Thanh Hóa: Không bố trí giáo viên dôi dư xuống dạy Mầm non
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo không bố trí giáo viên Trung học cơ sở dôi dư xuống dạy Mầm non, Tiểu học và giáo viên Tiểu học dôi dư xuống dạy Mầm non khi chưa được đào tạo bồi dưỡng…
Thanh Hóa dừng bố trí giáo viên THCS dôi dư xuống dạy Mầm non, Tiểu học và giáo viên Tiểu học dôi dư xuống dạy Mầm non khi chưa được đào tạo bồi dưỡng.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa đã có công văn đề xuất phương án đào tạo văn bằng 2 đối với giáo viên (GV) trung học cơ sở (THCS) dôi dư điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học, GV Tiểu học dôi dư điều chuyển dạy Mầm non.
Trên cơ sở đề nghị của Sở Nội vụ tại, ông Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố không bố trí GV THCS dôi dư xuống dạy Mầm non, Tiểu học và GV Tiểu học dôi dư xuống dạy Mầm non khi chưa được đào tạo bồi dưỡng đảm bảo chức danh nghề nghiệp theo quy định.
Đồng thời lập danh sách GV dôi dư nêu trên có nguyện vọng và tự nguyện đi đào tạo để được bố trí dạy Mầm non, Tiểu học; báo cáo Sở GD-ĐT để tổ chức đào tạo theo kế hoạch.
Đối với những GV dôi dư không tự nguyện đi đào tạo để điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học thì xem xét, giải quyết theo chế độ hiện hành của Nhà nước.
Ông Phạm Đăng Quyền giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Trường Đại học Hồng Đức và các đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Trong kế hoạch thực hiện phải nêu rõ: trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian đào tạo, địa điểm và kinh phí đào tạo, đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Theo Sở GD-ĐT Thanh Hóa, sau khi thực hiện việc sắp xếp, bố trí, điều động, hiện nay, các cấp học trên địa bàn tỉnh này còn thiếu so với nhu cầu là 4.049 người. Đối với việc giao biên chế, Sở GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có phương án giao biên chế theo năm học, không giao theo năm tài chính; giao bổ sung biên chế kịp thời cho ngành khi số học sinh, số lớp tăng…
Tính đến hết tháng 10/2017, đối với cấp THCS điều chuyển giữa các trường trong huyện là 1.359 người; điều chuyển xuống Tiểu học là 633 người; điều chuyển xuống Mầm non 319 người.
Sau khi thực hiện điều chuyển và hợp đồng 23 GV Tiếng Anh, tổng số cán bộ, GV, nhân viên hành chính hiện có là 13.378 người, so với nhu cầu còn thừa 282 người.
Đối với cấp Tiểu học, điều chuyển giữa các trường trong huyện là 1.434 người; điều chuyển xuống Mầm non 89 người. Sau khi thực hiện điều chuyển và hợp đồng 81 GV Tiếng Anh, tổng số cán bộ, GV, nhân viên hành chính hiện có là 16.528, so với nhu cầu còn thiếu 372.
Đối với ngành học Mầm non, tổng số GV tiếp nhận từ THCS và Tiểu học xuống là 408 người, trong đó, tiếp nhận từ THCS là 319, tiếp nhận từ Tiểu học là 89. Sau khi thực hiện điều chuyển và hợp đồng 1.200 GV, tổng số cán bộ, GV, nhân viên hành chính hiện có là 15.174, so với nhu cầu còn thiếu 2.948.
Video đang HOT
Trước đó, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có báo cáo Bộ GD-ĐT về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học. Đồng thời, đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV THCS điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học của Trường ĐH Hồng Đức theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, sớm có văn bản chỉ đạo để Sở GD-ĐT triển khai kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết tại địa phương.
Sở GD-ĐT cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố rà soát, điều chuyển đội ngũ GV dôi dư THCS và Tiểu học xuống Mầm non, tự nguyện ở lại công tác ở bậc Mầm non để lập kế hoạch đào tạo đạt chuẩn nghề nghiệp GV Mầm non theo quy định, hoặc có giải pháp đối với số GV dôi dư này nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu GV cục bộ giữa các bậc học trên địa bàn.
Thực tế hiện nay, nhiều GV dôi dư ở cấp THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được điều chuyển xuống dạy Mầm non, Tiểu học. Tuy nhiên, số GV này chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của cấp học mới. Thực tế đó khiến không chỉ GV thiếu chuyên môn, nghiệp vụ mà còn gây thiệt thòi đối với học sinh.
