Thanh Hóa: Chuyện nữ sinh đẻ con, mang bụng bầu đi học
Chuyện nữ sinh đang học giữa chừng bỏ học để đi lấy chồng, hay vừa mang bầu vừa đi học, vừa sinh con vừa đi học không phải là chuyện xa lạ đối với người dân vùng cao Mường Lát ( Thanh Hóa). Dù nhà trường, địa phương rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động nhưng “vấn nạn” này vẫn tồn tại nhiều năm nay.
Mỗi năm hàng chục HS bỏ học
Mường Lát là huyện vùng biên xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 300 km về phía Tây, có biên giới giáp Lào. Đây là huyện miền núi nghèo và nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú và cả người Kinh.
Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là vấn đề vô cùng nhức nhối đối với chính quyền và để lại nhiều hệ lụy lên chính cuộc sống của đồng bào nơi đây. Gần đây, nhờ công tác tuyên truyền, vận động nên tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn (lấy chồng, lấy vợ từ thuở 14 – 15 tuổi) thuyên giảm đáng kể. Dù vậy, tình trạng học sinh (HS) kết hôn khi còn đi học, ở lứa tuổi 16-17 vẫn còn rất phổ biến, điều này kéo theo việc HS bỏ học hàng loạt trong các năm học.
Từ đầu năm học đến nay, Trường THPT Mường Lát đã có tới 25 HS bỏ học.
Thầy Nguyễn Nam Sơn, Hiệu phó Trường Trung học THPT huyện Mường Lát cho biết, nhà trường có 743 HS, trong đó có tới 364 HS thuộc hộ nghèo. Năm học 2017 — 2018, có 40 HS bỏ học giữa chừng. Trong năm học 2018 – 2019, chỉ tính từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đến nay đã có 25 em bỏ học.
Theo thầy Sơn thì có thể con số này vẫn chưa dừng lại. Nguyên nhân bỏ học được cho rằng HS ở nhà lấy vợ, lấy chồng, có em thì bỏ học để đi làm thuê, em thì gia đình muốn ở nhà để giúp việc nương rẫy. Thậm chí, có nhiều trường hợp là HS trong trường yêu rồi cưới nhau.
“Thường năm nào sau Tết cũng có tình trạng HS bỏ học, nhà trường cũng đã cử cán bộ đến nhà động viên, khuyên nhủ các em. Thế nhưng, việc tuyên truyền vận động không hiệu quả lắm, có nhiều em hứa lấy chồng xong vẫn sẽ đi học nhưng sau đó do cuộc sống khó khăn, vướng con cái nên đều bỏ giữa chừng” – thầy Sơn cho biết thêm.
Được biết, HS nghèo tại trường được hưởng các chế độ hỗ trợ tiền, gạo của Nhà nước. Trường THPT huyện Mường Lát hiện có 602 HS được hỗ trợ tiền ăn, 391 HS được hỗ trợ chỗ ở, mỗi năm được hưởng 9 tháng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này vẫn không khiến các em “mặn mà” với việc học.
Đang học đã sinh con
Theo lời giới thiệu của thầy Sơn, tôi có dịp gặp nữ sinh L.T.N (SN 2001). N. đang là HS lớp 12 của Trường THPT Mường Lát.
Video đang HOT
Dù đang là HS lớp 12, N. đã là bà mẹ của đứa con 4 tháng tuổi.
Vừa tan học, N. tất tả về nhanh căn phòng của mình nằm sát bên trường – nơi ấy có đứa con khát sữa đang chờ mẹ. Cô bé chưa kịp thay bộ đồng phục trường, trên cổ vẫn còn đeo thẻ HS thì đứa con đỏ hỏn đã nhào ra ôm lấy mẹ. Nhìn khuôn mặt non nớt còn “búng ra sữa”, ít ai nghĩ rằng N. là bà mẹ đứa con 4 tháng tuổi.
