“Tháo chạy” khỏi trường quốc tế, vì sao?
“Tháo chạy” khỏi trường quốc tế là những từ ngữ được dùng để phản ánh một trào lưu ngược đang dấy lên của các phụ huynh hiện nay.
Trào lưu này nóng tới mức nhiều trường công lập đã phải “nói không” với các học sinh đến từ các trường quốc tế. Vì sao lại có những cuộc “tháo chạy” như vậy? Đã đến lúc các bậc phụ huynh nghi ngại về chất lượng đào tạo của các trường “giá cao” này.
1,2-2 triệu đồng/ngày
Cho con học trường quốc tế được xem như du học tại chỗ đã trở thành xu hướng của những gia đình có thu nhập cao tại các thành phố lớn. Học trường quốc tế cũng là bước đệm mà các bậc cha mẹ thường chọn lựa trước khi cho con theo học đại học ở nước ngoài. Tại Hà Nội, hàng loạt trường quốc tế đã đi vào hoạt động như: Unis, Uniworl, Hà Nội Academy, KinderWorld Kindergarten, Dream House, Brendon, VIP School….. với đủ mọi cấp học từ mầm non đến trung học. Vì mang danh quốc tế nên các trường này không ngừng tăng học phí theo từng năm học.
Theo đó, mức học phí các trường quốc tế trong năm học 2011 – 2012 này phổ biến ở mức 120 triệu – 300 triệu đồng/năm. Là một trong hai trường “quốc tế xịn” với hệ thống trường từ mầm non đến THPT, trường Unis có mức học phí cao nhất cả nước. Học phí bậc mầm non của trường này một năm là 150 triệu đồng với trẻ lớp nhỏ và 300 triệu đồng với trẻ lớp mẫu giáo. Mức học phí này tính cho một năm với hơn 160 ngày học. Như vậy, tính trung bình, mỗi phụ huynh chi cho con học trường này khoảng 1,2 – 2 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, học sinh khi vào học phải nộp hai khoản tiền bắt buộc là tiền nhập học 15 triệu đồng (750 USD) và tiền phát triển trường 40 triệu đồng (2.000 USD) một năm. Tại trường Morning star, học phí cho trẻ 18 tháng – 2,5 tuổi là 124 triệu đồng/năm (6.200 USD/ năm), lớp 2,5 – 5 tuổi là 130 triệu đồng/năm (6.545 USD/ năm), lớp 5-6 tuổi khoảng 140 triệu đồng/năm (7.012 USD/năm). Mức học phí này chưa bao gồm tiền ăn.
Các bậc cha mẹ khi xác định cho con vào học các chương trình của nước ngoài thì phải theo đến hết lớp 12 vì khả năng “quay đầu lại” là bất khả thi. Vì vậy không ít gia đình dành hẳn từ 4-5 tỷ đồng, tương đương với việc mua một ngôi nhà để cho con theo học. Còn những gia đình không theo nổi thì lại phải dở khóc dở cười huy động mọi mối quan hệ để xin con trở lại trường công hoặc trường dân lập.
Chất lượng thả nổi
Điều làm các bậc phụ huynh băn khoăn không hẳn là số tiền đầu tư lớn bởi các gia đình đã cho con theo học trường quốc tế là những gia đình có điều kiện và họ có thể đáp ứng được nhưng điều khiến phụ huynh lo lắng là liệu con mình có nhận được những kiến thức xứng đáng với số tiền đầu tư? Chị Nguyễn Thu Hà, từng là giáo viên tại một trường quốc tế cho biết: Chuyện phục vụ, chăm sóc, cơ sở vật chất của trường quốc tế là khá tốt. Nhưng có nhiều chuyện khác thì phải “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Giáo viên liên tục đổi, giáo viên nước ngoài nhiều khi chỉ là “Tây balô” không được đào tạo về sư phạm. Giáo trình cóp nhặt, không ra Tây cũng chẳng ra ta. Dạy học theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh, buổi tối học sinh không phải học bài, làm bài tập, không phải đi học thêm… là chủ trương mà nhiều trường quốc tế áp dụng. Đó cũng là ưu điểm của các trường quốc tế, song khi so sánh học lực của học sinh trường quốc tế với các trường công lập thì cũng không hơn gì, thậm chí nhiều học sinh về kiến thức còn thua xa học sinh trường công lập.
