Thận trọng khi học sinh mang điện thoại vào lớp
Nhiều trường học ở TP HCM vẫn chưa cho phép học sinh mang điện thoại vào lớp học, do lo ngại các em sử dụng không đúng mục đích, giáo viên khó kiểm soát
Một tuần trôi qua, kể từ ngày Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức có hiệu lực (ngày 1-11), nhiều trường học ở TP HCM vẫn không cho học sinh (HS) sử dụng điện thoại trong lớp. Các trường lo ngại không kiểm soát được HS, ảnh hưởng đến chất lượng giờ học.
Sử dụng lén lút, khó kiểm soát
Trong Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020 quy định HS không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Như vậy, HS được phép sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ việc học tập và phải được giáo viên cho phép.
Nhiều trường vẫn chưa cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học theo quy định mới .Ảnh: TẤN THẠNH
Thầy H. Lộc, giáo viên một trường THCS tại quận 6, cho rằng theo Thông tư 32, giáo viên là người chịu trách nhiệm chính nếu cho HS sử dụng điện thoại trong giờ học. Dù giáo viên không cho phép sử dụng trong giờ học nhưng một khi được mang điện thoại vào lớp, các em có nhiều cách để dùng “chui”. Lúc đó, giáo viên sẽ rất khó quản lý vì phải tập trung vào bài giảng. Đó là lý do mà nhiều trường băn khoăn.
Tại Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú), với một tiết học cần tìm hiểu thêm thông tin hoặc hình ảnh miêu tả trực quan, HS được giáo viên mở tivi thông minh để tra cứu, chứ không sử dụng qua điện thoại. Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết do chưa có phương án quản lý tối ưu nên nhà trường chưa áp dụng quy định mới, cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học. Đa số phụ huynh cũng đồng ý việc này.
Theo ông Độ, trong trường hợp cho phép, khi giáo viên giao bài tập khó, HS sẽ dùng điện thoại lên internet để tra cứu bài giải ngay. Thậm chí, HS sẽ dùng điện thoại để chơi game, lướt Facebook, nhắn tin… gây ra nhiều hệ lụy. Do vậy, khi nào tìm ra biện pháp tốt nhất, giáo viên nắm được kỹ năng xử lý từng trường hợp, mới “mở cửa” cho đem điện thoại vào lớp học.
Ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cũng nói rằng nhà trường đang xây dựng quy chế để giáo viên quản lý HS sử dụng điện thoại trong giờ học, nên tạm thời chưa thể cho phép HS đem điện thoại vào lớp.
Video đang HOT
Cũng theo ông Khánh, tuy nhà trường đã có kinh nghiệm áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng thông qua các thiết bị như: tivi thông minh, bảng tương tác, máy tính bảng, máy chiếu… nhưng nếu cho phép HS sử dụng điện thoại trong lớp, mỗi em có một chiếc thì việc quản lý không dễ dàng. Vì thế, phải có hướng dẫn cụ thể để giúp giáo viên kiểm soát, như: được dùng ở những tiết học nào, dùng trong bao lâu, bài học có sử dụng điện thoại sẽ được tổ chức ra sao?…
Linh hoạt áp dụng
Ngược lại, vẫn có một số trường không ngần ngại cho phép HS mang điện thoại vào lớp. Hiện nay, tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), trong một số tiết học đã cho HS sử dụng điện thoại để tra cứu tài liệu. Giáo viên quyết định thời gian HS được phép sử dụng tùy vào bài học.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định với những bài học khô khan cần miêu tả sinh động, thông qua những hình ảnh, clip trên internet, HS tiếp thu hiệu quả bài học hơn, thông điệp bài học cũng được truyền tải một cách chính xác.
Chẳng hạn, ở bài học bản đồ môn địa lý lớp 10, yêu cầu HS xác định vị trí, để trực quan nhất, dễ hiểu nhất, giáo viên sẽ cho HS dùng điện thoại, mở Google Maps và xác định vị của nhà mình ở đâu, hay xác định cơn bão đang ở chỗ nào. “Giáo viên phải mạnh dạn áp dụng cái mới, tập chịu trách nhiệm với công việc, không vì sợ khó, sợ khổ mà né tránh” – ông Phú nêu quan điểm.
Ông Phú cũng đưa ra những kinh nghiệm khi tổ chức lớp học có sử dụng điện thoại, nếu thời gian đầu khó quản lý, giáo viên nên chia lớp học thành từng nhóm, tối đa là 6 nhóm, mỗi nhóm được sử dụng hai điện thoại để tra cứu. Kết thúc thời gian được sử dụng, các em phải cất điện thoại vào cặp sách, nếu giáo viên phát hiện HS sử dụng lén sẽ thu lại và trả vào cuối học kỳ.
