Thanh Hóa: Trường chuẩn quốc gia sắm hàng loạt phòng máy đạt chuẩn rồi để lãng phí
Dù có tới gần 900 trường đạt chuẩn Quốc gia (cả THCS và Tiểu học) thế nhưng hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có không đầy 400 giáo viên (GV) Tin học biên chế. Điều này đã dẫn đến việc hàng loạt phòng máy phục vụ trường chuẩn được trang bị thế nhưng đóng cửa vì không có giáo viên dạy.
Đầu tư phòng máy cả trăm triệu đồng chỉ để… đạt chuẩn
Theo quy định để công nhận trường chuẩn quốc gia, đối với cấp tiểu học, trường đạt chuẩn mức độ 2 phải có phòng máy tính và giáo viên (GV) dạy Tin học, còn đối với THCS, trường đạt chuẩn cũng phải có phòng máy vi tính và GV Tin học.
Thế nhưng, thực tế hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa, số GV dạy Tin học tại các trường tiểu học chủ yếu là GV hợp đồng, không có biên chế cho GV Tin học. Nhiều trường, sau khi đạt chuẩn xong thì đóng cửa do không có kinh phí duy trì phòng máy, trả lương hợp đồng cho GV.
Cô giáo Đỗ Thị Thúy, Hiệu trưởng Tiểu học Quảng Đại, TP Sầm Sơn cho biết: “Năm 2010, nhà trường được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Vì thế, nhà trường đã xây dựng một phòng máy với gần 20 máy tính và có hợp đồng GV dạy Tin học từ khối 3 đến khối 5. Tuy nhiên, vài năm lại đây, trường phải dừng dạy môn Tin học vì không có lương trả cho GV hợp đồng, nhiều máy tính đã bị hư hỏng nặng.
“Theo kế hoạch, năm học 2018-2019 nhà trường sẽ xây dựng để được công nhận lại chuẩn, vì theo quy định trường đã quá chuẩn 3 năm. Nhưng, để trang bị lại phòng máy, dự kiến nhà trường cần khoảng 120 triệu chi phí tu sửa lại những bộ máy tính còn sử dụng được và bổ sung một số máy mới. Vấn đề kinh phí đang là vấn đề nan giải vì không biết lấy đâu để trả lương cho GV hợp đồng; bảo trì, bảo dưỡng phòng máy hàng năm…” – cô Thúy chia sẻ.
Được biết, TP. Sầm Sơn hiện có 13 trường tiểu học, 12 trường THCS, trong đó có 4 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 và 8 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng, hiện tại cũng chỉ có 4 trường có duy trì phòng máy để thuê GV dạy môn Tin học. Còn lại các trường chuẩn khác đều phải đóng cửa phòng máy.
Nhiều phòng máy được đầu tư cả trăm triệu đồng nhưng cũng chỉ để đạt chuẩn rồi đóng cửa.
Video đang HOT
Tại huyện Quảng Xương, có 22/30 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 20 GV dạy Tin học; có 30/31 trường tiểu học đã đạt chuẩn, trong đó có 9 trường đạt chuẩn mức độ 2 nhưng duy nhất chỉ có 1 GV Tin học đã được biên chế dẫn đến tình trạng nhiều trường phải đóng cửa phòng máy.
Cô giáo Lê Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Bình (huyện Quảng Xương), cho biết: “Năm 2012, nhà trường được công nhận đạt chuẩn mức độ 2, trường được đầu tư xây dựng phòng máy với 10 bộ máy tính để bàn và hợp đồng GV dạy Tin học do huyện hỗ trợ kinh phí.
Tuy nhiên, chỉ sau hai năm học, khi tỉnh Thanh Hóa không cho cơ chế hợp đồng GV, nhà trường phải tự hợp đồng GV Tin học. Từ học kỳ 2 năm học 2017-2018, nhà trường đã phải dừng hợp đồng với GV Tin học vì không có tiền trả lương cho họ. Còn phòng máy được tận dụng làm phòng thư viện điện tử, thỉnh thoảng học sinh vào đọc báo, truyện để máy móc đỡ hư hại”.
Biết lãng phí nhưng “ lực bất tòng tâm”
Lãnh đạo các địa phương xác nhận tình trạng để trường đạt chuẩn phải có phòng máy nhưng để làm thế nào khắc phục tình trạng tránh lãng phí khi trang bị lên chỉ để đạt chuẩn rồi đóng cửa thì đều khẳng định không có giải pháp.
Ông Lê Hữu Quang, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương cho biết: “Đây là tình trạng chung ở nhiều trường trên địa bàn huyện. Đối với các trường THCS đạt chuẩn và tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 thì môn học này là một trong những điều kiện để được công nhận chuẩn. Tuy nhiên, do môn Tin học đang là môn tự chọn, không bắt buộc nên không có chỉ tiêu biên chế GV bộ môn này”.
Tình trạng học sinh không được học tiếng Anh và Tin học vì thiếu giáo viên đang rất nan giải ở Thanh Hóa.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Sầm Sơn cho hay: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trường phải đóng cửa phòng máy Tin học vì thành phố không được giao biên chế GV môn Tin học. Trong khi đó, nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, các nhà trường không có quỹ lương để chi trả cho GV hợp đồng”.
