Thanh Bạch chia sẻ về chuyện lấn sân ca hát
Sau khi ghi danh vào sách Kỷ lục Guinness Việt Nam với hạng mục “Người hát một ca khúc nhiều giai điệu nhất”, MC nổi tiếng của các chương trình truyền hình đã quyết định đặt chân vào làng ca hát và khoe anh khá đắt show.
- Chào anh, tin MC Thanh Bạch được trao bằng kỷ lục gia khi hát một ca khúc với 15 giai điệu khác nhau khiến nhiều người nghĩ là một câu chuyện đùa. Thật hư chuyện này ra sao?
- Cách đây 3 năm, trong một lần ngồi trên máy bay, vô tình tôi đọc được bài thơ Xin làm lá bay của tác giả Phạm Thị Ngọc Liên và cảm thấy tuyệt quá. Lúc đó, trong đầu tôi chợt thoáng suy nghĩ vì sao mình không phổ nhạc để hát cho vui. Thế là tính hiếu kỳ của nghề nghiệp đã thôi thúc tôi viết một mạch.
Máy bay vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) là tôi vừa hoàn thành xong ca khúc. Khi tôi trình diễn thử, mọi người đã vỗ tay cổ vũ rất lớn, từ đó, tôi thừa thắng xông lên, bất cứ ở đâu, nơi nào hoặc gặp ai tôi đều quảng bá ca khúc này. Một thời gian ngắn, không ngờ ca khúc trở thành hiện tượng. Sau đó, các anh bên Trung tâm Kỷ lục Guinness tìm đến và hỏi thăm, tôi mạnh dạn mời họ đến xem tôi và nhiều người cùng diễn.
- Đây là ca khúc mà mới nghe qua sẽ làm khán giả cảm thấy bình thường, không có gì đặc sắc. Nhưng được biết để có thể lập kỷ lục, anh và đồng nghiệp đã biểu diễn duy nhất ca khúc này trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Lúc đó, anh không sợ khán giả chán và bỏ về hay sao?
- Mọi sự chuẩn bị cho phần trình diễn ca khúc này không đơn giản, đều có mồ hôi và nước mắt đấy. Chúng tôi phải đảm bảo được tính hấp dẫn của từng tiết mục một cách độc đáo, để đạt được thành công như ý muốn. Tôi đã suy nghĩ, vận động nhiều người từ nhiều lĩnh vực, bởi tôi muốn ca khúc này đa dạng. Tôi đã “phù phép” theo nhiều điệu khác nhau như từ nền nhạc jive, cha cha cha, tango, rumba, rock, techno, hiphop, rock, vọng cổ, múa rối, kịch câm, ảo thuật… Mỗi tiết mục phải có sự dàn dựng khác nhau, vui tươi sôi động để giữ chân khán giả ngồi lại trong 2 tiếng chỉ để xem một ca khúc.
Thanh Bạch hát say sưa trong vai trò ca sĩ.
- Anh đã gặp những khó khăn gì để làm ra chương trình đặc biệt, hiếm có này?
- Khó khăn đều bắt nguồn từ kinh phí, bởi chưa ai biết chương trình như thế nào nên không thể có nhà tài trợ. Để có lượng khán giả khoảng 300 người đến xem là điều không dễ dàng, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với trường đại học KHXH&NV TP.HCM.
Cụ thể như thời gian diễn phải ước chừng kết thúc trước 20h để các tuyến xe buýt vẫn hoạt động, thuận lợi cho các em trở về ký túc xá. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải có thức ăn “dặm” trong buổi diễn, bởi chúng tôi để các em đói quá, ra ngoài ăn là hỏng chương trình ngay… Từ đó, ê-kíp đã phải huy động bà con hàng xóm, người xẻ bánh mì, người nhét chả lụa, kèm chai nước suối và canh đến giờ cung cấp cho khán giả. Nhờ vậy, chương trình liên tục sôi động. Và sau đêm diễn, tôi nhận được nhiều cái bắt tay chúc mừng, chụp hình lưu niệm. Tôi quá hạnh phúc vì mang được niềm vui cho khán giả, không đơn giản là bằng kỷ lục được trao.
- Sau đêm diễn ghi danh kỷ lục, điều gì làm anh suy nghĩ nhất và tâm đắc nhất trong vai trò ca sĩ bất đắc dĩ?
- Nghệ thuật là bao la, chúng ta không nên bó gọn một lĩnh vực nào. Hãy mạnh dạn khám phá bản thân để mang niềm cảm hứng cho mình, đem lại niềm vui cho người khác. Qua đây, tôi cũng muốn được gửi lời cảm ơn đến những người bạn đồng nghiệp tuyệt vời như Tất My Loan, Quang Hà, Lân Nhã, Nguyên Lộc, Khánh Dung… Nhờ họ, tôi mới có thể thăng hoa rất nhiều trong cuộc chinh phục khán giả.
