Thất bại tiếng anh trong trường phổ thông – bài cuối: Phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học ‘bắt lỗi’ chương trình tiếng Anh
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chương trình tiếng Anh hiện hành có thời lượng quá ít, cộng với việc chưa tích hợp, lồng ghép các nội dung học tập khác dẫn đến hạn chế khả năng giao tiếp của học sinh.
Trong giờ dạy học ngoại ngữ ở trường Tiểu học Tây Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Áp dụng chương trình tiếng Anh 10 năm
Thực tế nhiều thế hệ học sinh học xong lớp 12 vẫn không giao tiếp được bằng Tiếng Anh. Để khắc phục điều này, giải pháp của Bộ khi thực hiện chương trình GDPT mới như thế nào, thưa ông?
Chương trình Tiếng Anh hiện hành là chương trình 7 năm với thời lượng học 3 tiết/tuần, bắt đầu từ lớp 6 đến lớp 12. Tổng thời lượng môn Tiếng Anh trong toàn bộ chương trình chỉ có 700 tiết là quá ít. Cùng với việc phải tới lớp 6 học sinh bắt đầu được học Tiếng Anh chính là một phần hạn chế năng lực Tiếng Anh của học sinh học theo chương trình hiện hành. Với chương trình như vậy chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong học tập và giao tiếp cho học sinh. Thêm vào đó, việc tích hợp, lồng ghép nội dung các môn học khác vào môn Tiếng Anh cũng chưa được chú trọng, khiến cho cơ hội thực hành của học sinh ngay trong quá trình học tập cũng hạn chế.
Khắc phục hạn chế nói trên, môn Tiếng Anh trong Chương trình GDPT mới được thiết kế là chương trình 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12, với thời lượng ở cấp Tiểu học và cấp THCS và 140 tiết/năm, cấp Trung học Phổ thông là 105 tiết/năm (tổng số là 1295 tiết). Với thời lượng gần gấp đôi chương trình hiện hành, học sinh được bắt đầu học sớm từ lớp 3 (chưa kể có thể học tự chọn từ lớp 1); đồng thời với việc đổi mới phương pháp dạy học và chú trọng tích hợp, lồng ghép nội dung các môn học khác vào môn Tiếng Anh, tôi tin tưởng rằng năng lực Tiếng Anh của học sinh theo chương trình mới sẽ đáp ứng được yêu cầu.
“Kể từ năm học 2014-2015, Bộ đã chỉ đạo để đảm bảo giáo viên không chỉ dừng lại ở phần viết mà có cả phần nghe, nói”.
Ông Nguyễn Xuân Thành,
Video đang HOT
Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học
Về đội ngũ, Bộ GD&ĐT sẽ bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông đã ban hành. Việc bồi dưỡng sẽ được thực hiện theo phương thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm cho giáo viên và học sinh trên mọi miền của đất nước đều được bình đẳng trong tiếp cận nguồn học liệu Tiếng Anh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để học tốt tiếng Anh cần tạo môi trường để trẻ được giao tiếp chứ không chỉ giới hạn bằng một số tiết học/ tuần sẽ khó đạt hiệu quả?
Chương trình định hướng phát triển năng lực học sinh đòi hỏi nội dung, kiến thức đưa vào chương trình phải vừa đủ, gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống. Tuỳ vào điều kiện thực tiễn, giáo viên có thể sử dụng các loại phương tiện và học liệu khác nhau để tổ chức hoạt động học cho học sinh, trong đó cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Các bài học Tiếng Anh chương trình mới tạo thuận lợi cho học sinh trong việc ứng dụng vào các tình huống giao tiếp hằng ngày ở trường và ở nhà. Đó là kênh kết nối quan trọng để “học đến đâu, hành đến đấy”, giúp trình độ Tiếng Anh của học sinh phát triển tốt.
ổi mới kiểm tra, đánh giá
Môn Tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới có những thay đổi nổi bật nào để nâng cao chất lượng, gắn với hội nhập quốc tế?
Môn Tiếng Anh trong chương trình GDPT mới chú trọng mục tiêu hình thành và phát triển năng lực đặc thù của môn học là năng lực giao tiếp tiếng Anh. Mục tiêu giúp người học phát triển đồng đều kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết; kiến thức ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
Chương trình được xây dựng trên cơ sở vận dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) thông qua việc dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bậc năng lực quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đối với các cấp tiểu học (Bậc 1), trung học cơ sở (Bậc 2), trung học phổ thông (Bậc 3), tương đương với các Cấp độ A1, A2, B1 trong Khung CEFR. Theo đó, sau khi kết thúc Chương trình, người học có thể đạt được năng lực sử dụng tiếng Anh cơ bản trong học tập và giao tiếp, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế trong học tập và làm việc như có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí… Căn cứ mục tiêu tổng quát, từng lớp học, từng bài học có mục tiêu được xác định cụ thể.
Chương trình GDPT mới sẽ thay đổi thế nào về hình thức đánh giá, thi cử, thưa ông?
Kể từ năm học 2014-2015, Bộ đã chỉ đạo để đảm bảo giáo viên không chỉ dừng lại ở phần viết mà có cả phần nghe, nói. Đối với các kỳ thi THPT quốc gia hiện nay, do tính chất của kì thi với quy mô toàn quốc, việc đánh giá mới tập trung kiếm tra kiến thức từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm, hai kỹ năng đọc hiểu và viết.
