Tháng 11, thầy cô mệt nhoài với thao giảng
Những tiết thao giảng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam mang lại hiệu quả chẳng đáng bao nhiêu, thế nhưng cả thầy và trò thì rất vất vả, mệt mỏi.
Thao giảng là công việc bắt buộc mà giáo viên phải thực hiện hàng năm nhằm nâng cao tay nghề cho bản thân, đồng thời tổ chuyên môn cũng chia sẻ được nhiều kinh nghiệm dạy học.
Qua những tiết thao giảng, người quản lí chuyên môn cũng có thêm minh chứng để làm cơ sở phân công giáo viên giảng dạy theo từng khối lớp cho phù hợp và đánh giá thi đua, xếp loại thực chất.
Thế nhưng, đến hẹn lại lên, tháng 11 hàng năm thầy trò lại mệt nhoài bởi những tiết thao giảng trường, thao giảng cụm nhằm lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
Khi được tổ trưởng chuyên môn phân công nhiệm vụ, giáo viên dạy thao giảng phải chọn bài lên giáo án, chọn lớp dạy thử sao cho trọn vẹn nhất.
Công đoạn này có khi phải mất cả tháng chuẩn bị nếu dạy học theo dự án, tích hợp liên môn, …
Kinh phí dạy học cũng khiến giáo viên đau đầu nếu dạy học theo dự án hay tích hợp liên môn…
Khi nhà trường không có kinh phí hỗ trợ thì giáo viên cũng chỉ còn cách nhờ tổ chia sẻ hoặc kêu gọi phụ huynh hỗ trợ thêm.
Tháng 11, thầy cô mệt nhoài với thao giảng (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)
Có thể nói rằng, suốt thời gian này giáo viên thực hiện nhiệm vụ thường ăn không ngon, ngủ không yên bởi lúc nào cũng nơm nớp lo lắng cho tiết dạy sắp đến.
Video đang HOT
Không lo sao được khi tiết dạy của mình có hàng chục giáo viên đến dự. Điều đáng lo sợ hơn là lúc góp ý, chia sẻ kinh nghiệm thì “chín người mười ý”, không biết đâu mà lần.
Nhiều giáo viên lớn tuổi, khó tính thường bắt bẻ đủ điều vì họ (có thể) chưa kịp thích ứng với phương pháp mới, thì người được góp ý có khi cũng chỉ biết im lặng vì tôn trọng, nể nang.
Một số giáo viên trẻ mới ra trường cũng có dịp đưa ra hết pháp này, đến phương pháp khác khiến người nghe rối bời.
Và thường đồng nghiệp có góp ý thế nào đi nữa, cuối cùng gần như giáo viên dạy thao giảng cũng được xếp loại khá, giỏi bởi tâm lí động viên, khích lệ.
Giờ thao giảng đã biến thầy và trò thành những diễn viên chuyên nghiệp, thế nhưng, đến hẹn lại lên, giáo viên cũng chỉ biết âm thầm thực hiện theo chỉ đạo.Hơn nữa, giờ dạy đã được thầy trò chuẩn bị chu đáo đến thế thì khó lòng không thành công tốt đẹp.
Sau tiết thao giảng, có thầy cô xem như mình đã xong nghĩa vụ và có khi việc dạy học trên lớp cũng không được đầu tư nghiêm túc.
Thực tế, người quản lí cũng chỉ giám sát được 1-2 tiết thao giảng mà thôi. Những tiết dạy khác như thế nào, chỉ có thầy trò mới rõ.
Và thế là, việc dạy thao giảng đôi lúc cũng chỉ dừng lại ở phong trào, còn chuyện nâng cao chất lượng chuyên môn thì tùy thuộc vào sự thay đổi chính bản thân của mỗi giáo viên mà thôi.
Ngoài ra, giáo viên đi dự giờ thao giảng cũng chẳng mấy hứng thú nhưng không thể thoái thác vì đó là nhiệm vụ chuyên môn.
