Thành tựu công nghiệp quốc phòng nổi bật Việt Nam năm 2014 (P2)
Vận hành dây chuyền sản xuất vũ khí bộ binh hiện đại, chế tạo radar cảnh giới tầm trung RV-02 và mục tiêu bay UAV-02 cũng là những thành tựu rất đáng chú ý của ngành CNQP Việt Nam.
4. Nhận chuyển giao, vận hành dây chuyền sản xuất vũ khí bộ binh hiện đại
Đầu năm nay, nhiều hãng tin nước ngoài đã đưa tin về việc Israel Weapon Industries (IWI) xây dựng tại Việt Nam một nhà máy sản xuất súng trường tấn công Galil ACE 31 và ACE 32 với mục đích thay thế súng trường Kalashnikov đang trang bị trong Quân đội Việt Nam.
Triển lãm các loại vũ khí bộ binh hiện đại được sản xuất trong nước. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Sau đó, hình ảnh về súng trường tấn công Galil ACE cùng các loại kính ngắm tiên tiến đi kèm được sản xuất tại nhà máy Z111 đã xuất hiện trong một số phóng sự phản ánh những chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Bên cạnh súng trường tấn công Galil ACE và tiểu liên Uzi sản xuất theo giấy phép của phía Israel, trên cơ sở dây chuyền, Việt Nam còn tự tiến hành cải tiến, sản xuất một số loại vũ khí bộ binh thế hệ mới.
Trong tấm ảnh trên, ngoài súng trường tấn công Galil ACE 31/32 và tiểu liên Uzi còn có sự xuất hiện của súng carbine M-18 do Việt Nam cải tiến dựa trên nguyên mẫu XM-177E2, súng trường tấn công AKMN với kính ngắm đêm được sản xuất trong nước.
Súng trường tấn công Galil ACE 32 được giới thiệu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Đặc biệt, mẫu súng AK ở vị trí đầu hàng thứ 2 từ trái sang được Việt Nam cải tiến từ AKM bằng cách lắp thêm ốp lót tay nhựa có ray picatinny ở dưới, ray gắn khí tài quang học bên thân, báng gấp ngang và loa che lửa kiểu AK-74 kết hợp với súng phóng lựu kiểu M203.
Mẫu súng AK cải tiến này được đánh giá có tính năng chiến đấu không hề thua kém AK-103.
5. Chế tạo thành công radar cảnh giới tầm trung RV-02
Phóng sự phát trên Kênh Quốc phòng Việt Nam tối ngày 10/7/2014 cho biết: Viện Kỹ thuật Quân sự Phòng không – Không quân phối hợp cùng một số đơn vị khác đã thành công trong việc chế tạo radar cảnh giới tầm trung RV-02.
Radar RV-02 ra đời với sự chủ động hoàn toàn về công nghệ thiết kế, chế tạo, gia công ở tất cả các khâu, dựa trên nền tảng radar RV-01 hợp tác thiết kế cùng với Belarus.
Trong quá trình đưa vào sử dụng, những hạn chế của RV-01 đã được nghiên cứu và khắc phục cùng với những ứng dụng tiên tiến nhất trong công nghệ sản xuất radar.
RV-02 phát triển hơn so với các thế hệ radar trước đó một phần ở tính hiện đại của hệ thống xử lý tiên tiến, với việc số hóa toàn bộ quá trình thực hiện, được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính thay vì các nút cơ như thế hệ radar trước.
RV-02 đã đạt được nhiều bước đột phá về tính năng kỹ chiến thuật, khả năng chống nhiễu tích cực và tiêu cực cũng được nâng cao rõ rệt. Ngoài ra, khả năng chống trinh sát điện tử của đối phương cũng tốt hơn.
Giàn ăng ten của radar RV-02. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Radar RV-02 sở hữu giàn ăng ten có chiều cao 21,6 m với 28 chấn tử được thiết kế và gia công bằng kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo phát hiện mục tiêu ở cự ly cách xa hàng trăm km trên mọi điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau.