Trong Chương trình GDPT mới, môn Tiếng Anh được thiết kế nhằm đảm bảo đánh giá toàn diện việc học của học sinh theo hai hình thức: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục thông qua các hoạt động dạy học trên lớp. Đánh giá định kỳ thực hiện vào các thời điểm ấn định trong năm học đảm bảo đánh giá đủ kỹ năng ngôn ngữ gồm nghe, nói, đọc, viết.
Theo Tiền phong
Chương trình GDPT mới: Các môn tích hợp sẽ được dạy như thế nào?
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới nhiều địa phương băn khoăn chưa biết sắp xếp giáo viên dạy môn tích hợp như thế nào cho phù hợp.
Thực hiện Chương trình GDPT mới các trường chủ động sắp xếp thời khóa biểu. Ảnh internet.
Theo đó, ở bậc THCS có 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, trong đó có môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên sẽ dạy tích hợp. Đối với môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lí, hóa học, sinh học và khoa học trái đất. Đối với môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử và địa lý.
Theo Bộ GD&ĐT, học sinh đã học môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở cấp tiểu học, không gặp khó khăn trong việc tiếp tục học các môn này ở bậc THCS. Chương trình hai môn này được thiết kế theo mạch nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên dạy đơn môn hiện nay nên giáo viên cũng không gặp khó khăn trong thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cũng giải thích thêm: Đối với môn Lịch sử và Địa lý có mạch kiến thức Lịch sử riêng, Địa lý riêng, trong đó mỗi lớp sẽ có một chuyên đề tích hợp (kiến thức liên môn của hai môn này) khoảng từ 6-10 tiết. Như vậy, môn Lịch sử và Địa lý có số tiết học tương đương với môn Lịch sử và môn Địa lý hiện nay. Do đó, việc phân công cũng tương đối dễ dàng bởi giáo viên môn nào sẽ phụ trách môn đấy trong một thời lượng liên tục, có thể một học kỳ hoặc nửa học kỳ. Như vậy, việc bố trí giáo viên giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý sẽ không có nhiều khó khăn.
"Thực tế chương trình hiện hành dạy môn Lịch sử và môn Địa lý tách biệt nhưng cũng đã có một số kiến thức liên môn. Vì thế, giáo viên môn Lịch sử khi dạy vẫn phải có những liên hệ với những kiến thức Địa lý và ngược lại", ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, các kiến thức của 3 môn, bao gồm Vật Lý, Hóa học, Sinh học được thiết kế thành một môn tích hợp là Khoa học tự nhiên. Tính toán số lượng tiết học hiện nay, môn Vật lý có 5 tiết/ tuần, môn Hóa học có 4 tiết/tuần, môn Sinh học có 8 tiết/tuần cho cả 4 khối lớp ở bậc THCS. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ các mạch kiến thức của môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được thiết kế ở môn Khoa học tự nhiên trong Chương trình GDPT mới.
Ông Thành cũng khẳng định: "Lượng kiến thức các môn tích hợp trong Chương trình GDPT mới tương đồng với chương trình hiện hành nên sẽ không có sự xáo trộn về giáo viên. Bởi hiện các trường đều có số giáo viên cơ bản đáp ứng với môn tích hợp".
Đối với việc sắp xếp thời khóa biểu các mô tích hợp, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, đối với các mạch chủ đề trong môn tích hợp của từng khối lớp đều được phân rõ ràng, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm cho từng môn. Như vậy, việc sắp xếp thời khóa biểu nhà trường sẽ được linh hoạt. Ví dụ: Hiện nay, chu kỳ thời khóa biểu đang được sắp xếp theo tuần, nhưng khi triển khai Chương trình GDPT mới các trường phải sắp xếp theo chu kỳ khác như chu kỳ nửa kỳ hoặc một học kỳ.
Một trong những điểm đặc biệt của chương trình GDPT mới là chỉ quy định số tiết/năm, chứ không quy định số tiết/tuần như các chương trình hiện hành. Điều này cho phép các trường chủ động trong việc sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học.
Vì vậy, trong vòng nửa kỳ, trường có thể thực hiện dạy mạch kiến thức môn Hóa học, nửa kỳ tiếp theo sẽ dạy hết mạch kiến thức môn Sinh học, nửa kỳ tiếp theo nữa sẽ dạy mạch kiến thức của môn Vật lý. Với cách sắp xếp như vậy, các nhà trường sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí thời khóa biểu một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu một trường hiện nay có khoảng 32 lớp, mỗi khối có 8 lớp cần khoảng 3 giáo viên Vật lý, 2 giáo viên Hóa học và 4 giáo viên Sinh học. Theo đó, việc phân công, bố trí thực hiện theo thời khóa biểu môn Khoa học tự nhiên là hoàn toàn khả thi.
Đỗ Hòa
Theo baohaiquan
Dạy học tích hợp trong chương trình mới có đáng lo? Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) giới thiệu nội dung và cách tổ chức dạy học tích hợp ở bậc THCS, một vấn đề mới của chương trình giáo dục phổ thông. Môn Lịch sử và Địa lí Chương trình môn "Lịch sử và Địa lí" được thiết kế theo các phần Lịch sử và Địa...