Thần đồng 12 tuổi có IQ cao hơn thiên tài Einstein
Thomas Frith, cậu bé 12 tuổi đã giành chiến thắng trong chương trình Child Genius của đài Channel 4 ở Anh.
Đến thăm nhà của Thomas, sàn nhà đầy đồ chơi con trai, áo thun có hình ván trượt, bảng giờ xe lửa, Sodoku, vài cuốn tiểu thuyết, và bất ngờ nhất là cuốn sách của Thomas Piketty có tựa Tư bản trong thế kỷ 21 (Capital in the 21st Century).
Trong khi nhiều người lớn phải “vật vã” mới nuốt nổi vài chương, thì Thomas thú nhận mình đã đọc cuốn sách vài lần.
Thomas tóc vàng, rất năng động và nổi bật trong số các thí sinh dự thi chương trình Child Genius. Chỉ số thông minh (IQ) của cậu bé là 162 – trong khi Einstein và Stephen Hawking chỉ có 160.
Cậu thích sách toán và khoa học hơn truyện tranh. Hai tuổi, Thomas đã tự học đọc và biết đọc Ulysses khi còn ở trường tiểu học. Hiện cậu chơi đàn piano, cello, trombone và bassoon. Đó là chưa kể đam mê với môn cờ, bóng đá, bóng bàn và bóng bầu dục. Cậu bé còn thích cả việc nấu nướng.
Thomas Frith. Ảnh: Telegraph.
“Thomas có nhịp điệu cuộc sống cực nhanh”, mẹ cậu, bà Deborah (44 tuổi) chia sẻ. Bà là giáo viên tiểu học, vẫn đang làm mọi cách để bảo vệ tuổi thơ cho con trai:
“Khi mới hai tuổi, bé thức giấc vào lúc ai cũng đang ngái ngủ và khoe đã đếm đến 503. Tôi phải nói, thôi con trở vào phòng và tập đếm bằng tiếng Pháp. Rồi khi bé làm được, tôi lại nói bây giờ đếm ngược lại bằng tiếng Đức”.
Trong chương trình Child Genius, Thomas nổi bật với nền tảng kiến thức của mình đến nỗi một phụ huynh của đối thủ phải thốt lên: “Cậu bé chính xác như máy.”
Trong khi các cha mẹ “hổ” có con thần đồng không giấu sự khát khao việc con cái giành chiến thắng thì mẹ của Thomas chỉ nói đơn giản: “Những đứa trẻ thông minh thường có tinh thần cạnh tranh cao nhưng chúng ít có dịp thi đấu với những đứa trẻ cùng trình độ. Mục tiêu chính của Thomas khi tham gia chương trình là gặp gỡ những đứa trẻ giống mình, có thể chơi cờ, thi đấu và vui đùa cùng nhau”.
Video đang HOT
Thomas thừa hưởng kỹ năng giao tiếp và sự khôi hài từ mẹ; sự thông minh khó tin của cậu lại được truyền từ người bố, một kỹ sư chương trình máy tính, tốt nghiệp ngành vật lý, tên Peter. Ông đã mất vì bệnh máu trắng hai tháng trước sinh nhật hai tuổi của Thomas.
“Khi tôi mang thai Thomas 20 tuần, bác sĩ chẩn đoán bé có triệu chứng Down và có dịch trong não. Bác sĩ khuyên tôi phá thai, nhưng không ai có thể đụng vào bào thai quý giá của tôi”.
Bà kể: “Cuối cùng, Thomas cũng ra đời khỏe mạnh, dù sinh non tám tuần. Khi hai mẹ con vừa lấy lại thăng bằng thì Peter bị chẩn đoán bệnh máu trắng. Suốt 18 tháng, tôi túc trực trong bệnh viện. Bạn bè tôi thay nhau chăm sóc Thomas. Thằng bé có vẻ thích thú với việc được tiếp xúc với nhiều người khác nhau”.
Peter mất vào tháng 11/2004 khi Thomas mới 22 tháng. Deborah cố giấu những giọt nước mắt: “Điều buồn nhất là Thomas không có một kỷ niệm nào với bố mình. Bé rất giống bố, nhưng lại không biết gì về bố.”
Từ khi mới sinh, Deborah đã viết nhật ký “thành tựu” của con. Những điều này không gói gọn trong kiến thức hàn lâm, chẳng hạn: trước sinh nhật hai tuổi, cậu bé đã gây sự chú ý của nhân viên phục vụ và lịch sự gọi ly sô cô la nóng trong tiệm cà phê. Lên ba tuổi, cậu ghi nhớ thời khóa biểu chuyến bay của ông già Noel đến Lapland.
Sau đó, Thomas dành nhiều thời gian tìm hiểu sách vở về thời kỳ Tudors và Ai Cập cổ đại, địa lý và khoa học. Cậu thường thể hiện kiến thức ngang bằng với giáo viên trong trường tiểu học. Lên lớp Năm, cậu đạt điểm A môn toán của chương trình trung học.
Năm 2008, Deborah kết hôn với Nicolas, một kỹ sư có ba con riêng. Họ sống trong ngôi nhà nhỏ với khu vườn rộng lớn và khu trồng rau củ ở phía Bắc nước Anh.
“Chúng tôi không phải một gia đình pha trộn, mà là một gia đình với năm nhóc con. Mỗi bé có năng lực riêng và mọi người chấp nhận Thomas như bao đứa trẻ khác”.
Theo Phan Quỳnh Dao/Phụ Nữ TP HCM, Telegraph
Thần đồng Toán học ngày ấy - bây giờ
Akshay Venkatesh là một trong 30 thần đồng thông minh nhất hành tinh. Anh thuộc top 10 người lấy bằng tiến sĩ trẻ nhất thế giới.
Akshay Venkatesh sinh năm 1981 tại New Delhi (Ấn Độ) nhưng lớn lên ở Perth (Australia). Venkatesh nổi tiếng thế giới khi lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 20. Anh được mệnh danh là thần đồng Toán học.
Thần đồng Akshay Venkatesh năm 12 tuổi. (Ảnh: Daily Telegraph)
Những kỳ tích của thần đồng
Tham gia chương trình đào tạo tài năng của chính phủ Australia, 11 tuổi, Venkatesh giành huy chương đồng Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 24, tổ chức tại Williamsburg, Virginia (Mỹ). Một năm sau, anh xếp thứ 2 ở Olympic Toán Australia và mang về huy chương bạc Olympic Toán châu Á Thái Bình Dương lần thứ 6.
Cùng năm đó, Venkatesh tiếp tục đạt huy chương đồng Olympic Toán Quốc tế, tổ chức tại Hong Kong. Anh hiện là người Australia duy nhất sở hữu huy chương ở Olympic Toán học và Vật lý quốc tế.
Venkatesh lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Princeton ở tuổi 20. (Ảnh: Capitalfm).
Venkatesh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông khi mới 13 tuổi. Ở tuổi 14, anh vào Đại học Western Australia và trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử các trường đại học tại Australia.
16 tuổi, Venkatesh được trao giải J. A. Woods Memorial Prize nhờ đứng đầu danh sách sinh viên tốt nghiệp năm 1997. Ngay sau đó, anh ghi danh là người trẻ nhất nhận bằng First Class Honours về Toán học thuần tuý - giải thưởng dành cho sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc.
Năm 1998, Venkatesh bắt đầu học lên tiến sĩ tại Đại học Princeton (Mỹ) và lấy bằng ở tuổi 20. Anh lần lượt nhận học bổng Hackett Fellowship, học bổng của Viện Công nghệ Massachusetts và học bổng nghiên cứu của Viện Toán học Clay.
Chàng trai sinh năm 1981 cũng từng làm phó giáo sư tại Đại học New York (Mỹ) trước khi chính thức trở thành giáo sư tại Đại học Stanford từ tháng 1/2008.
Akshay Venkatesh hiện là giáo sư tại Đại học Stanford. Ảnh uow.edu.
Nhà Toán học người Australia là chủ nhân của loạt giải thưởng như Salem Prize (2007), Packard Fellowship (2007) và SASTRA Ramanujan Prize (2008). Anh còn nổi tiếng nhờ những bài diễn thuyết lôi cuốn tại các trường đại học danh giá trên khắp thế giới.
Năm 2010, Venkatesh được mời làm diễn giải tại Đại hội Toán học Thế giới (International Congress of Mathematicians) ở Hyderabad (Ấn Độ), theo Wikipedia.
Giải "Nobel" Toán học
Akshay Venkatesh thực hiện thành công nhiều nghiên cứu trong Toán học như lý thuyết số, các dạng tự đồng cấu, lý thuyết biểu diễn và lý thuyết Ergodic. Anh nhận được giải Fields năm 2008. Giải thưởng này do Hội Liên hiệp Toán Quốc tế (International Mathematical Union) thành lập, ví như Nobel trong lĩnh vực Toán học.
Nhờ đó, anh được ghi danh là một trong những người có đóng góp lớn nhất cho nền Toán học toàn cầu.
Akshay Venkatesh là một trong những thiên tài có nhiều đóng góp nhất cho nền Toán học nhân loại. (Ảnh: Superscholar).
Trả lời câu hỏi "Tại sao chúng tôi nên quan tâm đến nghiên cứu của anh?" trên Amsi, thần đồng Toán học cho biết: "Rất khó để giải thích chi tiết vì phạm vi nghiên cứu của tôi rộng. Nhưng bạn sẽ có hứng thú bởi lý thuyết số nằm trong các công cụ tạo ra mật mã trên internet. Chẳng hạn, mỗi khi bạn mua đồ qua mạng, máy tính thường sử dụng một phần lý thuyết số để bảo mật thông tin cá nhân".
Theo Zing
Thần đồng 17 tuổi lấy bằng tiến sĩ ngày ấy - bây giờ Ruth Lawrence là một trong những người lấy bằng tiến sĩ trẻ nhất thế giới. Cô thuộc top 30 người thông minh nhất hành tinh. Ruth Lawrence (nay là Ruth Elke Lawrence-Naimark) sinh năm 1971 tại Brighton (Anh). Lawrence là thần đồng toán học với hàng loạt thành tựu lớn. Thần đồng toán học Ruth Lawrence năm 10 tuổi. (Ảnh: The Daily Mail)...