“Thần đồng 11 tuổi” đỗ ĐH danh tiếng Trung Quốc
Một cậu bé 11 tuổi ở Trung Quốc đã gây mối quan tâm lớn cho dư luận sau khi được nhận vào khoa Luật của trường đại học danh giá bậc nhất đất nước.
Vấn đề nằm ở chỗ trong khi gia đình cố chứng minh con mình là một thần đồng thì cư dân mạng lại chỉ ra rằng có vấn đề trong việc cậu được nhận vào đại học.
Xu Hengrui, người tỉnh Vân Nam, có thể xem là sinh viên trẻ nhất từng nhập học vào khoa Luật của Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh. Năm nay mới 11 tuổi nhưng cậu bé hiện đã tới trường với tư cách tân sinh viên và đã bắt đầu tham gia năm học mới.
Năng lực của một thần đồng
Trường hợp của Xu nhanh chóng được báo chí Trung Quốc loan tin và họ vội vã tâng bốc cậu bé như một thần đồng. Tờ Tin tức Bắc Kinh dẫn lời Liu, Hiệu phó Trường Trung học số 1, nơi Xu từng theo học, nói rằng cậu bé rất sáng dạ.
Từ lớp 2, Xu đã thấy tiến trình học tập ở trường quá chậm. Vì thế cha cậu bé đã đưa con tới sống ở Côn Minh. Mẹ cậu về sống cùng con để tiện chăm sóc, còn cha thì thuê cả một đội gia sư hùng hậu rất giỏi về kèm cặp.
Kết quả là Xu đã hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông cơ sở sau 6 tháng và chưa đầy 1 năm để hoàn tất chương trình trung học cơ sở. Tới thời điểm này, cậu bé mới được 8 tuổi. “Xu chỉ học có 1 hay 2 năm tiểu học, 1 năm tiểu học cơ sở rồi sau đó lên trung học” – Liu nói – “Với các bài kiểm tra hoặc bài thi thông thường kéo dài 2 tiếng đồng hồ, Xu chỉ mất chừng chưa đầy một tiếng đồng hồ, lần nhanh nhất có 40 phút và hầu hết các câu hỏi đều có đáp án chính xác”.
Ông cũng cho biết năm nay Trường trung học số 1 ở tỉnh Vân Nam có hơn 1.300 học sinh tham dự đại học và có 500 người đỗ. Xu nằm trong nhóm vài chục người có điểm số cao nhất và nhiều học sinh trong trường đã ngưỡng mộ khả năng học tập của cậu bé.
Video đang HOT
Hình ảnh hiếm hoi của “thần đồng” Xu Hengrui được cộng đồng mạng lan truyền cho nhau.
Cũng theo Liu, Xu không phải là một con mọt sách. “Cậu bé rất hiếu động, như mọi đứa trẻ khác”- ông nói. Ngoài giờ học, cậu bé chơi đủ loại môn thể thao, từ bóng bàn, cầu lông cho tới tennis và bóng đá. Ông nói rằng tất cả những người lớn chơi cùng Xu đều đã mệt nhưng cậu thì không và vẫn muốn chơi tiếp. Điểm khác biệt duy nhất so với bạn bè là Xu học vô cùng tập trung và dường như thu được nhiều kiến thức hơn.
Không phải là trường hợp duy nhất
Việc Xu vào đại học ở tuổi còn rất trẻ không phải là chuyện hiếm hoi. Trên thế giới, những trường hợp thần đồng như thế này không phải hiếm. Hồi năm 2007, thần đồng toán học 9 tuổi March Boedihardjo đã được nhận vào ĐH Baptist Hong Kong.
Được nói tới nhiều nhất là cậu bé người Mỹ Michael Kearney, nhân vật đã theo học Cao đẳng cộng đồng Santa Rosa khi mới 6 tuổi 7 tháng và đã tốt nghiệp Đại học Nam Alabama năm lên 10, với bằng cử nhân ngành nhân chủng học. Sau khi tốt nghiệp, cậu bé tiếp tục học thạc sĩ ngành sinh hóa và tốt nghiệp vào năm 14 tuổi ở trường Đại học Quốc gia bang Tennessee.
Điều đặc biệt nằm ở chỗ Kearney hoàn toàn được dạy dỗ tại gia và đã bộc lộ những năng khiếu thần đồng từ khi còn bé. Năm lên 4 tuổi, cậu bé đã thử giải các bài toán đố dựa theo chương trình nghiên cứu tài năng đặc biệt của Johns Hopkins và cho kết quả hoàn hảo dù không được nghiên cứu trước. Cậu bé tốt nghiệp trung học năm 6 tuổi và đăng ký học Cao đẳng cộng đồng ngay sau đó, để rồi tốt nghiệp sau 2 năm học tập với bằng ưu. Kearney hiện vẫn nằm trong sách kỷ lục Guinness với tư cách cử nhân trẻ nhất thế giới. Tương tự, năm ngoái, Arran Fernandez cũng trở thành sinh viên trẻ nhất được tuyển vào đại học Cambridge kể từ năm 1773.
