Thành cổ Diên Khánh di tích cổ xưa hơn 230 năm ở Khánh Hòa
Thành cổ Diên Khánh là di tích rất nổi bật của tỉnh Khánh Hòa, đây cũng là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc dưới thời nhà Nguyễn.
Thành cổ Diên Khánh nằm ở thị trấn Diên Khánh, thuộc huyện Diên Khánh của tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang 10km theo hướng Tây. Đây là nơi đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và từng có vị trí chiến lược đặc biệt ở khu vực Nam Trung Bộ.
Thành cổ Diên Khánh là điểm dừng chân hấp dẫn với tuổi đời hơn 230 năm.
Từ trung tâm thành phố Nha Trang, muốn đến thành cổ Diên Khánh, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe máy, ô tô. Vì khoảng cách chỉ từ 10km nên thời gian di chuyển khoảng từ 20 phút.
Theo đó, từ thành phố Nha Trang, du khách di chuyển theo tuyến đường 23/10 hoặc đường Võ Nguyên Giáp về thị trấn Diên Khánh. Sau đó rẽ vào đường Lý Tự Trọng và di chuyển thêm khoảng 5 km nữa là bạn sẽ đến được cổng thành cổ.
Lịch sử của thành cổ Diên Khánh
Thành cổ Diên Khánh được xây dựng từ năm 1793, dưới thời của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi vua Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu và dưới tình thế đó Nguyễn Ánh và Võ tướng Nguyễn Văn Trương đã đem quân tiến đánh đến Diên Khánh.
Nhận thấy rằng đây chính là một trong những địa bàn có vị trí quan trọng chiến lược, Nguyễn Ánh đã quyết định xây dựng khu vực Diên Khánh trở thành một cứ điểm, một vành đai phòng ngự kiên cố.
Thành cổ Diên Khánh dưới thời chiến.
Việc xây dựng thành Cổ Diên Khánh đã được giao cho hoàng tử Cảnh trực tiếp trông coi. Để xây dựng lên thành cổ này, Nguyễn Ánh đã sử dụng hơn 3.000 quân Bình Thuận và 100 dân Thuận Thành xây dựng, đắp thành trong thời gian một tháng mới hoàn thành.
Video đang HOT
Trong lịch sử, nơi đây từng là một trung tâm chính trị hành chính rất quan trọng của dinh Bình Khang – tức huyện Diên Khánh ngày nay, đồng thời cũng là một di sản văn hóa lịch sử có nhiều giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, quân sự.
Trải qua lịch sử hơn 230 năm, hiện tại thành cổ Diên Khánh vẫn luôn là một điểm đến hấp dẫn, là chứng nhân cho biết bao nhiêu những thăng trầm, biến động của lịch sử xã hội thời phong kiến, cũng như hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp.
Năm 1988, ghi nhận được những giá trị lịch sử, văn hóa của thành cổ Diên Khánh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận nơi đây trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2010, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Khánh Hòa tiến hành tu bổ thành cổ Diên Khánh, nhằm tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng của di tích. Đến năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa bắt đầu di dời các cơ quan hành chính quân sự ra khỏi khu vực nội thành Diên Khánh để biến nơi đây trở thành một khu phố đi bộ, phục hồi công trình mang dấu tích lịch sử nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá của du khách khi dừng chân tại Diên Khánh.
Thiết kế thành cổ
So với các công trình kiến trúc di tích lịch sử cổ khác, thành cổ Diên Khánh mang nét kiến trúc vô cùng đặc biệt. Nơi đây không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là một quần thể kiến trúc rất độc đáo được xây dựng theo kiểu Vauban. Vauban vốn được biết đến là một mô hình thành quân sự rất nổi bật ở các nước Tây Âu trong thế kỷ 17 và 18.
Thành cổ Diên Khánh mang nét kiến trúc vô cùng đặc biệt.
Phía trên cổng thành xây lầu tứ giác với mỗi cạnh 3,3m, có bốn cửa ở bốn hướng. Trên cùng là tầng lầu nhỏ có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Hai mặt cổng thành được xây lan can cao 0,85 m. Nối liền với bốn cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất cao chừng 3m. Mặt ngoài tường thành có độ dốc lớn, mặt trong thoải hơn và có bậc cấp dẫn lên ở một số đoạn.
Trên tường thành xưa được trồng tre gai ken dày và các loại cây có gai khác. Bên ngoài thành là hào nước sâu khoảng 3-4m, có đoạn sâu tới 5m. Bề rộng mặt hào không đều nhau, tại các góc thành thường hẹp hơn và rộng nhất là trước các cổng thành.
Thành cổ Diên Khánh còn là cơ quan hành chính của phủ Diên Khánh thời Nguyễn. Trong thành thời đó có cột cờ, hoàng cung, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh, dinh quan Tham tri, nhà kho và nhà lao…
Thành cổ đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Du khách khi dừng chân tại thành cổ Diên Khánh sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc quân sự vô cùng độc đáo, hòa mình vào không gian cổ kính đầy tính lịch sử để cảm nhận sức mạnh của thời đại qua mỗi đường nét không gian.
Từ trên tường thành, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ và cảm nhận được một phần nào quá khứ đầy huyền bí, ấn tượng của vùng đất Diên Khánh xưa.