Theo ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), trường đã triển khai tiết học HS được sử dụng điện thoại trong 3 năm nay. Theo đó, giáo viên bộ môn đánh giá môn nào, bài kiểm tra nào cần thiết sử dụng điện thoại thì sẽ cho HS dùng. Giáo viên không cho dùng thì học sinh phải để điện thoại ngoài phạm vi lớp học, nếu phát hiện vi phạm thì kỷ luật theo nội quy của trường.
Ông Hà Hữu Thạch đánh giá việc áp dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là điện thoại trong giảng dạy là xu hướng phát triển của thế giới. Không phải thấy khó là cấm, mà đưa nó vào đúng vai trò một thiết bị thông minh, phục vụ học tập. Giáo viên cần giáo dục ý thức cho HS, kêu gọi sự tự giác mỗi HS. Làm như vậy, chiếc điện thoại mới phát huy hữu ích, hỗ trợ tốt cho dạy và học.
Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Chưa phải thời điểm thích hợp!
Một chính sách ban hành phải đi kèm với đánh giá tính khả thi, cụ thể là thuyết minh được mục đích sử dụng và phương pháp quản lý hiệu quả
Đại biểu Quốc hội PHẠM THỊ MINH HIỀN: Chỉ áp dụng khi đã chuẩn bị thật kỹ
Tôi không phản đối thái quá việc cho học sinh (HS) sử dụng điện thoại trong lớp học bởi chương trình giáo dục phổ thông hiện nay rất cần chú trọng đến trang bị kỹ năng số cho HS. Giáo dục và rèn luyện HS "sử dụng điện thoại thông minh một cách thông minh" là việc mà người lớn cần quan tâm và cũng đã đến lúc phải có những hành động cụ thể. Tuy nhiên, điều quan trọng là nếu cho HS sử dụng điện thoại trong thời điểm này thì công tác quản lý đã đủ chặt chẽ để giám sát, giúp các em phòng tránh hệ lụy hay chưa?
Một chính sách được ban hành phải đi kèm với đánh giá tính khả thi của nó, cụ thể là thuyết minh được mục đích sử dụng và phương pháp quản lý hiệu quả. Trong khi đó, không phải giáo viên (GV) nào cũng đủ khả năng và được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để làm tốt việc này trong lớp học.
Cho học sinh đem điện thoại đi học sẽ có nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy ra mà cha mẹ, thầy cô không lường trước được. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: THIÊN THẢO
Nếu mục đích sử dụng điện thoại chỉ để tra cứu thông tin thì có nhiều cách khác tốt hơn như trang bị một máy tính để bàn hay tivi kết nối với iPad dùng chung trong lớp học. Nếu quy định này nhằm hướng đến phương pháp giáo dục bằng tư duy mở, hướng đến phát triển con người, lấy người học làm trọng tâm thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng và khi chắc chắn về hiệu quả của chính sách, có phương pháp quản lý khoa học thì mới áp dụng. Việc này cũng giúp tránh tạo thêm quá nhiều áp lực, gánh nặng cho GV trên lớp trong khi họ chưa được hỗ trợ và trang bị kỹ lưỡng.
Hơn nữa, quy định này chưa chắc đã có thể áp dụng và triển khai đồng bộ được bởi đâu phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để trang bị cho con em một chiếc điện thoại thông minh hoặc trẻ sẽ có sự phân bì khi có bạn sử dụng điện thoại mắc tiền hơn. Như vậy, nếu chưa đánh giá tác động của chính sách một cách toàn diện, thấu đáo, rất dễ dẫn đến sự phân hóa vô hình trong tâm lý của HS.
Tôi cho rằng không nên xem quy định này như một sự thử nghiệm, nhất là những thử nghiệm có liên quan đến điều kiện, hoàn cảnh của HS và gia đình HS. Chưa kể, việc này rất dễ dẫn đến việc dư luận e ngại về tính khả thi và đặt ra nghi vấn sẽ có những cú "bắt tay" với các công ty sân sau để cung ứng điện thoại thông minh.
Tóm lại, theo tôi, chưa đến thời điểm phù hợp để triển khai chính sách và nên cân nhắc vào thời điểm khác.
