Thanh niên uống chai nước “lạ”, bị bán sang Campuchia chấn thương thế nào?
Nạn nhân trong vụ uống nước suối trên xe đi nhờ, bị lừa bán sang Campuchia được các bác sĩ xác định có chấn thương đầu và một số vị trí trên cơ thể, hiện còn than đau.
Sáng 17/12, thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận điều trị cho trường hợp bệnh nhân L.V.Q. (31 tuổi, ngụ huyện Thủ Thừa, Long An).
Đây là trường hợp được gia đình trình báo công an về việc bị một nhóm người lừa bán sang Campuchia, đánh đập dã man, sau khi uống chai nước suối lạ.
Theo đó, vào ngày 13/12, anh Q. được gia đình đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị bầm nhiều chỗ trên người, tay và lưng. Ảnh chụp CT não và bụng không ghi nhận tổn thương. Thang đo tri giác (glasgow) đạt 15 điểm.
Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi tiếp nhận anh Q. ngày 13/12 (Ảnh: BV).
Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị triệu chứng, giảm đau, theo dõi 1 ngày rồi chuyển sang Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM (1A).
Trao đổi với phóng viên, nguồn tin tại Bệnh viện 1A cho biết, khi được chuyển vào đây, bệnh nhân Q. đã tỉnh táo, có sưng bầm hai tay, lưng, mông, chấn thương đầu nhẹ. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được kê thuốc giảm đau, thuốc bổ não và nằm theo dõi.
Video đang HOT
Đến sáng 17/12, tình trạng anh Q. đã ổn định, tiếp xúc tốt, còn than đau. Dự kiến nếu không có gì thay đổi, bệnh nhân sẽ sớm được xuất viện.
“Sau khi nhận thông tin, chúng tôi đã nói chuyện với gia đình và được người mẹ chia sẻ rõ về nguyên nhân gây ra các chấn thương của bệnh nhân”, nguồn tin nói.
Anh Q. đang tiếp tục được theo dõi ở bệnh viện (Ảnh: Hoàng Lê).
Như đã thông tin, ngày 16/12, bà T.T.M. (54 tuổi, ngụ huyện Thủ Thừa) trình báo công an địa phương về việc con trai L.V.Q. (31 tuổi) bị nhóm người bắt cóc sang Campuchia, đánh đập.
Theo lời của gia đình, khoảng 13h ngày 10/12, Q. được người quen hẹn lên huyện Bến Lức (Long An) để xin việc làm ở một công ty. Đang ngồi chờ trên quốc lộ 1, Q. được một nam tài xế lái ô tô 5 chỗ tiếp cận hỏi đi về đâu, lên xe đi cho vui.
Ban đầu, nam thanh niên từ chối. Nhưng do chờ bạn quá lâu, tài xế nói không lấy tiền vì đi chung tuyến đường nên Q. đồng ý. Đi được khoảng 1km, tài xế đưa cho anh Q. chai nước suối. Khi uống vào, anh ngủ mê man. Lúc thức dậy, anh mới nhận ra mình đang ở Campuchia.
Vài giờ sau, nhóm bắt cóc yêu cầu anh ký hợp đồng giao việc, đảm bảo doanh thu trung bình 2.000USD/tháng. Anh Q. không đồng ý thì bị nhóm này yêu cầu đưa 200 triệu đồng tiền chuộc. Nhóm này cũng thu toàn bộ điện thoại, giấy tờ tùy thân, tiền mặt của anh.
Tối 11/12, một phụ nữ trong nhóm bắt cóc gọi điện thoại yêu cầu gia đình nạn nhân chuyển 200 triệu đồng để chuộc con. Trong 2 ngày tiếp theo, Q. liên tục bị nhóm bắt cóc hành hung.
Đến ngày 13/12, khi gia đình chuyển 150 triệu đồng tiền chuộc (đã được nhóm bắt cóc giảm 50 triệu đồng), anh Q. mới được các đối tượng thả tự do, trong tình trạng người có nhiều chấn thương. Gia đình sau đó đưa nạn nhân đi bệnh viện và trình báo công an.
Tiếp tay nhóm lừa đảo ở Campuchia chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều người
Chiều 17/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết đã bắt giữ Nguyễn Tấn Thường (SN 1995, trú xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Bước đầu, Cơ quan Công an xác định Thường đã mở hàng loạt tài khoản ngân hàng để bán cho các đối tượng lừa đảo ở Campuchia.
Chỉ trong vòng 1 tháng, những tài khoản do Thường đứng tên đã được sử dụng để nhận hơn 6,4 tỷ đồng từ các nạn nhân bị lừa đảo đang cư trú tại Việt Nam.
Được biết đầu tháng 10/2024, Công an quận Liên Chiểu tiếp nhận tin báo của chị Trương Thị N (SN 1986, quê xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đang tạm trú tại quận Liên Chiểu) về việc vừa bị các đối tượng giả danh Công an, lừa đảo chiếm đoạt số tiền 40 triệu đồng.
