Thần Điêu – máy bay do thám bí ẩn của Trung Quốc
Với trần bay cao, cự ly hoạt động rộng, trang bị radar tối tân và có thể là cả tên lửa, máy bay không người lái Thần Điêu được dự đoán sẽ trở thành khí tài quân sự quan trọng, giúp Trung Quốc củng cố kiểm soát trên Thái Bình Dương.
Bức ảnh mờ nhạt rò rỉ trên mạng được cho là của máy bay không người lái tấn công tầm xa Thần Điêu. Ảnh: CJDBY
Nhiều trang mạng Trung Quốc gần hai tuần trước đồng loạt đăng tải hình ảnh được cho là máy bay không người lái (UAV) thân đôi Thần Điêu mà giới chuyên gia đánh giá có triển vọng trở thành vũ khí tầm xa đáng gờm của quân đội nước này.
Do Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương chế tạo, chịu nhiều ảnh hưởng về thiết kế từ mẫu UAV thân đôi tầm cao Sukhoi S-62 của Nga, Thần Điêu được dự đoán sẽ trở thành khí tài quân sự bổ trợ hữu hiệu cho chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (A2/D2) của Bắc Kinh.
Theo tạp chí quốc phòng IHS Janes, mẫu UAV này phát triển trên nền tảng máy bay đa nhiệm, tầm cao, cự ly xa, vừa có khả năng tấn công nhưng cũng rất hữu ích trong các nhiệm vụ trinh sát. Thần Điêu sở hữu các loại radar chuyên biệt nên cơ chế phát hiện tàng hình cũng được tối ưu hóa.
Theo tạp chí Popular Science, Thần Điêu sẽ được gắn các radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), radar khẩu độ tổng hợp (SAR), radar chỉ thị mục tiêu động trên mặt đất (GMTI) và radar chỉ thị mục tiêu động trên không (AMTI). Các thiết bị tiên tiến này khi phối hợp sẽ giúp Thần Điêu phát hiện mọi vật thể bay, từ chiến đấu cơ đến tên lửa hành trình.
GMTI còn được dùng để xác định và theo dõi những hạm đội tàu chiến lớn như tàu sân bay. Kết hợp cùng những thiết bị khác như JY-26, radar “thủ tiêu F-22″, Thần Điêu khiến Mỹ không khỏi lo lắng về việc chúng sẽ dễ dàng phát hiện từ khoảng cách xa những máy bay tàng hình tối tân của nước này như chiến đấu cơ F-35 hay oanh tạc cơ B-2.
Tuy nhiên, nếu so sánh với bản vẽ thiết kế đưa ra hồi tháng hai, khả năng tàng hình của Thần Điêu mới dường như giảm đi đáng kể khi nó phải mang theo tới hai chảo liên lạc vệ tinh, có đuôi thẳng đứng và lộ động cơ trong”, tạp chí cho biết thêm.
Video đang HOT
Dựa vào những hình ảnh ít ỏi về Thần Điêu, chiếc UAV này có vẻ lớn hơn so với máy bay do thám tầm xa Global Hawk của quân đội Mỹ. Chính vì thế, giới quan sát suy đoán nó sẽ được trang bị cả tên lửa cỡ lớn để đáp ứng các nhiệm vụ như phóng vệ tinh vào vũ trụ, chống vệ tinh hay đối hạm.
Củng cố tham vọng kiểm soát Thái Bình Dương
“Việc chế tạo máy bay không người lái tầm xa với kích cỡ tương tự Global Hawk sẽ hỗ trợ đắc lực cho tham vọng củng cố kiểm soát trên Thái Bình Dương” của Bắc Kinh, trang tin Washington Free Beacon dẫn lời ông Rick Fisher, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, nhận xét. “Những UAV cỡ lớn này sẽ hoạt động như vệ tinh thường trực, theo dõi mọi động thái của tên lửa hay các nền tảng chiến lược khác trong khu vực”.
Các nhà phân tích quân sự hàng đầu của Mỹ cũng tỏ ra ái ngại khi Thần Điêu được dự đoán có thể tiêu diệt cả những mục tiêu ở khoảng cách lớn. “Triển khai UAV tầm xa, trần bay cao, được lắp đặt thiết bị cảm biến hiện đại sẽ giúp Trung Quốc nâng cao khả năng phá hoại tài sản và căn cứ của hải quân Mỹ cùng đối tác và đồng minh trong vùng”, ông Mark Stokes, cựu quan chức Lầu Năm Góc, bình luận. Nếu mẫu UAV này được biên chế, Washington và đồng minh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm nhiệm vụ gần bờ biển Trung Quốc.
“Sử dụng Thần Điêu như một lực lượng quân cảnh, không quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng can thiệp, ngăn chặn hành động của máy bay tàng hình cũng như tên lửa hay tàu chiến địch trước khi chúng kịp tới bờ. Với tầm bay cao, Thần Điêu thừa sức phát hiện các xe tải chở tên lửa chống hạm hay những hệ thống phòng không trên đất liền của đối phương”,Popular Science nhấn mạnh.
Thần Điêu được dự đoán không những phát hiện phi cơ địch mà còn có thể hộ tống tàu chiến và máy bay dân sự, hỗ trợ điều hướng chiến hạm hay chiến đấu cơ Trung Quốc. Một số giả thiết cho rằng Thần Điêu có khả năng tìm mục tiêu cho cả tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D. Ảnh: Popular Science
Theo Diplomat, các chương trình phát triển máy bay không người lái của Trung Quốc chủ yếu dựa trên nền tảng và công nghệ của nước ngoài. UAV của Bắc Kinh trước tiên sẽ được triển khai trong nước nên yêu cầu về công nghệ cũng thấp hơn và không tốn nhiều chi phí nếu so với các mẫu UAV của Mỹ. Nhưng đối với Thần Điêu mọi chuyện dường như sẽ khác.
