà không muốn thông báo với Lam sự có mặt của mình…
Từ môi trường làm việc, Lam chợt tình cờ quen biết Haru. Người đàn ông đến từ đất nước mặt trời mọc ấy gây cảm tình bởi sự nhẹ nhàng chân thật, ánh mắt thẳng thắn, cả cách đối đãi với Lam cũng ân cần tinh tế. Vốn liếng tiếng Anh không mấy xuất sắc nhưng cũng đủ để Lam thường xuyên trò chuyện với Haru, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại.
Haru sống trong căn hộ rất đẹp, thuộc về một dinh thự lộng lẫy do công ty anh thuê trọn gói. Khuôn viên rợp bóng cây, được chăm chút cẩn thận. Tất cả tọa lạc trong một khu nhà ở sang trọng, nơi nhiều người nước ngoài sinh sống. Chỉ một lần duy nhất lui tới chốn ấy, đủ khiến Lam không khỏi choáng ngợp, ao ước. Giá mà…
Người đàn ông ấy sống trong một căn hộ sang trọng… (Ảnh minh hoạ)
Haru là trưởng đại diện của một tập đoàn phân phối sản phẩm dành cho nông nghiệp, có chi nhánh tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Anh mới công tác tại Việt Nam đâu chừng hơn một năm và quen biết Lam được một nửa quãng thời gian ấy. Thu nhập, như có lần Lam chợt tình cờ tìm hiểu được, là rất cao so với mức sống của người bản xứ. Yếu tố này càng đặc biệt thu hút đối với một phụ nữ làm môi giới bất động sản như Lam. Tuy chăm chỉ, chịu khó nhưng hình như Lam chẳng được may mắn trong nghề. Cơ hội thăng tiến lẫn chốt đơn hàng quá hiếm hoi, khiến Lam hơi chật vật để duy trì mức sống tươm tất. Mà thời buổi bây giờ, người ta hơn nhau cũng vì cái vỏ bề ngoài…
Mấy năm nay, Lam mạnh dạn thuê hẳn một căn hộ cao cấp ba phòng ngủ, giá mỗi tháng hơn ngàn đô, trong một tòa chung cư thuộc hàng đỉnh rồi chia lại phòng cho hai cô gái trẻ khác, kiếm chút chênh lệch mua cây son, hộp phấn.
Mai, thế hệ 9x đời giữa, chọn căn phòng lớn nhất, suốt ngày quanh quẩn mua sắm, chơi game, tới các phòng tập thể thao rồi đi ngủ. Sau này thân hơn, Mai kể, cô sống bằng tiền chu cấp của người tình ngoại quốc. Anh ấy người Úc, gốc Ấn, hằng tháng đều đặn bay qua thăm Mai vài tối, rồi về. Anh đối xử với Mai khá rộng rãi, còn cho cô tiền mua một mảnh đất nhỏ phòng thân. Đợt rồi, Mai tỏ ý muốn đổi chiếc xe máy mới, anh ấy cho Mai hẳn một cái ô tô loại thường. Vậy là tốt lắm rồi. Cả nhà Mai vẫn nghĩ cô đi làm và có thu nhập tốt nên mới thường xuyên phụ giúp gia đình như thế. Mai tính tình dễ chịu, cởi mở, tỏ ra vô cùng thân thiện hợp tính với Lam. Hai chị em vẫn hay trò chuyện vào buổi khuya, khi Lam trở về và đổ hết hỉ-nộ-ái-ố trong ngày ra với cô gái
nhỏ ấy.
Khách trọ thứ hai trạc tuổi Lam, cũng có người tình người nước ngoài, một anh châu Á đi đi về về như đi chợ. Không hay chia sẻ như Mai nhưng cô cũng úp mở để Lam hiểu rằng họ tự hào với những gì đang có. Chẳng phải vướng bận lo toan về kinh tế, lại dễ dàng đi du lịch miễn phí đó đây, cuộc sống xa hoa như phim ảnh ấy đương nhiên là đáng hãnh diện rồi. Đó vừa là mốt cặp bồ thời thượng, vừa nhàn hạ sung sướng, vừa có thể cải thiện khả năng ngoại ngữ của mình.
Những cô gái ấy chẳng phải vướng bận lo toan về kinh tế, lại dễ dàng đi du lịch miễn phí đó đây. (Ảnh minh hoạ)
Phần Lam là phòng ngủ nhỏ nhất, nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi, so với cuộc sống của một cô gái độc thân thì quả là quá tốt rồi. Nệm êm gối thơm, Lam nằm nhâm nhi chén yến sào, thả tầm nhìn ngút mắt và nghĩ: đúng là có tiền sướng thật.
