Thành tích, danh hiệu và nỗi buồn xin điểm ở cấp Tiểu học!
Người được xin điểm, rất khó chối từ bởi vì người đi xin điểm là đồng nghiệp của mình- những người mà ngày nào cũng gặp mặt nhau trong nhà trường.
Chuyện giáo viên xin điểm đồng nghiệp để học trò của mình được xếp loại cao trong học tập hiện đang rất phổ biến ở cấp Tiểu học. Người được xin điểm, rất khó chối từ bởi vì người đi xin điểm là đồng nghiệp- những người mà ngày nào cũng gặp mặt nhau trong nhà trường.
Chối từ thì rất dễ dàng, nhưng sau những lời chối từ ấy kéo theo mối quan hệ đồng nghiệp sẽ sứt mẻ. Nhất là đối với những thầy cô dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thế dục- những môn học mà từ trước đến nay ở nhà trường vẫn mặc nhiên đó là môn phụ.
Chuyện xin điểm vẫn đang xảy ra khá nhiều ở trường học (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Câu chuyện giáo viên chủ nhiệm ở cấp Tiểu học xin điểm các môn chuyên đã được phản ánh khá nhiều lần nhưng tình trạng này không thuyên giảm, nhất là những giáo viên ở thành phố- nơi mà tình trạng dạy thêm đang diễn ra khá phổ biến trong tất cả các lớp học.
Vì sao giáo viên chủ nhiệm phải xin điểm giáo viên chuyên?
Theo quy định hiện hành, việc đánh giá, xếp loại học tập của học sinh Tiểu học được căn cứ vào Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học sinh được xếp loại “xuất sắc” cuối học kỳ, cuối năm học thì bắt buộc các môn kiểm tra viết phải đạt từ 9 điểm trở lên. Các môn xếp loại (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục) phải được xếp ở mức “hoàn thành tốt” (T).
Chính vì vậy, những môn mà kiểm tra viết thì nằm trong tầm tay của giáo viên chủ nhiệm bởi vì họ dạy, học ra đề và họ chấm nhưng các môn còn lại bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải xin giáo viên chuyên, nếu học sinh của mình bị xếp loại “hoàn thành” (H).
Khi các môn xếp loại đều xếp ở mức T, cùng với các môn kiểm tra cho điểm được từ 9 điểm trở lên thì đương nhiên học sinh được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” mà đây mới là mức mà giáo viên chủ nhiệm hướng tới và cũng là điều mà nhiều phụ huynh trông chờ.
Bởi vì chỉ tiêu đã được các nhà trường ấn định ngay từ đầu năm học, giáo viên và các tổ cũng đã đăng ký chỉ tiêu đầu năm.
Hơn nữa, nhiều giáo viên chủ nhiệm dạy thêm cho học trò đương nhiên sẽ phải có “trách nhiệm” với học trò mà mình đã dạy. Chỉ khi học sinh đạt được thành tích học tập cao thì “uy tín” giáo viên chủ nhiệm mới được nâng lên.
Chính vì thế, cửa ải khó khăn là mà bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải đối mặt hàng năm là xin giáo viên chuyên để xin điểm. Những em học tạm được thì xin còn dễ nhưng có em không học môn chuyên được thì đương nhiên giáo viên dạy môn chuyên họ không muốn muốn nâng lên.
Tuy nhiên, cũng vì giáo viên trong trường với nhau nên nhiều giáo viên chủ nhiệm chuẩn bị rất chu đáo công việc này bằng cách gần đến ngày kiểm tra học kỳ thì đưa danh sách những học sinh “cần lưu ý” cho giáo viên chuyên.
Những em được tổng kết ở mức “T” thì không sao nhưng những em đạt mức “H” mà giáo viên chủ nhiệm cần nâng lên thì họ nhờ giáo viên chuyên “kéo” lên để đủ điều kiện xếp loại cho học trò mình ở mức “xuất sắc”.