Sinh ra trong một gia đình nghèo dân tộc Khơ Mú ở xã Tén Tằn. Lên cấp 3, N. khăn gói xuống thị trấn Mường Lát để học tiếp. Vào sống trong khu làng HS của trường, cuộc sống xa gia đình, không có bố mẹ thường xuyên kèm cặp, quản lý nên các em được tự do tìm hiểu, yêu đương ngay chính các bạn cùng học.
N. thật thà cho biết chồng em cũng học cùng trường, nhưng đã kịp học hết lớp 12. Cả hai yêu nhau khi N. mới “chân ướt chân ráo” xuống thị trấn học. Hiện chồng của N. đã được gọi đi bộ đội.
Không giống như nhiều nữ sinh khác kết hôn xong là thôi học, N. vẫn cố gắng bám trường. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi sinh con, em cùng con ở trong căn nhà nội trú nằm bên cạnh trường. Để có thể lên lớp, N. phải nhờ mẹ xuống bế con giúp.
Căn phòng nội trú bên cạnh trường là nơi mẹ con N. ở.
Trường hợp của N. không phải là duy nhất, hiện trường THPT Mường Lát còn có một HS cũng đang mang bụng bầu đến lớp. Ngoài ra, tại trường này, nhiều năm nay HS nữ bỏ học giữa chừng để lấy chồng vẫn chiếm con số đông.
Theo tìm hiểu, tình trạng HS có bầu rồi bỏ học thường xảy ra sau mỗi đợt nghỉ Tết, dịp hè. Việc quản lý của gia đình không chặt chẽ dẫn đến các em tự do yêu đương rồi mang thai.
Thầy Nguyễn Nam Sơn – Hiệu phó Trường THPT Mường Lát chia sẻ: “Tình trạng HS yêu sớm ở trường là rất phổ biến. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn giáo dục giới tính cho HS, hướng dẫn các em nữ cách tự bảo vệ bản thân; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, vui vẻ thu hút các em đến trường, thế nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn hạn chế. Bên cạnh những nguyên nhân về ý thức, hủ tục lạc hậu của đồng bào ảnh hưởng đến tâm lý của HS”.
Thầy Sơn cũng cho biết, công tác quản lí HS còn nhiều bất cập, khó khăn.
Những dãy nhà nội trú của HS không có tường rào bao quanh khiến vấn đề quản lý ở đây đang gặp nhiều khó khăn.
Nhà trường có khu làng HS được tài trợ bởi nguồn vốn của một tổ chức phi Chính phủ, sau đó tập đoàn Viettel đầu tư thêm để hoàn thiện làng với các khu nhà sàn bê tông cho HS ở xa đến ở. Có 30 căn nhà như vậy, có thể ở tối đa 300 em HS. Tuy nhiên, khu nhà lại không có tường rào, thép gai bảo vệ.
Đặc biệt, buổi tối thanh niên ở ngoài thường vào đây để trêu ghẹo, gây rối ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hơn nữa, HS ở bên trong cũng thoải mái ra ngoài đi chơi, làm quen với người ngoài. HS thì đông nên rất khó khăn trong công tác quản lý.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Mường Lát, tình trạng HS bỏ học trong học kì 1 năm học 2018-2019 vẫn còn nhiều. Đến thời điểm hiện tại có 26 HS, trong đó chủ yếu là HS ở bậc THCS và THPT. Nguyên nhân chủ yếu là tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện trên 60%, nhận thức của nhân dân đối với giáo dục chưa được chú trọng và ỷ lại hoàn toàn cho nhà trường.
Bên cạnh đó, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục, quản lí và đôn đốc HS đến lớp. Ngoài ra, bản thân HS vùng miền khả năng tiếp thu, tính tự giác trong học tập chưa cao.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Giáo viên đã được nhận 2 tháng lương và tiền phụ cấp
Ngày 31/1, thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), cho biết, tất cả giáo viên THCS của các trường trên địa bàn huyện đã được tạm ứng 2 tháng lương (tháng 1,2/2019) và tiền phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Trường THCS Xuân Cẩm, một trong 18 trường của huyện Thường Xuân đã thực hiện trả lương và phụ cấp cho tất cả giáo viên trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Sau khi báo GD&TĐ đăng bài "Hàng loạt giáo viên hoang mang vì bị cắt tiền phụ cấp đứng lớp", ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã ký công văn yêu cầu các phòng Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Kho bạc phối hợp với các nhà trường thực hiện ngay việc trả lương, phụ cấp cho tất cả giáo viên trước khi nghỉ Tết. Theo đó, ngày 31/1, tất cả các trường THCS trên địa bàn huyện đã thực hiện việc trả lương và phụ cấp (tạm ứng 2 tháng) cho giáo viên.
