Thanh Hóa: Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học, không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị phòng giáo dục, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó có việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm.
Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường, tuyệt đối không dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Tiếp tục nâng cao về số lượng và chất lượng dạy học 2 buổi/ngày; học sinh hoàn thành nội dung học tập tại lớp; không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 và những học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Bên cạnh đó, sở cũng chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học.
Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lí giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
Các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 3401/BGDĐT-GDTH ngày 4-9-2020 của Bộ GD&ĐT về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.
Thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7-7-2014 của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Các trường phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường cho học sinh và phụ huynh biết để tự lựa chọn.
Cam go như con vào lớp 1: Chưa thuộc mặt chữ vẫn phải học lò, học thêm, khốc liệt chẳng kém đi thi Đại học!
Trừ những phụ huynh đã "vượt rào", cho con học trước lớp tiền tiểu học thì không ít cha mẹ quyết cho con đi học thêm. Vì "Học trên lớp thôi không thể kịp" hoặc "Ở nhà dạy con không hiệu quả, day 3h không băng cô day 1h".
Trong quan niệm của nhiều phụ huynh, "lớp 1 là tuổi ăn, tuổi chơi. Trẻ chỉ cần biết đọc, biết viết cơ bản là được". Tuy nhiên phải đến khi có con vào lớp 1, nhiều người mới tá hỏa bởi cuộc chiến của "những sinh viên nhí" cũng chông gai, gian nan chẳng kém sinh viên lớn.
Video đang HOT
Bố mẹ đua nhau cho con đi học thêm, tìm thầy để rèn chữ, rèn đánh vần. Mọi sinh hoạt thường ngày cũng vì thế mà "lộn tùng phèo" hết cả.
Hơn nửa tháng nay, lịch trình của chị Thanh Thư (Thủ Đức, TP.HCM) thường là: 4h10 đón con, cho con ăn lót dạ rồi chạy hơn 5 cây số chở con qua nhà cô giáo học luôn đến 6h30 chiều. Cơm nước xong xuôi đến khoảng 8h30 tối lại ngồi vào bàn rèn chữ. Hơn 10h30 con mới được lên giường ngủ. Mẹ thì bơ phờ dọn dẹp chuẩn bị đồ đạc dụng cụ mai đưa con đến trường.
Vào lớp 1 là giai đoạn đầy khó khăn và nước mắt với trẻ - Ảnh minh họa.
Không cho con học trước nên đến khi vào năm học, trong khi các bạn ở lớp đã học gần xong bảng chữ cái và các chữ ghép thì con chị vẫn mày mò từng chữ, nhớ trước quên sau. Hôm nào mẹ cũng ngồi cạnh, nhắc viết từng nét. Đến khoảng cách chữ con chị còn chưa xác định được chứ đừng nói đến chuyện viết đúng ly dòng.
"Bao hôm con viết không được mắng con xong lại tự khóc. Thế là tôi đành xin nghỉ tăng ca, chiều tối cho con đi học thêm. Ở lớp có 40 cháu, chương trình học thì nhanh, cô giỏi mấy cũng không xoay kịp thì làm sao có chuyện "Cô cầm tay em, nắn từng nét chữ" được. Còn ở nhà cô dạy thêm hơn chục cháu chắc sẽ kèm cặp chu đáo hơn, thôi cả mẹ cả con đành chịu khổ qua giai đoạn khó khăn này vậy", chị Thư tâm sự.
Giống chị Thư, rất nhiều phụ huynh khác hiện cũng đang cho "sinh viên nhí" nhà mình đi học thêm. Trừ những phụ huynh đã "vượt rào" chuẩn bị trước cho con học lớp tiền tiểu học, còn lại không ít cha mẹ quyết cho con đi học thêm vì "Học trên lớp thôi không thể kịp" hoặc "Ở nhà dạy con không hiệu quả, day 3h không băng cô day 1h".
Con khóc nấc còn bố mẹ thì bất lực - tình cảnh chung của nhiều phụ huynh có con học lớp 1 - Ảnh minh họa.
Anh Ngọc Ân, phụ huynh bé Nhật Minh đang học một trường tiểu học thuộc quận Tân Bình, TP.HCM bày tỏ: "Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý, "không giao thêm bài tập về nhà". Thế nhưng, vấn đề quan trọng nhất là với chương trình đã thiết kế sẵn kiểu "gạo đã nấu thành cơm" thì giảm tải kiểu gì? Có những bài học ba vần, trẻ chưa nhớ được âm, vần đã phải ghép để tạo thành tiếng, cho dù không ra bài tập về nhà thì phụ huynh chúng tôi cũng chỉ có hai lựa chọn: hoặc là học thêm, hoặc là tự dạy con.
Ngày xưa tôi học cấp 1 chẳng học thêm gì mà giờ vẫn biết đọc, biết viết, học lên đại học. Ngày nay trẻ vào lớp 1 lại cứ phải học thêm thì phải xem lại chương trình cải cách có vấn đề ở đâu, không thể năm nào cũng đem mấy đứa nhỏ ra làm "chuột bạch" được".
"Từ ngày con vào lớp 1, tôi sợ nhất khi có tin nhắn thông báo nhắc nhở trong zalo. Chương trình học dồn dập, con tôi liên tục bị cô giáo phê bình là "viết quá chậm", "đọc quá chậm", "viết sai ô li"... Tôi có tham khảo một số phụ huynh và cô giáo cấp 1 rằng nếu tôi không cho con đi học thêm thì liệu có theo được các bạn không? Ngay cả giáo viên của tôi cũng nói là con trẻ sẽ không theo được, lúc đó trẻ sẽ cảm thấy tự ti với các bạn mà học đuối dần. Vì vậy nếu xác định cho con học trường công thì chắc là phải cho con đi học thêm rồi. Rõ ràng đây là việc cả phụ huynh và học sinh không muốn và không có nhu cầu, thế mà vẫn phải làm mới lạ chứ" - chị Hà Oanh, mẹ bé Ken, quận 2, TP.HCM cảm thán.
