Thành tích học tập đáng nể của ‘cặp bài trùng’ Đường lên đỉnh Olympia
Đường lên đỉnh Olympia đã đi được một chặng đường gần 20 năm và dần chứng minh sức ảnh hưởng của mình là vô cùng lớn, lan rộng qua rất nhiều những thế hệ học sinh khác nhau.
Nói đến sự thành công của chương trình, chắc chắn không thể bỏ qua những nỗ lực, cố gắng của các MC – Những người là cầu nối giữa khán giả, thí sinh với nhà sản xuất nội dung.
Trong năm 2019, cũng là mùa thứ 20 của Đường lên đỉnh Olympia, với lối dẫn dắt hài hước, thú vị, cả 2 MC là Diệp Chi và Ngọc Huy đã chiếm trọn trái tim của khán giả truyền hình qua mỗi số phát sóng. Thế nhưng ít ai có thể ngờ rằng, để có được thành công như hiện tại, cả hai từng là những nhân tố nổi bật, thậm chí là xuất sắc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
MC Ngọc Huy – “ Thánh troll” của chương trình
Gắn bó với Đường lên đỉnh Olympia từ năm thứ 13 đến nay, MC Phạm Ngọc Huy được nhiều thí sinh yêu mến bởi sự gần gũi cũng lối dẫn dắt hài hước. Ngọc Huy từng chia sẻ, anh rất thích xem Đường lên đỉnh Olympia và luôn đặt công việc dẫn chương trình này lên vị trí ưu tiên.
Với công việc là MC dẫn tại trường quay, biên tập viên Ngọc Huy luôn là người đồng hành cùng các thí sinh trong từng chi tiết nhỏ nhất tại trường quay, đồng thời cũng là nguồn động lực vô cùng lớn của các thí sinh trước khi bước vào mỗi vòng thi. Cũng chính bởi sự duyên dáng của mình mà Ngọc Huy thường được nhiều thí sinh đặt cho cái tên thân mật là “thánh troll”.
Bên cạnh đó, anh chàng này còn đích thực là “vựa muối” của chương trình khiến nhiều khán giả thậm chí còn không thể nhịn được cười. Cụ thể trong một số phát sóng mới đây, khi một nam thí sinh giới thiệu về thần tượng của mình là ca sĩ Sơn Tùng MTP, ngay lập tức tức MC Ngọc Huy và Diệp Chi đã đề nghị “sky” chính hiệu này hát tặng khán giả một ca khúc.
Tuy nhiên, do không tự tin với giọng hát của mình, nam sinh này đã từ chối. Để chữa cháy cho nam thí sinh, MC Ngọc Huy nói: “Thực sự, không phải “sky” nào cũng có thể hát hay, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tinh thần. Có một điều rất liên quan là anh quay phim cũng tên Sơn Tùng và mọi người hay gọi anh ấy là Sơn Tùng MQP (Sơn Tùng Em quay phim)”. Phần dẫn hài hước này khiến khán giả trường quay cũng như các thí sinh được dịp “cười lăn”.
Trước khi trở thành một MC, biên tập viên tại VTV, Ngọc Huy từng theo học tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. Không những thế, chàng MC đa tài này còn xuất thân từ một trong những ngôi trường THPT mà nhiều người mơ ước, đó chính là Khối chuyên Toán – Tin tổng hợp thuộc trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
MC Diệp Chi -8X sở hữu thành tích học tập tương đối “khủng”
Nguyễn Diệp Chi lần đầu xuất hiện tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia vào năm 2007 với vai trò là MC ở điểm cầu Nghệ An. Mãi đến 10 năm sau, cô mới chính thức trở thành MC chính dẫn chương trình tại trường quay.
Nữ biên tập viên này gây dấu ấn đậm nét với khán giả truyền hình thông qua cách dẫn nhẹ nhàng, điềm đạm nhưng không kém phần vui tươi. Ở một số chỗ cần nhấn nhá, tạo sự gây cấn, nữ MC này đều thể hiện tốt vai trò của mình khiến nhiều khán giả truyền hình thậm chí còn trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau ở mỗi tập phát sóng.
Video đang HOT
Phủ sóng tại nhiều chương trình của VTV, thế nhưng ít ai biết rằng, cô nàng này còn sở hữu một bảng bề dày thành tích học tập đồ sộ khiến vạn người phải trầm trồ ngưỡng mộ. Cô từng đoạt giải 3 môn Văn cấp tỉnh năm lớp 9, đoạt giải khuyến khích môn Văn cấp tỉnh năm lớp 12, giành giải nhất chương trình “Nữ sinh tương lai” khu vực miền Trung.
Đặc biệt, nữ MC Đường lên đỉnh Olympia từng đậu thủ khoa Học viện Báo chí Tuyên truyền với số điểm là 26,5 (khối D). Hiện MC Diệp Chi đã kết hôn và đã sinh con đầu lòng vào năm 2011.
