Thanh khoản căng thẳng, nhà điều hành liên tiếp bơm ròng
Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) đã liên tiếp bơm ròng trên thị trường mở trong những tuần vừa qua, trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống đã thôi dồi dào và đối mặt với căng thẳng khi càng về gần thời điểm cuối năm. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu cũng leo thang đáng chú ý.
Liên tiếp bơm ròng gần đây
Cụ thể, NHNN đã có đến 5 tuần bơm ròng trong số 6 tuần gần đây, đáng lưu ý là động thái bơm ròng liên tiếp 4 tuần trong tháng 10 với tổng giá trị hơn 87,6 nghìn tỷ đồng. Trong tuần gần đây nhất kết thúc vào ngày 09/11, cơ quan này đã bơm ròng hơn 20,6 nghìn tỷ đồng sau động thái hút ròng nhẹ gần 6,5 nghìn tỷ đồng trong tuần trước đó.
Cụ thể trên thị trường OMO, tuần vừa qua NHNN bơm mới 52.658 tỷ đồng, trong khi đó lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 34.000 tỷ đồng, theo đó đã có 18.658 tỷ đồng bơm ròng qua kênh này. Bên cạnh đó, qua kênh tính phiếu, NHNN đã không có hoạt động phát hành tín phiếu mới, trong khi lượng vốn đáo hạn đạt 2.000 tỷ đồng, do đó đã có thêm 2.000 tỷ đồng rót vào thị trường. Như vậy, tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 20.659 tỷ đồng vào hệ thống trong tuần trước.
Và trong ngày đầu tuần này, NHNN tiếp tục cung ứng ra thị trường một lượng tiền lớn. Cụ thể trong phiên giao dịch hôm thứ Hai, NHNN đã chào thầu với quy mô khá lớn trên kênh cầm cố là 17.000 tỷ đồng trên OMO, với kỳ hạn 7 ngày tại lãi suất 4,75%. Các tổ chức tín dụng đã hấp thu toàn bộ khối lượng này. Khối lượng trên đưa ra khá lớn, một phần cân đối với 13.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này trong ngày. Theo đó, trong ngày 12/11, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 4.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 56.658 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu để hút tiền về và cũng không có tín phiếu đáo hạn. Theo đó, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức 28.960 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng cầm cố đang lưu hành đang cao hơn 27.968 tỷ đồng so với lượng tín phiếu, cho thấy con số bơm ròng của NHNN lũy kế từ đầu năm đến nay.
Lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức cao
Việc duy trì chính sách bơm ròng của nhà điều hành được xem là cần thiết trong bối cảnh thanh khoản về cuối năm ngày càng đối mặt với nhiều áp lực, giữa lúc tăng trưởng tiền gửi của hệ thống chậm lại trong khi nhu cầu vay vốn lại tăng cao. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng vọt từ giữa tháng 10 và tiếp tục duy trì ở mức cao từ đầu tháng đến nay.
Cụ thể lãi suất qua đêm cập nhật gần nhất đến ngày 12/11 đang nằm tại 4,79%, trong khi kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần tương ứng là 4,76% và 4,87%. Các kỳ hạn dài hơn như 1 tháng nằm tại 5,06%, 3 tháng là 5,24% và 6 tháng là 5,52%. Đáng lưu ý là trong ngày này cũng có phát sinh khoản vay khá lớn ở kỳ hạn 6 tháng lên đến 1.123 tỷ đồng, cho thấy nhu cầu vốn ở kỳ hạn dài của các ngân hàng hiện nay cũng cao hơn, khi mà trước đây kỳ hạn 6 tháng rất ít khi chứng kiến các khoản vay từ nghìn tỷ trở lên.
Video đang HOT
Diễn biến NHNN liên tiếp bơm ròng trong khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao càng cho thấy thanh khoản của hệ thống đang khá căng thẳng. Ngoài ra, một dấu hiệu khác cũng thể hiện điều này là các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ diễn ra khá ảm đạm, với cầu mua giảm sút trong bối cảnh nguồn vốn các ngân hàng hiện nay đã trở nên eo hẹp.