Gợi ý một số điểm du lịch gần thành Cổ Diên Khánh
Kết hợp với ghé thăm thành cổ Diên Khánh, bạn có thể dừng chân tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện Diên Khánh để khám phá và trải nghiệm.
Suối Tiên
Suối Tiên là một trong những điểm du lịch rất nổi tiếng ở Diên Khánh. Danh thắng này bắt nguồn từ dãy núi Hòn Bà cao 1.000m, chạy về phía Nam. Nước ở con suối này trong vắt, khí hậu mát mẻ quanh năm nên từ lâu đã trở thành điểm dừng chân hấp dẫn với du khách.
Khung cảnh ở Suối Tiên rất hoang sơ với những tảng đá khổng lồ nằm chồng lên nhau. Du khách đến đây có thể thỏa thích check-in, tắm suối, picnic, cắm trại…
Suối Tiên.
Chùa Thiên Lộc
Là ngôi cổ tự rất lâu đời ở Khánh Hòa được nhiều du khách biết đến. Địa thế của ngôi chùa rất đẹp, phía trước là núi Chín Khúc, liền kề chính là sông Cạn. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây rất đẹp và hài hoà khiến lữ khách say lòng.
Trong chùa Thiên Lộc có miếu Ông Thạch, tượng Quan Âm, và cổ vật Bảo Chúng cùng Cây Trính. Đặc biệt nhất ở chùa có Đại Hồng Chung 10 năm tuổi rất nổi tiếng, cao 1,6m, nặng 300kg với tiếng chuông vang vọng khắp cả vùng.
Chùa Suối Đổ
Nói đến các điểm du lịch nổi tiếng ở huyện Diên Khánh thì không thể bỏ qua chùa Suối Đổ. Ngôi chùa này nằm ở ngọn núi cao 200m. Không gian của chùa Suối Đổ vô cùng ấn tượng với một vùng đất rộng lớn, xung quanh có dòng suối chảy rì rào qua khe đá, trong sân chùa có bức tượng Phật Quan Âm được chạm khắc rất tinh tế.
Du khách đến chùa không chỉ được vãng cảnh, cầu bình an mà còn được tận hưởng khung cảnh thơ mộng của dòng suối chảy róc rách, những tán cây rậm rạp và tiếng chim líu lo.
Khám phá thành cổ Diên Khánh
Thành cổ Diên Khánh nằm tại thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), cách thành phố Nha Trang khoảng 10km về phía tây.
Sơ khởi, thành là một đồn lũy của chúa Nguyễn xứ Đàng Trong. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần cho quân nam tiến và chiếm vùng đất này, lập dinh Thái Khang và hệ thống đồn lũy phòng thủ. Năm 1690, dinh Thái Khang được đổi tên thành Bình Khang, sau đó là thành Diên Khánh. Năm 1775, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy chiếm được vùng đất Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh. Năm 1792, Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu. Sau đó 1 năm, quân Nguyễn Ánh tái chiếm vùng đất này và Nguyễn Ánh đã xây dựng Diên Khánh thành căn cứ quân sự để phòng ngự, kiểm soát khu vực Nam Trung Bộ.
Thành Diên Khánh được xây theo kiểu Vauban, có diện tích 36.000m2, chu vi 2.693m. Mặt bằng thành có hình lục giác không đều với 6 cửa, hiện chỉ còn cửa Tiền (phía nam), cửa Đông, cửa Tây, cửa Hậu (phía bắc). Tường thành được đắp bằng đất cao khoảng 3,5m. Mặt ngoài thành dựng đứng, mặt trong dốc thoải. Bên ngoài tường thành có hào nước sâu khoảng 3 - 5m, rộng 20 - 30m. Các cổng thành được xây hai tầng bằng gạch. Tầng dưới gắn liền với tường thành, có lối đi xây cuốn vòm; tầng trên là vọng lâu xây kiểu cổ lầu lợp mái ngói. Trong thành có nhiều công trình kiến trúc quan trọng như: Hoàng cung, dinh Tuần vũ, dinh án sát, dinh Lãnh binh, nhà lao, nhà kho... Sau này, thành Diên Khánh trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa thời nhà Nguyễn (1802 - 1945).
Năm 1885, khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), ra chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước khởi nghĩa chống Pháp. Tại Khánh Hòa, thành Diên Khánh trở thành Tổng hành dinh của nghĩa quân Cần Vương do Trịnh Phong chỉ huy.
Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Khánh Hòa, trực tiếp là Đảng bộ Diên Khánh, các đội Thanh niên tự vệ đã dẫn quần chúng cách mạng tiến vào thành Diên Khánh giành chính quyền, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước.
Thành cổ Diên Khánh ngày nay đã bị phá hủy gần hết. Tuy vậy, cấu trúc thành vẫn còn nguyên vẹn với tường thành, hào nước và các cổng thành. Công trình đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988.
Tham quan Tháp Bà Ponagar về đêm: Tăng trải nghiệm cho du khách Chương trình tham quan Tháp Bà Ponagar về đêm là một trong các hoạt động gắn với Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh Khánh Hòa, cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Tháp Bà Ponagar. (Ảnh: Vietnam ) Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, bắt đầu từ ngày 4/8/2024...