Hiệu trưởng một trường Tiểu học quận Ba Đình, Hà Nội cũng chia sẻ có một học sinh lớp 5 từ trường quốc tế chuyển về nhưng cháu gần như học kém nhất lớp, đặc biệt là môn tập làm văn, chữ viết xấu. Nguyên nhân là do các thầy giáo nước ngoài dạy nhiều khi không chuyển tải được hết sự phong phú đa dạng của tiếng Việt, dẫn đến việc hành văn của học sinh bị lúng túng. Một trường hợp khác thì vốn tiếng Anh sau 4 năm học tại trường quốc tế cũng không nổi bật hơn những bạn khác trong lớp.
Video đang HOT
Thực tế các trường quốc tế nếu muốn hoạt động tại Việt Nam họ chỉ cần được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, còn về việc thẩm định chất lượng giáo viên cũng như môi trường sư phạm, chất lượng giáo dục lại không thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Như vậy, có nghĩa là chất lượng giáo dục ở những trường quốc tế vẫn đang bị thả nổi và còn nhiều lỗ hổng chưa được quản lý chặt chẽ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dù bỏ tiền tỷ ra nhưng chưa chắc phụ huynh và học sinh đã đạt được điều mà mình mong muốn. Tuy nhiên vẫn có một số lượng nhất định các gia đình cho con theo học tại trường quốc tế. Họ có lý do của họ. Các bậc phụ huynh hãy xem các chuyên gia về giáo dục và phụ huynh nói gì về chất lượng các trường quốc tế để tìm cho mình một quyết định đúng.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: Quản lý có vấn đề Giáo dục cần mang tính quốc tế, nhất là sau khi nước ta gia nhập WTO. Việc xuất hiện các trường quốc tế hay các trường có yếu tố nước ngoài cũng là điều bình thường. Tuy nhiên thực tiễn những năm qua cho thấy quản lý có nhiều vấn đề. Khi cho phép các trường quốc tế hoạt động tại Việt Nam chúng ta coi như một doanh nghiệp, do Bộ Kế hoạch đầu tư xét và cấp phép. Vì vậy Bộ Giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo không quản lý được. Mặc dù Chính phủ đang có chủ trương chống thương mại hóa giáo dục nhưng các trường quốc tế thì thương mại hóa rất rõ rệt. Họ thuê nhà, thuê giáo viên của mình và giáo viên nước ngoài rất ít nhưng thu học phí rất cao. Nhiều người đã gọi hiện tượng này là trao trứng cho ác, không ai quản lý, không ai xử lý. Các trường quốc tế cũng có những quy định học tập và học phí tùy tiện. Rất mừng là gần đây đã có nhiều trường hợp phụ huynh xin cho con quay về trường công. Để tạo niềm tin của xã hội vào trường quốc tế theo tôi phải giao cho Bộ Giáo dục – Đào tạo cấp phép và quản lý, có những quy định về nội dung giảng dạy và học phí tối đa là bao nhiêu. Thạc sĩ Nguyễn Khánh Vân, giảng viên ĐHSP Hà Nội: Nên tìm hiểu kỹ Trước khi cho con theo học trường quốc tế các bậc phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ những vấn đề chính như: đội ngũ giáo viên của trường được tuyển chọn như thế nào? Tiền rất quan trọng, nếu “đứt gánh giữa đường” sẽ khiến con bạn ở không xong mà đi cũng không được. Nên xem xét điều mình thực sự muốn khi cho con học trường quốc tế và liệu chắc chắn đạt được không? Nếu như tất cả các