Thanh toán viện phí qua thẻ ATM: Tưởng thuận lợi nhưng hóa ra ‘hành xác’
Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu thế tất yếu, thể hiện sự tiến bộ văn minh của xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai thanh toán không sử dụng tiền mặt trong việc khám chữa bệnh ở Việt Nam vẫn nhiều khó khăn.
Không dùng tiền mặt khi thanh toán chưa thực sự tiện ích?
Có mặt tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội như: Bạch Mai, Đại học Y, Viện Nhiệt đới Trung ương… có thể thấy do áp lực người bệnh chuyển từ tuyến dưới lên nên số lượng bệnh nhân thăm khám rất đông, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải. Lượng bệnh nhân đông, kèm theo nhu cầu thanh toán viện phí cũng là rất lớn, mô hình thanh toán viện phí bằng tiền mặt không thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Chính vì vậy, nhiều bệnh viện đã áp dụng các mô hình thanh toán mới không sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều người dân cho rằng, họ vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ trên…
Người dân xếp hàng chờ đợi làm thủ tục thanh toán viện phí bằng thẻ ATM.
Cũng như nhiều người, vì sự tiện lợi, nhanh chóng và đặc biệt không phải xếp hàng như đã được giới thiệu nên chị T.H (Hà Đông, Hà Nội) lựa chọn đưa con trai đi khám bệnh bằng dịch vụ không sử dụng tiền mặt. Những tưởng sẽ rút ngắn được thời gian khám bệnh nhưng việc không dùng tiền mặt cũng có những phiền hà nhất định.
Chị T.H chia sẻ: “Lo lắng con trai 14 tuổi có chiều cao gần 1m9 có thể bị mắc một số bệnh về u tuyến yên, tuyến giáp… hoặc căn bệnh “người khổng lồ” khi như tìm hiểu trên mạng, tôi đã đưa con đi khám tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, không sử dụng tiền mặt tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi nộp số tiền 2 triệu đồng tạm tính cho dịch vụ chụp cộng hưởng từ ở quầy đón tiếp, ngay lập tức tôi được cấp một chiếc thẻ ATM – Thẻ khám bệnh – của Viettinbank với số tài khoản 711AE669XXX có tên con trai tôi mà không hề có sự lựa chọn nào khác. Trước khi lựa chọn dịch vụ này, tôi đã rất tự tin vì dù sao mình cũng có một cái thẻ ATM của Agribank, được cơ quan trả lương vào đó, có sử dụng dịch vụ E-Mobile Banking có thể chuyển khoản trả tiền bất cứ lúc nào. Nhưng thực sự, trong trường hợp này, cái thẻ đó ở đây không có tác dụng”.
Nhiều người dân gặp khó khăn trong việc thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt.
Video đang HOT
Chị T.H cho biết, theo cô y tá, trong thẻ ATM của Viettinbank này, ngoài số tài khoản còn là mã số bệnh nhân và từ mã số này, các thông tin về khám chữa, bệnh tình của bệnh nhân sẽ được lưu trữ trong hệ thống của bệnh viện.
“Sau khi cầm tấm thẻ ATM có đủ số tiền tạm tính ấy, tôi đưa con ra phía quầy của ngân hàng làm thủ tục thanh toán vào khám. Tầm 10 giờ sáng, số người xếp hàng tại quầy ngân hàng làm thủ tục rất đông, người làm thủ tục nộp tiền vào tài khoản, người rút tiền, người xin xác nhận để vào phòng khám. Hơn 11 giờ, con tôi được gọi vào, sau khi được Ths.BS tại Khoa Nội – Nội tiết 2 thăm khám và chỉ định đi xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ, số tiền 2 triệu đồng trong tài khoản đã hết, không đủ để làm thêm siêu âm tuyến giáp và buộc phải nộp thêm tiền vào tài khoản mới được chỉ định đi siêu âm.