Cụ thể, trong tuần vừa qua, phiên gọi thầu kỳ hạn 5 năm của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã không thành công khi tỷ lệ trúng thầu là 0%, trong khi đó các kỳ hạn 10 năm và 15 năm cũng diễn ra không thành công khi tỷ lệ trúng thầu ở mức thấp, lần lượt đạt 50% và 53%.
Các phiên phát hành trái phiếu chính phủ có thể gặp nhiều thách thức trong thời gian tới
Ở một diễn biến khác, báo cáo từ công ty chứng khoán Bản Việt mới đây cho thấy phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Việt Nam ở kỳ hạn 5 năm đã tăng 23,4 điểm cơ bản so với cuối tháng 9 lên 175,7 điểm cơ bản vào cuối tháng 10, mức cao nhất từ tháng 02/2017 đến nay. Với diễn biến phía CDS tăng cao, các phiên phát hành trái phiếu của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn, nếu như lợi suất đấu thầu không điều chỉnh tăng lên.
Báo cáo cũng cho thấy trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu tất cả các kỳ hạn của Việt Nam trong tháng 10 đều tăng mạnh 13-29 điểm cơ bản so với tháng 9 do thanh khoản hệ thống giảm. Lợi suất kỳ hạn 5 năm đạt 4,75%, tăng 29 điểm cơ bản so với tháng 9 và 39 điểm cơ bản so với đầu năm. Ngoài ra, khối ngoại tiếp tục bán ròng 805 tỷ đồng trong tháng 10, khiến giá trị bán ròng từ đầu năm đến nay trên thị trường trái phiếu đạt 3,1 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh điều kiện thị trường tài chính thắt chặt.
MẪN NHI
Theo thegioitiepthi.vn
Đến lúc các ngân hàng trung ương nên cân nhắc khả năng phát hành tiền kỹ thuật số
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tin rằng đã đến lúc các ngân hàng trung ương toàn cầu khám phá ý tưởng về đồng tiền kỹ thuật số được nhà nước hậu thuẫn.
Christine Lagarde - Tổng giám đốc IMF, nhận định trước khi Liên hoan Fintech tại Singapore sẽ chính thức diễn ra vào hôm nay (14/11) như sau: "Tôi tin rằng chúng ta nên xem xét khả năng phát hành tiền kỹ thuật số. Có thể Nhà nước cần có một vai trò cung cấp tiền cho nền kinh tế kỹ thuật số ".
Nhận xét của Lagarde từng xuất hiện trong một bài báo của IMF đã phát hành có tựa đề "Luồng gió thay đổi: Trường hợp cho tiền tệ kỹ thuật số mới".
Lagarde cho rằng với việc tập trung sử dụng công nghệ còn non trẻ, Nhà nước có thể phát hành tiền kỹ thuật số để cải thiện điều kiện kinh doanh ở những vùng xa xôi, nơi tiền mặt không còn là lựa chọn nữa, thêm vào đó khu vực tư nhân ít quan tâm đến việc giúp đỡ các cộng đồng bị thiệt thòi. "Chúng tôi biết rằng các ngân hàng không sẵn sàng và gấp rút để phục vụ người nghèo và dân cư vùng nông thôn", bà nói.
Bà Lagarde đã từng là luật sư và trở thành lãnh đạo của IMF từ năm 2011, cũng nói thêm rằng một đồng tiền kỹ thuật số được nhà nước hậu thuẫn có thể tạo ra sân chơi cạnh tranh với các công ty thanh toán truyền thống vốn có xu hướng độc quyền nhờ lợi ích kinh tế theo quy mô.
Ý tưởng về một loại tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành đang ngày càng thu hút sự chú ý gần đây. Vào tháng 5, Ngân hàng trung ương Anh đã công bố một bài báo đánh giá tác động của một công cụ tài chính như vậy trên bảng cân đối của cả ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại. Dù vậy tại thời điểm xuất bản, NHTW Anh cho biết hiện tại họ không có kế hoạch phát hành loại tiền ảo như vậy.