Công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Thương Xuân.
Trước đó, như Báo GD&TĐ phản ánh, ngày 24/1/2019 vừa qua, ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân ký công văn số 106/UBND-NV, gửi Kho bạc Nhà nước huyện Thường Xuân, về việc: "Chi trả chế độ cho cán bộ giáo viên các đơn vị trường học". Theo nội dung công văn, ông Cầm Bá Xuân đề nghị Kho bạc chỉ trả lương cho giáo viên các trường THCS, còn tiền phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) của số giáo viên dôi dư ở các nhà trường thì giữ lại.
Theo đó, các trường chỉ nhận lương về cấp phát cho giáo viên, còn khoản tiền phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) của họ thì không được chi trả, khiến hàng loạt giáo viên THCS ở huyện này đang rất hoang mang.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc này bắt nguồn từ ngày 20/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 3130/QĐ-UBND về việc giao biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ năm 2019 của tỉnh Thanh Hóa.
Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thì huyện Thường Xuân được giao biên chế số giáo viên THCS là 393 người. Trong khi đó, huyện Thường Xuân đang có 478 giáo viên THCS. Vì thế, để tinh giản số lượng giáo viên theo quyết định của tỉnh, thì Thường Xuân dôi dư 85 giáo viên.
Quyết định số 75/QĐ-UBND do ông Cầm Bá Xuân ký ngày 14/1/2019.
Đến ngày 14/1/2019, ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân ký Quyết định số 75/QĐ-UBND, về việc giao biên chế trong các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn huyện năm 2019. Theo quyết định này, huyện Thường Xuân có 67 giáo viên THCS thuộc diện dôi dư đang công tác tại 16 ngôi trường.
Theo tìm hiểu của GD&TĐ, việc giáo viên bức xúc nhất là, khi lĩnh lương thì số tiền phụ cấp ưu đãi lại không được nhận. Bởi lẽ, nhà trường cũng không thể biết được giáo viên nào là đối tượng thuộc diện dôi dư. Vì vậy, nhà trường buộc phải giữ lại toàn bộ số tiền phụ cấp ưu đãi của tất cả giáo viên trong trường, để chờ hướng dẫn và xác định cụ thể từng người.
Công văn đề nghị Kho bạc Nhà nước giữ lại kinh phí của số giáo viên dôi dư, do ông Cầm Bá Xuân ký ngày 24/1/2019
Trao đổi với GD&TĐ, ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, khẳng định: Việc huyện chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm theo quy định của tỉnh là đúng. Huyện cũng không chỉ đạo các trường không trả lương cho giáo viên. Ngược lại, hiệu trưởng các nhà trường mà không xác định được giáo viên nào của trường mình trực tiếp đứng lớp để hưởng phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) là thiếu trách nhiệm.
"Tôi đã chỉ đạo phòng Giáo dục, Nội vụ, Tài Chính, Kho bạc, các nhà trường phối hợp với nhau giải quyết khẩn trương việc chi trả hai tháng lương cho giáo viên để về ăn Tết. Còn trường nào không xác định được cụ thể giáo viên không trực tiếp đứng lớp để trừ khoản tiền phụ cấp ưu đãi, thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm"- ông Xuân nói.
Hồng Đức
Theo giaoducthoidai
Giám đốc Sở GD&ĐT nói về kế hoạch kiểm tra năng lực 1.180 giáo viên tiếng Anh Liên quan đến việc triển khai kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh trên địa bàn Thanh Hóa đến năm 2025, trước những băn khoăn, lo lắng của không ít giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã lên tiếng giải thích về kế hoạch này. Chất lượng dạy học...