Video đang HOT
- Những kinh nghiệm, thành công từ vị trí MC đã giúp ích cho anh như thế nào khi lấn sân sang lĩnh vực ca hát?
- Làm MC tất nhiên sẽ giúp tôi có nhiều thuận lợi hơn khi đi hát, bởi tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm xử lý các tình huống trên sân khấu. Ngày trước, tôi chỉ hát khi chương trình bị trống, hoặc ngẫu hứng lắm mới “xin” hát, còn bây giờ, ca hát như một công việc chính. Trong đó, ca hát là niềm đam mê bất tận, tôi có thể hát bất cứ lúc nào, ở đâu. Tiền cát-xê ra sao không quan trọng, cái chính là tôi được hát với tư cách là ca sĩ nên sướng lắm.
- Với vai trò người ca sĩ thực thụ trên sân khấu, theo anh điều gì quan trọng nhất để chinh phục khán giả?
- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là hát phải có hồn và cảm xúc. Người ca sĩ phải truyền tải đến người nghe nội dung ca khúc, hoàn cảnh ra đời bài hát, và quan trọng nhất vẫn là hát như thế nào.
Một số ca khúc người hát phải thổi bằng được bầu không khí vui tươi, giúp khán giả xả stress. Ngược lại, có lúc ca sĩ phải hát nồng nàn, da diết như tâm tình với người nghe. Điều này bắt buộc người thể hiện bài hát phải biết kết hợp với kỹ thuật biểu diễn, bộc lộ được nội tâm và hát một cách nghiêm túc. Thậm chí, có lúc, ca sĩ chỉ cần hát một cách giản dị để người nghe dễ dàng thẩm thấu.
- Theo anh, điểm giống và khác nhau khi làm MC và ca sĩ là gì?
- Đây là 2 công việc hoàn toàn khác nhau. MC là người làm cầu nối của chương trình, kết nối ca sĩ và khán giả. Ở vai trò này, tôi có thể ẩn mình tí xíu. Còn ca sĩ là người trực tiếp truyền cảm xúc riêng đến người nghe bằng chất giọng, giai điệu ngọt ngào.
Điều khác nhau tiếp theo là trang phục phải hoàn toàn khác, bởi trang phục phải đi liền với nội dung. Hát một ca khúc cổ trang không thể mặc áo sơ mi kết hợp quần jean, tôi càng không thể mặc đồ cổ trang để thể hiện Chiếc áo bà ba hay Tiểu đoàn 307…
- Thế anh có bao giờ anh sử dụng hát nhép trên sân khấu và anh nghĩ gì khi có quá nhiều ca sĩ trẻ sử dụng cách này?
- Trước đây có nhiều lý do chính đáng và nhiều trường hợp bắt buộc phải hát nhép. Còn bây giờ, luật đã công bố và tất cả phải chấp hành thật nghiêm túc. Tôi nghĩ đây là một thiệt thòi lớn cho những ai quen hát nhép, nhưng nó lại lợi cho khán giả và nhất là cho nền âm nhạc nước nhà. Với tôi, hát là một niềm hạnh phúc bất tận. Nó giúp tôi được thăng hoa và giúp bản thân trở nên lạc quan và yêu đời hơn. Vậy thì vì sao tôi phải hát nhép.
Khi tham gia các chương trình, anh sẵn sàng phụ diễn cho ca sĩ để khán giả có được những tiết mục độc đáo
- Anh 3 lần xuất hiện ở vị trí quan trọng, vừa hát chung vừa làm MC tại liveshow của vợ chồng Tuấn Hùng – Thùy Vân. Nếu nhận xét rằng sự đa năng của anh đã giúp chương trình thành công hơn, anh nghĩ sao?
- Tôi không thần thánh đến thế đâu. Thành công của chương trình nằm ở tinh thần lao động nghiêm túc của một tập thể, sự đoàn kết và biết phát huy thế mạnh riêng của mỗi người. Ở hai bạn trẻ này ngoài tài năng còn có tinh thần cống hiến. Nếu toan tính với thời kinh tế khó khăn như hiện nay, các bạn ấy sẽ không dám mạo hiểm như thế. Tôi phục sự chịu thương, chịu khó trong việc tập luyện và đầu tư cho từng tiết mục của đôi nghệ sĩ này. Nhìn họ lăn xả trên sàn diễn, và nghe những tiếng vỗ tay bên dưới sân khấu, tôi thấy họ đang chinh phục khán giả nhiều hơn. Còn tôi chỉ cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất phần công việc riêng.