Vì chọn cách khám không dùng tiền mặt, vì tự tin trong tài khoản cá nhân của mình có tiền nên không mang theo tiền mặt, giờ đóng thêm cũng không có, chạy ra ngoài rút tiền thì không đủ thời gian khám buổi sáng, chuyển khoản từ Agribank sang cũng không được, bí quá, tôi gọi cho cô em gái có tài khoản Viettinbank chuyển tiền vào giúp. Nhưng không hiểu sao, em tôi không thể chuyển tiền vào được vì số tài khoản liên tục bị từ chối, bị báo lỗi. Hỏi cô nhân viên ngân hàng, cô ấy đáp gọn lỏn: “Bao nhiêu người chuyển được, mỗi nhà chị không chuyển được!”. Quả thực, chờ đợi thăm khám từ sáng, cộng với không khí nóng bức, mệt mỏi, câu nói của cô nhân viên ngân hàng như gáo nước lạnh dội thắng vào đầu. Biết thế tôi đã không chọn dịch vụ này!”, chị T.H bức xúc nói.
Chị T.H cho biết, khi chụp cộng hưởng từ, con trai chị phải tiêm thuốc cản quang, các bác sĩ đã viết hóa đơn ghi nợ số tiền hơn 700.000 đồng để con chị được chụp ngay. Tuy nhiên, ngày hôm sau, khi đến lấy kết quả, chị T.H mang tờ giấy ghi nợ của bác sĩ đi nộp đủ hơn 700.000 đồng (tiền thuốc cản quang) vào tài khoản rồi mang ra phòng bác sĩ nhưng không được. Cô y tá yêu cầu phải ra nộp lại toàn bộ số tiền chụp cộng hưởng từ và tiêm cản quang là 2.336.000 và giải thích rằng sau khi khám xong sẽ được rút lại số tiền hơn 1,6 triệu (không có thuốc cản quang) đã nộp trước đó.
“Quả thực, đi khám không dùng tiền mặt mới thấy, chủ trương nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất để bệnh nhân tiếp cận và sử dụng dịch vụ tiên tiến này vẫn chưa thực sự tiện ích đối với người dân… mà chỉ thấy rắc rối, phiền hà”, chị T.H chia sẻ.
Cần đa dạng các phương thức thanh toán viện phí
Tại một góc khác ở Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai, anh Trần Văn Thứ (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Những người dân đến khám chữa bệnh như tôi sử dụng rất nhiều các tài khoản ngân hàng khác nhau nên việc bệnh viện chỉ liên kết với một ngân hàng phát hành thẻ gây không ít khó khăn trong quá trình thanh toán, chuyển khoản từ ngân hàng này qua ngân hàng khác. Nhiều người người bệnh vẫn phải ra cây rút tiền mặt để thanh toán. Điều này gây khó khăn cho người bệnh, đặc biệt là với người bệnh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…”.
Còn ông Đàm Xuân Thế (quê Phú Thọ) cho rằng: “Do các bệnh viện chưa có sự liên kết nên nếu chuyển sang thăm khám tại nơi khác người bệnh lại phải làm thêm thẻ như vậy rất bất tiện. Đồng thời, với mỗi chiếc thẻ ATM sau khi thăm khám, muốn tiếp tục sử dụng được cho những lần sau phải duy trì thẻ, điều này sẽ phát sinh nhiều chi phí lớn, đặc biệt là với những bệnh nhân nghèo, ở các tỉnh vùng sâu vùng xa”.
Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Thuận – Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Do số lượng bệnh nhân đến thăm khám lớn nên bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt từ khá sớm. Hiện bệnh viện đang áp dụng 2 phương thức thanh toán viện phí chính là thanh toán tiền mặt – quẹt thẻ (dành cho bệnh nhân khám bệnh thông thường) và thanh toán thẻ điện tử ATM (dành cho bệnh nhân khám bệnh theo yêu cầu)”.
Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm thực hiện thanh toán qua thẻ ATM, bà Thuận cho biết việc triển khai mô hình thanh toán qua thẻ ATM còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Do đối tượng bệnh nhân của bệnh viện từ các tuyến dưới chuyển lên khá đông, nhiều trường hợp người cao tuổi, người dân tộc thiểu số chưa quen với việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh.
Nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi khám chưa bệnh thường không giữ lại thẻ và khi khám mới tiến hành làm lại, việc này gây nên sự lãng phí lớn. Ngoài ra, việc kết nối giữa phần mềm các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp trục trặc trong quá trình thanh toán do lỗi phần mềm. Đặc biệt hệ thống các cây đón tiếp người bệnh chưa thực sự hiệu quả. Mô hình thanh toán qua thẻ ATM chưa có sự kết nối, liên thông giữa các phương thức thanh toán của các đơn vị khác nhau.
Theo bà Thuận, chính do những hạn chế về phương thức liên kết nên Bệnh viện Bạch Mai không nhân rộng mà chỉ thí điểm mô hình thanh toán qua thẻ ATM cho nhóm đối bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu. Việc thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt vẫn là xu thế tất yếu của xã hội, mô hình thanh toán điện tử sẽ trở nên thông dụng.
Thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai mô hình thanh toán viện phí qua internet banking (mô hình được ngành điện, nước, giáo dục đã triển khai rộng rãi mang lại hiệu quả cao), người nhà bệnh nhân có thể thanh toán viện phí bằng nhiều tài khoản khác nhau, ở bất cứ đâu mà không cần trực tiếp đến bệnh viện. Việc mở rộng các phương thức thanh toán đa dạng sẽ giúp từng nhóm đối tượng người bệnh dễ dàng tiếp cận.
Huyền Minh – Tuấn Anh
Theo Dansinh
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới với người bệnh
Sau khi đăng ký nhận "hỗ trợ chi phí" trà thảo dược trị đau dạ dày được giới thiệu trên fanpage "Khoa Tiêu hóa-Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội", chị Th. đã được "nhân viên khoa Dược" gọi điện hỏi địa chỉ giao hàng và yêu cầu chuẩn bị sẵn 1,3 triệu đồng. Thấy nghi ngờ, chị Th. đã gọi điện xác minh và rất bất ngờ...
Theo thông tin từ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây phòng đã tiếp nhận điện thoại của một số bệnh nhân để xác minh thông tin "Khoa Tiêu hóa-Bệnh viện Bạch Mai đang có chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày".
Một trong số những trường hợp đó là chị Th. Khi vào mạng xã hội chị Th. đọc được thông tin tại fanpage mang tên "Khoa Tiêu hoá-Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội": "Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu...thì nhanh tay nhấn "đăng ký" để được hỗ trợ. Lưu ý: Bà con không bị đau dạ dày hoặc đã nhận hỗ trợ từ lần trước vui lòng không đăng ký để nhường cơ hội cho người thực sự cần".
Bản thân bị bệnh dạ dày nên khi nhận được thông tin trên chị Th. rất vui mừng và đã nhấn nút "đăng ký" và để lại số điện thoại, thông tin cá nhân.
Nội dung thông tin được giới thiệu trên fanpage mang tên "Khoa Tiêu hoá- Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội"
Một lúc sau, chị nhận được điện thoại của một người tự xưng là bác sĩ của khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị lại nhận được một cuộc điện thoại của người lạ khác tự xưng là nhân viên của khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai hỏi địa chỉ để giao trà đến và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.
Nhận thông tin trên, phòng Công tác-Xã hội đã xác minh và được TS-Bác sỹ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: "Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang".
Bác sỹ Khanh khuyến cáo, hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, đơn vị y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng internet rất phổ biến. Do đó, bà con cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những lời quảng cáo có cánh để rồi tiền mất tật mang. Nếu có bệnh, bà con nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
T. An
Theo PLXH
Vụ cả nhà thương vong do tai nạn giao thông ở Hà Nội: Người bố đã tỉnh, chưa biết vợ và 2 con nhỏ đều đã qua đời Sau 3 ngày được các bác sĩ tích cực cấp cứu điều trị, hiện sức khỏe của anh N.V.T. (là nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ tai nạn làm 3 mẹ con tử vong) đã ổn định hơn. Kinh tế khó khăn, người thân nạn nhân không biết phải xoay sở ra sao để chữa trị cho anh T. Vụ tai...