Và tại Canada, Mohammad Davoodalhosseini, một nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Canada, đã công bố một nghiên cứu trong đó ông kết luận rằng đồng tiền kỹ thuật số do nhà nước phát hành sẽ tăng tiêu thụ 0,64% ở Canada và 1,6% ở Mỹ nhờ tính linh hoạt cao hơn trong sự tác động đến các hoạt động chính sách tiền tệ.
Christine Lagarde - Tổng giám đốc IMF là người từng có nhiều ý kiến ủng hộ tiền mật mã
Trong các bình luận trước đây, Lagarde cũng từng chia sẻ những ý kiến tích cực đối với ngành công nghệ mới ở buổi sơ khai này. Trong một bài đăng trên blog hồi tháng Tư, bà cho biết tiền mật mã có tiềm năng giảm chi phí giao dịch và tăng tốc các khoản thanh toán qua biên giới, đồng thời tin rằng blockchain, công nghệ sổ cái phân tán giúp củng cố các đồng tiền mật mã như bitcoin, có thể trợ giúp hiệu quả thị trường tài chính.
Bà cho rằng: "Việc nắm bắt được những rủi ro mà các tài sản kỹ thuật số này có thể gây ra đối với sự ổn định tài chính là vấn đề sống còn, nếu chúng ta phân biệt rõ giữa những mối đe dọa thực tế và những nỗi sợ không cần thiết. Đó là lý do tại sao chúng ta cần có sự điều tiết công minh để làm sao chống lại những rủi ro mà không làm thui chột cái mới".
Tiếp đến tháng 9 vừa qua, bà Christine Lagarde đã phát đi một thông điệp với các ngân hàng trung ương trên thế giới rằng: "Đừng bảo thủ". Cụ thể, trong một hội nghị tổ chức tại London hôm 29/09, bà Lagarde nói rằng các loại tiền mật mã được tạo và trao đổi mà không có sự tham gia của ngân hàng hay chính phủ, đặc biệt là tại những quốc gia có đồng nội tệ bất ổn cùng thể chế chính trị yếu kém.
Bà tin rằng: "Bằng nhiều cách khác nhau, tiền mật mã sẽ khiến những đồng tiền hiện hành và chính sách tiền tệ phải bắt kịp cạnh tranh. Phản ứng phù hợp cho ngân hàng trung ương là tiếp tục có những chính sách tiền tệ hiệu quả, trong khi vẫn mở cửa đối với những ý tưởng và nhu cầu mới khi mà nền kinh tế đang chuyển hoá."
Bà cũng từng nhận định một cách hài hước: "Không xa trước đó, một số chuyên gia nói rằng máy tính cá nhân sẽ không được chấp nhận, và máy tính bảng là miếng lót cafe đắt tiền, vì vậy tôi cho rằng sẽ không khôn ngoan khi loại bỏ tiền mật mã".
Và những nhận xét mới nhất vừa qua tiếp tục thể hiện quan điểm hỗ trợ thị trường này của chủ tịch IMF. Trong khi lưu ý đến rủi ro - đáng chú ý nhất là về an ninh và bất ổn tài chính - Lagarde kết thúc buổi chia sẻ bằng cách nói rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý tập trung nguồn lực cho ngành công nghiệp đang tiến lên rất nhanh này trước khi bị bỏ lại.
Bà nói: "Nguồn lực ở đây phải được dựa trên các yêu cầu phát triển mới và tiền bạc, cũng như các mục tiêu chính sách công cần thiết. Thông điệp của tôi là trong khi tiền tệ kỹ thuật số vẫn chưa quá phổ biến, chúng ta nên nghiên cứu thêm về nó một cách nghiêm túc, cẩn thận và sáng tạo. Công nghệ sẽ luôn thay đổi, và chúng ta cũng cần phải như thế nếu muốn theo kịp xu thế".
ĐỒNG AN
Theo thegioitiepthi.vn
Chỉ số biến động Bitcon rớt xuống mức thấp nhất từ 2016 Giá Bitcoin gần như không thay đổi vào hôm qua, tiếp tục kéo dài đà sụt giảm gần đây và đẩy chỉ số đo lường biến động ở đồng tiền mật mã này xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua. Trong khi đó, Bitcoin Cash bất ngờ bị bán tháo trước sự kiện hard fork (cập nhật phần mềm bắt buộc)....