Tháng 10 sẽ công bố sách giáo khoa đầu tiên theo chương trình mới
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu tháng 10 tới, Bộ sẽ công bố những sách giáo khoa đầu tiên theo chương trình mới đạt thẩm định để các địa phương, giáo viên, học sinh lựa chọn sử dụng.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam )
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thẩm định năm bộ sách giáo khoa lớp 1 của ba nhà xuất bản khác nhau. Dự kiến, đầu tháng 10, Bộ sẽ công bố các bộ sách đạt thẩm định. Đây cũng sẽ là những bộ sách giáo khoa chính thức đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây là thông tin được ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ với báo điện tử VietnamPlus trước thềm năm học mới 2019-2020.
Thành công bước đầu về xã hội hóa sách giáo khoa
- Thưa ông, năm học 2019-2020 là năm bản lề của ngành giáo dục khi năm học 20202-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai từ lớp 1. Một trong những vấn đề được nhiều giáo viên, học sinh quan tâm là sách giáo khoa. Ông có thể cho biết, hiện việc thẩm định sách giáo khoa lớp 1 đang được Bộ triển khai đến đâu?
Ông Thái Văn Tài: Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học, các nhà khoa học tâm huyết và các nhà xuất bản có đủ năng lực đã tham gia tích cực vào việc biên soạn sách.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được năm bộ sách lớp 1 của ba nhà xuất bản, không dùng đến ngân sách Nhà nước, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều rất đáng mừng khi tinh thần xã hội hóa sách giáo khoa, một chương trình nhiều bộ sách theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội đã bước đầu thành hiện thực.
Video đang HOT
Trong 5 bộ sách lớp 1 đang được thẩm định, đa số là đầy đủ các môn, được các tác giả biên soạn đầy tâm huyết và nám sát chương trình, các nhà xuất bản nghiêm túc chuẩn bị đầy đủ nội hồ sơ theo Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Đó là về số lượng, còn chất lượng, qua thẩm định, ông đánh giá thế nào về chất lượng các bộ sách?
Ông Thái Văn Tài: Về chất lượng, theo đánh giá sơ bộ của hội đồng thì các sách được thể hiện đa dạng theo đúng độ mở của chương trình mới, các tác giả đã bám sát chương trình. Thời gian tới, sau khi Bộ công bố sách đạt thẩm định thì địa phương có trách nhiệm lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với địa phương mình.
Đội ngũ viết sách là các nhà khoa học uy tín, đã khẳng định được năng lực trong nhiều năm qua. Có nhiều tác giả tham gia viết sách vì tâm huyết, muốn cống hiến được nhiều cho thế hệ sau chứ không đặt nặng vấn đề viết sách để có kinh phí, nên chúng tôi rất trân trọng.
Với tâm huyết đó, việc biên soạn sách với các tác giả là một việc nghiêm túc. Viết sách cũng không phải một sớm một chiều là xong mà phải qua rất nhiều bộ lọc của hội đồng chuyên môn ở ngay chính nhóm tác giả. Sản phẩm này lại được thông qua một nhà xuất bản để trình thẩm định. Sản xuất biên soạn sách giáo khoa cũng cực kỳ tốn kém. Không có ai bỏ ra một khoản tiền lớn để làm sản phẩm không tốt để rồi thẩm định không đạt hoặc thẩm định xong không ai dùng cả. Chúng ta phải nhìn ở góc độ đó để có sự tin tưởng tích cực. Tôi tin tưởng sẽ có nhiều bộ sách để phục vụ cho học sinh.
Hội đồng chọn sách tốt nhất, người học lựa sách hay nhất
- Những bộ sách được chọn sẽ là những bộ sách hay nhất, thưa ông?
Ông Thái Văn Tài: Tùy theo số tiết của môn học ít hay nhiều, số lượng thành viên hội đồng thẩm định sẽ từ 7 đến 15 người. Cơ cấu của hội đồng cũng rất đa dạng, gồm những nhà khoa học có uy tín, các giảng viên đến từ các trường sư phạm và các giáo viên đang dạy ở các trường tiểu học. Số giáo viên chiếm ít nhất 1/3 số thành viên của hội đồng thẩm định. Họ được điều động từ khắp các miền Bắc, Trung, Nam, từ khu vực nông thôn, miền núi đến thành thị. Hội đồng cũng có đủ thời gian để xem xét tỷ mỷ các khía cạnh.
Hội đồng thẩm định làm việc dựa trên Thông tư 33 về hướng dẫn thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, những bộ sách nào đúng với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được hội đồng đánh giá đạt và trình Bộ trưởng quyết định thông qua.