Trên giàn cố định các vị trí để lắp đặt cáp quang truyền sóng, đây cũng là một cải tiến quan trọng của RV-02 vì cáp quang giúp quá trình truyền tín hiệu được tiến hành nhanh chóng và chính xác hơn.
RV-02 với sự tham gia của hệ thống thủy lực điều khiển tự động, có thời gian triển khai – thu hồi chỉ khoảng 10 – 15 phút, thấp hơn nhiều so với các đài radar cũ là từ 45 – 60 phút.
Video đang HOT
Quá trình vận hành của RV-02 cũng rất đơn giản và hiệu quả. Hệ thống thiết bị hiện đại giúp RV-02 đạt được nhiều tính năng ưu việt như khả năng bám bắt các mục tiêu có diện tích phản xạ nhỏ hoặc sử dụng công nghệ tàng hình.
Radar RV-02 trên xe tự hành. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Đại tá Nguyễn Phùng Bảo, Viện tích hợp hệ thống Học viện Kỹ thuật Quân sự cho hay: “Phải nói đây là một trong những loại đài radar sử dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, thậm chí nó có nhiều điểm còn tốt hơn cả những sản phẩm cùng loại hợp tác nghiên cứu với nước ngoài”.
Khi được đưa vào trang bị hàng loạt, RV-02 hứa hẹn sẽ là một trong những sản phẩm công nghệ hiện đại góp thêm vào hệ thống cảnh giới bảo vệ bầu trời bình yên của Tổ quốc.
Việt Nam chế tạo thành công radar cảnh giới tầm trung RV-02
6. Chế tạo thành công mục tiêu bay cho Su-30MK2
Trong huấn luyện tác chiến trên không nói chung và với máy bay Su-30MK2 nói riêng thì khoa mục bắn đạn thật có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhằm phục vụ cho công tác huấn luyện không đối không thì bia bay mục tiêu là thiết bị cực kỳ cần thiết. Các bia bay này phải có tốc độ, diện tích phản xạ radar cũng như đường bay gần giống với máy bay đối phương.
Mục tiêu bay UAV-02. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Nhằm chủ động trong việc cung cấp các mục tiêu bay cũng như giảm thiểu chi phí so với khi nhập khẩu thiết bị tương tự của nước ngoài. Các cán bộ, kỹ sư của Viện Kỹ thuật Quân sự, Quân chủng Phòng không – Không quân đã tự nghiên cứu, thiết kế và cho ra đời mục tiêu bay UAV-02.
UAV-02 sử dụng 2 động cơ phản lực; sải cánh 2,8 m; chiều dài thân 2,5 m; tốc độ hành trình từ 250 – 350 km/giờ; bán kính hoạt động 100 km; độ cao bay tối đa 8.000 m; khối lượng 38 kg khi nạp đủ nhiên liệu; thời gian hoạt động tối đa 45 phút.
UAV-02 đã đáp ứng những yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, đảm bảo thực hiện tốt vai trò mục tiêu tiêm kích cho máy bay Su-30MK2 huấn luyện đánh chặn trên không.
Theo Tri Thức
Thành tựu công nghiệp quốc phòng nổi bật Việt Nam năm 2014
Cải tiến tên lửa phòng không S-125-2TM, đóng thành công tàu tên lửa Molniya 1241.8 và tàu kiểm ngư cỡ lớn là 3 trong số những thành tựu CNQP nổi bật của Việt Nam trong năm 2014.
1. Tự tiến hành cải tiến tên lửa phòng không S-125 Pechora
S-125 Pechora (SA-3 Goa) là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô được thiết kế bởi Isayve OKB và đưa vào trang bị từ năm 1963. Mặc dù đã cũ nhưng hiện nay hệ thống S-125 Pechora vẫn giữ vai trò xương sống của Lực lượng Phòng không Việt Nam.
Hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora
Nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu cũng như tính năng kỹ chiến thuật của S-125, Việt Nam đã hợp tác với công ty Tetraedr của Belarus để nâng cấp S-125 Pechora lên chuẩn S-125-2TM (Pechora-2TM).