- Lịch diễn của Thanh Bạch là một ca sĩ lúc này như thế nào, có ảnh hưởng đến nghề MC của anh không?
- Với vai trò MC, mỗi tuần tôi có 4 show thường xuyên trên truyền hình của Đài VTV và HTV là Chuyện nhỏ, Đọ sức âm nhạc, Siêu đầu bếp… Còn ca hát mỗi tuần tôi có trung bình 4 show cố định ở phòng trà của ca sĩ Thanh Hoa. Đây là một sân chơi không phải ai cũng vào được, bởi bà chủ phòng trà rất chọn lọc tiết mục, khán giả cũng khó tính. Ca sĩ phải có nét riêng và ấn tượng mới thu phục được cô chủ phòng trà.
- Sắp tới, anh có dự án nào cho con đường âm nhạc?
- Tôi đã tính hết rồi. Tôi sẽ hợp sức cùng Thanh Hoa tổ chức vài đêm live show nhạc Pháp và Nga. Chắc bạn nghe sẽ thấy lạ quá phải không, nhưng tôi đảm bảo chất lượng lắm đấy. Nhạc Pháp giai điệu đẹp, còn nhạc Nga cũng vui nhộn và trữ tình. Thời gian qua, tôi và Thanh Hoa đã tích cực lên chương trình, tập hát, đàn, múa… Đây là liveshow mini nhưng chất lượng không mini.
MC Thanh Bạch và những biến tấu ấn tượng khi làm ca sĩ.
Thanh Bạch có thể giao lưu với từng đối tượng trên sân khấu.
Thanh Bạch ngẫu hứng với Thùy Vân.
LỮ ĐẮC LONG
Theo Infonet
Gặp những người "khổng lồ" Việt Nam
Trên thế giới có rất nhiều trường hợp "người khổng lồ" được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận. Những tưởng rằng các nhân vật đó chỉ tồn tại ở nước ngoài nhưng ngay tại Việt Nam cũng có...
Giáp mặt "người khổng lồ"
Trong lịch sử y học Việt Nam được PGS.BS Mai Thế Trạch, BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết, khoảng những năm 1960, khi còn là BS ở BV Bạch Mai, Hà Nội, ông đã tiếp nhận bệnh nhân tên Đ.X.Y., 16 tuổi, cao 2,03m, mắc bệnh "khổng lồ". Đến năm 21 tuổi, bệnh nhân Y. cao 2,16m. Do ngày đó khả năng phẫu thuật khối u tuyến yên rất hạn chế (hầu như không làm được) nên vài năm sau, bệnh nhân bị biến chứng tiểu đường và tử vong.
Đây là bệnh nhân mắc bệnh "khổng lồ" đầu tiên tại Việt Nam và đã được đưa vào sách Nội tiết học đại cương, tác giả Mai Thế Trạch - Nguyễn Thy Khuê, để giảng dạy cho SV y khoa. Sau này, PGS Mai Thế Trạch cũng gặp một vài trường hợp khác ở các tỉnh phía Bắc mắc bệnh "khổng lồ" nhưng chỉ cao có hơn 1,8m. Đó là trong lịch sử, còn thời gian gần đây một vài trường hợp "người khổng lồ" có số đo chiều cao "khủng" hơn trước đã xuất hiện khá nhiều, điển hình trong số đó phải kể đến trường hợp của ông Trần Thành Phố, người cho đến nay vẫn đang giữ Kỷ lục Guinness Việt Nam với chiều cao 2,3m.
"Người khổng lồ" Trần Thành Phố.
Chuyện của người đàn ông kỳ lạ này diễn ra từ năm 1965 khi Trần Thành Phố 18 tuổi, cũng như những thanh niên ngày đó, Trần Quang (tên thật của Trần Thành Phố) vào quân ngũ. Trong những năm tháng chiến tranh, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Trong một trận chiến năm 1972, do sập hầm nên Trần Quang bị thương nặng phải vào viện điều trị.
Theo lời kể của "người khổng lồ" thì 2 năm điều trị ở BV ông gần như mất trí nhớ, chiều cao và cân nặng cứ tăng vùn vụt. Từ người cao 1,68m, nặng 68kg, Trần Quang cao lên tới hơn 2,28m, nặng 115kg. Bác sĩ kết luận: cơ thể ông bị cường tuyến yên. Y học đã phải can thiệp bằng hóa chất và chiếu tia xạ để kìm hãm sự tăng trưởng. Đến năm 1974, khi bình phục thì ông mới nhận ra rằng mình đã trở thành "người khổng lồ".