Xuất thân từ tỉnh lẻ, Lam xong đại học thì kiếm việc làm, cố gắng bám trụ lại thành phố này. Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng nhưng cũng không khiến cho Lam nhụt chí. Tiền bạc kiếm bao nhiêu cho đủ, quan trọng là mình biết bằng lòng. Gần ba mươi tuổi, thâm tâm Lam biết mình có phần nóng ruột, muốn tìm một chỗ dựa vững vàng và phù hợp. Mà sao khó quá…
Không sở hữu vẻ đẹp quá mức rạng ngời nhưng Lam trông cũng cao ráo dễ coi. Mắt to, da đẹp, đôi bàn tay mướt rượt. Trải qua vài mối tình ấm ớ với các anh chàng cùng trang lứa, nhìn lại tấm gương của hai cô gái chung nhà, Lam rút ra kết luận, đừng trông mong gì ở các nam tử đại trượng phu quanh mình. Họ quá trẻ trâu, ít hoài bão, lại ky bo. Đúng hơn là họ chẳng đủ tiềm lực để vung tay bao bọc mình. Không giống như đàn ông ngoại quốc, luôn sẵn sàng móc hầu bao cho các cuộc hẹn hò, lại biết chiều chuộng, tâm lý. Lam cũng từng mấy đợt tìm hiểu với “giai ngoại” mà rồi cũng không tới đâu. Lam tự an ủi, là do duyên mình chưa tới thôi mà…
Haru là người đầu tiên khiến Lam mơ màng nghĩ tới một mối quan hệ lâu dài gắn bó hơn. Tuy Haru chẳng độc thân nhưng có hề gì. Xung quanh, bao cô gái trẻ khác vẫn chấp nhận làm một người tình để dành, trải đời trong những căn hộ cao cấp, chờ đợi từng chuyến bay, từng đợt viếng thăm ngắn ngủi đấy thôi. Huống gì Haru làm việc ngay tại đây, vài ngày thì cùng ăn một bữa tối lãng mạn, ngồi quán cà phê ngắm cảnh phố phường. Tuy chẳng thể nghĩ tới việc danh chính ngôn thuận, song với Lam, thế cũng đủ mãn nguyện. Lam hình dung cảnh hồ hởi khoe với hai chân dài chung nhà là mình đã gia nhập hội “người ấy là trai ngoại”. Cảm giác hoan hỉ, thích lắm!
***
Video đang HOT
Sân bay quốc tế Manila buổi đêm mà vẫn đông đúc. Chọn giá rẻ nên Lam hầu như mất cả đêm trắng cho một chuyến bay chưa tới ba giờ đồng hồ. Lúc tự quẹt thẻ mua vé, Lam nghĩ, có hề gì. Ta đâu phải thợ mỏ. Cứ từ từ, mọi chuyện mới bắt đầu thôi mà, so đo tính toán thiệt hơn làm gì. Mười triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi mua vội cũng chẳng tới mức Lam không xử lý được. Từng vài lần đi du lịch tự túc nhưng chẳng hiểu sao, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, Lam vẫn thấy có chút hồi hộp lo âu. Cảm giác một mình lạc lõng ở một đất nước xa lạ vẫn làm Lam như thấy mình nhỏ bé, bị lãng quên. Nhất là khi Haru tới trễ so với giờ hẹn hơn một giờ đồng hồ…
Đây là lần đầu tiên Lam liều mình đến vậy – gật đầu đi thăm một người đàn ông chưa từng hứa hẹn gì, ở nơi Haru vừa bị điều chuyển công tác. Haru không giải thích lý do, chỉ than phiền là gặp bất lợi, tháng trước thông báo với Lam là phải qua Philippines nhận nhiệm sở mới. Thay thế anh tại Việt Nam sẽ là một đồng nghiệp người Nhật khác. Lam nghe xong, buồn muốn khóc. Tại sao mọi thứ dường như chỉ mới vừa nhen nhóm đã bị thử thách? Nhất là khi Haru vẫn không chịu ngỏ ý gì chính thức với Lam cả.
Chẳng khó để nhận ra tình ý của nhau. Nếu không có dự tính gì, đâu nhất thiết phải mất nhiều thời gian, tâm trí như thế chứ! Người nước ngoài họ thoáng lắm, hay là Lam cứ nhận lấy cái câu “cọc đi tìm trâu” cũng được, có sao đâu! Nên khi Lam hỏi qua tin nhắn, là khi nào anh quay về Việt Nam để chúng ta có dịp gặp lại nhau, thì Haru đã mạnh dạn bảo, hay là em qua đây với anh, Lam nhé?
