Thanh tra thi cảnh báo: Có thí sinh dùng tai nghe như hạt đậu để gian lận thi cử
“Năm 2017, chúng tôi phát hiện thí sinh sử dụng tai nghe nhỏ xíu như hạt đậu để gian lận hay những thiết bị mắt thường nhìn như máy tính thông thường nhưng thật ra là dụng cụ có truyền phát sóng”, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cảnh báo tại Hội nghị chuẩn bị công tác thi THPT quốc gia 2018.
Làm đúng vai trò sẽ không có chuyện lọt đề
Theo ông Bằng, để chuẩn bị kì thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 1486/BGDĐT-TTr, ngày 16 tháng 4 năm 2018, hướng dẫn các địa phương về công tác thanh tra. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn với 63 Sở GD&ĐT trên cả nước để thống nhất cách tổ chức kì thi. Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay, công tác thanh tra được phân tuyến rất rõ sao không chồng chéo giữa thanh tra Bộ, Sở gây hiệu quả thấp.
Về công tác thanh tra, ông Bằng cho hay, bên cạnh lực lượng thanh tra theo khu vực, năm nay Bộ GD&ĐT chỉ đạo tại mỗi điểm thi có hai thanh tra cắm chốt. Một trong hai thanh tra đó phải một người của Sở GD&ĐT và một người của trường đại học. Do đó, năm nay lực lượng thanh tra toàn bộ có khoảng trên 4 nghìn người.
“4.000 cán bộ thanh tra thi năm nay đều không phải là cán bộ thanh tra chuyên nghiệp mà là các cán bộ của phòng đào tạo, phòng khảo thí, một số cộng tác viên thanh tra của các Sở. Chúng tôi đã yêu cầu các Sở phải chọn những người nghiêm túc, hiểu biết về quy chế thi, trực tiếp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra của 63 Sở, bảo đảm không những nắm chắc được quy chế thi mà phải nắm được nghiệp vụ thanh tra và đặc biệt phải có tinh thần thái độ, tinh thần trách nhiệm cao. Lực lượng này chúng tôi đã chỉ đạo và qua kiểm tra ở các Sở thấy rất nghiêm túc”, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định.
Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng (Ảnh: Đ. Chung)
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc sau sự vụ giáo viên làm lộ, lọt đề thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội làm ảnh hưởng lớn đến kỳ thi vừa qua, Bộ GD&ĐT có phương án gì để không xảy ra việc này?
Ông Bằng cho biết, mỗi phòng thi có 2 giám thị coi thi, nếu làm đúng vai, đúng vị trí thì không lo lắng. Cứ 7 phòng thi sẽ có một giám sát thi, nếu phòng thi xa cách nhau lực lượng này sẽ được tăng lên.
Ngoài ra, còn có lực lượng thanh tra của bộ, sở cắm chốt, thanh tra toàn diện kỳ thi bao gồm từ chủ tịch hội đồng trở xuống. Các lực lượng làm nhiệm vụ của mình cũng là giám sát lẫn nhau nhưng trên hết là bộ đã yêu cầu các địa phương tập huấn quy chế thi thật kỹ để đảm bảo không xảy ra sai sót.
“Bộ sẽ tổ chức các đoàn thanh tra theo khu vực, đồng thời cũng tổ chức đường dây nóng thu thập thông tin, phối hợp các đoàn thanh tra. Về chấm thi, Bộ cũng cử về mỗi hội đồng chấm thi 2 cán bộ thanh tra để giám sát liên tục từ khi làm phách đến khi chấm thi. Như vậy, có thể yên tâm công tác chấm thi sẽ được triển khai an toàn trên toàn quốc”, ông Bằng nói.
Video đang HOT
Kiến nghị các Sở GD&ĐT có công an cùng tập huấn
Trao đổi với PV Dân trí về phương án phối hợp của Bộ GD&ĐT với Bộ Công an trong việc chống gian lận thi cử trong kì thi tới? Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nghiệp vụ coi thi cho lực lượng giám thị. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ trông thi, hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng quy chế, giám thị cũng được chia sẻ những kinh nghiệm để phát hiện việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử.
“Việc gian lận diễn ra ở nhiều nơi, không cứ ở Việt Nam. Để giảm việc này, Bộ GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền, để thí sinh và cả giám thị làm thi đều phải nghiêm túc.
Thí sinh có thể vi phạm quy chế như mang tài liệu vào phòng thi, chép bài của thí sinh khác, hay tinh vi hơn là sử dụng các thiết bị công nghệ cao để truyền đề thi ra ngoài và tuồn đáp án vào trong phòng thi.