Dù được bác sĩ chẩn đoán chỉ sống được 1 năm, nhưng "người khổng lồ" Trần Thành Phố vẫn kéo dài được sự sống của mình, thậm chí ông còn lấy vợ rồi có tới 4 đứa con lớn lên bình thường. Sống với một thân hình khác biệt nhưng ông không bao giờ bi quan, ngược lại cách trò chuyện hài hước của ông làm cho những người xung quanh luôn vui vẻ. Nhưng do bệnh tật và sức khỏe, người đàn ông "lớn" nhất Việt Nam này đã qua đời vào năm 2010.
Phát hiện thêm "người khổng lồ" mới
Những tưởng rằng sau khi ông Trần Thành Phố qua đời kỷ lục của ông sẽ khó có ai phá vỡ được nhưng một chàng trai mới 21 tuổi, ở huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai được cho là sẽ "dễ dàng" bỏ xa kỷ lục của Trần Thành Phố nếu không tiến hành điều trị "giảm" chiều cao. Bởi lúc này anh đã cao 2,03m và dự kiến rằng, chiều cao sẽ còn đều đặn tăng lên hàng năm.
Dương Tiến Đ, "người khổng lồ" mới được phát hiện tại Việt Nam.
BS Trần Quang Khánh, trưởng khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết, lần đầu tiên BV tiếp nhận một bệnh nhân mắc bệnh "khổng lồ" như bệnh nhân Dương Tiến Đ.
Đ. kể ngày nhỏ anh chỉ cao hơn chút so với các bạn, nhưng từ khi học lớp 7 thì đột ngột cao vọt hẳn lên. Từ đó chiều cao của anh ngày càng cách biệt so với các bạn cùng trang lứa. Năm 18 tuổi, Đ. đã cao tới 1,9m. Rất nhiều người đang mong muốn được cao hơn nữa nhưng đối với Đ. chiều cao đặc biệt này lại luôn gây cho anh mặc cảm, khó chịu bởi những ánh mắt lạ lùng, tò mò.
Ngày 15-6-2012, Đ. được giới thiệu đến khám tại khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương. BS Khánh cho biết mới nhìn thấy Đ. và nghe giọng nói ồm ồm đã nghĩ đến bệnh khổng lồ (Gigantism). Tuy nhiên, sau đó, các bác sĩ đã cho bệnh nhân làm các xét nghiệm để đánh giá hoóc-môn của tuyến yên như hoóc-môn tăng trưởng, chụp cộng hưởng từ để định vị khối u tuyến yên...
Qua kết quả các xét nghiệm, các BS đã chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh "khổng lồ". Nguyên nhân gây ra bệnh "khổng lồ" là do khối u của tuyến yên tiết ra hoóc-môn tăng trưởng trước tuổi dậy thì ở trẻ (ở nam là dưới 11 tuổi). Theo BS Khánh, những trường hợp khối u của tuyến yên tiết ra hoóc-môn tăng trưởng quá mức sau tuổi dậy thì BV vẫn thường gặp. Bệnh này được gọi là to đầu chi, nhưng chiều cao của người bệnh không tăng, chỉ có mũi, cằm... to ra.
Ở bệnh nhân mắc bệnh to đầu chi, bàn chân, bàn tay đều to ra, gò má gồ ra, khuôn mày gồ lên, trên đầu sẽ có những bướu xương, hàm dưới nhô ra, răng thưa ra. Bệnh nhân Đ. ngoài chiều cao tăng nhanh, hàm mặt còn bị nhô ra. Nếu bệnh diễn tiến lâu ngày không được chẩn đoán và điều trị, những người mắc bệnh "khổng lồ" có những biến chứng như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm khớp, viêm cột sống dính khớp.
Để ngăn ngừa những biến chứng cho bệnh nhân Đ., các BS chuyên khoa ngoại thần kinh sẽ phẫu thuật khối u tuyến yên cho bệnh nhân. Khối u nhỏ hơn 10mm nên tỉ lệ thành công trong phẫu thuật là 97%. Trường hợp này, nếu được phát hiện và phẫu thuật sớm sẽ ngăn chặn được sự phát triển bất thường về chiều cao. Trong những ngày chờ phẫu thuật, Đ. cho biết, anh đang được các BS can thiệp, dù không thấp trở lại như mọi người nhưng hy vọng sẽ không cao thêm nữa.
Theo PLXH
Quả trứng gà cực bé ở Việt Nam Quả trứng tí hon này có chiều dài là 1,3cm, thậm chí còn bé hơn quả trứng gà tí hon ở Hà Nội đã đưa tin trước đó. Vào ngày 24/4 vừa qua, con gà ở nhà em Lại Tuấn Anh sống tại TP.HCM đã đẻ một quả trứng vô cùng đặc biệt. Tuấn Anh cho biết, nhà em đã nuôi con gà...