Gói nâng cấp này chủ yếu tập trung vào cải tiến radar điều khiển hỏa lực, trang bị ăng ten, bổ sung phầm mềm lái tự động và bộ vi xử lý mới. Radar nâng cấp cho phép cung cấp kênh dẫn hướng cho 2 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc.
Sau khi nâng cấp, cự ly phát hiện mục tiêu của S-125-2TM tăng lên 100 km (so với 80 km trước khi nâng cấp), độ cao tối đa phát hiện mục tiêu đạt 25 km (so với 18 km trước khi nâng cấp).
Tên lửa của hệ thống S-125-2TM có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với vận tốc 900 m/s ở cự ly 35 km (trước khi nâng cấp chỉ tiêu diệt được mục tiêu bay với vận tốc 700 m/s ở cự ly 25 km).
Khả năng kháng nhiễu của hệ thống đạt 2.700 W/MHz (vượt trội rất lớn so với trước khi nâng cấp là 24 W/MHz), thời gian triển khai chiến đấu chỉ mất 20 phút.
Các chuyên gia của Tetraedr thuộc nhóm cải tiến tên lửa S-125-2TM cho Việt Nam. Nguồn: Tuổi trẻ
Dự án cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không Pechora S-125 và tăng hạn sử dụng đạn tên lửa phòng không được bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2008.
Đến nay, lực lượng kỹ thuật của quân chủng Phòng không - Không quân đã huấn luyện chuyển giao công nghệ, tự thực hiện cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM đến mức tự giám định kỹ thuật, xác định khuyết tật và sửa chữa khôi phục tăng hạn sử dụng đạn tên lửa phòng không.
Ngày 7/9/2014, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức nghiệm thu giai đoạn 2 dự án cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không Pechora S-125-2TM tại trường bắn quốc gia khu vực 1.
Bắn nghiệm thu hệ thống tên lửa phòng không S-125-2TM do Việt Nam tự cải tiến. Nguồn: Tiền Phong
Kết quả bắn tại thực địa đảm bảo thời gian tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.
Việc nâng cấp hệ thống S-125 lên chuẩn S-125-2TM giúp cho lực lượng phòng không Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của tác chiến hiện đại với chi phí bỏ ra rất thấp so với việc mua mới các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hơn.
Bắn thử thành công tên lửa do Việt Nam tự cải tiến
2. Đóng thành công tàu tên lửa Molniya 1241.8
Molniya 1241.8 là loại tàu tên lửa có hỏa lực mạnh, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải cũng như tàu đổ bộ của đối phương.
Tàu hộ vệ tên lửa Molniya 1241.8 của Việt Nam. Nguồn: Quân đội nhân dân
Molniya 1241.8 có lượng giãn nước đầy tải 550 tấn; dài 56,1 m; rộng 10,20 m, mớn nước 2,14 m; vận tốc tối đa 38 hải lý/giờ; thủy thủ đoàn 40 người.
Vũ khí chính của Molniya là tên lửa hành trình đối hạm 3M24 Uran-E với 16 đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu. Loại tên lửa này có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn với quỹ đạo bay cực thấp, chỉ 3 - 5 m trên mặt biển.
Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu Molniya còn được trang bị 1 pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2 mm, 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M và 12 tên lửa đối không tầm thấp Igla.
Về thiết bị điện tử, tàu được trang bị hệ thống radar mạng pha 3 chiều Pozitiv-ME1 trinh sát mục tiêu trên không; radar trinh sát mặt nước Garpun-Bal; radar điều khiển hỏa lực (pháo, tên lửa) MR-123; hệ thống đối kháng điện tử, mồi bẫy...
Tàu tên lửa Molniya 1241.8 số hiệu HQ-378 được đóng trong nước. Nguồn: Tuổi trẻ
HQ-377 và HQ-378 là 2 trong số 6 tàu tên lửa Molniya 1241.8 do Tổng công ty Ba Son (Tổng cục công nghiệp quốc phòng) đóng mới cho Quân chủng hải quân theo hợp đồng ký năm 2009.
