Thần đồng Mỹ là đồng tác giả bài báo nghiên cứu
Năm 11 tuổi, Daniel Liu nổi tiếng với bức ảnh ngồi trong lớp Hóa ở đại học, hiện cậu bé 14 tuổi miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Thần đồng nhí Daniel Liu từng là hiện tượng trên mạng xã hội hơn hai năm trước, thu hút sự chú ý của hàng trăm nghìn người với bức ảnh ngồi trong lớp Hóa học hữu cơ ở Đại học Toledo (bang Ohio, Mỹ).
Bức ảnh năm 2016 khiến Liu nổi tiếng. Ảnh: Twitter
Năm 2016, khi Liu mới 11 tuổi, bạn cùng lớp đã đăng ảnh em với chú thích rằng cậu bé đề nghị các sinh viên khác (hầu hết hơn em khoảng 10 tuổi) gửi email nếu có câu hỏi cần giải đáp. Thời điểm đó, Liu là học sinh trung học phổ thông tại trường Ottawa Hills và đăng ký thêm những khóa nâng cao tại trường đại học.
Hai năm sau, ở tuổi 13, Liu trở thành đồng tác giả một bài báo nghiên cứu, trong đó hứa hẹn cách thức sản xuất dược phẩm và thuốc trừ sâu nhanh hơn, rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Mohit Kapoor, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đã cùng Liu viết bài báo được xuất bản tháng 5/2018, cho biết rất vui được làm việc chung với cậu bé. Theo nghiên cứu của họ, bốn hoặc năm bước thực hiện theo phương pháp như hiện tại sẽ giảm thiểu xuống chỉ còn một.
Next Shark ngày 11/2 thông tin, giờ đây khi 14 tuổi Liu làm tốt công việc của một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của giáo sư hóa học hữu cơ Michael Young.
Daniel Liu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Daily Downtown
Young cho phép sinh viên tham gia phòng thí nghiệm của mình mỗi năm. Daniel lập tức bày tỏ sự quan tâm vào năm 2016. Dù quy định chung của Khoa An toàn Bức xạ và Sức khỏe Môi trường của Đại học Toledo là trẻ em dưới 12 tuổi không được phép vào các phòng thí nghiệm, Liu vẫn bắt đầu làm việc với giáo sư Young với sự cho phép của bố mẹ khi mới 11 tuổi.
“Trí tuệ của cậu bé giống như một người lớn, nhưng cơ thể vẫn là của đứa trẻ”, Young nhận xét. Ông cũng lưu ý rằng ban đầu Liu thường bị yêu cầu dọn dẹp và cậu bé đã khiến các nhà nghiên cứu khác điên đầu với những câu hỏi.
Sau một thời gian, Liu cuối cùng đã hòa nhập với mọi người, trò chuyện với đồng nghiệp dễ dàng hơn và sớm làm quen với việc xử lý hóa chất. Cậu bé cũng đã học được cách tự dọn sạch mọi thứ sau khi làm, khiến giáo sư Young đôi khi cảm giác em là sinh viên đại học bình thường như bao người khác.
Video đang HOT
Daniel Liu từng gặp nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Bill Nye. Ảnh: Twitter
Trước đó từ năm 2015, Daniel Liu đã đạt thành tích đáng nể khi vượt qua 30.000 học sinh, sinh viên khác để trở thành người nhỏ tuổi nhất giành chiến thắng trong cuộc thi “Bạn là nhà hóa học” của tổ chức Chemical Educational Foundation.
Ban tổ chức cuộc thi liên quan đến việc áp dụng các khái niệm hóa học vào tình huống thực tế, đã trao phần thưởng 10.000 USD cho Liu. Năm đó, em mới 10 tuổi và là học sinh năm nhất trung học.
Thùy Linh
Theo VNE
Cuộc sống của thần đồng Mỹ vào đại học năm 9 tuổi
Với chỉ số IQ lọt top 0,1% thế giới, Kairan Quazi nhìn nhận bản thân là "đứa trẻ bình thường và hạnh phúc" như bạn bè.