“Để đảm bảo chất lượng giáo dục thành phố, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, TP Sầm Sơn đang tiếp tục đề nghị lên UBND tỉnh có giải pháp giải quyết cơ chế hợp đồng GV Tin học có quỹ lương; có cơ chế xã hội hóa để trang bị phòng máy và bảo trì, bảo dưỡng phòng máy nhằm duy trì hiệu quả hoạt động của nó.”- ông Kiên nói.
Thống kê Sở GD&ĐT Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có 553 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 131 trường đạt chuẩn mức độ 2; 363 Trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện nay mới có 357 GV biên chế dạy Tin học, trong đó có 57 GV tiểu học và 300 GV THCS.
Bình Minh
Theo Dân trí
Tốn hàng chục tỷ đồng cho chứng chỉ nhận xong... cất tủ
Chứng chỉ Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng không bao giờ dùng đến nhưng đang ngốn khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Mỗi sinh viên đại học, cao đẳng ra trường được cấp chứng chỉ Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng. Hai chứng chỉ này không bao giờ dùng đến nhưng đang ngốn khoảng 30 tỷ đồng/năm. Bộ GD&T khẳng định một trong hai loại chứng chỉ này không bắt buộc.
Theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy hiện hành (ban hành theo quyết định số 25/2006/QĐ - BGDĐT), điều kiện xét tốt nghiệp cho sinh viên là phải hoàn thành bộ môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và được cấp chứng chỉ hai môn học này (Điều 17 của quyết định này). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc cấp riêng từng chứng chỉ như vậy là gây lãng phí.
Nhiều ý kiến cho rằng chứng chỉ Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng không cần thiết.
Nhiều sinh viên đại học sau khi ra trường đều khẳng định từ khi ra trường, hai chứng chỉ này vẫn nguyên vẹn trong hồ sơ mà chưa một lần sử dụng đến.
Hiện nay, lệ phí để được cấp chứng chỉ này, các trường có mức thu rất khác nhau. Đại học Quốc gia thu mỗi sinh viên 20.000 đồng/chứng chỉ Giáo dục thể chất. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM công bố thu 50.000 đồng/chứng chỉ Giáo dục thể chất. Chi phí cấp chứng chỉ với mỗi sinh viên không lớn nhưng công sức bỏ ra không nhỏ.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, mỗi năm, cả nước có khoảng 500 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng (năm học 2015-2016 là 503.640 sinh viên; năm 2016-2017 là 305.601 sinh viên).
Làm phép tính đơn giản, với chi phí trung bình khoảng 30 nghìn mỗi chứng chỉ, mỗi năm, toàn bộ sinh viên trên cả nước phải chi phí cho hai loại chứng chỉ này trên 30 tỷ đồng.
Luật sư Nhâm Mạnh Hà, Công ty Luật TNHH IMC cho rằng ai cũng hiểu việc hoàn thành khóa học quốc phòng, thể chất là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với sinh viên xét tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Vì thế, ngầm hiểu rằng khi đã tốt nghiệp đại học đồng nghĩa việc sinh viên đã hoàn thành đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu. Nếu kỹ càng hơn, ngành giáo dục nên gộp hai chứng chỉ này vào bằng tốt nghiệp đại học.
"Việc cấp chứng chỉ này là lãng phí, máy móc thậm chí nhiêu khê. Về mặt pháp lý, chứng chỉ này không phải bằng cấp, cũng không là điều kiện khi đi xin việc, mà đơn giản chỉ là yêu cầu của ngành giáo dục để các trường xét tốt nghiệp. Rõ ràng, đã tốt nghiệp thì hoàn thành khóa học, đủ sức khỏe để lao động hoặc khi đất nước trong tình trạng khẩn cấp, có chiến tranh họ đủ điều kiện để tham gia chiến đấu", luật sư Hà nói.
Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, vừa được phân cấp quản lý mảng văn bằng chứng chỉ, đã có văn bản trả lời rằng: "Quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT không bắt buộc cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ Giáo dục thể chất cho sinh viên".
Như vậy, có thể hiểu việc cấp bằng giáo dục thể chất gây lãng phí là việc làm của các đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, Điều 17 Quyết định số 25/2006/QĐ - BGDĐT (Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy) nêu rõ, một trong các điều kiện xét tốt nghiệp, có điều khoản: "Có các chứng chỉ Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất đối với các ngành đào tạo không chuyên về quân sự và thể dục thể thao".
Về chứng chỉ Giáo dục quốc phòng, Cục Quản lý Chất lượng cho biết đang thực hiện cấp chứng chỉ theo Nghị định Giáo dục Quốc phòng - An ninh của Chính phủ (Nghị định 116/2007/NĐ - CP). Tuy nhiên, cục này cũng cảm ơn đề xuất cải cách trong việc cấp chứng chỉ này và sẽ "đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ".
Theo Zing
Quảng Ninh phạt nặng những cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu Năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh chỉ đạo các cơ sở giáo dục công khai, minh bạch các khoản thu đầu năm nhằm tránh lạm thu tại các trường học. Công khai, minh bạch các khoản thu Tại Trường Mầm non Family là một trường ngoài công lập (tại thành phố Hạ Long), các khoản thu đầu năm...