Video đang HOT
Rất nhiều giáo viên chuyên ở cấp Tiểu học khi trao đổi với chúng tôi đầu ngao ngán với thực trạng mà họ phải đối mặt hàng năm khi chuẩn bị bước vào kiểm tra học kỳ.
Nâng mức xếp loại cho học trò mà thực học các em không đạt được như vậy thì có nghĩa là trái với quy chế của ngành, trái với lương tâm, đạo đức của người thầy và đôi khi họ cảm thấy như mình là “con rối” trong tay giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường.
Dạy suốt cả học kỳ nhưng khi đánh giá, xếp loại học tập cho học trò lại phải làm theo “định hướng” của người khác.
Không nâng mức xếp loại cho học trò có nghĩa là đối đầu với giáo viên chủ nhiệm và đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, thành tích dạy và học của nhà trường.
Bởi, trường càng nhiều học sinh xuất sắc thì đương nhiên “uy tín” sẽ được nâng lên trong mắt lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục và lãnh đạo địa phương. Đồng thời cũng sẽ là điểm nhấn cần thiết cho phụ huynh học sinh.
Một số phụ huynh nhiều khi không chú trọng việc học hàng ngày của con nhưng luôn coi trọng thành tích cuối kỳ, cuối năm của con mình. Tất nhiên, khi con được khen thưởng có nghĩa là con học giỏi và tất nhiên họ luôn nhớ đến thầy cô chủ nhiệm con mình đã “tận tình” dạy bảo.
Khen thưởng kiểu “ngoại giao”
Nếu học sinh giỏi thật, khen thật thì không có gì phải bàn cãi. Hiện tượng không giỏi mà vẫn được khen thưởng vì cách xếp loại “ngoại giao” như học sinh đó là con của ông nọ, ông kia đã gửi.
Học sinh đó là con của Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh. Học sinh ấy là con của phụ huynh đóng góp nhiều nhất cho lớp, cho trường. Học sinh ấy được cha mẹ gửi học thêm từ những ngày đầu năm học…
Những kiểu xếp loại “ngoại giao” này vô cùng nguy hiểm và tạo nên một tiền đề xấu trong một số trường Tiểu học hiện nay.
Năm học 2020-2021 tới đây là học sinh lớp 1 bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hy vọng, Thông tư 22 cũng được điều chỉnh phù hợp cho thống nhất cách xếp loại với các cấp học ở trên.
Chẳng hạn, cách xếp loại ở cấp Trung học cơ sở hiện nay đối với các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục chỉ có 2 mức là “Đạt” và “Chưa đạt”. Học sinh được khen thưởng chỉ cẩn xếp loại “Đạt” các môn xếp loại là được.
Trong khi, cấp Tiểu học đang được xếp ở 3 mức: “chưa hoàn thành; hoàn thành; hoàn thành tốt”.
Bởi, quy định học sinh được xếp loại ở mức “Xuất sắc” phải đạt mức “hoàn thành tốt” các môn chuyên nên tạo ra chuyện trớ trêu là giáo viên chủ nhiệm năm nào cũng phải đi xin điểm giáo viên chuyên.
Chính vì “góc khuất” này mà nhiều em học tốt hơn thì xếp loại “hoàn thành” mà học dở hơn lại được xếp loại “hoàn thành tốt” vì những toan tính của giáo viên chủ nhiệm. Tất cả việc làm này vì bệnh thành tích và cũng vì lợi ích của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường mà ra.bb
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net.vn
Hiệu trưởng, giáo viên cứ làm tròn bổn phận của mình thì chẳng ai phải ngại ai
Trường học chỉ có thể đoàn kết, phát triển được khi cấp trên, cấp dưới tôn trọng, đối xử bình đẳng, hiểu được phận sự, trách nhiệm, công việc của nhau.