Kairan Quazi (Mỹ) hé lộ trải nghiệm của trẻ tài năng, cách nuôi dạy của bố mẹ và con đường vào đại học từ 9 tuổi trên HuffPost ngày 15/1.
Tôi mới 9 tuổi và đã vào đại học. Đây là câu chuyện về cuộc sống của tôi.
Năm 3 tuổi, khi còn là trẻ mầm non, tôi đã sửa lỗi kiến thức của giáo viên về những quy định trong hiến pháp để trở thành tổng thống Mỹ. Ở trường mẫu giáo, tôi nói về chuyện Bashar al-Assad (tổng thống Syria) sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân của mình, khiến bạn bè òa khóc trên sân chơi. Hôm đó, bố mẹ tôi nhận được cuộc gọi từ hiệu trưởng, thể hiện rõ sự không hài lòng.
Một lần khác, khi đã lên lớp 3, tôi nói với giáo viên khoa học rằng kiến thức của cô về lực hấp dẫn chưa đủ sâu sắc, và bị cô liệt vào danh sách học sinh hư trong suốt năm học đó.
Người lớn liên tục chỉ bảo tôi phải suy nghĩ như thế nào, nên nói điều gì. Nhưng chủ yếu họ dặn tôi những điều không nên nói. Cũng trong năm lớp 3, sau khi các bác sĩ kiểm tra và xác nhận IQ (chỉ số thông minh) của tôi cao hơn 99,9% dân số trên thế giới, EQ (chỉ số cảm xúc) cũng cao bất ngờ, mọi thứ đã thay đổi. Người lớn bắt đầu nhìn nhận về tôi một cách nghiêm túc, cuối cùng tôi đã cảm thấy mình được lắng nghe.
Các bài kiểm tra trí tuệ đã cho thấy tôi thuộc nhóm được gọi là "tài năng xuất chúng". Tôi được nhận vào tổ chức Mensa International, bao gồm những cá nhân có chỉ số IQ vượt trội, đồng thời trở thành học giả trẻ của Viện Phát triển Tài năng Davidson.
Bố mẹ tôi bắt đầu tìm hiểu về nhu cầu của trẻ tài năng xuất chúng. Sau khi lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia, họ chuyển tôi sang một trường tiểu học đặc biệt. Giờ đây, gia đình tôi sống ở thành phố Pleasanton, ngoại ô khu vực vịnh San Francisco. Tôi vừa học lớp 4 vừa học đại học. Tôi đang trải qua khoảng thời gian tuyệt vời.
Kairan Quazi. Ảnh: HuffPost
Người ta thường hỏi liệu tôi có phải "thiên tài" hay không. Bố mẹ tôi giải thích rằng thiên tài có nghĩa là biết giải quyết những vấn đề lớn, có ảnh hưởng đến nhân loại. Còn tôi hiện là một cậu bé 9 tuổi có nhiều kỹ năng rất tốt ở một số lĩnh vực. Mẹ nói mẹ là thiên tài duy nhất trong nhà vì chỉ có mẹ giữ được cho ngôi nhà này tránh khỏi cảnh hỗn loạn. Tôi đảo mắt thể hiện sự phản đối. Mẹ tiếp tục luận điệu của mình, cho rằng IQ đến từ nhiễm sắc thể X. Lần này đến lượt bố tôi tỏ vẻ ngán ngẩm. Các thành viên trong gia đình tôi đều rất vui tính.
Bạn có thể hình dung trẻ "tài năng" gắn liền với hình ảnh mọt sách, không có bất kỳ kỹ năng xã hội nào. Nhưng tôi thấy bản thân như mọi đứa trẻ bình thường và hạnh phúc khác. Tôi sưu tầm thẻ Pokémon, biết hết mọi điệu nhảy trong trò Fortnite. Tôi có rất nhiều bạn, chúng tôi thích trêu đùa nhau, cùng chơi game và bóng rổ. Không phải lúc nào tôi cũng đạt điểm A, bố mẹ tôi tin rằng điểm số không quan trọng.