Trên trang cá nhân, nữ MC cũng thường cho đăng tải những khoảnh khắc đáng nhớ bên cạnh con gái của mình. Ngoài việc dẫn chương trình cho Đường lên đỉnh Olympia, cô nàng 8X còn được nhiều người quan tâm đến thông qua vai trò là MC của chương trình Điều ước thứ 7 – Một chương trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn.
Ảnh: FBNV
Theo saostar
Sân khấu, logo, tiền thưởng Olympia thay đổi thế nào sau 20 năm
Gần như năm nào cũng làm mới sân khấu, từng 4 lần thay đổi logo là một số điều không phải khán giả nào theo dõi "Đường lên đỉnh Olympia" 20 năm qua cũng để ý.
20 năm trước, Đường lên đỉnh Olympia lần đầu tiên phát sóng và nhanh chóng trở thành chương trình truyền hình được khán giả cả nước đón nhận.
Không chỉ gây ấn tượng bởi hàng trăm gương mặt học sinh THPT xuất sắc mỗi năm, Olympia còn mang đến nhiều câu hỏi hóc búa, thú vị cùng những giây phút từ nghẹt thở tới vỡ òa cảm xúc khi chinh phục "đỉnh núi kiến thức".
Năm 2019, tức năm phát sóng thứ 20, đánh dấu một số thay đổi của chương trình có tuổi đời dài nhất VTV. Bên cạnh luật chơi mới, sân khấu mới của chương trình cũng được ra mắt từ trận thi thứ 9.
Sân khấu mới của "Đường lên đỉnh Olympia" năm 20. Ảnh: Fanpage Olympia.
Hầu như năm nào cũng đổi mới sân khấu
Tại cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia vừa lên sóng chiều 17/11, khán giả được chiêm ngưỡng sân khấu mới, thay thế cho hình ảnh quen thuộc của gần 3 năm trước.
"Rất mới mẻ. Rất tươi trẻ. Đúng với tinh thần tuổi 20" là cảm nhận của MC Diệp Chi về sự thay đổi này.
Bục đứng của 4 thí sinh được thay đổi thiết kế từ hình chữ nhật sang hình trụ và được đặt cách xa nhau hơn. Bục đứng của hai MC, cùng họa tiết trang trí sân khấu chủ yếu là các khối hình thoi lớn, có màu sắc rực rỡ.
Nổi bật trên sân khấu là số 20 cách điệu - tượng trưng cho 20 năm phát sóng của chương trình - được đặt ở vị trí trưng bày vòng nguyệt quế.
Sân khấu Olympia của các năm 2, 7, 8, 14. Ảnh chụp màn hình.
Trước đó, từ năm phát sóng đầu tiên, gần như năm nào ban biên tập cũng bố trí lại sân khấu để tạo sự mới mẻ.
Chỉ có một số năm thiết kế sân khấu giống nhau (năm 10-11, năm 17-19) hoặc ít thay đổi (năm 15, 16 tương đồng khoảng 40%, khác ở chỗ đứng của thí sinh và bục trả lời ở chính giữa sân khấu).
Vị trí đứng của 4 "nhà leo núi" hầu hết đều được bố trí ở phía bên trái sân khấu và đối diện với MC, theo hướng nhìn của khán giả.
Chỉ có năm thứ 7 MC được bố trí đứng giữa các thí sinh. Năm 13-14, 4 "nhà leo núi" được sắp xếp đứng ở trên cùng, chính giữa sân khấu, trong khi bục đứng của người dẫn chương trình ở bên trái. Đây cũng là 2 năm hàng ghế khán giả được thiết kế ngay bên cạnh sân khấu, đối diện với MC.
4 lần thay đổi logo
Lần gần nhất Đường lên đỉnh Olympia thay đổi logo là năm thứ 16. Vòng nguyệt quế quen thuộc được thay thế bằng một vòng ít lá hơn. Hai nhánh nguyệt quế tạo thành hình tròn, tô điểm xung quanh đỉnh núi Olympia. Toàn bộ logo màu vàng.
Trước đó, logo của Olympia được đổi mới với 3 mốc: 7 năm đầu, năm 8-13, năm 14-15.
Thiết kế của 3 lần này đều là hình vòng nguyệt quế với chiếc nơ to ở chính giữa, bên cạnh là tên chương trình. Điều duy nhất thay đổi là màu sắc.
Logo Olympia thay đổi qua các năm. Ảnh: Olympia.
Năm 2016 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Olympia không có sự đồng hành của LG như nhà tài trợ chính. Điều này đồng nghĩa với việc phần thưởng dành cho trường không còn, chỉ còn cho thí sinh.