Nhiều trẻ lớp 1 phải đi học thêm vì bố mẹ sợ con không theo kịp chúng bạn - Ảnh minh họa.
Bộ cấm dạy thêm, phụ huynh "năn nỉ" để... con được học thêm
Cô Minh T., giáo viên một trường tiểu học ở Gò Vấp, TP.HCM cho rằng, cô trò đã quá vất vả với môn tiếng Việt khi phải dạy hết "âm" trong tháng 9, nhiều bài học bắt học sinh phải đọc hiểu, trả lời câu hỏi, trong khi bảng chữ cái còn chưa đọc thông viết thạo.
"Bản thân tôi ngay từ đầu quán triệt chỉ dạy học sinh trên lớp vì ngoài giờ còn chăm sóc gia đình, nhưng nhiều cha mẹ học sinh "nhờ" cô dạy vì ở nhà phụ huynh không có phương pháp sư phạm, khả năng kiềm chế cảm xúc kém, con không tập trung... Nghĩ tới các em, tôi cũng nhận kèm một số em quá yếu sau giờ học nhưng thực sự rất thương. Có em ngoài học Tiếng Việt, Toán còn đi học Anh văn, năng khiếu, hầu như thời gian giải trí, vận động không có".
Nhiều trường cũng yêu cầu giáo viên lớp 1 phải ở lại sau buổi dạy khoảng 30 phút để kèm thêm cho những học sinh còn yếu. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng này chỉ giảm bớt phần nào căng thẳng thôi. Ngay trong năm học này, nhiều nơi phát sinh việc trẻ lớp 1 phải học thêm ngoài giờ là điều khó tránh khỏi.
"Ở chung cư tôi ở, các gia đình còn rủ nhau mời giáo viên đến dạy. Cả lớp tầm 10 - 12 bé chen chúc trong một phòng ngủ nhỏ được "tái chế" thành phòng học. Nhìn mấy đứa nhỏ cặm cụi viết, lâu lâu lại ngáp ngắn ngáp dài, uể oải trông phát tội. Các con đang tuổi ăn, tuổi chơi, không ai muốn con phải lao vào học một cách nhồi nhét. Nhưng cũng không trách phụ huynh được, ngoài chương trình nặng, các bé viết chậm, tiếp thu kém, cha mẹ không phải lúc nào cũng dành nhiều thời gian cho con nên cần đăng ký học thêm ngoài giờ" - một phụ huynh chia sẻ.
Học thêm lớp 1: Nên hay Không?
Một ngày phải học 2 buổi, tối lại học thêm ngoài giờ quả thật khá vất vả cho con. Vậy có nên cho con đi học thêm khi mới vào lớp 1? Câu trả lởi còn tùy vào hoàn cảnh.
Nói về vấn đề này, một giáo viên tiểu học chia sẻ: "Nếu trẻ không quá tụt lại so với chương trình ở lớp, về nhà bố mẹ chú ý kèm cặp thêm, vẫn dần dần tiến bộ thì KHÔNG CẦN đi học thêm.
Ngược lại, nếu trẻ không theo kịp nhịp học tại trường, chữ viết không rõ ràng, không viết đúng quy cách và chưa cầm bút vững, bố mẹ lại ít có kinh nghiệm chỉ dạy thì việc đi học có thể cần. Phụ huynh có thể trao đổi với phụ huynh, nhờ cô kèm cặp con 1 thời gian. Bên cạnh đó, việc học thêm chỉ tốt khi đúng chỗ thiếu hụt của con".
Cũng theo cô giáo này, phụ huynh phải lắng nghe phản hồi từ con qua các giờ học ngoài lớp và nhìn vào tiến bộ của con để đánh giá. Tuy nhiên, ngay cả khi muốn con học thêm thì cũng chỉ nên ở mức độ vừa phải vì quỹ thời gian và sức khỏe của con có hạn.
Đừng vội mất bình tĩnh với con
"Nhiều phụ huynh khi nhìn con người khác vở sạch chữ đẹp, đọc vanh vách, rồi chỉ cần vài lần cô phê bình thì đã vội mất kiên nhẫn. Tôi cam đoan rằng, con bạn dù tiếp thu chậm đến đâu thì cuối năm cũng biết đọc, biết viết, không việc gì phải cuống lên mà chạy theo phong trào học thêm.
Tôi nghĩ, trẻ con học lớp 1 cần nhất là được bố mẹ động viên, kiên trì uốn nắn các con vào nếp sinh hoạt quy củ, có giờ giấc, chứ động một tí là quát tháo mắng mỏ thì con sẽ rất sợ học. Các con mới đi học 1 tháng thôi. Có trẻ mất 1 học kì để quen, có trẻ mất cả năm, thậm chí dài hơn. Chặng đường này không chỉ học chữ mà còn rèn luyện 1 con người, vậy nên hãy xác định luôn ngay từ đầu là nó vất vả. Cái quan trọng không phải là học ngày học đêm mà quan trọng là con tiếp thu được bao nhiêu kiến thức, bạn mong muốn gì ở con hay bạn đã thật sự hiểu con mong muốn gì đấy mới là điều quan trọng", chị Mỹ Nga - phụ huynh có con học lớp 1 chia sẻ.
Không gây áp lực cho học sinh lớp 1 Ngày 5/10, Bộ GD&T có văn bản gửi các Sở GD&T về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học. Nhiều người cho rằng, nội dung SGK Tiếng Việt 1 năm nay quá tải đối với học sinh Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021, chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới đã được...