Thầy NGUYỄN ĐÌNH ĐỘ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (TP HCM): Phải có cách quản lý tối ưu
Ý tưởng sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) phục vụ việc học trên lớp rất hiện đại, bởi không thể phủ nhận ĐTDĐ giúp HS trong học tập rất nhiều: truy cập thông tin, tải bài tập về làm, tra cứu bài học... Vấn đề khó khăn nhất là giải pháp quản lý. HS được sử dụng ĐTDĐ trên lớp khi GV cho phép nghe rất hợp lý nhưng một khi được mang ĐTDĐ vào lớp thì ngay cả lúc GV không cho phép sử dụng, HS vẫn dùng lén, rất khó để kiểm soát.
Có thể sử dụng những thiết bị khác như tivi thông minh, laptop, máy chiếu có kết nối mạng... để tra cứu tài liệu, không nhất thiết phải có ĐTDĐ. Nếu cho phép HS mang ĐTDĐ vào lớp thì phải có hướng dẫn cụ thể cách để quản lý tối ưu.
Thầy VÕ THIỆN CANG, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TP HCM): Nghiêm cấm HS dùng ĐTDĐ ngoài thời gian cho phép
Thật ra lâu nay, những trường đẩy mạnh công nghệ thông tin trong giảng dạy đã cho phép HS sử dụng ĐTDĐ nhưng trong khuôn khổ, thời gian nhất định, những tiết học cần đến sự hỗ trợ của ĐTDĐ. Ví dụ đầu giờ học 5-10 phút hoặc trong quá trình giảng bài có phần nghiên cứu bài học, thực hiện kiểm tra trắc nghiệm trên các ứng dụng (app), tra cứu thông tin..., sau đó GV thu lại ĐTDĐ. Tuy nhiên, nhà trường sẽ nghiêm cấm HS sử dụng ĐTDĐ ngoài khoản thời gian cho phép đã được quy định, như vậy mới có thể quản lý nổi HS.
Ngoài ra, nếu dùng từ cho phép sử dụng ĐTDĐ thì chưa khoa học. Theo tôi, nên nêu cụ thể là cho phép dùng thiết bị thông minh phục vụ việc học, bởi không chỉ sử dụng ĐTDĐ, các lớp cũng có thể sử dụng tivi thông minh, máy tính bảng để tra cứu thông tin. Chứ ĐTDĐ ngoài chức năng thông minh còn nghe, gọi, chơi game, giải trí..., GV quản lý rất khó.
Học sinh tiểu học cũng biết xem "phim đen"
Theo tôi, phải cấm HS sử dụng ĐTDĐ khi đi học, dù là HS cấp tiểu học chứ đừng nói đến HS cấp THCS, THPT vì nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy ra mà cha mẹ, thầy cô không lường trước được.
Tôi kể câu chuyện xảy ra 5 năm trước, tại trường tôi. Giờ ra chơi, cô giáo dạy lớp 3 thấy nhóm 3-4 HS lớp mình đang tụm lại dưới góc phòng học mải mê xem gì đó, thỉnh thoảng cười nói rôm rả. Cô tiến đến gần, các em giật mình đứng lên tỏ vẻ lo lắng, sợ sệt rồi tự động giải tán, còn một em là chủ nhân chiếc ĐTDĐ trả lời: "Các bạn đang xem phim trong điện thoại đó cô". Cô giáo cầm ĐTDĐ lên xem thử và hốt hoảng khi thấy trong đó đang chiếu cảnh phim sex. Cô vội tắt nguồn máy, truy hỏi thì được biết ĐTDĐ của phụ huynh. Sáng đó, ba của em vội đi làm, bỏ quên ĐTDĐ trên bàn nên em lấy bỏ vào cặp đem đi học.
Cô giáo cầm ĐTDĐ và dẫn HS lên văn phòng gặp tôi trình bày sự việc. Tôi hỏi thăm thì được biết em đã xem nhiều lần ở nhà, còn đây là lần đầu em mang vào trường cho bạn bè cùng xem. Tôi giữ chiếc ĐTDĐ và mời phụ huynh lên trao đổi sự việc. Ba em nghe xong chỉ biết xin lỗi vì lý do bất cẩn mà để xảy ra sự việc, anh hứa không rầy rà hay đánh con mà để ý đến việc học và vui chơi của con nhiều hơn.
Trần Văn Tám (huyện Củ Chi, TP HCM)
Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Vừa nghĩ đến đã lo âu Thỉnh thoảng chấm bài, tôi lại thấy nhiều bài na ná nhau, thậm chí y chang nhau trong cách dùng từ, đặt câu, hành văn... khiến lòng trăn trở mãi Thông qua diễn đàn "Học sinh (HS) dùng điện thoại trong lớp", Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại. Bạn đọc Bảo Hân: Thấy rõ...