Đi thì đi, sợ gì! Lam tưởng tượng ra vài ngày mật ngọt, mấy đêm thiên đường ở cái thủ đô sầm uất ấy. Rồi thoáng đỏ mặt cười một mình. Haru hóa ra cũng… dễ dụ.
Giờ thì Lam ở đây, trong cái khách sạn mà Haru đã đặt sẵn cho hai người. Ban ngày, anh tới văn phòng, Lam một mình loay hoay. Buổi tối, Haru kêu mệt khi Lam rủ đi mua sắm. Chỉ còn vài ngày nữa là tới kỳ nghỉ lễ lớn của năm nhưng Haru cho biết anh không được nghỉ. Có vài sự vụ đợi anh giải quyết, nên đành chịu. Lam hiểu ra vì đâu anh dặn Lam bay qua chơi trước lễ, chứ không phải đợi nghỉ lễ rồi anh về Việt Nam thăm Lam, như đề nghị ban đầu của cô.
Người ta bảo nhàn cư vi bất thiện cũng có lý do của nó. Rảnh rỗi, Lam dọn dẹp lại mớ đồ đạc cá nhân của Haru, phát hiện ra trong cặp xách của anh có một cặp vé khứ hồi về Việt Nam. Thời gian di chuyển chính là vào kỳ nghỉ sắp tới kia. Vậy tức là anh có quay về xứ sở của Lam, để làm gì đó, mà Lam không rõ. Anh giấu Lam. Tệ hơn nữa, Haru đã nói dối. Nhất là khi Lam đã tạo điều kiện để anh thú nhận, khi vài lần cố tình hỏi tới hỏi lui rằng, vậy nghỉ lễ đợt này anh có đi đâu không. Hay anh qua Việt Nam thăm Lam đi, Lam nhớ anh lắm. Câu trả lời vẫn là: Haru bận đi làm rồi!
Những giờ phút còn lại ở Philippines với Lam bỗng thành gánh nặng. Lam loay hoay với rất nhiều thắc mắc “tại sao” trong lòng. Hỏi thẳng thì không được. Để tránh hiểu sai, Lam lên mạng, kiểm tra lại các thông tin đặt vé với hãng hàng không. Tất cả đều khẳng định rằng, giờ ấy, ngày ấy, chuyến bay ấy, có một người đàn ông tên là Haru sẽ đáp xuống Tân Sơn Nhất, mà không muốn thông báo với Lam sự có mặt của mình…
Để thêm một lần chắc chắn, hôm ấy Lam đã bỏ việc lặn lội sang tận sân bay, chỉ để kiểm chứng xem có đúng là Haru mà Lam quen biết chăng. Để rồi khi thấy bóng dáng có phần quen thuộc kia xuất hiện, trong Lam xuất hiện một mâu thuẫn giằng xé. Mình có nên lộ mặt không? Nhìn thấy nhau thì nói gì cho thật cay nhỉ?
- Haru! Haru!
Người đàn ông quay lại. Lam nhìn thẳng vào mắt anh, không cần nói nhiều. Đáp lại, là một câu ngắn gọn:
- Anh sẽ giải thích sau.
Vậy thôi. Lam một mình đứng lại giữa sảnh đến, nhìn chiếc taxi vẫy vội chở theo người đàn ông cô đã kỳ vọng, đi khỏi. Phải một lúc lâu, Lam mới giật mình nhớ ra mình đang ở đâu, ở trong tình huống như thế nào.
Haru có một cái SIM vẫn dùng trước kia ở Việt Nam. Số mới, Lam từng liên lạc kể từ ngày anh chuyển đi Philippines, hiện đã mất liên lạc. Lam nhắn vào số cũ, rằng “Dear Mr Haru. Tôi đã đối xử với anh thế nào, đã tin tưởng anh ra sao, mà anh lại dối gạt tôi thế này. Tôi có thể biết lý do được không?…”.
Nhẹ nhàng, lịch sự. Bằng thứ ngôn ngữ quốc tế quen thuộc. Lam bất ngờ khi hồi đáp đến ngay tức thì. Rằng, tôi rất xin lỗi vì đây là số điện thoại của công ty. Khi ông Haru rời khỏi đây thì đã trao lại cho người kế nhiệm. Tôi có thể cung cấp cho cô số mới của ông ta ở Philippines. Cô nghĩ sao?
- Cảm ơn, tôi không cần đâu. Tôi vừa từ Philippines với anh ấy về cuối tuần qua đây thôi.