Theo Dân Trí
Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở 3 nước có nền giáo dục phát triển
Kinh nghiệm đào tạo và bồi dưỡng GV ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới là cơ sở cần thiết để các trường sư phạm đề ra hệ thống giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm cung cấp cho xã hội những giáo viên tốt nhất.
ảnh minh họa
Với mục đích này, PGS.TS. Bùi Minh Đức, TS.Vũ Thị Sơn (Trường ĐHSP Hà Nội 2) phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các nước có nền giáo dục phát triển, trong đó có Mỹ, Pháp và Đức.
Pháp: Trở thành giáo viên chính thức phải có bằng thạc sĩ
Ở Pháp, trước 1989, việc đào tạo GV do các trường sư phạm đảm nhận. Từ 1989, thành lập các Học viện Đại học đào tạo GV (IUFM).
Trước đây, hệ thống giáo dục ĐH của Pháp chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 gồm hai năm đầu tương đương giáo dục đại cương; giai đoạn 2 gồm hai năm tiếp theo tương đương đào tạo nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ĐH, SV sẽ có bằng Cử nhân và có thể được bổ nhiệm làm GV chính thức.
Tuy nhiên, hiên nay, để thống nhất với các hệ thống giáo dục khác ở Châu Âu, Pháp đã chuyển sang mô hình LMD (Licence - Master - Doctorat).
Nghĩa là để trở thành GV, SV phải trải qua đào tạo bậc Cử nhân (L), sau đó phải qua bậc đào tạo Thạc sĩ (M) ở các IUFM thì mới được Bộ Quốc gia Giáo dục Pháp công nhận và bổ nhiệm vào ngạch giáo viên.
Trong lịch sử giáo dục của Pháp từ thế kỷ 19 trường sư phạm được thiết lập trong mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp vùng (gọi tên là Học viện Đại học đào tạo giáo viên/IUFM) đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên phổ thông (trung học cơ sở ; trung học phổ thông : tổng hợp, kĩ thuật hoặc dạy nghề) và đào tạo các cố vấn sư phạm.
Từ năm 2008 các học viện đào tạo giáo viên (IUFM) trở thành các "trường thành viên thuộc trường đại học". Ở nhiều trường đại học, tuy không phải là cơ sở đào tạo giáo viên nhưng đã có các mô-đun giới thiệu nghề dạy học.
Những người vào học năm thứ nhất của Học viện Đại học đào tạo giáo viên/IUFM, người học phải qua xét tuyển, kiểm tra và/hoặc phỏng vấn tùy theo các IUFM.
Tuy nhiên để có thể dự thi tuyển vào năm thứ hai của IUFM, thí sinh không bắt buộc phải theo học năm thứ nhất tại IUFM mà chỉ cần có bằng cử nhân (Licence) hoặc các bằng cấp tương đương.
Như vậy, mô hình đào tạo GV ở Pháp là theo phương thức nối tiếp trong các trường đa ngành và có trình độ sau đại học.
Hiện nay, Pháp cũng như các trường đại học châu Âu đang phải thay đổi về mô hình đào tạo GV. Các giáo viên muốn trở thành giáo viên chính thức của hệ thống Giáo dục Pháp phải có bằng thạc sĩ.
Bộ Giáo dục dự định sẽ hai loại thạc sĩ: với giáo viên tiểu học, cố vấn giáo dục, các nhà tâm lý học đường - thạc sĩ chuyên biệt và đa ngành ; với giáo viên phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông): thạc sĩ chuyên ngành cộng với các mô-đun về dạy học.
Mỹ: có cả 2 mô hình đào tạo GV tiếp nối và song song
Ở Mỹ, do chính phủ liên bang không có vai trò lớn trong giáo dục ở các bang nên mô hình và phương thức đào tạo GV chủ yếu do các bang và các ĐH ở các bang quyết định.
Ở quốc gia này, có cả hai mô hình đào tạo GV là tiếp nối và song song; cả trình độ Cử nhân lẫn tiếp nối một mạch lên trình độ Thạc sĩ. Phương thức đào tạo về căn bản theo tín chỉ.
Hai trường hợp tiêu biểu, đó là đào tạo GV ở ĐH Texas Tech và ở ĐH Virgina.
Mô hình đào tạo GV của ĐH Texas Tech là mô hình: trường chuyên ngành khoa học trường giáo dục. Tức là sau khi đã hoàn tất các tín chỉ chuyên môn tại một trường ĐH thành viên của ĐH Texas Tech, những sinh viên học ngành sư phạm sẽ đăng kí học các môn nghiệp vụ ở trường ĐH Giáo dục.