Tôi lén chơi game khi bố mẹ không để ý. Tôi tìm cách phá vỡ các quy tắc. Thực tế là hiện tại tôi cũng lén dùng iPad. Bố mẹ lúc nào cũng kêu ca về việc tôi sẽ không thể vượt qua được "thử nghiệm kẹo dẻo" (marshmallow test - bài kiểm tra nổi tiếng của tiến sĩ tâm lý học thuộc Đại học Stanford về sự kiên nhẫn). Tôi chỉ là đã quá lớn để không còn muốn ngồi im chờ đợi nữa thôi mà.
Đúng là có một số việc tôi rất giỏi. Các bác sĩ gọi đó là "asynchronous learning" (hiểu biết không đồng bộ). Tôi nắm rõ kiến thức nhiều môn học một cách thần tốc và thậm chí không theo quy trình. Chẳng hạn, tôi đã biết các khái niệm về đại số tuyến tính trước khi theo học một lớp đại số chính thức. Bố mẹ nhận xét rằng tôi đã tự tìm đường vào đại học thông qua các bài học trực tuyến của Khan Academy.
Tuy nhiên, có một số thứ mà não bộ của tôi gặp nhiều khó khăn để xử lý, chẳng hạn như viết đúng chính tả và ghi chép vắn tắt. Tôi đang phải sử dụng phần mềm kiểm tra chính tả để viết bài này! Ngoài ra, tôi chơi đàn piano cũng chỉ tàm tạm, và tôi không thấy việc học ngoại ngữ là dễ dàng. Tôi đang cố thử thách bản thân bằng cách học tiếng Bengal từ gia đình và tiếng Quan Thoại từ một gia sư vô cùng kiên nhẫn, cô Vienna. Hãy chúc tôi may mắn đi nào!
Sở trường của tôi là ngôn ngữ lập trình. Tôi bắt đầu làm việc với ngôn ngữ Python tại học viện lập trình YoungWonks khi 7 tuổi. Giờ tôi là một trong những học sinh xuất sắc nhất ở đó, và tôi sử dụng nền tảng Python để tự học nhiều ngôn ngữ lập trình khác. Tôi cũng đang tham dự một lớp nâng cao về phần mềm nguồn mở thuộc lĩnh vực học máy (liên quan đến trí tuệ nhân tạo).
Tôi rất "nghiện" sách. Một cuốn sách hay có thể khiến tôi bỏ dở bữa sáng và không sửa soạn để đến trường đúng giờ. Việc này khiến bố mẹ tôi la oai oái. Nhưng rõ ràng đọc sách là việc rất tốt đúng không? Một số cuốn sách yêu thích của tôi trong năm 2018 bao gồm: "Vật lý thiên văn cho người vội vã" của Neil deGrasse Tyson, "1984" của George Orwell và bộ "Trò chơi vương quyền" của George R. R. Martin. Tôi đã thử đọc cuốn "Vũ trụ" của Carl Sagan, nhưng cảm thấy khô khan và tẻ nhạt.
Tôi cũng thích những cuốn mà bạn bè cùng tuổi đang đọc như "Siêu nhân quần chíp", "Harry Potter" (tôi đã đọc trọn bộ 8 cuốn trong 8 tuần của kỳ nghỉ hè sau năm lớp 1), "Percy Jackson" và "Nhật ký chú bé nhút nhát".
Kairan học hai chuyên ngành Toán và Hóa học ở Las Positas College. Ảnh: Erika Alvero
Điều khiến tôi được mọi người xung quanh chú ý là niềm đam mê chính trị. Từ hồi 3 tuổi, tôi đã xem mọi cuộc tranh luận tổng thống, bắt đầu với chiến dịch tái tranh cử của Barack Obama. Các nguồn tin yêu thích của tôi là HuffPost, NPR và MSNBC.