Điều đáng sợ nhất là giáo viên được cử đi dự giờ thao giảng cụm. Trường bạn ở cách xa chỗ mình có khi đến vài chục cây số, cho nên việc di chuyển cũng không phải dễ dàng, nhất là giáo viên lớn tuổi, giáo viên nữ.
Thiết nghĩ, để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, người thầy phải tự học, học từ sách vở, học từ đồng nghiệp…
Thay vì phải ồ ạt thao giảng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, lãnh đạo hãy giúp thầy cô biến tất cả những tiết dạy thành tiết “thao giảng” để nâng cao chất lượng, tạo hứng thú cho học sinh.
Người thầy giỏi là phải biết dạy cho nhiều đối tượng học sinh, để giúp các em từ học lực yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá giỏi.
Người thầy giỏi không chỉ được đánh giá qua những tiết thao giảng mà còn có sự đánh giá từ học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và dư luận xã hội.
Cao Nguyên
Theo giaoduc.net
Tuyên Quang: Nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Theo bà Nguyễn Thị Uyên - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Tuyên Quang, điểm nhấn của phong trào, hoạt động này là thi đua Dạy tốt - Học tốt.
Trường THPT Thái Hòa tổ chức Ngoại khóa "Diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường".
Đáng chú ý đó là hoạt động đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, đổi mới hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn trong các nhà trường và liên trường đã được Sở GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt, tạo nên sự chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục.
Đây là sự chuẩn bị cần thiết, nhằm chủ động chuẩn bị cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới sắp tới. Trên tinh thần đó, nhiều thầy cô đã say sưa nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để thiết kế những bài giảng hay, miệt mài hướng dẫn học sinh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo nên những sản phẩm hữu ích trong cuộc sống và sản xuất.
Các trường THPT trên địa bàn huyện Chiêm Hóa tổ chức tập huấn phòng cháy, chữa cháy
"Năm nay, ngành Giáo dục có hai thầy, cô giáo có sản phẩm đạt giải cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, đó là Thầy Lương Ngọc Huyên, Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên và cô Trần Thị Nga, giáo viên trường THPT Sơn Dương" - bà Nguyễn Thị Uyên chia vui.
Cũng theo Chủ tịch Công đoànngành Giáo dục Tuyên Quang, thời gian qua, hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh cũng được các nhà trường đặc biệt quan tâm.
Đơn cử như Cụm các trường THPT tại huyện Chiêm Hóa tổ chức tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy; Trường THPT Thái Hòa tổ chức ngoại khóa "Diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường"; Trường THPT Chuyên tổ chức hoạt động giáo dục "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn"; Trường THPT Phù Lưu tổ chức cuộc thi "Hùng biện nội quy học sinh" cho học sinh trong toàn trường vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần...
Trường THPT Sơn Nam tổ chức truyền thông Sức khỏe sinh sản vị thành niên
Cùng với các hoạt động chuyên môn, các công đoàn cơ sở đã làm tốt việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhà giáo như: Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, duy trì tốt việc tập luyện và tổ chức giao lưu bóng chuyền hơi, bóng đá... đã tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng trong các nhà trường.
Song song với các hoạt động trên, việc quyên góp, ủng hộ chương trình Áo ấm mùa đông cũng được nhiều đơn vị tích cực triển khai và bước đầu đạt kết quả tốt.
"Việc tổ chức tốt các hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không những góp phần tích cực giáo dục truyền thống cho giáo viên và học sinh, mà còn tăng cường nề nếp, kỷ cương trong các trường học, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường" - bà Nguyễn Thị Uyên.
Minh Phong
Theo GDTĐ
Chương trình mới học sinh tiểu học sẽ học mấy buổi/ngày? Ngay thời điểm áp dụng Chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần quy định rõ học sinh tiểu học chỉ nên học tối đa 9 buổi/tuần là hợp lý. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tiểu học sẽ được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút....