Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm ở 5 trường Đại học
Ngày 2/4, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 5 trường đại học.
Các trường đại học này bao gồm: Đại học Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Vinh, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006 ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại học Huế bị phát hiện chưa nộp 600 triệu đồng tiền thuế. (Ảnh: GDVN)
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra những ưu điểm: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 43, chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền. 5 đơn vị sự nghiệp đã cơ bản đạt được mục tiêu chung mà Nghị định 43 đề ra. Công tác quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của 5 đơn vị được triển khai đảm bảo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, quá trình thanh tra cũng chỉ ra nhiều thiếu sót. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc rất chậm, nhất là việc ban hành hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, nhưng không được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.
Video đang HOT
Trong hoạt động tuyển sinh, các trường cũng có nhiều sai phạm từ tuyển sinh hệ chính quy đến đào tạo từ xa, từ bậc đại học đến sau đại học. Ví dụ như: Với tuyển sinh, đào tạo sau đại học, một số học viên của Đại học Huế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định. Với tuyển sinh đại học, một số trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thậm chí Đại học Nông lâm thuộc Đại học Huế không được giao chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển sinh từ liên thông cao đẳng lên đại học chính quy năm 2011 với 110 sinh viên…
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện các đơn vị chưa nộp thuế với số tiền là hơn 2 tỷ đồng, trong đó Đại học Huế là hơn 600 triệu, Học viện Nông nghiệp gần 1,4 tỷ đồng…Thanh tra Chính phủ cũng xử lý sai phạm trong đầu tư, xây dựng với số tiền gần 7 tỷ đồng. Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giảm trừ giá trúng thầu là gần 1,6 tỷ đồng. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh giảm trừ giá trúng thầu là hơn 647 triệu đồng.
Đại học Huế thu hồi số tiền hơn 700 triệu về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ. Trường Đại học Y-Dược (Đại học Huế) giảm trừ giá trị quyết toán số tiền hơn 485 triệu đồng. Học viện Nông nghiệp Việt Nam giảm trừ giá trị quyết toán số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Trường Đại học Vinh giảm trừ giá trị khi thanh toán số tiền hơn 1 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án tổ chức rà soát lại hồ sơ các gói thầu chưa được kiểm tra, kiểm toán.
Trước những sai phạm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quản lý, sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức chi, định mức kinh tế – kỹ thuật. Trước mắt quy định rõ nội dung chi, mức chi tối thiểu cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ đào tạo với từng loại hình, khắc phục tình trạng dạy chay, dạy lí thuyết, xa rời thực tiễn…Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm và triển khai tốt hơn Nghị định 43./.
Thu Hằng
Theo_VOV
Chống đối, né tránh, chậm thực hiện kết luận thanh tra
Ông Lê Quang Hà - Phó vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra - cho biết, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thường có biểu hiện chống đối, né tránh hoặc chậm thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.
Kết thúc thanh tra quản lý, sử dụng đất đai ở tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý số tiền rất lớn và kỷ luật hàng loạt cá nhân, tổ chức liên quan (Ảnh minh họa).
Tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm xử lý sau thanh tra diễn ra chiều 31/3 tại Hà Nam, ông Lê Quang Hà - Phó vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) - cho biết từ năm 2012 đến nay, công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra trong ngành thanh tra được quan tâm và đề cao thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra. Nhất là năm 2014, khi qua công tác thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, trong đó có 8.059 tỷ đồng kiến nghị thu hồi qua thanh tra hành chính (đã thu hồi được 639 tỷ đồng) và 43.524 tỷ đồng qua hoạt động thanh tra chuyên ngành (đã thu hồi 12.553 tỷ đồng).
Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.357 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra (chủ yếu kết luận từ năm 2013 và thời gian trước), thu hồi và xử lý khác 1.160/1.1670 tỷ đồng (đạt tỷ lệ trên 69%), 1.479/1.505 ha đất (98,3%).
"Kết quả xử lý sau thanh tra năm 2014 cho thấy tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản vi phạm phát hiện qua thanh tra đạt tỷ lệ cao hơn so với những năm trước đây. Năm 2014 đạt tỷ lệ 69,5%, những năm trước tỷ lệ này chỉ đạt trên 30% đến dưới 50%"- ông Hà cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hà, trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra cũng gặp phải không ít những khó khăn như: thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra; chế tài xử lý trong việc không thực hiện kết luận thanh tra; một số kết luận thanh tra tính khả thi chưa cao, kiến nghị còn chung chung, chưa chỉ được cụ thể những tập thể, cá nhân có vi phạm; quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, điều hành do Hội đồng kỷ luật của cơ quan quản lý trực tiếp cán bộ quyết định.
"Do vậy còn hiện tượng quyết định hình thức kỷ luật chưa tương xứng đối với hành vi vi phạm; việc phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong công tác xử lý sau thanh tra chưa chặt chẽ, nhất là trong xử lý về kinh tế"- ông Hà nói.
Thực tiễn công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra cho thấy đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thường có biểu hiện chống đối, né tránh hoặc chậm thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. "Do vậy cần có những giải pháp như: tuyên truyền, thuyết phục, cưỡng chế,...để đối tượng thanh tra cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra"- ông Hà nêu kinh nghiệm.
Ngoài ra, việc chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra cần được thực hiện bằng văn bản và cần nêu rõ ai là người phải thực hiện, thực hiện nội dung gì và khi nào thực hiện. "Nếu có sai phạm về hành chính, kinh tế thuộc thẩm quyền thì xử lý sai phạm kịp thời. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tiến hành xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật"- ông Hà đề nghị.
Thế Kha
Theo Dantri
Khẩn trương Thanh tra dự án trung tâm thương mại FOSCO UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo Thanh tra thành phố khẩn trương triển khai thanh tra dự án Trung tâm giao dịch thương mại quốc tế của Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài (FOSCO), bởi nhiều sai phạm mà kết luận thanh tra của Sở Nội vụ TP đã nêu. Trước đó, Sở Nội vụ TP đã...