Theo đó, lúc 9h sáng ngày 2/10, chị N nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0836943676 từ một người tự tự xưng là "trực ban Công an xã Hiền Ninh". Người này thông báo chị N có hai người con chưa làm Căn cước công dân và nói rằng "sẽ có anh Nam, công tác tại Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình liên hệ để hướng dẫn làm gấp".
Đến 13h40 cùng ngày, chị N nhận được cuộc gọi từ số 0967971436. Người ở đầu dây bên kia tự xưng là Nam, cán bộ Công an huyện Quảng Ninh và yêu cầu chị N bổ sung các thông tin làm Căn cước công dân cho con của mình. Người này đề nghị chị N vào trang Google, nhập từ khóa "chinhphu.hodancu.com" rồi thực hiện theo hướng dẫn.
Chị N sau đó làm theo bằng cách nhập các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và nhận diện khuôn mặt... Một lúc sau, chị N phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị trừ 2 lần với số tiền mỗi lần 9.999.999 đồng, lần thứ 3 bị trừ 19.000.000 đồng. Tất cả số tiền trên được chuyển đến số tài khoản 061810876, Ngân hàng VIB, mang tên Nguyễn Tấn Thường.
Nguyễn Tấn Thường tại Công an quận Liên Chiểu.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Liên Chiểu xác định đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn, Cơ quan CSĐT Công an quận đã xác lập chuyên án, giao cho Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy chủ công điều tra.
Tiến hành xác minh thông tin chủ tài khoản ngân hàng đã nhận tiền từ chị N, cơ quan Công an nắm được nhân thân, lai lịch của Nguyễn Tấn Thường. Đáng chú ý, Thường là đối tượng thường xuyên qua lại Campuchia và nghi vấn tham gia hoạt động đánh bạc tại đây. Quá trình điều tra, khi nắm được thông tin Thường có mặt tại địa phương, Công an quận Liên Chiểu đã cử các tổ công tác vào Phú Yên nhưng đối tượng đã rời đi trước đó.
Giữa tháng 12/2024, khi thông tin Thường và nhóm đối tượng người Việt Nam bị cơ quan chức năng Campuchia phát hiện cư trú trái phép và trục xuất về nước, Công an quận Liên Chiểu đã cử tổ công tác trực tiếp vào cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) đón lõng và mời đối tượng về làm việc...
Tại Công an quận Liên Chiểu, Thường khai nhận khoảng tháng 4/2024, một người đàn ông (không rõ lai lịch cụ thể) đề nghị Thuờng mở nhiều tài khoản ngân hàng, sau đó rủ Thường sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch để làm việc. Tại Campuchia, Thường cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để nhận nguồn tiền có được từ hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó chuyển sang các tài khoản của các đối tượng khác trong đường dây lừa đảo.
Kết quả điều tra xác định, Thường đã mở tổng cộng 20 số tài khoản của các ngân hàng khác nhau và nâng hạn mức của các tài khoản lên tối thiểu 3 tỷ đồng để phục vụ cho việc nhận tiền chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Thường đã sử dụng 7 tài khoản để phục vụ cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mỗi số tài khoản khi nhận được tiền, Thường được trả hoa hồng 8 triệu đồng. Riêng nhiệm vụ giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản do một nhóm khoảng 70 đến 80 người Việt Nam cũng đang làm việc trong cơ sở này thực hiện theo chỉ đạo của các đối tượng cầm đầu đường dây.
Bằng thủ đoạn giả danh Cơ quan Công an, các đối tượng trong đường dây đã huớng dẫn nạn nhân vào các trang web điền các thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền có trong tài khoản ngân hàng. Chỉ trong vòng 1 tháng, từ ngày 29/9/2024 đến ngày 09/10/2024, các tài khoản do Thường đứng tên đã nhận hơn 6,4 tỷ đồng từ các nạn nhân bị lừa đảo. Tất cả số tiền trên, Thường đã chuyển vào nhiều tài khoản do kẻ cầm đầu chỉ định, trong đó có số tiền gần 40 triệu đồng mà các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt của chị Trương Thị N.
Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án.
Để phục vụ công tác điều tra, Công an quận Liên Chiểu thông báo cho ai là bị hại của Nguyễn Tấn Thường thì liên hệ số điện thoại 0236.3841563 hoặc đến trụ sở tại địa chỉ 238 Hồ Tùng Mậu, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng để cung cấp thông tin.
Sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao" nhưng bị đánh, chích điện hàng ngày Tin lời những kẻ dụ dỗ sang Campuchia làm việc nhàn với mức thu nhập cao, nhiều người ở Đồng Tháp bị giam giữ, ép phải lừa đảo. Nếu họ không làm được sẽ bị ông chủ tra tấn. Ngày 16/12, Công an tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao 10 nạn nhân được giải cứu từ Campuchia về cho các gia đình. Nhóm...