Hạ nghị sĩ Randy Forbes, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, nhận định kế hoạch chế tạo các mẫu UAV như Thần Điêu là một phần trong chiến lược trang bị khí tài tầm xa được lên kế hoạch kỹ lưỡng của Trung Quốc. “Chiếc UAV này có vẻ sẽ tăng cường năng lực khoanh vùng mục tiêu mà Trung Quốc sử dụng trong chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập”, ông nói.
Hiện thông tin về Thần Điêu vẫn được giữ kín. Mọi đánh giá, nhận định đều là những suy đoán. Năng lực thật sự của nó đến đâu, đóng góp như thế nào trong chiến lược quân sự của Trung Quốc hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Hình ảnh phác thảo Thần Điêu. Ảnh: CJDBY
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trung Quốc dọa Úc, cản Ấn Độ ở Biển Đông
Hoàn Cầu thời báo kêu gọi bắn hạ máy bay Úc tuần thám ở Biển Đông, còn giới chức Trung Quốc muốn cản Ấn Độ thăm dò dầu khí trong khu vực.
Úc cân nhắc triển khai máy bay tuần tra P-3 tới gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa - Ảnh: Defenseindustrydaily.com
Ngày 5.6, tờ Australian Financial Review đưa tin Hoàn Cầu thời báo vừa đăng bài bình luận sặc mùi hiếu chiến khi kêu gọi bắn hạ máy bay Úc thực hiện các chuyến tuần thám gần quần đảo Trường Sa. "Nếu một máy bay quân sự Úc bay đến như kế hoạch, Trung Quốc nên hành động cứng rắn và triển khai máy bay quân sự đuổi nó đi. Nếu biện pháp này không có tác dụng, chúng ta phải bắn hạ thôi. Chúng ta không cần phát cảnh báo như đã từng làm với Mỹ mà thay vào đó, hãy "tổ chức đại lễ chào đón". Hành động tiêu diệt sẽ khiến những người còn lại khiếp sợ", The Australian Financial Review trích bài bình luận đăng lại. Đến chiều qua 5.6, bài viết này đã không còn được tìm thấy trên website tiếng Anh của Hoàn Cầu thời báo.
Trước đó, tờ The Australian loan tin chính phủ Úc "đang tích cực xem xét" việc triển khai máy bay P-3 tuần tra khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa. Đài ABC ngày 4.6 dẫn lời Thủ tướng Úc Tony Abbott khẳng định nước ông "có lập trường cứng rắn" đối với hoạt động phi pháp này, đồng thời khẳng định Canberra sẽ làm "mọi thứ có thể" nhằm duy trì việc tự do đi lại trên biển và trên không.
Cùng ngày, tờ Hindustan Times đưa tin một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cảnh báo Ấn Độ "sẽ gặp vấn đề" nếu thăm dò dầu khí trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Theo tờ báo, ông này ngụy biện rằng: "Ấn Độ cũng sẽ phản ứng nếu có công ty Trung Quốc nhảy vào khu vực New Delhi tranh chấp với một nước láng giềng Nam Á". Hiện nay, Công ty ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ đang hợp tác tham gia thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cũng khẳng định hoạt động thăm dò dầu khí của nước này ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.
Kêu gọi lập trường chung ASEAN
Cũng trong ngày 5.6, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho các phóng viên hay nước này và ASEAN "nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đưa ra kết luận cuối cùng về Bộ quy tắc ứng xử (COC) thông qua các cuộc tham vấn". Thông tin trên được đưa ra sau Cuộc tham vấn quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 kết thúc ở Bắc Kinh, theo Tân Hoa xã. Phó thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Noppadon Theppitak, chủ trì cuộc tham vấn, nhấn mạnh: "COC không chỉ giải quyết các tranh chấp song phương, mà còn nâng cao việc xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan, hỗ trợ ngăn chặn và quản lý các sự cố trên biển".
Chuyên gia Vignesh Ram thuộc Khoa Quan hệ quốc tế và địa chính trị của Đại học Manipal (Ấn Độ) nhận định một trong những công cụ khả dĩ nhất hiện nay để ngăn chặn các hành động gây lo ngại trên biển và nguy cơ xung đột là Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Tuy nhiên, Trung Quốc bị cho là không thực tâm muốn nhanh chóng đưa ra bất kỳ thỏa thuận nào về COC cho đến khi đạt được vị thế mạnh nữa hơn trong tranh chấp.
Vì thế, theo ông Ram, ASEAN "không nên quá kỳ vọng" vào COC mà cần theo đuổi một giải pháp mang tính bao quát hơn cũng như có lập trường thống nhất về Biển Đông. "Nếu ASEAN không có lập trường chung mang tính quyết định về tranh chấp Biển Đông, tình trạng này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới khái niệm "cộng đồng" mà khối đang nỗ lực xây dựng", ông Ram cảnh báo trong phần kết của bài viết đăng trên website của Diễn đàn Đông Á.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
FBI bí mật triển khai máy bay do thám các thành phố Mỹ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã thành lập những công ty hàng không giả mạo và bí mật điều động những máy bay do thám khắp các thành phố lớn ở Mỹ. Trụ sở FBI tại thủ đô Washington DC, Mỹ - Ảnh: Reuters FBI đã vận hành một lực lượng "không quân nhỏ" với các máy bay trinh sát được...