Thăm nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ
Ít ai tưởng tượng được phòng làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Đại học Chicago (Mỹ) lại hết sức giản dị và khiêm nhường như vậy.
Trường ĐH Chicago nổi tiếng không chỉ ở Hoa Kỳ mà được xem là một trong các trường đại học hàng đầu thế giới. ĐH Chicago có mô hình đào tạo đa dạng, trong đó, được đánh giá xuất sắc trong các lĩnh vực về khoa học xã hội, nghiên cứu và kinh tế.
Khác với hình dung của chúng tôi, nơi làm việc của Ngô Bảo Châu – một GS có tên tuổi trên thế giới – người được nhận giải thưởng Field về Toán học tại Đại học (ĐH) Chicago, Mỹ hết sức giản dị và khiêm nhường. Một căn phòng rộng chừng 20 mét vuông được bài trí rất đơn giản. Vật dụng nhiều nhất trong căn phòng là sách và sách. Trên chiếc bàn làm việc chỉ có chiếc máy tính Apple màn hình lớn – niềm mong ước của chúng tôi, có lẽ cũng của nhiều người khác và cuốn sổ tay ghi chép. Dường như với anh, các con số, phương trình, lý thuyết toán học, các bổ đề đã và đang được chứng minh… đều nằm trong đầu và trong ổ nhớ của chiếc máy tính này.
Một số người có dịp tới thăm phòng làm việc của GS Ngô Bảo Châu có thể đã ngỡ ngàng về một cơ sở làm việc giản đơn của một trong những GS danh tiếng của trường ĐH Chicago, hay phải nghĩ lại về điều mà một nhà khoa học chân chính thường sắp đặt cho cuộc sống của mình cả trong khoa học và đời thường.
GS Ngô Bảo Châu tại phòng làm việc ở ĐH Chicago, Mỹ.
Trên tường phía sau bàn làm việc treo một bức tranh khổ khá lớn màu vàng, đậm màu triết lý của tác giả khi phác họa chân dung Ngô Bảo Châu. Anh nói, đây là bức tranh của một họa sĩ có tên tuổi, lại là bạn anh vẽ tặng. Trên bức tường đối diện có 1 chiếc bảng xóa cũng khá lớn để anh viết ra những gì mình đang suy nghĩ hay những gì cần trao đổi, tranh luận với các đồng nghiệp hay nghiên cứu sinh.
Trong phòng làm việc của anh cũng không thấy những tấm huy chương, những kỷ vật được trao từ những giải thưởng lớn về toán học hay những bức hình chụp cùng các nguyên thủ của Việt Nam, Pháp hay Ấn Độ mặc dù ai được may mắn đến thăm nơi làm việc của anh đều muốn được nhìn thấy tận nơi những vật kỷ niệm cao quý đó.
Sự giản dị cũng toát ra từ chính con người và tính cách của vị GS trẻ này, từ trang phục, từ cách giao tiếp đến những cử chỉ thân thiện và chan hòa với tất cả mọi người. Thấy có khách tới thăm, Ngô Bảo Châu tự mình đi lấy nước, ấm chén pha trà mời và niềm nở trò chuyện.
Không chỉ riêng Ngô Bảo Châu, tất cả các Giáo sư khác trong trường ĐH Chicaco cũng đều đang làm việc trong những căn phòng tương tự. Thế mới biết, những đồ vật sang trọng, tiện nghi đắt tiền không làm nên trí tuệ con người!
PGS. Trần Lưu Vân Hiền – mẹ GS Ngô Bảo Châu tại phòng làm việc của con trai.
Video đang HOT
GS Ngô Bảo Châu nhận lời mời làm giáo sư tại khoa Toán trường ĐH Chicaco từ ngày 1/9/2010. Các trường đại học ở Mỹ xem việc mời được các nhà khoa học từng được giải Nobel hay Fields là những thành công của họ. Trước GS Ngô Bảo Châu, khoa Toán của trường đã mời được một tác giả của giải thưởng Fields từ Nga, nghe nói cũng không dễ dàng gì khi thỏa mãn mọi yêu cầu của nhà toán học này, kể cả việc không chấp nhận tham gia giảng cho sinh viên. Khi mời GS Ngô Bảo Châu, nhà trường đã đưa ra hàng loạt các đề xuất thuận lợi nhất cho anh kể cả việc không có một yêu cầu tối thiểu nào về giảng dạy. Những người như các GS nhận giải Fields, việc nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu được ưu tiên trên hết. Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu yêu thích giảng dạy, anh vẫn nhận dạy một học kỳ cho sinh viên sau đại học. Hiện anh đang làm việc với 4-5 nghiên cứu sinh. Anh đặc biệt vui thích và hài lòng khi nay đang làm việc với một nhà toán học trẻ tuổi của Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu từng được trao nhiều giải thưởng Toán học uy tín thế giới như:
- Năm 2004: Giải thưởng Clay.