Cáo buộc từ một blogger
Tuy nhiên trong khi báo chí địa phương đang tâng bốc Xu lên mây thì một blogger nặc danh đã xuất hiện trên Internet, tự xưng là gia sư cũ của cậu bé thần đồng. Thông qua blog, vị gia sư này nói rằng Xu không phải là thần đồng, có tính tình dễ căng thẳng, rất thiển cận và vô cùng bướng bỉnh, nghịch ngợm. Tuy nhiên Xu lọt vào danh sách các “thần đồng đỗ đại học” của tỉnh Vân Nam là nhờ cậu bé được 5 gia sư đang học tiến sĩ tại Đại học Nhân dân kèm cặp. Ngoài ra blogger trên cáo buộc cha Xu, một đại gia thuốc lá, đã ngồi vào ban lãnh đạo trường Đại học Nhân dân, bơm hàng triệu USD vào các quỹ đen của trường và kết quả là khiến ngôi trường mở rộng cửa đón chào cậu.
Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, nơi Xu vừa nhập học.
Cáo buộc trên lập tức bị một phát ngôn viên không nêu tên của Đại học Nhân dân bác bỏ. Ông này nói rằng Đại học Nhân dân không có cái gọi là quỹ đen và Xu đã được Sở Giáo dục Vân Nam giới thiệu tới trường. Tiếp đó cậu bé phải trải qua các kỳ thi viết và vấn đáp do trường thực hiện và đã đạt mọi tiêu chuẩn. “Chúng tôi không cò kéo các quy định để cậu ta được vào học” – phát ngôn viên này nói.
Hiệu phó Liu cũng lên tiếng thanh minh cho Xu. Ông nói rằng điểm số của Xu trong kỳ thi đầu vào quốc gia nằm trong nhóm cao nhất ở Vân Nam, đạt tổng cộng 526 điểm, cao hơn 31 điểm so với sàn điểm thông thường để đậu được vào một trường đại học thuộc hàng tốp. Liu nói rằng Xu có tính ganh đua cao và cậu đã thề rằng nếu năm nay trường Đại học Nhân dân không nhận vào thì năm sau cậu sẽ thi vào tận Đại học Bắc Kinh, một trường đỉnh khác.
Hiện chưa rõ cuộc tranh cãi giữa dư luận và gia đình Xu bao giờ sẽ kết thúc.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cuộc chiến không hồi kết
Vợ chồng sống chung một mái nhà nhưng buồn vui, thành bại của người này không còn là mối quan tâm của người kia nữa. Chỉ đến khi biết chuyện tôi có quan hệ trên mức tình cảm với một đồng nghiệp, vợ tôi bỗng biến tôi thành một thứ đồ cổ quý giá. Cô ấy tìm đến tình địch để cảnh cáo, vận động họ hàng khuyên nhủ tôi "cải tà quy chánh".
Cô ấy quan tâm đến tôi nhiều hơn, nhưng đôi lúc cũng buông ra những lời mỉa mai cay độc. Ngay cả chuyện gối chăn, cô ấy cũng tỏ ra lạnh lùng, ghê tởm. Để sửa chữa lỗi lầm, tôi mua quà tặng vợ, tổ chức đi du lịch... Mọi nỗ lực của tôi không bù đắp được lỗi lầm. Tôi biết vợ sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho tôi. Sau hai năm, không chịu đựng nổi cuộc chiến tranh lạnh không có hồi kết của vợ, tôi ly hôn.
Chúng tôi tự thỏa thuận: tôi nhường căn nhà và nửa vốn liếng cho vợ để cô ấy nuôi con gái nhỏ. Tôi lấy nửa số vốn và nuôi con trai lớn. Trước ngày ra tòa, cô ấy đột ngột xin nghỉ việc. Đến khi tòa xử, cô ấy viện cớ không có nghề nghiệp ổn định để từ chối nuôi con. Tài sản đã được thỏa thuận, không nằm trong bản án, tôi cũng không muốn tranh hơn thua nên dắt hai con ra khỏi nhà. Có lần, gặp bạn gái của tôi, cô ấy đắc thắng bảo: "Định giành nhà với tôi hả, một cục gạch cũng không cho cô rờ! Tôi còn đẩy hai cục nợ cho cô gánh nữa kìa, nhớ chăm hai đứa nhỏ cho tốt. Còn thằng cha này hả, tôi xài chán rồi nên vứt, cô tiếc thì cứ lượm về xài đỡ". Câu nói cạn tình của cô ấy đã phủi sạch bao năm vợ chồng trong tôi.