Nếu hỏi, sách hội đồng cho qua đã phải là sách hay nhất chưa, thì câu trả lời là: đó là những bộ sách đúng nhất. Còn sách hay nhất sẽ do các người chọn, địa phương, giáo viên, học sinh đánh giá. Theo đó, thành công của một bộ sách không chỉ là được hội đồng thẩm định thông qua mà được người học đánh giá tốt, hay trong quá trình sử dụng. Trách nhiệm của hội đồng rất lớn, nhưng không phải là duy nhất cho sự phát triển của bộ sách.
- Khi nào hội đồng sẽ công bố các bộ sách được thông qua, thưa ông?
Ông Thái Văn Tài: Theo kế hoạch, đầu tháng 10 Bộ sẽ công bố kết quả thẩm định. Hội đồng sẽ kết luận sách đạt, đạt nhưng phải sửa chữa, không đạt. Với sách chưa đạt, nhà xuất bản và các tác giả sẽ phải sửa chữa. Với sách không đạt, tác giả có quyền chỉnh sửa và đề nghị hội đồng thẩm định lại.
Việc có nhiều sách cho mỗi môn sẽ tạo cơ hội cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả giữa các tác giả, các nhà xuất bản, mang lại lợi ích cao nhất cho người học.
Tuy có nhiều sách khác nhau, nhưng các sách khi được thông qua đều là sách đã đạt các tiêu chuẩn chung và chỉ là tài liệu dạy học quan trọng. Chương trình mới là pháp lệnh cao nhất, chung trên toàn quốc. Mọi chỉ đạo hoạt động chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều bám vào chương trình.
- Xin cảm ơn ông!./.
Phạm Mai
Theo vietnamplus
Cuối tháng 9 thẩm định xong SGK lớp 1 mới
Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018), từ năm học 2020-2021, Bộ GD&T chính thức thay sách giáo khoa (SGK) đối với học sinh lớp 1 trên toàn quốc.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học theo chương trình SGK mới. Ảnh: Như Ý
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đang triển khai 2 đầu việc gồm biên soạn SGK và tập huấn cho giáo viên về chương trình mới.
Hiện Bộ GD&ĐT đã nhận được bản thảo của 5 bộ SGK đầy đủ và một số môn có 6 cuốn. Dự kiến, cuối tháng 9 tới Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (Hội đồng) có thể thẩm định xong để công bố trên cả nước.
Đánh giá sơ bộ về bản thảo những bộ SGK đang được thẩm định, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: "Cơ bản các SGK đã cụ thể hóa được tinh thần của chương trình 2018. Nhưng để làm cho thật chặt chẽ, thật tốt không còn "sạn", Hội đồng thẩm định đã có đánh giá chung và đưa ra yêu cầu cần phải sửa chữa, sau đó, gửi lại cho hội đồng tiếp tục thẩm định lần thứ hai". Những phần tác giả không tiếp thu thì giải trình bằng văn bản, không tranh luận trực tiếp.
Tinh thần làm việc giữa hội đồng và tác giả chặt chẽ nhưng cũng đảm bảo tính độc lập trong quá trình thẩm định. Khi Hội đồng thẩm định tiếp cận với bản thảo SGK, tác giả và Hội đồng không được gặp nhau. Đến lúc thẩm định, tác giả được trình bày toàn bộ ý tưởng của mình khi viết SGK.
Lúc đó Hội đồng thẩm định chỉ đặt ra câu hỏi để tác giả làm rõ thêm những nội dung trong sách. Sau đó, hội đồng làm việc tại khu vực riêng. Khi có kết luận với đầy đủ chữ ký của các thành viên trong tổ thẩm định, sẽ tổ chức công bố, các tác giả được mời đến nghe. Tại đó, các tác giả cũng chỉ hỏi những câu hỏi để hội đồng thẩm định làm rõ quan điểm của hội đồng".
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thành lập Hội đồng lựa chọn SGK cho mỗi địa phương. Theo đó, Hội đồng sẽ tham vấn cho UBND tỉnh quyết định lựa chọn SGK. Hội đồng, gồm: Các nhà khoa học, cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy ở địa phương. Số giáo viên trong hội đồng lựa chọn phải giữ tỷ lệ ít nhất là 1/3 số thành viên hội đồng. Vì họ là những người hiểu về chương trình và thực dạy nên sẽ lựa chọn được bộ SGK phù hợp nhất.
Môn Toán lớp 1 có 6 quyển SGK của 6 nhóm tác giả. Hội đồng thẩm định có 13 người. Mỗi một cuốn SGK, hội đồng thẩm định phải mở từng trang, đọc từng dòng. Như vậy, so với chương trình hiện hành, số lượng tài liệu hội đồng cần thẩm định gấp 6 lần.
Theo Tiền phong
Khi người chọn sách giáo khoa không là giáo viên Có rất nhiều câu hỏi đặt ra khi UBND các tỉnh lựa chọn SGK. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra khi UBND các tỉnh, thành lựa chọn SGK - Ngọc Thắng Nghị quyết 88 của Quốc hội (QH) về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới cho phép có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) đã phân cấp cho các...