Tôi rất ấn tượng với Rachel Maddow. Có lẽ vì bà lớn lên ở thành phố nơi tôi sinh ra. Tôi đã có cơ hội hỏi chuyện nghị sĩ Eric Swalwell tại một buổi họp cộng đồng gần đây về chiến lược cho Tòa án Tối cao của đảng Dân chủ. Nhưng tôi nghĩ ông để ý đến tuổi của tôi hơn là câu hỏi. Nhân tiện, ông là một trong số 1.000 đảng viên đảng Dân chủ nghĩ về việc tranh cử chức tổng thống!
Ban ngày, tôi học lớp 4 tại một trường năng khiếu tên là Helios ở Sunnyvale. Dù năm nay là học sinh mới của trường, cuối cùng tôi cũng đã có cảm giác được thầy cô và bạn bè thấu hiểu, họ không cố gắng thay đổi tôi.
Chúng tôi ngồi học trên ghế bập bênh để không phải khó chịu với cơn bồn chồn, và thậm chí có thể chạy nhảy một chút giữa tiết học để suy nghĩ nhanh nhạy hơn. Người ta khuyến khích chúng tôi trở thành những người học chủ động, có trách nhiệm, đồng thời trau dồi thêm kỹ năng làm việc nhóm.
Chúng tôi không có bài tập về nhà, và chương trình học phù hợp với trình độ của học sinh. Chúng tôi học chủ yếu thông qua nghiên cứu và hoàn thành các dự án phức tạp. Các môn được thiết kế nhằm giúp học sinh hiểu mối liên hệ giữa toán, khoa học, kinh tế, nhân văn với thực tế cuộc sống.
Điều tuyệt vời nhất là tôi không bị bắt lên gặp hiệu trưởng ở văn phòng riêng một lần nào trong suốt học kỳ này! Thậm chí tôi còn được chọn vào hội đồng học sinh. Bạn bè rất tự hào và liên tục khoe khoang với mọi người về chuyện tôi vào đại học.
Sau ngày học ở trường, tôi đến Las Positas College, nơi tôi theo đuổi tấm bằng liên kết về chuyên ngành Toán và Hóa học. Tôi đã phải vượt qua nhiều cuộc phỏng vấn và bài kiểm tra để chứng minh rằng mình đủ năng lực học thuật và sự nghiêm túc để học đại học. Hiện giờ lãnh đạo trường và các giáo sư đối xử với tôi như mọi sinh viên khác. Tôi tuân thủ quy tắc chung, bởi các lớp học không thể điều chỉnh cho riêng người nào.
Tính cách hướng ngoại giúp tôi kết bạn với nhiều sinh viên đại học, họ thậm chí còn nhờ tôi chỉ bài. Mỗi khi vào một lớp mới, các sinh viên nhìn tôi hiếu kỳ, tôi biết vài người còn lén chụp ảnh và quay video. Tôi nghe họ thầm thì với nhau: "Cậu bé dễ thương thật!", "Thông minh quá đi mất!". Nhưng tôi cố gắng phá vỡ bầu không khí đó bằng cách giới thiệu bản thân, để họ biết rằng họ hoàn toàn có thể nói chuyện và trở thành bạn của tôi. Tôi cũng gửi cho các giáo sư một email trước ngày học đầu tiên để họ không bối rối khi thấy tôi vào lớp.
Trước khi tôi vào đại học, bố mẹ cố gắng để tôi thử mọi thứ mình muốn, miễn là tôi thực sự quan tâm. Tuy nhiên, giờ họ khá lo lắng về việc tôi có thể bị quá tải, họ khuyến khích tôi nghỉ ngơi và "giảm tốc". Bố mẹ đã buộc tôi phải đăng ký học Đại số I (mức độ dễ), tập trung phát triển các kỹ năng mềm và làm quen với môi trường đại học trước. Tôi chán tới nỗi dành rất nhiều thời gian trong lớp để chơi game.
Sau đó, tôi thuyết phục bố mẹ cho phép làm bài thi đánh giá để đăng ký những lớp khó hơn. Kết quả cho thấy tôi đã sẵn sàng để nghiên cứu về vi tích phân, trên Đại số I tận bốn cấp! Tôi nghĩ bố mẹ đã bắt đầu tin tưởng rằng tôi thực sự xử lý tốt những công việc hiện tại.
