Thảo luận về hai dự án luật
Ngày 28-10, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự án luật: Luật Dân quân tự vệ (DQTV) (sửa đổi) và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp
Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật DQTV (sửa đổi). Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIV, QH đã tiến hành thảo luận về dự án Luật DQTV (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu QH và các cơ quan của QH.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật DQTV (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, DQTV là thành phần của lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế địa phương, cơ quan, tổ chức. Hiện nay, lực lượng dân quân ở các địa phương được tổ chức và hoạt động tương đối bài bản, có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của lực lượng tự vệ ở một số cơ quan, tổ chức, nhất là trong các khối doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chưa phát huy được đầy đủ vai trò. Một số doanh nghiệp chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh để đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà chưa quan tâm đến hoạt động của lực lượng tự vệ…
Trong khi đó, dự thảo Luật lần này quy định về tổ chức hoạt động của lực lượng tự vệ trong các cơ quan, tổ chức còn chưa rõ, chung chung.
Video đang HOT
Về vấn đề này, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự đa dạng các loại hình doanh nghiệp thì việc tổ chức tự vệ, nhất là tự vệ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì khó khăn mà không tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp. Việc tổ chức tự vệ có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong điều kiện Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu có một triệu doanh nghiệp trong thời gian tới và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng lao động sản xuất công nghiệp dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp. Nếu không quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, sẽ không cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp năm 2013 xây dựng DQTV vững mạnh, rộng khắp.
Có đại biểu cho rằng, quy định về vị trí, chức năng của DQTV tại Điều 3 dự thảo Luật chưa đầy đủ, mới chỉ thể hiện được chức năng của DQTV là LLVT của quần chúng. Trong khi đó, bên cạnh chức năng của LLVT quần chúng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh, DQTV còn có chức năng rất quan trọng làm nòng cốt trong sản xuất, công tác tại địa phương,…
Do vậy, Ban soạn thảo cần điều chỉnh quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của DQTV phù hợp, sát thực tế.
Đề cập về Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) cấp xã, có ý kiến đề nghị, quy định Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm, nhằm bảo đảm sự thống nhất và phát huy tốt vai trò tham mưu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng từ trên xuống đến cấp xã, thị trấn. Về vấn đề này, có đại biểu nêu ý kiến: Nếu quy định sĩ quan chính quy đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã ngay từ thời bình, sẽ làm tăng thêm rất nhiều biên chế, ngân sách Nhà nước sẽ không thể bảo đảm; làm dôi dư và phát sinh giải quyết chế độ chính sách đối với một số công chức đang làm nhiệm vụ, chức vụ chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã; sẽ không phù hợp tính chất của DQTV và là LLVT quần chúng. Thực tế thời gian qua, thực hiện theo Luật hiện hành, Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã vẫn bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
Cuối phiên làm việc buổi sáng, QH nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.
Bảo đảm thống nhất trong các quy định về xuất, nhập cảnh
Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Dự án Luật đã được QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban chủ trì thẩm tra, phối hợp các cơ quan soạn thảo và các đơn vị liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu QH trước khi hoàn thiện dự thảo trình QH cho ý kiến xem xét thông qua. Theo đó, dự thảo Luật trình QH tại kỳ họp này có nhiều nội dung được chỉnh lý, hoàn thiện, tăng thêm hai chương và 12 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ bảy.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam về một số nội dung lớn. Theo đó, vẫn còn một số ý kiến về bố cục của dự thảo Luật, đề nghị bổ sung quy định về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quy định về liên thông dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng các loại hộ chiếu như trường hợp sử dụng, mục đích sử dụng, điều kiện sử dụng đối với mỗi loại hộ chiếu, trách nhiệm quản lý hộ chiếu…
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH cũng làm rõ một số ý kiến về cấp hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành; về quy định chưa cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh; về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; và về trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu QH về cơ bản đồng ý với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ và khả thi, và tập trung phát biểu làm rõ thêm về các quy định liên quan giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh; việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; sử dụng giấy thông hành; trách nhiệm quản lý giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh; rà soát lại các trường hợp tạm hoãn và thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh, việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử; và tính khả thi trong việc kết nối hệ thống thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng, trong hoạt động xuất cảnh nhập cảnh thì “nhanh chóng, kịp thời” là nhu cầu chính đáng của công dân, là một trong những tiêu chí để định lượng đánh giá hiệu quả vận hành của nền hành chính nhà nước. Trong thực tiễn, chính sự chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính đã gây ra những bức xúc cho người dân, do vậy, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa nhanh chóng và kịp thời là một trong những nguyên tắc của hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin như một yêu cầu bắt buộc trong việc tiếp nhận đề nghị gửi mẫu thông tin trực tuyến để giải quyết một cách thuận lợi và nhanh chóng cho công dân cũng như cơ quan nhà nước để bảo đảm về mặt thời gian theo quy định của luật.
Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo Điều 36, theo một số đại biểu, Luật Thi hành án hình sự đã quy định rõ ba đối tượng không được xuất, nhập cảnh là người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian thử thách, người được tha tù có điều kiện trước thời hạn và người được hưởng án treo không được xuất, nhập cảnh, nên không cần thiết phải đưa vào diện đối tượng bị tạm hoãn. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần cụ thể hóa các tiêu chí về tạm hoãn xuất, nhập cảnh để áp dụng trong thực tế không bị lúng túng; xem xét lại quy định các trường hợp tạm hoãn xuất, nhập cảnh của luật này có phù hợp với những quy định của luật khác hay không…
Theo NDĐT
Quốc hội dành 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách
Trong tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ dành trọn 2 ngày làm việc (ngày 30 và 31-10) để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Đây đều là những phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Một nội dung khác cũng sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi là phiên thảo luận về đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn vào sáng thứ sáu, 1-11.
Bên cạnh đó, trong mảng công tác lập pháp, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận về các dự án: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Quốc hội cũng sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.
Chiều thứ sáu 1-11, trước khi khép lại tuần làm việc thứ 2, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước...
Theo SGGP
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV: Sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng Theo Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội khoá XIV sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối...