Thăm vùng đất nghèo có 55 giáo sư, tiến sĩ
Xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là một vùng quê nghèo, phần lớn người dân đều vất vả với nghề nông. Nghèo, nhưng Kim Lộc nức tiếng là vùng đất có truyền thống hiếu học.Hiện xã này có đến 55 GS, TS đang sinh sống và công tác trên khắp mọi miền đất nước.
Hiền nhân từ đất cằn
Xã Kim Lộc nằm ở phía Tây sông Nghèn, vào thời Khải Định được gọi là làng cổ Nguyệt Ao thuộc huyện La Sơn. Bỏ xa sự bụi bặm, ồn ào, đông đúc của phố phường, làng cổ Nguyệt Ao nằm yên bình, khép mình với những nét trầm tư cổ kính. Cũng tại đây, ngôi nhà tưởng niệm vị danh nhân văn hóa La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp được nằm uy nghiêm bên những tán xà cừ hàng trăm năm tuổi.
“Truyền thống hiếu học của xã đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhiều bậc hiền nhân đã được trưởng thành từ vùng quê nghèo này”, ông Đỗ Viết Thống – Chủ tịch xã Kim Lộc bắt đầu câu chuyện.
Nhà tuởng niệm Danh nhân văn hoá Nguyễn Thiếp, nơi con em trong xã Kim Lộc lấy làm tự hào để tu rèn đạo đức, phấn đấu học tập.
Vị Tiến sĩ đầu tiên của làng là cụ Nguyễn Hành, một danh sĩ thời Lê – Trịnh. Ông là tiến sĩ khoa Hội và Đình năm Quý Sửu (năm 1773) niên hiệu Long Đức Lê Thần Tông, năm thứ 2. Ông cũng từng làm thầy giáo và có nhiều môn sinh hiển đạt như: Phan Khiêm Thụ(đỗ Tiến sĩ khoa Đinh sửu, năm 1757) Nguyễn Khản (Thượng Thư bộ Lại, con đầu của Quận công Nguyễn Nghiễm, anh cả của Nguyễn Du, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, năm 1760) Ngô Phúc Lâm(đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất, năm 1766) La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (thi Hương đỗ giải Nguyên tức thủ khoa trường Nghệ An năm Quí Hợi, niên hiệu Lê Cảnh Hưng năm thứ 4 là năm 1743). Đại thi hào Nguyễn Du cũng từng có thời gian là học trò của cụ Nguyễn Hành khi còn bé.
Ngoài cụ Nguyến Hành phải kể đến Tiến sĩ Trần Tịnh, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp… đều là những người con ưu tú của mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
Ông Nguyễn Văn Giai (83 tuổi), hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ Nguyễn Bật cho chúng tôi xem những bút tích của vua Quang Trung gửi cho Nguyễn Thiếp. Những bút tích này được ông cất công ra tận thư viện Quốc gia và sao chép lại. “Những bút tích này, không chỉ là niềm tự hào cho dòng họ mà còn là để nhắc nhở con cháu thế hệ sau phải phát huy truyền thống của cha ông”, ông tâm niệm.
Video đang HOT
Một số bút tích của vua Quang Trung tại nhà tuởng niệm cụ Nguyễn Thiếp.
“Đọ” nhau tấm bằng
Ngày nay, thế hệ kế cận của xã Kim Lộc ngày càng làm rạng danh thêm truyền thống hiếu học cho làng cổ Nguyệt Ao khi xưa. “Theo thống kê của chúng tôi, hiện xã Kim Lộc hiện có 55 GS, TS đang sinh sống và công tác trên khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi vô cùng tự hào với những đóng góp của các giáo sư, tiến sỹ là con em quê hương đối với đất nước nói chung và Kim Lộc nói riêng. Đặc biệt, nhờ tấm gương của đội ngũ GSTS là con em quê hương này mà lớp lớp học sinh của chúng tôi hiện đang hăng say học tập” – ông Đỗ Viết Thống – Chủ tịch xã Kim Lộc tự hào nói thêm.
Còn ông Trần Khương – Chủ tịch Hội Khuyến học xã Kim Lộc thì cho biết: “Các dòng họ ở xã chúng tôi vẫn thường lấy thành tích học tập của con cháu mà đọ với nhau”. Theo ông Khương, toàn xã có hơn 40 dòng họ của xã thì đều là những dòng họ khuyến học. Những dòng họ có nhiều TS như dòng họ Nguyễn Bá, có tới 9 GS, TS. Nhiều vị làm công việc đầu ngành, như GS TS Nguyễn Thụ, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội GS TS Nguyễn Lâm Phương (con GS, TS Nguyễn Thụ) Phó TGĐ tập đoàn PFT Việt Nam. Một dòng họ nổi tiếng khác của xã Kim Lộc là dòng họ Nguyễn Viết cũng có nhiều nhiều ngưòi con đỗ đạt cao và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Như: ông Nguyễn Văn Nga – GS TS Môi trường ông Nguyễn Thái Hòa – GS TS nghiên cứu văn học, lịch sử…
Ðặc biệt, gia đình Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Huỳnh TS có đến 3 thế hệ đều là Tiến sĩ như: Trần Hồng Sơn, TS Trần Hồng Hà, TS Trần Hồng Hải, TS Trần Hồng Thái, TS Trần Hồng Lam và cháu Trần Thị Hà Mi.
Những bút tích của tiền nhân, được ông Nguyễn Bật gìn giữ cẩn thận cho con cháu trong dòng họ.
Phát huy truyền thống hiếu học, năm học 2010 – 2011, Kim Lộc có 36 em đậu ĐH và CĐ (trong 58 em tốt nghiệp THPT) 48 em đậu học sinh giỏi cấp tỉnh và huyện trong đó em Nguyễn Đức Nhật (học sinh lớp 5) đạt giải nhất tỉnh môn tiếng Anh qua mạng. Nhiều gia đình trong xã có con em là những tấm gương sáng vượt nghèo học giỏi như em Trần Hồng Sơn ,Trần Thị Thanh Dung (học sinh Trường THPT Trần Phú). Bố mất sớm, một mình mẹ đi làm thuê nuôi các em ăn học. Suốt nhiều năm, Sơn và Dung đều là học sinh giỏi. Năm học vừa qua, Sơn một mình giật 3 giải tỉnh về môn toán toán Casio và toán trên mạng.
“Thấy các con chăm học lại học giỏi, dù có vất vả thêm mười lần nữa tui cũng gánh được” – chị Trần Thị Kim (mẹ của Dung và Sơn) chia sẻ. Hàng xóm chị Kim, hai vợ chồng anh Thái Hòa cũng đi làm thuê nuôi 4 em học ĐH…
Mặc dù nhà nghèo nhưng 2 em Sơn Và Dung đều là những học sinh giỏi trong nhiều năm liền.
Để khuyến khích tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ, xã và các dòng họ luôn tổ chức các hoạt động khuyến học, khen thưởng cho những cá nhân có thành tích học tập tốt, tạo nguồn học bổng cho đối với những em học giỏi nhưng gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
“Từ bao đời này, con trâu đồng ruộng là nghề chính của người dân nơi đây. Mức sống chỉ đủ ăn đủ mặc, nhưng việc học hành của con cháu luôn được quan tâm đến nơi đến chốn. Chuyện học hành, thi cử đã trở thành “miếng giữa làng” tại vùng quê nghèo này”, ông Trần Khương – Chủ tịch Hội Khuyến học xã Kim Lộc tự hào nói.
Phuợng Vũ – Văn Dũng
Theo dân trí
Gặp gia đình người lính biên phòng hiếu học trên vùng quê nghèo
Ở một vùng quê nghèo khó lắm núi nhiều đồi, đời sống còn nhiều khó khăn như xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nhưng khi nhắc đến sự học thì ai cũng biết đến và không ngớt lời trầm trồ thán phục một gia đình hiếu học ở thôn gò đồi Văn Hà.
Đó là gia đình ông Nguyễn Ngọc Chồi (57 tuổi) và bà Mai Thị Định (47 tuổi) ở thôn Văn Hà, xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông bà Chồi ở thôn Văn Hà, anh cán bộ văn hóa xã tự hào: "Ở cái vùng quê nghèo khó này, nói đến ông Chồi, bà Định thì ai ai chẳng biết. Họ biết đến bởi, ông bà là một gia đình hiếu học có tiếng ở mảnh đất Quảng Bình".
Con đường làng ngoằn ngoèo dẫn vào nhà ông Chồi những ngày sau Tết vắng vẻ đến lạ. Hỏi ra mới biết, ở vùng đất được mệnh danh là "chó ăn đá gà ăn sỏi" này cứ sáng sáng là người lớn lại vào rừng hái củi kiếm cơm, người già ở nhà đan nón lá kiếm ngày vài chục ngàn đong gạo, còn lũ trẻ thì ngày ngày đến trường gieo ước mơ học chữ thoát nghèo.