Thời gian cho việc học nghiệp vụ sư phạm tại trường Giáo dục thường kéo dài trong khoảng từ 1 - 2 năm tùy theo khả năng hoàn thành khối lượng học tập và thực tập của từng sinh viên. Nhưng thời gian tối thiểu phải học tập và thực tập là 1 năm.
Thông thường, sinh viên sẽ trải qua hai giai đoạn học nghiệp vụ. Giai đoạn đầu, sinh viên sẽ học khoảng 30 tín chỉ. Trong thời gian này, sinh viên sẽ kết hợp thực tập tại trường phổ thông 1 ngày/ 1 tuần.
Giai đoạn thứ hai, sinh viên sẽ học tiếp 15 tín chỉ và lúc này sẽ đi thực tập sư phạm 5 ngày/tuần tại trường phổ thông.
Trong khi đó, ở ĐH California, ngay từ năm thứ 2, thậm chí năm thứ 1 đối với các ngành nghệ thuật, SV đã học các môn giáo dục nghề nghiệp là EDIS 2010 và EDIS 2880.
Sang năm thứ 3, 4, thậm chí thứ 5 theo mô hình tiếp nối hai bậc Cử nhân và Thạc sĩ, SV sẽ tiếp tục học các môn chuyên ngành theo yêu cầu của chương trình đồng thời học các môn giáo dục nghề nghiệp: EDIS 3880, EDIS 4880 và EDIS 5880.
Đức: GV được đào tạo trong các trường đại học đa ngành
Mô hình đào tạo GV ở Đức trước năm 1980 tiến hành trong các trường đại học sư phạm. Sau đó, các trường đại học được tích hợp vào các trường đại học đa ngành.
Từ đó đến nay, GV được đào tạo trong các trường đại học đa ngành. Có một số ít bang như Baden - Wttemberg đến nay vẫn tồn tại các trường sư phạm độc lập nhưng chỉ đào tạo các loại hình GV cho các trường tiểu học và THCS.
GV được đào tạo theo cấp học và theo loại hình trường. Cũng có loại GV được đào tạo cho 2 cấp hoặc cho nhiều loại hình trường ở bậc THCS.
GV bậc THCS và THPT được đào tạo cho hai môn học chuyên ngành, trong đó có phân biệt môn thứ nhất và môn thứ hai với tỷ trọng thời gian đào tạo khác nhau. Mô hình đào tạo GV tích hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành.
Ngay từ những năm đầu của các khóa đào tạo GV, bên cạnh các môn học chuyên ngành, sinh viên được học về các môn khoa học giáo dục và thực tiễn trường học.
Đào tạo GV được diễn ra trong 2 kì: Quá trình đào tạo GV trong trường đại học được gọi là giai đoạn 1, sau kì thi tốt nghiệp với kỳ thi quốc gia thứ nhất, các GV mới ra trường này được tham gia vào giai đoạn đào tạo GV tập sự của các bang.
Từ năm 2000 mô hình đào tạo GV được cải cách và thực hiện theo hai bậc nối tiếp cử nhân (180-240 tín chỉ) và thạc sĩ (60-120 tín chỉ).
Dựa trên quy định khung này hầu hết các bang ở Đức đã chuyển đổi hệ thống đào tạo GV sang hệ thống phân bậc hai giai đoạn.
Theo mô hình đào tạo mới này, GV cần có trình độ Master mới được đăng ký vào giai đoạn đào tạo GV tập sự. Người tốt nghiệp bậc cử nhân (Bachelor) chưa được phép trở thành GV nhưng có thể tìm việc làm ở thị trường lao động theo các hướng khoa học chuyên ngành mà họ đã học.
Nét đặc thù của mô hình đào tạo GV của Đức theo mô hình phân 2 bậc nối tiếp này là ngay trong bậc Bachelor đã có nội dung về khoa học giáo dục và thực tiễn phổ thông.
Theo Giaoducthoidai.vn
Đưa giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non: Lo ngại áp lực cao Cấp trung học cơ sở (THCS) đang thừa một số lượng lớn giáo viên trong khi bậc mầm non lại thiếu giáo viên trầm trọng. Tuy nhiên, giải pháp "chuyển chỗ thừa đắp vào chỗ thiếu" đang khiến nhiều người lo ngại về chất lượng giáo dục. "Bội thực" giáo viên THCS Thông tin từ Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý...