‘Thần đồng’ 2 ngày học 3 lớp trượt dốc thành… ‘thần đồng trốn học’
Phải chăng vì sống trong căn nhà ngập tràn bằng khen chiến thắng, những lời tôn vinh, kỳ vọng,… vô tình đã khiến cho cậu bé “Thần đồng” Hoàng Thân trốn học…
Phải chăng những lời lẽ tôn vinh của báo chí đã vô tình khiến cho cậu bé phải “gồng mình” để xứng với danh xưng “thần đồng”?
Từng được xem là “thần đồng của Việt Nam”, “Phù Đổng” thời hiện đại” khi chỉ học hai ngày nhưng “nhảy cóc” lên 3 lớp và đạt nhiều giải thưởng sáng tạo, thế nhưng những năm gần đây cậu bé Hoàng Thân (SN 2000, học sinh Trường THCS Đại Kim, Hà Nội) lại đang khiến không ít người băn khoăn vì những thành tích “nhợt nhạt”, thậm chí trốn học cả gần tuần lễ.
Quá khứ “vàng son”
Năm 2003, khi ông lão có tên Cung Văn Hóa từ Hà Nội trở về thăm chiến trường cũ và gặp lại một người bạn chiến đấu tại Bản Duyên (huyện Định Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Trong lúc cả hai đang hàn huyên những câu chuyện của một thời lửa đạn thì ông Hóa chợt nhận ra một điều kỳ lạ: Khi ông vừa đặt bao thuốc lá xuống mặt bàn thì đứa cháu ngoại của bạn bỗng dưng “mon men” lại gần. Thằng bé có nước da xanh mướt, vóc người nhỏ thó chỉ ngang với một chú gà tây nhưng lại có thể đọc một mạch hàng chữ in trên bao thuốc: “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”.
Thoáng đầu, ông Hóa nghĩ chú bé có thể nghe người lớn đọc nhiều rồi nói theo. Tuy nhiên, khi ông rút một tờ giấy được viết kín một mặt chữ thì thật ngạc nhiên, cậu bé cứ đọc vanh vách, chẳng sai sót một chữ nào.
Ông Cung Văn Hóa và cậu bé “Thần đồng” 2 ngày học 3 lớp Hoàng Thân
Ông Hóa lại càng bất ngờ khi thấy khả năng đọc của cậu bé hoàn toàn tự có chứ không hề được ai dạy dỗ. “Quả là một tài năng hiếm thấy”, ông lẩm bẩm khi đứng trước đứa trẻ hồn nhiên có đôi mắt sáng lấp láy và khuôn mặt thanh tú.
Biết gia cảnh của bạn chiến đấu và con gái khó khăn, lại thêm tiếc cho một “viên ngọc” khó có thể được mài giũa tại khu vực sơn cước còn nhiều thiếu thốn, ông Hóa đã mạnh dạn xin cậu bé về Hà Nội nuôi dưỡng và dạy dỗ.
Cậu bé ấy chính là Hoàng Thân. Kể từ ngày mang Thân về, ông Hóa đến phòng trọ ở phố Định Công Thượng (Hà Nội). Ở cái tuổi thất tuần, tự chăm sóc bản thân mình đã khó, ấy là chưa kể đến một đứa nhỏ mới hơn 3 tuổi, nhạy cảm và hiếu động. Những ngày đầu, thằng bé nhớ nhà, đêm đến cứ vật vã tìm hơi mẹ chẳng khác nào một “con nghiện”.
Thương cháu, ông chỉ biết thức trắng cả đêm ròng để vỗ về như chính đứa con mình đứt ruột sinh ra. Ban ngày, mỗi khi Thân nhớ mẹ, ông Hóa chỉ cần mang sách báo ra trước mặt thì ngay lập tức, cậu bé cặm cụi đọc.
Video đang HOT
Thấy đứa cháu nhỏ ham mê sách vở, ông Thân dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi để mua sách giáo khoa về nhà. Ông hoàn toàn bất ngờ khi cả một quyển sách tiếng Việt dày mấy chục trang, thằng bé chỉ mất chục ngày đã đọc xong. Đặc biệt khi hỏi lại từng phần nội dung của cuốn sách, Thân đều thuộc làu làu và có thể kể lại trôi chảy.