Trước đó, các trường có thí sinh vô địch thường nhận được TV, đầu DVD, tủ lạnh, máy giặt... Từ năm 16, phần thưởng gồm giải nhất, nhì, ba được trao giải bằng tiền mặt.
Thí sinh dẫn đầu mỗi cuộc thi được trao vòng nguyệt quế tượng trưng cho chiến thắng. Nhà vô địch của năm nhận suất học bổng giá trị 35.000 USD và học bổng 100% nếu học tập tại ĐH Kỹ thuật Swinburne (Australia).
Sau 20 năm, áo thi đấu của các "nhà leo núi" chủ yếu là màu trắng, in logo màu vàng hoặc đỏ. Một số năm có màu áo đặc biệt như xanh lá cây (năm 14) hay đỏ (năm 16).
Áo thi đấu của các thí sinh năm 1, 14, 16 và 19. Ảnh: VTV, Việt Hùng, Duy Hiệu.
Cải tiến luật chơi
Qua nhiều năm phát sóng, Đường lên đỉnh Olympia năm 20 có thêm những cải tiến và luật chơi mới.
Ở phần thi Khởi động, các "nhà leo núi" sẽ trải qua số câu hỏi không giới hạn trong vòng 60 giây, thay vì 12 thử thách như 10 năm trước.
Trước đó, luật chơi Khởi động ở những năm đầu tiên như sau: Có sáu loại câu: Ai? Cái gì? Khi nào? ở đâu? Như thế nào? Tại sao? Người chơi chọn lần lượt 2 câu hỏi; bấm chuông trả lời trong vòng 30 giây, trả lời trong 10 giây đầu được 30 điểm, trong 20 giây được 20 điểm, trong 30 giây được 10 điểm.
Phần thi Về đích của năm thứ 20 gồm có 3 gói 10, 20 và 30 điểm. Thí sinh được quyền tạo ra gói câu hỏi bất kỳ. Trước đó, thí sinh chỉ có quyền lựa chọn giữa 3 gói 40, 60 và 80 điểm.
Bên cạnh luật chơi, chương trình đưa ra quy chế mới từ năm thứ 17. Học sinh lớp 12 không còn được tham gia Đường lên đỉnh Olympia để có thể hoàn thành tốt kỳ thi THPT quốc gia và không đi ngược với mục tiêu ban đầu của chương trình.
Olympia 2016 là năm cuối cùng học sinh lớp 12 được tham gia. Ảnh: Việt Hùng.
Cụ thể, Olympia mỗi năm có 53 số (bao gồm các cuộc thi tuần, tháng, quý, chung kết) được phát sóng hàng tuần. Sự chênh lệch giữa số ngày trong năm và số chương trình phát sóng dẫn đến việc thời điểm diễn ra chung kết mỗi năm bị đẩy lùi xuống một tuần.
Ở năm 14, trận chung kết diễn ra vào ngày 3/8, sang năm 15 là 16/8, còn năm 16 là 21/8, đồng nghĩa việc cách xa ngày học sinh lớp 12 tốt nghiệp. Điều này đi ngược với mục tiêu ban đầu chương trình - sân chơi trí tuệ dành riêng cho các học sinh khối trung học phổ thông.
Quan trọng hơn, kỳ thi THPT quốc gia mang tính bước ngoặt với tương lai của học sinh lớp 12 nên cần được ưu tiên.
Bên cạnh đó, sự thay đổi của Olympia còn thể hiện ở bộ nhạc hiệu và nhạc nền (bao gồm nhạc nền câu hỏi, nhạc tính giờ, trả lời đúng...) của chương trình, do nhạc sĩ Lưu Hà An sáng tác, biên soạn và hòa âm phối khí (kể từ năm thứ 7).
Sau mỗi năm, nhạc nền được thay đổi cho phù hợp với luật chơi mới của năm kế tiếp. Từ năm thứ 11 đến nay, nhạc nền hầu như ít thay đổi. Năm 20 chứng kiến sự thay đổi cả ở đồ họa hiển thị trên màn hình và nhạc hiệu.
Dù có nhiều đổi mới sau mỗi năm, điều duy nhất không thay đổi là bài nhạc Đường lên đỉnh núi (do nhạc sĩ Hoàng Vân soạn nhạc và viết lời) đã được sử dụng xuyên suốt 20 năm chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
Theo Zing
10X gặp 'sự cố' nói nhầm tên MC giành giải nhất tuần Olympia Luôn giữ thái độ điềm tĩnh và chắc chắn, Trần Lê Tuấn Khang giành vòng nguyệt quế "Đường lên đỉnh Olympia" tuần này với 245 điểm. 10X Cần Thơ vươn lên dẫn đầu 'đoàn leo núi' với 90 điểm Khởi động. Trong 60 giây Khởi động, Trần Lê Tuấn Khang ghi được 9 điểm 10 và giành lợi thế dẫn đầu từ sớm....