vấn đề trên còn băn khoăn thì có lẽ trường quốc tế không phải là lựa chọn tối ưu. Hiện nay các trường chuẩn quốc gia của Hà Nội cũng rất tốt. Muốn cho con nâng cao khả năng ngoại ngữ bạn có thể cho con học thêm tại các trung tâm Anh ngữ. Còn việc rèn tính tự lập, tự tin, khả năng giao tiếp… tôi nghĩ bố mẹ có thể rèn cho con được. Bên cạnh đó những lớp học về kỹ năng sống tại Hà Nội rất nhiều, có thể cho con tham gia cũng là ý kiến hay. Chị Nguyễn Thu Thủy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội: Nhiều lo ngại Năm học này, tôi phải nhờ mọi mối quan hệ để chuyển cho cậu con trai 9 tuổi về học trường tiểu học công lập sau 5 năm học tại trường quốc tế. Lý do thì có nhiều nhưng điều đáng nói là tôi không nhận được những gì xứng đáng so với đồng tiền bỏ ra. Trung bình một năm với 181 ngày học chi phí cho cháu học bao gồm cả học phí, tiền xây dựng, tiền ăn ở trường và rất nhiều những khoản thu khác là 400 triệu/năm. Học phí liên tục tăng qua các năm. Ngoài gánh nặng tiền nong, tôi còn lo ngại về chữ viết, kiến thức xã hội và văn hóa của cháu thấp hơn những bạn cùng trang lứa học trường công. Lớp cháu trong một học kỳ mà thay đến 3 lần giáo viên chủ nhiệm cũng khiến tôi không hài lòng. Những thông báo của trường cho phụ huynh bằng tiếng Anh, đâu phải cha mẹ nào cũng biết tiếng Anh để dịch. Như vậy là đánh đố. Nhiều thắc mắc của phụ huynh gửi lên Ban giám đốc nhà trường thì gần như không được trả lời, giải thích. Anh Lê Ngọc Anh, phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:Ở đâu cũng có hai mặt Tôi hiện có hai con đều theo học tại trường quốc tế. Chi phí cho hai cháu một năm khoảng 600-700 triệu đồng. Gia đình tôi làm kinh doanh nên muốn con cái có được môi trường giáo dục tốt nhất. Ở đâu cũng có mặt tốt, mặt xấu. Ngay trong hệ thống giáo dục Việt Nam cũng có điều người dân chưa hài lòng. Vậy trường quốc tế cũng thế thôi. Bên cạnh việc thu học phí cao đối với mặt bằng chung của người dân Việt Nam, tôi thấy trường quốc tế cũng có nhiều ưu điểm. Tôi nghĩ học trường quốc tế là phù hợp với những gia đình có tài chính tốt và có kế hoạch cho con đi du học tại nước ngoài.
Theo dân trí
Thực hư suất học bổng 2 tỷ dành cho bé cấp 1 giải được toán lớp 12
Trước những lời đồn thổi xung quanh gói học bổng trị giá 2 tỷ đồng của trường quốc tế ở TPHCM dành cho bé Thanh Ngọc, nhưng thời điểm này câu trả lời của bé là: "Con rất thích học ở đây. Con muốn học thêm môn Lý, Hóa theo trình độ lớp 11".
Học bổng cho "thần đồng"
Bé Phạm Thanh Ngọc (ở Lâm Đồng), cô bé được nhắc đến như "thần đồng" đã được chính thức có một ghế ngồi trong lớp học tại trường quốc tế BVIS (huyện Bình Chánh, TPHCM). Tiếp xúc với báo giới vào ngày 11/10, ông Michael Deveney, Hiệu trưởng trường BVIS cho biết ngay sau khi biết tin về hiện tượng bé Ngọc, nhà trường đã chủ động liên hệ với gia đình cháu đề nghị được nhận cháu vào học miễn phí tại trường trong vòng 5 năm (từ lớp 7 đến lớp 13). Trị giá của suất học bổng này là 2 tỷ đồng.