Bên kia dường như chẳng quá bất ngờ. Mà nội dung tiếp theo mới khiến Lam choáng váng:
- Cô gái à, sau khi ông Haru rời khỏi Việt Nam, tôi đã nhận được kha khá cuộc gọi lẫn tin nhắn của phụ nữ hỏi han, mắng chửi và bắt đền đấy.
Dừng một chút như thể phân vân, người đàn ông bên kia tiếp tục:
- Ông Haru bị điều chuyển công tác cũng vì vướng các vấn đề liên quan tới tình cảm, đời tư. Quy định của công ty chúng tôi là không được gây ra những chuyện như vậy ở đất nước mình làm việc. Tôi không muốn nhiều chuyện nhưng cô gái à, ông Haru thật sự trước đây từng gặp nhiều sự việc liên quan đến phụ nữ. Đó không phải là mẫu nam giới đáng tin cậy để đặt tình cảm đâu. Tôi mong cô nên cân nhắc…
Đó là toàn bộ câu chuyện mà Lam tức tưởi kể lại giữa phòng khách, trong căn hộ có trải thảm loại xịn, máy điều hòa hiệu tốt nhất, trên bàn cắm hoa tươi theo mùa và trái cây nhập khẩu loại ngon luôn đầy ắp trong chiếc tủ lạnh cỡ lớn. Sẵn tiện, cô miêu tả lại người đàn ông vừa đi qua đời mình, rằng họ đã ngoài năm mươi rồi. Lùn, hói, bụng bự, rõ ràng không phải mẫu người thu hút về mặt giới tính. Họ cũng bận bịu và có vẻ chân thật, lấy đâu ra thời gian để mà chơi bời, trăng hoa kia chứ? Thật đáng ngờ.
Mai ngồi chăm chú lắng nghe, cuối cùng chốt hạ một câu rằng, vậy chị nói sao với ông nọ? Người kế nhiệm ấy. Có tranh thủ hỏi luôn xem, vậy còn anh thì thế nào, có đáng tin cậy để đặt tình cảm không, để em còn tính tiếp? Lam đang khóc cũng phải bật cười trước sự hài hước tếu táo của cô gái trẻ. Vị khách trọ chung nhà còn lại buông một câu nghe thực tế hơn:
- Là bởi một số đàn bà con gái chúng ta không biết tôn trọng chính mình, nên họ xem thường đấy mà. Chẳng trách họ được đâu Lam. Do chúng mình cả thôi…
Bàng hoàng. Lam quay qua nhìn cô gái, nhận ra họ chẳng hề có ý mỉa mai gì. Mà lời nói ra đều rất thật.
Thật đến xót xa.
Hoàng My
Theo phunuonline.com.vn
Đám cưới chạy... Tết
Chính không khí ấy đã gắn kết mọi người, lan tỏa niềm vui và những kết nối bền chặt. Nhất là khi ngày vui ấy lại cần kề những ngày vui lớn hơn: mừng năm mới.
Gặp nhau nhờ mai mối, hẹn hò chưa được ba tháng, hai nhà đã hợp ý lên kế hoạch đám cưới.
Cô dâu 25 tuổi, chú rể 29. Ở quê, tuổi ấy đã bị xem là "quá lứa lỡ thì". Nhưng trong khi đôi trẻ còn chưa vội vàng, thì phụ huynh đã nôn nóng đám cưới để còn...cùng nhau ăn Tết.
Lâu rồi, tôi chỉ quen ăn cưới ở nhà hàng. Tiệc nào cũng giống nhau, khách đến là bàn đã dọn sẵn, cứ việc ngồi vào cùng chia vui, chúc mừng lễ trăm năm hạnh phúc của cô dâu chú rể. Sau đó ăn uống vui vẻ rồi về. Lễ cưới thường chỉ diễn ra trong khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Cũng hát hò nhảy múa, cũng rôm rả chuyện trò. Nhưng hình thức đều na ná nhau.
Mùa Xuân - mùa cưới
Thế rồi một hôm được mời về quê ăn cưới, mới thấy không khí rôm rả của lễ cưới ở quê thật khác xa thành phố. Đám cưới kéo dài đến hai ba hôm, bắt đầu từ bước chuẩn bị đến lễ thành hôn chính thức. Nhà gái dựng rạp từ tối đêm trước, bà con dòng họ tụ về cùng nhau nấu nướng, hát hò, chuyện trò thâu đêm. Rộn ràng hết cả xóm nhỏ.