Khi Thân vừa 5 tuổi, ông Hóa đưa cậu bé đến trường mẫu giáo. Bất ngờ, Thân bị từ chối nhận vì khả năng của bé đã vượt xa bạn bè cùng lứa tuổi. Ông Hóa “đánh liều” mang thần đồng đến trường Tiểu học Đại Kim. Ngày đầu tiên vào lớp một, cậu bé đã được khuyến khích “nhảy cóc” một lớp. Thế nhưng ngày thứ hai đến trường học cùng các anh chị hơn mình hai tuổi, Thân vẫn bộc lộ khả năng và kiến thức vượt trội khiến giáo viên lại tiếp tục đề nghị cho cậu bé vào thẳng lớp ba.
Tuy không hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của nhà trường nhưng ông Hóa lại từ chối sự đặc cách ấy bởi sợ ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của cậu bé. Vậy là ở tuổi lên 5, Hoàng Thân bắt đầu học lớp hai. Không dừng lại ở đó, suốt bảy năm qua, Thân liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng như 5 năm liền đạt giải thưởng Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng (2005 – 2011), là đại biểu trẻ nhất tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII năm 2011…
Với những thành tích khác thường đó, không ít người đã nhắc tới cậu bé dân tộc Tày tên Hoàng Thân như một “thần đồng” kiệt xuất. Nhưng trong cuộc sống, có lẽ chẳng ai biết được chữ ngờ…
Thần đồng… trốn học
Đã gần chục năm kể từ ngày được ông Cung Văn Hóa đưa về Thủ đô với ước mơ mài ngọc trong đá, cậu bé Hoàng Thân ngày nào đã học lớp 8 trường THCS Đại Kim. Ông Cung Văn Hóa năm nay cũng đã bước sang tuổi gần 80. Việc phải chứng kiến niềm hy vọng phải dang dở có lẽ là nỗi bất hạnh quá sức chịu đựng ở một người đã ở ngưỡng tuổi xưa nay hiếm như ông.
Vừa chỉnh lại cặp kính xộc xệch trên khuôn mặt đen rám, đầy vết chân chim, ông vừa thở dài khi chúng tôi hỏi thăm tình hình của cháu: “Tuần trước nhà trường có báo cáo về nhà, thằng bé nghỉ học liền 5,6 ngày trong khi tôi vẫn không hề biết gì. Hàng ngày nó vẫn đạp xe đi học, buổi tối vẫn mở sách ra học bài. Tôi hỏi ra mới vỡ lẽ, biết khả năng về vi tính của cháu nên có một cô giáo đã bảo cháu làm một phần mềm học tập. Tuy nhiên, việc này dường như vượt quá khả năng của cháu. Nó bảo không làm được việc, sợ bị cô giáo quở mắng nên cháu trốn học”.
Hoàng Thân: “Không làm được việc, sợ bị cô quở mắng nên cháu trốn học”
Vừa đúng lúc ấy, Thân tan học về nhà. Cậu bé thần đồng ngày nào nay đã là một trang thiếu niên cao ráo, mái tóc hất cao và đôi mắt vẫn toát lên nét thông minh. Ông Hóa thấy cháu về tới cửa nhà đã hỏi vồn vã: “Hôm nay cháu có đi học không đấy”. Cậu bé lí nhí nói “có”. Vừa đặt chiếc cặp xuống chiếc bàn học, Thân đã dán mắt vào bộ phim hoạt hình trên vô tuyến. Tôi hỏi gì cậu bé cũng chỉ nhấm nhẳng trả lời cộc lốc và dường như chẳng để tâm tới sự có mặt của người khách lạ. Nói tới việc trốn học, Thân chỉ gãi đầu gãi tai rồi cười trừ lấy lệ. Ông Hóa chép miệng: “Thân tuy thông minh, có khiếu học nhưng dù sao vẫn là một đứa trẻ con theo đúng lứa tuổi. Cháu có thể ngồi hàng giờ để xem phim hoạt hình, mê Bimbim hơn ngồi vào bàn học…”. Vì thế ông bảo một mặt mình khuyến khích, động viên cháu tham gia vào nhiều cuộc thi và đặt lên vai cháu nhiều kỳ vọng nhưng chưa bao giờ ép cháu “tỏa sáng”. “Không nên đặt cho cháu những yêu cầu quá cao so với bình thường để khiến cháu thấy nặng nề về tâm lý mà chán nản học hành” – ông chia sẻ.
Cô Phan Thị Thanh Hà, Hiệu phó Trường THCS Đại Kim, cũng là giáo viên dạy hóa của cháu bé cho biết, trái ngược với những thành tích về Hoàng Thân đã được biết đến trong suốt những năm qua: “Thành tích học tập của em ở trường chưa có gì nổi bật, học lực 3 năm cấp II chỉ đạt khá. Có lẽ học trước 2 tuổi nên em còn trẻ con hơn các bạn. Thân từng đăng ký và học đội tuyển Hóa học nhưng sau đó cháu bé không theo học được với các bạn.
Sự thật vị Hiệu phó công bố khiến người nghe giật mình khi nhớ lại cuộc trò chuyện cùng Thân. Khi ấy, chúng tôi hỏi cậu bé có đạt học sinh giỏi năm lớp 7 không, cậu bé suy nghĩ một chốc lát rồi gật đầu. Phải chăng sống trong một căn nhà ngập tràn bằng khen chiến thắng và những lời lẽ tôn vinh của báo chí đã vô tình khiến cho cậu bé phải “gồng mình” để xứng với danh xưng “thần đồng”? Hai chữ “thần đồng”, vừa là một mỹ từ có giá trị tôn vinh nhưng một mặt có trở thành gánh nặng đối với đứa trẻ?.
Câu nói trước khi chia tay của ông lão Cung Văn Hóa vẫn tràn đầy hy vọng: “Thằng Thân ước mơ mai này làm bác sĩ. Chảu bảo quê hương của mình nghèo, nhiều người dân không có tiền nên muốn làm bác sĩ để chữa bệnh miễn phí. Tôi năm nay cũng đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, chỉ mong sao ông trời cho sống đến ngày được nhìn thấy cháu trưởng thành”.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng “thần đồng” cần phải được đối xử tương tự như những người khác. Điều mà các em muốn chính là có cơ hội và môi trường có thể tiếp cận và giúp chúng phát huy tiềm năng bản thân bên cạnh đó là sự ủng hộ về mặt tinh thần đáng tin cậy chứ không phải là cách nhìn “lạ lẫm, đòi hỏi” quá cao từ phía những người thân hoặc thầy cô, bạn bè.
Theo PL&TĐ
Học sinh cấp 3 và những "thiên đường" trốn học
Những năm gần đây, tình trạng học sinh trốn học đã trở thành vấn đề quá quen thuộc trong đời sống học đường.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những học sinh tụ tập ngoài quán ăn, quán internet gần trường mặc dù đã trống vào giờ; thậm chí là những nam sinh phì phèo hút thuốc nói tục trong canteen.
Hay đơn giản hơn, học sinh có thể đang đánh một giấc ngon lành trong chính phòng y tế của trường. Số học sinh trốn học hầu hết là các thành phần cá biệt "có tiếng" trong trường, hoặc những bạn gia đình khá giả học lớp có nhiều con nhà giàu được bố mẹ cho tiền tiêu xài thoải mái.
Hàng quán vỉa hè trường Kim Liên, nơi các bạn học sinh thường ra ngoài tụ tập. Đôi khi khu vực này còn có cả học sinh THCS LQĐ trốn tiết sang ngồi ăn uống.
1. Tại sao học sinh lại trốn học bỏ tiết?Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Học sinh không theo được bài trên lớp, có nghe giảng cũng như "vịt nghe sấm" dẫn đến chán nản, bỏ cuộc. Giáo viên vô tình tạo ra áp lực hoặc cách truyền đạt bài giảng của thầy cô không hấp dẫn cũng khiến học sinh mất đi hứng thú với môn học. Do học sinh bị bạn xấu rủ rê lôi kéo, các bạn học sinh khi đã trốn được một lần trót lọt thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba và dần dần trở thành thói quen xấu, cứ ngồi học chán hay buồn ngủ là lại nghĩ đến bỏ tiết.
Bạn Nguyễn Hà Thu trường THPT P.H.C chia sẻ: "Mình sợ bị kiểm tra miệng hay kiểm tra 15' đầu giờ lắm, học qua bài rồi vẫn tim đập chân run, còn những hôm chưa học bài thì biết đường mà bùng ngay không có ăn con 0 lại mắc công gỡ điểm!"
2. 1001 kiểu viện cớ trốn học
Bạn Bùi Lê Anh trường THPT K.L "mách nước": "Nếu muốn xin ra ngoài cổng trường thì phải có chữ ký Ban Giám hiệu(BGH) trong đơn, tất nhiên là mình không thể lấy được chữ kí BGH nên cứ giả chữ ký thầy cô chủ nhiệm rồi nói khéo với bảo vệ là xong."
Cũng là một trong những "chuyên gia" bùng tiết, bạn Nguyễn Thu Linh học sinh THPT Q.T kể: "Mình làm bộ mệt mỏi xin giáo viên xuống phòng y tế rồi ra canteen ngồi với bọn bạn thôi, có ai kiểm tra đâu mà lo. Cũng có lần buồn ngủ thật, học không vào một chữ nào nên lấy cớ đau đầu xin xuống y tế ngủ một giấc."
Đó là những học sinh trốn học bằng "giấy phép" giả, số còn lại còn ngang nhiên trốn học không giấy phép, hoặc chỉ viết một tờ đơn trình bày lý do nghỉ tiết đặt lên bàn giáo viên, không cần biết có sự đồng ý của thầy cô hay không vẫn tự do bỏ về.
Bạn Lê Quang Huy lớp 11 trường THPT H.B.T cho biết: "Lớp mình có vụ trốn học dở khóc dở cười thế này, bạn đó viết đơn xin nghỉ tiết cho thầy với lý do "em bị đau bụng nên phải đi "giải quyết"". Thầy giáo cũng phải bó tay!"
3. Thầy cô tiếp tay cho những "phi vụ" trốn học trót lọt?
Hiện tượng này xảy ra một phần là do công tác quản lý của nhà trường chưa chặt chẽ. Cổng trường THPT K.L lúc nào cũng mở toang nhìn ra hàng quán trước mặt. Chỉ cần ngồi ở đây vài ngày, bạn sẽ thấy học sinh đi ra đi vào như đi chợ và thản nhiên bình phẩm nói chuyện mình trốn tiết vì chán, vì đói, vì không thích môn này, ...
Giáo viên thấy học sinh nghỉ không phép cũng chỉ ghi vào sổ đầu bài mà không có biện pháp cụ thể. Cán bộ lớp và bạn bè cũng có lỗi khi bao che cho những học sinh trốn học. Bạn Trần Thanh Thúy THPT Y.H kể: "Lớp mình có một nhóm học sinh hay trốn học, mấy lần suýt bị thầy phát hiện nhưng may thoát được nhờ có bạn trên lớp nhắn tin báo lên lớp ngay."
4. Mối nguy trốn học và học sinh ngoan nói gì?
Trốn học dẫn đến hổng kiến thức, hơn nữa còn hình thành lối sống tiêu cực cho học sinh: không làm gì đến cùng, chán thì bỏ. Việc trốn học ra ngoài trường là nguy cơ cao khiến học sinh trở thành nguyên nhân của các tệ nạn xã hội, bị kẻ xấu rủ rê lôi kéo, đi vào con đường sa ngã. Nhà trường thì mất uy tín với phụ huynh, các học sinh khác cũng sẽ coi thường kỷ luật, xuất hiện tư tưởng "người ta trốn được thì mình cũng trốn được."
Trả lời câu hỏi "Bạn nghĩ gì về tình trạng trốn học hiện nay?", bạn Lê Minh Anh THPT Y.H nói: "Mình cũng như những người khác, phản đối hành vi này. Những bạn thường xuyên trốn học nếu đã không thương bố mẹ đi làm vất vả cho mình ăn học tử tế thì ít nhất cũng phải nghĩ đến tương lai của chính mình chứ."
Bác Nguyễn Thị Cúc bán hàng ở canteen trường THPT Đ.Đ cho biết: "Nhiều đứa trốn học ra đây ngồi bác quen mặt hết rồi, biết vậy là không tốt nhưng mình có là gì đâu mà quản lý chúng nó, nhắc nhở vài ba lần rồi chúng nó vẫn cứ trốn ra thì đành mặc kệ chứ biết làm thế nào..."
Theo Phunutoday
Đáng buồn chuyện học sinh cấp 3 bùng tiết Tình trạng học sinh trốn học đã trở thành vấn đề quá quen thuộc trong đời sống học đường. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những học sinh tụ tập ngoài quán ăn, quán internet gần trường mặc dù đã trống vào giờ. Hay đơn giản hơn, học sinh có thể đang đánh một giấc ngon lành trong chính...