Bé Thanh Ngọc (thứ 2 từ phải sang) trong giờ học Khoa học tại trường quốc tế BVIS
Sau khi trải qua bài kiểm tra khoảng 30 phút, cô bé được nhận vào học. Chị Thu Hằng, trưởng phòng tuyển sinh của trường cho biết kết quả kiểm tra: môn Văn - Tiếng Việt: trình độ theo lứa tuổi bình thường; Anh văn: cấp độ vỡ lòng; môn Toán: trình độ vượt bậc, làm xong bài toán lớp 7 đến lớp 9 rất nhanh. Với kết quả đó, ngày 3/10, bé Thanh Ngọc lần đầu tiên được đi học sau 5 năm kể từ lần đầu tiên em vào lớp 1 chỉ thời gian ngắn rồi không đi học nữa. Lí do của em đó là thấy chán vì toàn là những kiến thức đã học rồi.
Cô bé cho biết có thể hiểu lời giảng bằng tiếng Anh của thầy nhưng chưa thể nói chuyện lưu loát hay phát biểu ý kiến được
Tại trường quốc tế, Phạm Thanh Ngọc học lớp 7V gồm các môn: Khoa học, công nghệ thông tin, tiếng Anh, Địa lý, Lịch sử, Văn học, Giáo dục công dân, Thể dục bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh theo trình độ chung của các bạn cùng lớp. Riêng môn Toán, Thanh Ngọc được theo học lớp 12 và 13 tại một trường quốc tế cùng hệ thống BIS ở quận 2. Lí do là trường quốc tế BVIS mới thành lập vào năm nay và chỉ có lớp 9 là cao nhất (mục tiêu của trường là nhận học sinh từ 2 tuổi đến hết lớp 13). Em học môn này hoàn toàn bằng tiếng Anh, và nhận được sắp chỗ ngồi cạnh một học sinh giỏi tiếng Việt để có thể giúp bé giải đáp những thuật ngữ Toán học bằng tiếng Anh.
Vẻ mặt hết "già dặn" khi tiếp xúc với người lớn
Sau hơn một tuần nhập học, theo như lời cô Thu Hằng thì khả năng tiếp thu của bé Ngọc rất nhanh, nói sơ qua một vài lần là nhớ nằm lòng. Tập vở môn Toán của Ngọc toàn là lời giải bằng tiếng Anh cho các bài tập môn Hình học không gian, đại số trình độ lớp 12 chương trình phổ thông của Bộ GD- ĐT Việt Nam. Để có thể hiểu lời thầy giáo giảng, Thanh Ngọc còn mua hẳn một cuốn Từ điển Toán học. Trong chồng sách của em trong căn phòng trọ, chiếm đa số là những cuốn sách về Toán: Những con đường khám phá lời giải Bất đẳng thức, Giải tích 12 nâng cao, SGK môn Vật lý 11, Hóa học 11...
Cô bé sẵn sàng không trả lời câu hỏi phỏng vấn của các cô chú nhà báo bằng cách cười trừ hoặc nói: "Con không biết đâu ạ"
"Thần đồng" ơi, đi về đâu?
Dù bây giờ Ngọc được chính thức nhận vào trường quốc tế, được theo học một chương trình Toán học của lớp 12 nhưng dư luận dường như vẫn bán tín bán nghi về khả năng của một cô bé mới 11 tuổi. Ở đây, cần có một tổ chức có thể kiểm định khả năng của cô bé để xã hội có thể mạnh dạn giúp cô bé theo đuổi niềm đam mê Toán học của mình. Tiếp xúc với 2 mẹ con bé Ngọc tại TPHCM, chúng tôi bất ngờ với trình độ Toán học lớp 12 của cô bé mới 11 tuổi này sau khi thấy em giảng bài cho một học sinh cùng lớp, sau khi lật giở trang tập vở môn Toán của em. Khả năng giao tiếp của cô bé cũng rất tốt, không hề e dè hay sợ sệt, cũng không hề tự kiêu hay ngạo mạn về khả năng của mình. Nhưng dưới cái nhìn săm soi của báo chí, dưới ánh đèn flash của máy ảnh, cô bé tỏ ra đề phòng, khó chịu và hoàn toàn không muốn tiếp xúc, trò chuyện hay thổ lộ những sở thích của mình.