Chỉ tội hai đứa con tôi. Cha mẹ ly hôn đã là cú sốc không nhỏ, lại phải xa mẹ, rời bỏ nhà cửa, bạn bè cũ khiến chúng rất hoang mang. Dù nhà có bà nội và người làm nhưng hôm nào về nhà tôi cũng thấy con khóc, bảo nhớ mẹ, đòi về nhà cũ. Má tôi đã già, nay phải chăm hai đứa cháu, lại vì chuyện gãy đổ của tôi mà sinh ra buồn phiền, nay ốm mai đau. Cô bạn gái xuất hiện như một vị cứu tinh gia đình tôi. Cô ấy thường xuyên ghé nhà chăm sóc mẹ tôi, chơi với hai đứa nhỏ, hướng dẫn người giúp việc làm việc nhà. Bên cô ấy, mọi sóng gió trong lòng tôi dần bình yên. Hai năm sau ly hôn, tôi và cô ấy kết hôn.
Thế nhưng, chúng tôi chỉ có được một khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi. Dù rất thận trọng nhưng chúng tôi đã không tránh khỏi mâu thuẫn. Việc đầu tiên là bỗng dưng hai đứa con tôi học hành sút kém. Thể chất chúng vốn đã tròn trịa, nay lại phát phì khá nhanh. Lý do chỉ vì vợ mới của tôi quá chiều con, không dám ép con học hành, lại để chúng ăn uống thả cửa. Tôi cằn nhằn thì cô ấy bảo không dám khắt khe, sợ tiếng đời mẹ ghẻ con chồng. Cực chẳng đã, tôi phải bỏ bớt công việc để kèm cặp hai con. Một hôm tôi đi làm về thì nghe tiếng cãi vã giữa vợ cũ và vợ mới. Nhìn thấy tôi, vợ cũ hằn học: "Anh hùa theo người đàn bà này định hại chết con phải không. Cô ấy về nhà mới mấy tháng mà hai đứa nhỏ đã phát phì, học hành sút kém... Các người ác vừa vừa thôi". Vợ mới của tôi cũng không vừa: "Chị quý con như vậy, sao không đem về nuôi?".
Mỗi lần vợ cũ của tôi ghé thăm con, "cũ" - "mới" không tránh khỏi tranh cãi. "Cũ" về rồi cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn trong đầu "mới". Cô ấy là người chiến thắng nên muốn chứng tỏ mình vượt trội hơn. "Mới" luôn dò hỏi tính tình và cách cư xử của "cũ" để tránh đi vào vết xe đổ của cô ấy. "Cũ" nấu ăn theo cách "nam phụ lão ấu đều dùng được", đơn giản là chính, ít khi nấu món tôi thích thì "mới" làm ngược lại, hôm nào cũng hỏi "anh muốn ăn gì em mua". Tôi vui vì được vợ chiều, được ăn món mình thích, nhưng lâu ngày lại chẳng còn hứng thú khi được hỏi ý kiến. Sáng ra, trong đầu đang hoạch định công việc thì bị vợ làm mất hứng khiến tôi đổ quạu.
"Cũ" rất kỹ chuyện ăn mặc, trang điểm. Biết tôi ghét tính điệu đà lâu lắc của "cũ", "mới" tuân theo nguyên tắc: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Khổ nỗi, sự qua loa đại khái đã biến cô ấy thành đơn giản quá mức. Bạn bè tôi rỉ tai nhau: "Thằng này chắc có vấn đề. Vợ cũ sang trọng, đẹp như hoa lại bỏ, rước về hàng thứ phẩm".
Dù đang khổ sở với hai đứa con riêng của chồng đang tuổi ẩm ương, "mới" vẫn luôn khao khát có một đứa con của mình. Khi cô ấy báo tin đã có thai, đương nhiên là tôi cũng vui nhưng tôi đã ngấp nghé tuổi 50, đâu thể nhảy cẫng lên như mười mấy năm trước khi biết mình sắp có con. Thế mà "mới" lại giận, cho là tôi thiên vị, ích kỷ. Dù không ai muốn nhưng cuộc chiến "cũ - mới" vẫn không ngừng tiếp diễn trong gia đình tôi. "Mới" than số mình đen đủi, thân gái trong trắng lại đâm đầu xài hàng "second-hand", còn phải nuôi con giùm người ta... Những trở ngại mà trước đây "mới" cho là vì tình yêu, cô ấy có thể vượt qua tất cả, nay đã trở nên quá tải... Dường như, vợ tôi đang hối hận.
Tuy mâu thuẫn chưa đến mức trầm trọng nhưng tôi vẫn thấy lo, vì dường như những sai lầm của cuộc hôn nhân cũ đang dần lặp lại. Tôi tự hỏi, phải chăng phụ nữ chỉ để làm người tình, còn làm vợ thì vợ nào cũng như nhau? Hay chỉ tại tôi đòi hỏi quá cao, lại không biết cách mang đến hạnh phúc cho họ?
Theo Bưu Điện Việt Nam
Thủ khoa ĐH ngoại ngữ chia sẻ bí quyết học tiếng Anh Đạt giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh năm 2011, giải nhì cuộc thi hùng biện tiếng Thái năm 2010, điểm EILTS 8.0, điểm tổng kết toàn khóa 9,27/10, Trương Hải Hà giành vị trí thủ khoa xuất sắc trường ĐH ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN. Năng động, thông minh, dễ thương là những nét nổi bật dễ nhận thấy ở...