Đến nay, kiến thức trong các lớp ở đại học không thực sự là thử thách, vì tôi nắm bắt khá dễ dàng. Tôi không học nhiều lắm. Tôi cảm thấy các giáo sư và bạn học tôn trọng năng lực của mình. Nhưng tôi gặp phải một số rắc rối khác khi trở thành sinh viên. Do sự phát triển không đồng bộ, tôi không có kỹ năng quản lý thời gian hay ghi chép vắn tắt một cách hiệu quả, đôi khi còn gặp vấn đề với chữ viết tay của chính mình nữa! Bố mẹ đã hỗ trợ bằng cách gõ những ghi chú từ sách giáo khoa của tôi ra, dù họ có thể không hiểu nội dung là gì.
Tôi kêu ca về bài tập về nhà rất nhiều vì chúng vừa dài vừa chán. Tôi nghĩ điều này khiến bố mẹ lo lắng, họ luôn nhắc nhở tôi rằng sự chăm chỉ còn quan trọng hơn IQ. Họ cũng e ngại khi tôi chỉ dành một tiếng để học 14 chương cho bài thi hóa cuối kỳ, nhưng kết quả của tôi trên cả hoàn hảo. Tôi hy vọng sẽ được nhận vào Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trong hai hoặc ba năm tới.
Thử thách lớn nhất của tôi trong lớp học (và cả khi viết bài này) là giữ cho trí óc tập trung, không theo đuổi dòng suy nghĩ vẩn vơ trong đầu. Bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể nghĩ về nạn đói ở Yemen hay cách thoát khỏi buổi tập piano ngày hôm đó.
Bố mẹ luôn cởi mở và rõ ràng với tôi. Điều đó có nghĩa trong nhà tôi, không có câu hỏi nào là không được phép hỏi, dù đôi khi câu trả lời nhận được chưa đủ khiến tôi thỏa mãn, đặc biệt là về các chủ đề gây tranh cãi. Tôi nghĩ có lúc họ khá hối hận vì sự cởi mở trong triết lý giáo dục của mình, sau khi bị buộc phải giải thích cho tôi vài từ và khái niệm trong bộ sách "Trò chơi vương quyền".
Tôi khá thích "khiêu chiến". Do đó, bố mẹ "nhắc nhở" (thường theo kiểu đe dọa) rằng tôi phải tôn trọng những ranh giới nhất định đối với họ như ở mọi gia đình khác, và không nên chia sẻ những kiến thức gây tranh cãi với bạn bè.
Tôi đang rất háo hức về kỳ thực tập vào mùa hè tới ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thuộc công ty công nghệ lớn bậc nhất thế giới. Tôi đã tận dụng cách khiêu chiến mà tôi nghĩ là rất cuốn hút của mình trong buổi phỏng vấn! Sếp tôi là một nhà khoa học nữ từng làm việc với Stephen Hawking. Trong bài tiểu luận nghiên cứu của lớp 4 vào mùa xuân, các giáo viên trường Helios sẽ cho phép tôi chọn một đề tài liên quan đến kỳ thực tập.
Tôi nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ mọi người. Bố mẹ, họ hàng, bạn bè, giáo viên, cố vấn hay bác sĩ đều nhiệt tình giúp đỡ tôi. Tôi cũng biết rằng mình rất may mắn khi được đặt trong môi trường hiện tại, bởi hầu hết trẻ em có "nhu cầu đặc biệt" thường gặp rất nhiều khó khăn để tìm lối đi thích hợp.
Thùy Linh
Theo VNE
Thị lực học sinh Nhật kém nhất trong vòng nhiều năm qua Tỷ lệ học sinh Nhật Bản bị thị lực kém tăng kỷ lục trong khảo sát mới nhất của ngành giáo dục. Điện thoại di động bị cho là nguyên nhân khiến trẻ giảm thị lực - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SILICON ANGLE Tờ Japan Today ngày 26.12 dẫn khảo sát của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công...