Cô bé tỏ ra không thích khi bị người khác chụp lén
Thuê một căn nhà trọ ở gần trường, 2 mẹ con bé Ngọc ở trong một căn phòng chật hẹp, diện tích khoảng 4x4 m2. Cái giường nệm vừa là nơi nghỉ ngơi của 2 mẹ con, vừa là nơi để sách vở, là nơi để bé Ngọc ngồi học Toán. Không khí trong phòng vừa nóng bức vừa ngột ngạt, lại ở tận tầng 3. Với giá thuê phòng 2 triệu/tháng, chưa kể tiền điện nước, không hiểu bà mẹ ở chân đèo Phú Hiệp, xã Tam Bố và đứa con gái bé bỏng có thể duy trì việc học được bao lâu? Ở quê, bố của bé Ngọc một mình xoay sở một cách chật vật vì lần đầu tiên gia đình xa nhau phải tự cáng đáng việc nhà.
Thanh Ngọc thích chơi với thú bông và rất thoải mái nếu được người khác đề nghị lịch sự: "cho phép cô/chú chụp hình cháu"
Người ở nhà đã khổ, người lang thang ở Sài Gòn cũng không khá hơn. Từ căn phòng trọ, 2 mẹ con dắt díu nhau gần 500m ra ngã tư Phạm Hùng với Đại lộ Đông Tây đón xe đi xuống quận 2 học môn Toán lớp 12 với các anh chị lớn tuổi hơn. Trong thời gian con đi học, mẹ bé Ngọc lại cuốc bộ đi chợ về nấu cơm cho con ăn. Thấy mẹ vất vả, có lần đi mua cơm bé nhờ bà cụ bán cơm trước cổng trường tìm xem có ai cần dạy kèm thì bé nhận dạy để giúp đỡ mẹ. Bà cụ bán cơm kể chuyện mà cứ tấm tắc khen bé Ngọc biết lo nghĩ như người lớn.
Tuy vất vả nhưng phụ huynh của bé Ngọc rất quyết tâm cho bé theo học đến cùng. Mẹ của bé cho biết khi học ở trường quốc tế này, bà muốn con gái của mình có thể phát triển bình thường như bao người khác, đồng thời có thể giúp bé phát triển niềm đam mê Toán học. Trước những luồng thông tin trái ngược nhau, bà nói: "Chỉ xin hai chữ Bình yên".
Phạm Thanh Ngọc chia sẻ rằng thần tượng của cô bé là nhà Toán học Pascal người Pháp và GS Ngô Bảo Châu. Chỉ cần có dịp lên mạng internet là cô bé dò tìm trang web của GS về Toán học nhưng vẫn chưa tìm được. Cô bé cho biết rất muốn gặp giáo sư Ngô Bảo Châu để trò chuyện vể Toán học. Sau những ngày học tập tại trường quốc tế, Thanh Ngọc rất thích thú vì được học Toán phù hợp với trình độ của mình. Em cho biết: "Uớc gì thời lượng môn Toán tăng thêm nữa, môn Lí và Hóa có thể học ở lớp 11 với các anh chị lớn".
Theo DT
Cẩm nang chọn trường đại học quốc tế Lựa chọn trường đại học chính là lựa chọn tương lai của bạn. Khi bạn lựa chọn học trường quốc tế, nghĩa là bạn đã chọn cho mình một tương lai vươn ra ngoài biên giới quốc gia. Hãy dành thời gian và tâm sức nghiên cứu thật kỹ ngôi trường mình sẽ theo học, và đảm bảo rằng bằng bạn có được...