Việc thi tuyển hiệu trưởng các trường học phổ thông hiện nay đã có một vài địa phương đang làm thí điểm và bước đầu cũng đã tạo ra những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, đa phần các hiệu trưởng trường học bây giờ đều do cấp trên bổ nhiệm, điều động nên giáo viên không có quyền lựa chọn hiệu trưởng cho đơn vị mình.
Chính vì vậy, có những hiệu trưởng được lòng số đông giáo viên trong đơn vị nhưng cũng có những hiệu trưởng không được lòng giáo viên - đó cũng là điều dễ hiểu trong các nhà trường. Song, phải khẳng định ngay rằng dù hiệu trưởng có cố gắng, có tốt đến bao nhiêu thì cũng không thể làm vừa lòng tất cả giáo viên trong đơn vị mình.
Cứ làm tốt trách nhiệm, bổn phẩn của mình thì sẽ được mọi người tôn trọng (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Chuyện hiệu trưởng không được lòng đối với một số giáo viên và một số giáo viên không được lòng với hiệu trưởng trường mình là điều hoàn toàn bình thường, không có gì phải ngạc nhiên cả.
Trong một gia đình, cha mẹ có vài đứa con cũng có những lúc thương đứa này hơn, đứa kia ít hơn- dù đó là những người máu mủ trong nhà. Huống chi, quan hệ hiệu trưởng với giáo viên, nhân viên là quan hệ cấp trên- cấp dưới, quan hệ đồng nghiệp với nhau thì việc không bằng lòng với nhau không phải là điều bất ngờ.
Thực tế ở các nhà trường cũng có những giáo viên chưa làm tốt công việc của mình, còn yếu về chuyên môn, ngại phấn đấu, rèn luyện. Một số giáo viên có cái tôi khá lớn, thường có những phát ngôn không phù hợp trong đơn vị, có trường hợp bạo hành học trò...
Tất nhiên, gặp những trường hợp như vậy, hiệu trưởng phải nhắc nhở, thậm chí là lập biên bản, xử lý kỷ luật (nếu vi phạm nhiều lần). Những trường hợp như vậy đương nhiên không bao giờ giáo viên hợp và thích hiệu trưởng của mình.
Trong khi đó, cũng có những hiệu trưởng tham lam, độc quyền, hà khắc, không giỏi chuyên môn nhưng lại thừa mưu mẹo để loại bỏ những người hay có ý kiến, hay phản đối các kế hoạch của mình.
Những hiệu trưởng như vậy, không giúp đơn vị đi lên được mà còn làm cho đơn vị mất đoàn kết, hoài nghi, đề phòng nhau. Trong trường, sẽ có nhiều phe phái khác nhau và đương nhiên sẽ đố kị nhau.
Chính vì thế, nếu giáo viên tốt, giỏi chuyên môn, tôi vi phạm, không làm điều gì trái với lương tâm, đạo đức của người thầy thì hiệu trưởng nào kỷ luật được mình? Không thích cũng không thể làm gì được hết.
Nếu hiệu trưởng gương mẫu, không tham lam của công, nói đi đôi với làm, đối xử bình đẳng với mọi người, khách quan trong công việc thì giáo viên nào dám khinh thường và chống đối hiệu trưởng?
Vậy nên, trường học chỉ có thể đoàn kết, phát triển được khi cấp trên, cấp dưới tôn trọng, đối xử với nhau bình đẳng, hiểu được phận sự, trách nhiệm công việc của nhau. Chuyện thích hay không thích, bằng lòng hay không bằng lòng nhau chỉ là thứ yếu trong xã hội hiện đại mà thôi.
Giáo viên cần hiệu trưởng như thế nào?
Đối với hiệu trưởng thì cần giỏi về quản lý, giỏi về chuyên càng tốt, phải biết đề ra những kế hoạch dài hạn, ngắn hạn một cách khoa học để phát triển nhà trường. Điều tối kị của người hiệu trưởng là đừng tham lam những khoản tiền chế độ của giáo viên, học sinh đã được cấp trên công khai chi trả.
Người hiệu trưởng giỏi là cần biết lắng nghe những phản biện trái chiều của giáo viên, biết kích thích sự sáng tạo của giáo viên và học sinh trong nhà trường để thúc đẩy chất lượng dạy và học.
Người hiệu trưởng giỏi không chỉ về quản lý, về chuyên môn mà nghệ thuật góp ý, phê bình cũng cần phải giỏi. Bởi, trong một đơn vị hàng mấy chục con người, có trường cả trăm con người thì không thể nào ai cũng tốt, cũng giỏi được.
Vì vậy, khi gặp những trường hợp giáo viên còn hạn chế hay mắc khuyết điểm thì người đứng đầu đơn vị phải có những ngôn phong phù hợp để giáo viên không chỉ sợ mà còn phải nể để khắc phục hạn chế của mình mà trong lòng không phải ấm ức.
Tránh đe nạt, mạt sát giáo viên của mình bởi đó là điều không phù hợp trong môi trường giáo dục mà đương nhiên một người đã không thích hiệu trưởng sẽ kéo theo nhiều người khác theo.
Trong mỗi năm học, hiệu trưởng vừa là lãnh đạo nhưng đồng thời phải là "trọng tài" trong mọi công việc. Từ xét thi đua, xét công chức, xét chuẩn nghề nghiệp...đều có những tranh luận gay gắt giữa các giáo viên, giữa các tổ với nhau.
Vì thế, chỉ cần tình cảm chen vào sẽ tạo cho người này ưng nhưng sẽ có người không thích mình. Chính vì thế, nếu làm "trọng tài" tốt sẽ hóa giải được hiềm khích của giáo viên mà uy tín của người hiệu trưởng đó cũng được đảm bảo.
Giáo viên cũng cần phải thay đổi và làm tròn trách nhiệm của mình
Lực lượng chủ yếu để làm động lực phát triển nhà trường không ai khác là giáo viên đứng lớp. Nếu giáo viên hiểu được bổn phận, trách nhiệm của mình đối với đơn vị và học trò thì điều đầu tiên phải là người có chuyên môn và đạo đức tốt.
Người giáo viên đứng lớp như một tấm gương cho học trò soi. Nếu tấm gương sáng đương nhiên sẽ có nhiều học trò tốt, nếu là tấm gương mờ sẽ có nhiều học sinh bắt chước và đương nhiên rất khó để có những lớp học trò tốt.
Những thầy cô đứng lớp phải nỗ lực trong giảng dạy, học tập và tự làm mới mình trong các tiết dạy. Không tạo phe phái, không bằng lòng với thực tại, không né tránh hay ỷ lại công việc và dựa dẫm vào người khác.
Nói gì thì nói, trong cơ chế hiện nay thì giáo viên phải phục tùng hiệu trưởng trong phân công công việc. Nếu thấy sai, bất bình vì chưa phù hợp thì cần có ý kiến công khai trong các cuộc họp của nhà trường...
Một khi hiệu trưởng, giáo viên trong trường có cái nhìn cởi mở về nhau, tôn trọng nhau trong công việc, trong cách hành xử hàng ngày thì đương nhiên nội bộ đoàn kết, đơn vị đi lên và tất nhiên cũng không lo ai chèn ép, đe nẹt hoặc nói xấu được mình.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Phụ huynh xin điểm dễ từ chối, đồng nghiệp xin biết làm sao đây? Cho điểm thì áy náy lương tâm khi không công bằng với nhiều học sinh khác. Không cho thì khó nhìn mặt đồng nghiệp khi "vào đụng, ra chạm" hằng ngày. Gần kết thúc học kỳ 1, giáo viên thường nói vui: "Lại đến mùa xin điểm". Nhiều thầy cô cho biết, đôi khi lâm vào tình trạng khó xử bởi người xin...