Quá trưa, ngồi trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà cấp bốn chất đầy bằng khen, huân huy chương và bảng thành tích học tập, nhấp ngụm trà nóng, ông Chồi bắt kể về cuộc đời mình. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất anh hùng Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), tháng 6 năm 1974, người lính trẻ Nguyễn Ngọc Chồi nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình.
Năm 1986, ông xây dựng gia đình với bà Mai Thị Định. Ông bà có với nhau hai người con là Nguyễn Tiến Lập (SN 1987) và Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1989). Lớn lên những người con của ông bà đều ngoan hiền, học giỏi. Những năm theo học ở Trường Tiểu học và Trường THCS Quảng Tiến các em đều là học sinh khá giỏi, xuất sắc của trường.
Học xong bậc THCS, Lập và Hương đều vào học Trường THPT Chuyên Quảng Bình. Năm học 2003 - 2004, em Lập thi học sinh giỏi vượt lớp môn Vật lý cấp Quốc gia và đạt giải Nhì. Năm đó em vinh dự được chọn vào đội tuyển Quốc tế môn Vật lý. Năm học 2004 - 2005, Lập tiếp tục đạt giải Ba quốc gia môn Vật lý và được tuyển thẳng vào Học viện Quân sự. 6 năm học ĐH, năm nào em cũng đạt danh hiệu sinh viên ưu tú của khoa Kỹ thuật quân sự. Tốt nghiệp ĐH với tấm bằng xuất sắc, Lập vinh dự được trao bằng khen và chụp tấm ảnh chung với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Tốt nghiệp trường Học viện quân sự với tấm bằng xuất sắc, em Nguyễn Tiến Lập vinh dự được chụp chung tấm hình với Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong ngày nhận bằng.
Chẳng chịu thua kém anh trai, người em gái Nguyễn Thị Thu Hương cũng rất chăm ngoan và học giỏi. Nếu như Lập là một học sinh đam mê tài năng về Khoa học tự nhiên thì Hương lại là cây bút xuất sắc về mảng Khoa học xã hội. Từ năm từ lớp 1 đến lớp 9, Hương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường và huyện. 3 năm học ở Trường THPT Chuyên Quảng Bình, Hương đều đạt giải Ba môn Văn trong các kỳ học sinh giỏi tỉnh. Tiếp đó, 4 năm theo học ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Hương đều là sinh viên ưu tú của trường và được chọn vào học lớp Cử nhân tài năng của trường.
Tấm hình chụp chung của gia đình ông Chồi treo bên những tấm bằng khen sáng ngời của các con.
Hiện tại, Lập và Hương đã ra trường và có công ăn việc làm ổn định. Lập hiện đang làm ở Trung tâm kỹ thuật Thông tin công nghệ cao, thuộc Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc Hà Nội, còn Hương đang làm biên tập viên cho một công ty ở TPHCM. Nói về thành tích học tập đáng nể phục của Lập và Hương, bà Định tự hào: "Để có được thành tích ngày hôm nay, ngoài việc khuyên răn dạy bảo của bố mẹ là cả một quá trình phấn đấu học tập không biết mệt mỏi của các cháu. Tết vừa rồi dù mới ra trường nhưng hai đứa đều đưa tiền cho ba mẹ ăn Tết. Thấy con cái thành đạt và gặt hái được những quả ngọt đầu tiên, vợ chồng tôi rất vui mừng và hạnh phúc".
Nói về tấm gương gia đình hiếu học giữa vùng quê nghèo, ông Phan Đức Chiêu, Chủ tịch Hội khuyến học xã Quảng Tiến phấn khởi: "Ngoài công việc ở cơ quan và chăm lo cuộc sống gia đình, ông Chồi còn rất nhiệt tình với công tác khuyến học của xã, ủng hộ xây dựng Quỹ Khuyến học và tích cực tuyên truyền vận động xã hội hóa giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của xã nhà, khơi dậy truyền thống hiếu học của bà con Quảng Tiến. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Chồi và bà Mai Thị Định xứng đáng là tấm gương sáng ngời cho bà con Quảng Tiến noi theo".
Theo DT
Tuyên truyền sâu rộng xây dựng Xã hội học tập Đó là một trong những yêu cầu của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 3 (khóa IV) vừa tổ chức họp tại Hà Nội, do Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên...