Thanh Hóa thiếu hơn 3.300 giáo viên, nhân viên hành chính
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân viên hành chính của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn thừa, thiếu cục bộ. Năm học 2017-2018, đối với khối trường học trực thuộc UBND huyện, thị, thành phố quản lý, số giáo viên thừa, thiếu biên chế tỉnh giao so với nhu cầu là hơn 3.300 người.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, đến năm 2020, địa phương này sẽ giảm 113 cơ sở giáo dục công lập. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.128 trường học, giảm 22 trường so với năm học 2016-2017.
Cấp học Mầm non còn thiếu nhiều nhất biên chế tỉnh giao so với nhu cầu
Sau 2 năm thực hiện sắp xếp lại trường lớp, khối trường trực thuộc cấp huyện quản lý đã sắp xếp được 96 trường học thành 48 trường học (giảm được 48 trường); khối trường trực thuộc Sở GD&ĐT quản lý có 13 trường THPT giải thế, sáp nhập. Trong đó, năm 2018 có 5 trường, năm 2019 có 8 trường.
Cùng với đó, công tác rà soát hiện trạng đội ngũ cán bộ, giáo viên, dự báo nhu cầu sử dụng, nhu cầu đào tạo giáo viên cũng được ngành giáo dục Thanh Hóa quan tâm. Đến năm học 2017 – 2018, tỉnh Thanh Hóa đã điều chuyển được hơn 3.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên từ nơi thừa đến nơi thiếu.
Đồng thời, năm 2017, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ, tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát, thẩm định việc xét tuyển, hợp đồng 1.200 giáo viên Mầm non, 104 giáo viên tiếng Anh; tuyển dụng, bổ sung giáo viên Mầm non, Tiểu học và nhân viên hành chính đối với các huyện, thị, thành phố thiếu chỉ tiêu biên chế theo quy định của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, công tác sắp xếp, điều chuyển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mới đạt kết quả bước đầu, chưa có tính bền vững.
Video đang HOT
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn còn thừa, thiếu cục bộ. Năm học 2017-2018, đối với khối trường học trực thuộc UBND cấp huyện quản lý, số giáo viên vẫn còn tình trạng thừa, thiếu biên chế tỉnh giao so với nhu cầu.
Cụ thể, khối Mầm non thiếu 2.549 giáo viên; Tiểu học thiếu 349 giáo viên; THCS thừa 352 giáo viên; khối trường THPT thiếu 126 giáo viên, 54 cán bộ quản lý và 255 nhân viên hành chính.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục Thanh Hóa tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành để nắm vững biên chế, cũng như trình độ đào tạo hiện nay.
Từ đó, điều chỉnh định mức số lượng người làm việc theo vị trí việc làm ở các cơ sở giáo dục và đào tạo theo chủ trương tinh giản biên chế; có phương án phù hợp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở những vùng tăng trưởng “ nóng” về quy mô học sinh; tổ chức sắp xếp, bố trí lại đội ngũ giáo viên; không điều giáo viên THCS xuống dạy Mầm non.
Trước thực trạng trên, Sở GD&ĐT Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng hàng năm (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015). Nếu không bổ sung đủ biên chế giáo viên sẽ không đảm bảo được chất lượng giáo dục; không đảm bảo các điều kiện an toàn trong trường học, đặc biệt đối với trẻ Mầm non.
Đồng thời, quy định cụ thể, thống nhất số lượng cán bộ, công chức biên chế tại Phòng GD&ĐT huyện, thị, thành phố để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Duy Tuyên
Theo Dân trí
Quảng Trị sẽ sáp nhập nhiều trường học
Tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành sáp nhập, hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học để giải quyết tình trạng đầu mối trường lớp nhiều, trong khi nhiều trường có số lớp học và học sinh ít.
Ngành giáo dục Quảng Trị đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là sắp xếp, tổ chức lại các phòng thuộc cơ quan Sở GD&ĐT và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo đó, chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đã được ngành tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Mục tiêu đối với việc sáp nhập các trường trong cùng một xã phải hoàn thành trước khi vào năm học mới để đảm bảo công tác dạy và học. Đối với các trường sáp nhập có liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thì có thể tiến hành chậm hơn cùng với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Quảng Trị sẽ giảm, sáp nhập nhiều trường học trong thời gian tới
Theo kế hoạch, những năm tới Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Trị phải giảm 107 trường học, năm học 2018-2019 sáp nhập để giảm 64 trường.
Việc sáp nhập các trường học tại Quảng Trị sẽ được tiến hành trên cơ sở hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học như Tiểu học, THCS, THPT hoặc có cùng cấp học. Đảm bảo có đủ số giáo viên từng bộ môn, dạy đủ số tiết tối thiểu theo định mức quy định, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Trường sau khi sáp nhập có chung bộ máy quản lý, phục vụ và có 1 điểm trường chính, các điểm trường khác vẫn cơ bản giữ nguyên để đảm bảo khoảng cách đến trường theo đúng quy định của Bộ GD& ĐT; đội ngũ giáo viên được sắp xếp bố trí lại hợp lý, đảm bảo dạy đúng chuyên môn được đào tạo và đủ số tiết theo quy định.
TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch của Tỉnh ủy và Đề án của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và nhân dân trong toàn xã hội về chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đồng thời ổn định tâm lý cho đội ngũ giáo viên yên tâm giảng dạy.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT thực hiện rà soát biên chế tại các cơ sở giáo dục công lập; tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện điều động số người làm việc từ nơi thừa sang nơi thiếu hoặc bố trí vào các vị trí tương đương khác phù hợp với trình độ, năng lực, đảm bảo giải quyết số người làm việc dôi dư. Sau khi cân đối đội ngũ, nếu còn dôi dư về giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục thì thực hiện theo các phương án do UBND tỉnh quy định. Tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai việc sáp nhập, tổ chức lại mạng lới trường lớp.
Liên quan đến vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận đồng ý chủ trương về thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường học các đơn vị sáp nhập. Theo đó, ban cán sự Đảng UBND tỉnh được giao nhiệm vụ chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và các cơ quan liên quan xây dựng đề án thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng.
Trước mắt, việc thi tuyển này thực hiện đối với các trường trong diện sáp nhập trong năm học này và những năm học tới, tiến tới tiến hành thi Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng ở tất cả các cấp học, để đảm bảo có sự cạnh tranh, lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, đảm đương được nhiệm vụ được giao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy có phương án, chủ trương thi tuyển lãnh đạo cấp phòng đối với các Sở, ban, ngành trong toàn tỉnh sau khi thực hiện thí điểm hoặc thực hiện chủ trương của Trung ương về quy định tổ chức bên trong các Sở, ban, ngành.
Đ. Đức
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Hàng chục giáo viên lo lắng trước ngày trường giải thể Theo kế hoạch, năm học 2018 - 2019, có 5 trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ phải giải thể theo đề án "Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025". Một trong những khó khăn lớn nhất là giải quyết nguyện vọng công tác của cán bộ, giáo viên các nhà trường...