Trong đêm, nhà có đám cưới bừng sáng giữa cánh đồng, tiếng nói cười lao xao. Đám cưới của đôi trẻ mà như là ngày vui của cả làng. Ai cũng tự nguyện đến nhà gia chủ phụ cái này giúp cái kia. Mùi thức ăn thơm lựng trong bếp, tiếng bát đũa lao xao, những thủ thỉ tâm tình của từng nhóm các bà các chị khi cùng nhau nhặt rau, tỉa củ quả, đổ rau câu; trẻ con hào hứng nô giỡn; cả lũ chó mèo chừng như cũng phấn chấn hẳn lên với không khí "vui lạ" trong nhà. Chính không khí ấy đã gắn kết mọi người, lan tỏa niềm vui và những kết nối bền chặt. Nhất là khi ngày vui ấy lại cần kề những ngày vui lớn hơn: mừng năm mới.
Hạnh phúc mùa Xuân được nhân đôi
Cô dâu thuộc thế hệ 9X, từng đi học trên thành phố nhưng khi ra trường quyết định về quê, làm việc gần nhà để được ở cùng mẹ. Chú rể đi học nghề rồi cũng trở về đồng sinh sống trong ngôi nhà tương lai cậu sẽ là người hương khói. Nhà họ cách nhau mấy quãng đồng. Hai bên sui gia vốn quen biết nhau từ trước, mai mối qua lại, nhà trai đưa con đến dạm hỏi. Chuyện trò thân tình qua lại, vậy mà thành duyên.
Có người lo lắng khi biết thời gian tìm hiểu nhau của đôi trẻ quá ngắn ngủi. Nhưng có người lại tin tưởng rằng "chúng nó" rồi sẽ hạnh phúc thôi, có khi còn hạnh phúc hơn cả những đôi vợ chồng trẻ sống ở đô thị nữa là đằng khác.
Cô dâu chú rể đều có việc làm ổn định, tính tình hiền lành, lại chăm chỉ làm ăn. Về với nhau rồi sinh con đẻ cái, rồi sống yên ổn như thế hệ ông bà cha mẹ ngày xưa. Nghe có vẻ như rất ngược với suy nghĩ năng động của giới trẻ hiện nay. Nhưng mỗi người đều có riêng những lựa chọn cho cuộc đời mình. Chỉ cần trong lòng người đó chấp nhận, thấy hạnh phúc là được.
Cô dâu chưa từng đi chơi đâu xa, không facebook, cũng không biết game online hay quan tâm đến những tin tức "nóng hổi" của showbiz. Chú rể không cờ bạc cá độ hay nhậu nhẹt . Hai đứa trẻ sống thuần chất quê như năm tháng cũ. Điều đó khiến cho nhiều người vừa ngạc nhiên vừa ngưỡng mộ. Họ không thuộc về số đông, không đại diện cho một bộ phận người trẻ hiện đại nào. Họ dám chọn cuộc sống yên tĩnh, có thể không kiếm được nhiều tiền như nhiều người. Nhưng được sống giữa bầu không khí trong lành và dành được nhiều thời gian cho gia đình, cho những người yêu thương.
Đến một lúc nào đó trong đời, một người chỉ cần một người bên cạnh...
"Kế hoạch ăn Tết" của đôi trẻ nghe cũng thật sum vầy ấm áp. Ngày nào ở nhà chồng ngày nào bên nhà vợ, lịch cùng nhau đi thăm ông bà bà con, cùng nhau họp lớp của hai đứa, cùng nhau trang trí tổ ấm, thời gian nào có thể dành riêng cho nhau... Cuộc hôn nhân của họ bắt đầu bằng vun vén của người lớn, chia vui của cả làng và tiếp tục bằng những ngày tháng ngọt ngào. Cùng nhau đón cái Tết đầu tiên khi đã là chồng vợ, để lại mở ra một năm mới với bao điều mới lạ, những mục tiêu, những san sẻ cùng nhau...
Tôi về, đi trên lối mòn ngày cuối năm râm ran tiếng cười vui, dự một đám cưới quê chợt thấy lòng mình đã Tết...
Lục Diệp
Theo phunuonline.com.vn
Muốn thành đạt nhưng tôi không thể vượt qua sự lười biếng Mỗi ngày trôi qua, tôi đều cảm thấy tiếc nuối vì chưa làm được gì trọn vẹn. Hình ảnh minh họa Tôi 27, đã kết hôn gần năm. Tôi nhận thức được việc kiếm tiền để xây dựng gia đình nhỏ. Tôi hiện làm văn phòng cho doanh nghiệp nước ngoài, lương gần 8 triệu một tháng. Chồng tôi lương trung bình mỗi...