Bản tin thời sự tối của Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam ngày 28/4/2014 đã đưa tin về đợt nghiệm thu kỹ thuật 2 tàu tên lửa đầu tiên.
Sau khi nghiệm thu hồ sơ thiết kế, tình trạng kỹ thuật, hệ thống vũ khí, điện, máy, radar, thông tin hàng hải, các vị trí chiến đấu trên tàu... tại bến.
Hội đồng nghiệm thu Quân chủng Hải quân đã chính thức nghiệm thu chạy thử tàu trên biển với các tính năng chuyên môn, vận tốc tối đa và thực hành tất cả các bài bắn theo vũ khí có trong biên chế của tàu đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Bắn nghiệm thu tên lửa đối hạm trên tàu Molniya 1241.8 do Việt Nam đóng trong nước. Nguồn: VTV1
Kết quả, tên lửa và pháo đều tiêu diệt mục tiêu ngay lần bắn đầu tiên, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.
Việc đóng mới và bắn tên lửa thành công đã khẳng định năng lực làm chủ kỹ thuật và đóng mới của ngành công nghiệp đóng tàu Quân đội nói chung và Tổng công ty Ba Son nói riêng trong lĩnh vực đóng tàu chiến đấu quân sự.
Đồng thời năng lực khai thác, sử dụng và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại của Quân chủng Hải quân cũng được khẳng định.
Nghiệm thu kỹ thuật tàu và bắn tên lửa
3. Đóng thành công tàu kiểm ngư cỡ lớn
KN-781 và KN-782 là 2 tàu tuần tra lớn nhất của Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Theo ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị mỗi chiếc lên đến 700 tỷ đồng.
Tàu KN-782 trong quá trình thi công đóng mới. Nguồn: Tuổi trẻ
Tàu KN-781 và KN-782 có lượng giãn nước 2.500 tấn, là biến thể của tàu tuần tra DN-2000 đóng cho Cảnh sát biển với một số điểm khác biệt như có phần mũi được thiết kế lại giúp tàu có khả năng chịu va chạm mạnh.
Ngoài ra, một điểm khá quan trọng là tàu KN-781 và KN-782 được thiết kế có nhà chứa trực thăng trong khi tàu DN-2000 của Cảnh sát biển chỉ có sàn đáp.
Việc thêm nhà chứa giúp tàu có khả năng mang theo trực thăng trong những chuyến tuần tra, còn DN-2000 có sàn đáp nhưng không có nhà chứa thì chỉ có thể tiếp nhận chứ không thể trang bị kèm trực thăng.
Đây là ưu điểm rất lớn của 2 tàu tuần tra dành cho Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.
Tàu KN-781 chạy thử trên biển
Sau khi hoàn thành tất cả các bài thử nghiệm trên biển với kết quả xuất sắc, 2 tàu KN-781 và KN-782 đã được nhà máy đóng tàu Hạ Long lần lượt bàn giao cho Lực lượng Kiểm ngư vào ngày 30/6 và 30/7/2014.
Việc đóng mới thành công tàu tuần tra cỡ lớn ở trong nước sẽ giúp Lực lượng Kiểm ngư có khả năng thực hiện những chuyến tuần tra xa bờ, dài ngày để hỗ trợ ngư dân, cũng như bảo đảm việc thực thi pháp luật trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư đóng thêm 4 tàu kiểm ngư cỡ lớn
(Còn tiếp)
Theo Tri Thức
Không thèm Mistral, Nga sẽ tự đóng tàu đổ bộ Công nghiệp quốc phòng Nga sẽ tự đóng tàu đổ bộ chở trực thăng cho lực lượng hải quân nước này, không trông chờ vào các tàu Mistral mua từ Pháp. Hãng thông tấn Itar-Tass dẫn lời quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga cho biết, việc thiết kế và sản xuất tàu đổ bộ lớn chở trực thăng là một phần...