Năm 2017, chúng tôi phát hiện thí sinh sử dụng tai nghe nhỏ xíu như hạt đậu để gian lận hay những thiết bị mắt thường nhìn như máy tính thông thường nhưng thật ra là dụng cụ có truyền phát sóng” ông Bằng cho hay.
Tai nghe siêu nhỏ có kích thước 3 mm, nhỏ hơn hạt đậu, rất khó phát hiện. (Ảnh: Mỹ Hà)
Chánh thanh tra Bộ cũng cho rằng, việc phát hiện thí sinh gian lận không khó nếu tất cả giám thị đều làm việc tập trung, hết trách nhiệm của mình.
Những thí sinh có hành vi gian lận sẽ có dấu hiệu không bình thường, Bộ đã tập huấn cho giám thị rất nhiều tình huống có thể xảy ra trong phòng thi và cách xử lý. Quan trọng nhất vẫn là tinh thần, thái độ của giám thị. Giám thị nghiêm túc thì kỳ thi mới diễn ra nghiêm túc.
Cũng theo Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, Bộ luôn có phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để chỉ đạo và xử lý sự cố sao cho nhanh nhất. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị tất cả các Sở nên có công an cùng được tập huấn về việc triển khai quy chế thi.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Có 925.792 thí sinh đủ điều kiện dự thi THPT quốc gia 2018
Thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị kì thi trong sáng 16/6, đến thời điểm này, đã có 925.792 thí sinh đủ điều kiện dự thi THPT quốc gia 2018.
Thí sinh đăng ký bài thi KHXH tăng khoảng 5%
Theo Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh ĐKDT năm 2018 đến thời điểm hiện tại là 925.792.
Trong đó, số học sinh đang học lớp 12 năm học 2017-2018: 872.008 (năm 2017: 786.304); Số thí sinh (TS) tự do: 53.784 (năm 2017: 33.0557); Số TS ĐKDT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT: 237.326; Số TS ĐKDT để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh: 642.379 ; Số TS ĐKDT chỉ để xét tuyển sinh: 46.087
Như vậy, tổng số TS dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT là 879.705 (năm 2017: 809.369).
Tổng số TS sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là: 688.466 chiếm 74,3% (năm 2017: 640.471 chiếm gần 75%). Cả nước có 2.144 Điểm thi với 39.689 Phòng thi.
Riêng về đăng ký dự thi bài thi tổ hợp, hiện đã có 341.576 thí sinh đă ký bài thi KHTN, chiếm 37% (năm 2017: 38%).
So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%. (Ảnh minh họa)
Có 444.538 thí sinh đăng ký bài thi KHXH, chiếm 48% (năm 2017: 43%). Có 36.016 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4% (năm 2017: 7%).
Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017).
So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%.
Đề thi đã sẵn sàng
Rà soát ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thực hiện bổ sung điều chỉnh xây dựng ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 phù hợp với phương án đã công bố.
Ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đảm bảo phù hợp với hình thức thi đã công bố, theo hướng tiếp tục thực hiện định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Đồng thời đề thi đảm bảo tăng cường phân hoá kết quả thi nhằm đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC.
Căn cứ ma trận đề thi, Bộ đã xây dựng và công bố bộ đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh vận dụng trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi.
Hiện nay đề thi đã sẵn sàng để phục vụ kỳ thi. Công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm, các địa phương đều đã có phương án cụ thể, khả thi để bảo mật tuyệt đối đề thi ở tất cả các khâu.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, phần mềm Quản lý ngân hàng câu hỏi thi đã được hoàn thiện, sử dụng dễ dàng, phục vụ tốt cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và công tác xây dựng đề thi.
Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được bàn giao và nghiệm thu, các sở GD&ĐT đã dùng thử cho kết quả tốt, đến nay đã sẵn sàng sử dụng.
Đánh giá của Bộ GD&ĐT, hệ thống phần mềm quản lý kỳ thi THPT quốc gia vận hành tốt, đến nay phần mềm hoạt động thông suốt, không có bất kỳ trục trặc nào.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Không thấy mặt trời Hôm qua có rất nhiều tờ báo đăng bài viết phản ánh nỗi vất vả của các cán bộ in sao đề thi THPT, với cái tít "14 ngày không thấy mặt trời". Một cái tít cho thấy sự ngặt nghèo của cuộc thi, từ yêu cầu giữ bí mật đề. Khi đọc cái tít này, tôi hình dung đến một khía cạnh...