Thành thôn triệu phú nhờ… thảo quả
Vượt 9 km đường từ trung tâm xã Cao Bồ (Vị Xuyên, Hà Giang) chúng tôi có mặt ở Lùng Tao, một trong những thôn được mệnh danh triệu phú của huyện biên giới Vị Xuyên.
Những ngôi nhà khang trang, tiện nghi, những nụ cười thân thiện của người dân đã minh chứng một điều rằng cái nghèo dần không còn hiện hữu ở mảnh đất này.
Đặng Văn Hùng, trưởng của thôn Lùng Tao, thôn được mệnh danh là “có nhiều nhà đẹp, nhiều xe máy và nhiều hộ giàu nhất xã”, sau cái bắt tay khá chặt hồ hởi “khoe”: Giờ cuộc sống của bà con đã đổi thay nhiều rồi, các gia đình có của ăn của để, tất cả cũng nhờ cây Thảo quả đấy!
Thảo quả đã đem lại cho người dân Hà Giang trong đó có Lùng Tao nhiều thay đổi.
Thôn Lùng Tao hiện có 72 hộ với 374 khẩu, chủ yếu là đồng bào Dao sinh sống. Thôn có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây Thảo quả. Xác định chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp để phát huy tối đa thế mạnh của vùng, lãnh đạo xã và thôn đã tập trung chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích Thảo quả, đưa loại cây này thành cây “mũi nhọn” của vùng.
Trước đây, cuộc sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, do địa hình chia cắt, không bằng phẳng nên thiếu đất sản xuất, chăn nuôi chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, người dân quanh năm làm lụng mà vẫn chẳng đủ ăn. Nhờ trồng Thảo quả mà vài năm trở lại đây cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá hơn, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả.
Hiện nay, diện tích Thảo quả của Lùng Tao có khoảng 60 ha, là thôn có diện tích Thảo quả lớn nhất trong toàn xã. Hầu như hộ nào trong thôn cũng trồng Thảo quả, mỗi năm thu nhập từ Thảo quả, hộ ít nhất cũng thu khoảng vài chục triệu đồng, nhiều hộ thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ nguồn thu đáng kể từ Thảo quả mà hiện nay tỷ lệ hộ khá, giàu của thôn chiếm gần 15%, hầu như hộ nào cũng có xe máy, tivi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh thôn, Trưởng thôn Lùng Tao, Đặng Văn Hùng cho biết thêm: “Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống chỉ còn 16%; là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong toàn xã. Người dân ở đây làm nhà đẹp lắm, mua sắm ti vi, xe máy đầy đủ”. Nói rồi anh dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Đặng Văn Minh, triệu phú ở thôn vùng cao này.
Bước chân lên ngôi nhà sàn 5 gian khang trang, sạch đẹp với đầy đủ tiện nghi, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng vì sự đổi thay nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Thong thả pha ấm trà, ông Minh chia sẻ: “Trước đây thôn Lùng Tao cũng nghèo lắm, từ khoảng chục năm trở lại đây, người dân nhận thấy lợi ích từ cây Thảo quả nên các hộ đua nhau trồng, cũng nhờ đó mà mới có cuộc sống như bây giờ đấy”.
Hiện, nhà ông có hơn 5.000 gốc Thảo quả, thu nhập mỗi năm từ Thảo quả lên đến 500 – 600 triệu đồng. Năm 2013, ông vinh dự là một trong 63 nông dân đến từ 63 tỉnh thành trong cả nước được tôn vinh và nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Thật khâm phục và tự hào biết bao khi ở cái nơi mở mắt ra là nhìn thấy núi này lại có những nông dân “triệu phú” như vậy.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ Nguyễn Minh Sang cho biết: Không chỉ là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà từ việc trồng và mở rộng diện tích Thảo quả, bà con trong thôn biết quý rừng và có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo bà con mở rộng diện tích Thảo quả, tuyên truyền cho người dân thu hoạch đúng thời vụ để không bị ép giá. Sẽ tạo điều kiện và phương án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã vào thôn để thuận tiện cho nhân dân trao đổi hàng hóa.
Đến với Lùng Tao hôm nay, có thể nhận thấy sự đổi thay rõ nét từ những ngôi nhà sàn khang trang. Sự lãnh, chỉ đạo đúng hướng của cấp ủy, chính quyền xã; sự cần cù, chăm chỉ và ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo của người dân đã làm nên một diện mạo mới cho thôn vùng sâu, vùng xa này.
Theo Hà Giang (Đại Đoàn Kết)