-Năm 2007: giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ Châu Âu.
-Năm 2008: giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp.
-Năm 2009: công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands” của GS Ngô Bảo Châu đã được tạp chí TIME bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm.
-Năm 2010: GS Ngô Bảo Châu nhận Fields Medal
Công việc giảng dạy, nghiên cứu chiếm nhiều thời gian nên anh nói cũng khó khăn lắm khi sắp xếp thuyết trình tại nhiều nước khác nhau. GS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc Điều hành của Viện toán Cao cấp, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết, các đồng nghiệp Hàn Quốc nhiều lần nhờ mời giúp GS Ngô Bảo Châu sang nước này vì họ đã nhiều lần mời mà chưa được. Vậy mà chưa bao giờ GS Ngô Bảo Châu từ chối những dịp về với cộng đồng Toán học Việt Nam và dành cả mấy tháng hè của mình về làm việc tại Hà Nội. Thật có lý để GS Lê Tuấn Hoa nói rằng, chỉ có thể với tinh thần hiệp sĩ toán học, nhà toán học với giải thưởng Fields danh giá đó mới về với Việt Nam và chưa nản chí với vô vàn khó khăn khi thực hiện tinh thần hiệp sĩ đó vì nền toán học Việt Nam, vì thế hệ trẻ Việt Nam.
ĐH Chicago nổi tiếng không chỉ ở Hoa Kỳ mà được xem là một trong các trường đại học hàng đầu thế giới. Đây là một trường ĐH tư nằm ở khu phố Hyde Park Chicago, Illinois. Trường do Hội Giáo dục Baptist Mỹ và nhà tỷ phú dầu mỏ John D. Rockefeller thành lập năm 1890.
ĐH Chicago có mô hình đào tạo đa dạng, trong đó, được đánh giá xuất sắc trong các lĩnh vực về khoa học xã hội, nghiên cứu và kinh tế. Ngôi trường này nổi tiếng với các phong trào học thuật có sức ảnh hưởng lớn và tạo ra “trào lưu” trong giới khoa học trên thế giới như trường phái Kinh tế học Chicago, trường phái xã hội học, trường phái phê bình văn học Chicago và phong trào luật và kinh tế học trong phân tích pháp lý. ĐH Chicago cũng là nơi thực hiện phản ứng hạt nhân tạo tự lực đầu tiên của thế giới là trường đại học có nhà xuất bản riêng lớn nhất Hoa Kỳ.
Đến nay, trường đã có 85 người nhận giải Nobel. Khoa Toán của trường hiện có 3 GS đã nhận giải Fields – giải thưởng cao nhất của thế giới về Toán học.
GS Ngô Bảo Châu và gia đình chụp tại Chicago tháng 1/2013.
Một điều rất vui là với kết quả học tập tốt, con gái lớn của GS Ngô Bảo Châu – Ngô Thanh Hiên vừa được Trường ĐH Chicago tiếp nhận. Mùa thu tới, Hiên sẽ là sinh viên năm thứ nhất của trường.
Tiếp sau GS Ngô Bảo Châu, GS Vật lý Lý thuyết Đàm Thanh Sơn của Việt Nam cũng được mời về làm việc tại ngôi trường danh tiếng này.
GS Ngô Bảo Châu cùng mẹ và dì ruột trong khuôn viên trường ĐH Chicago.
Đầu năm mới 2013, đã có người bạn chúc GS Ngô Bảo Châu thế này: Thế giới hiện còn 5 bài toán thế kỷ. Chúc Châu sẽ giải được một trong những bài toán thế kỷ đó!
Theo Dantri
Từ đứa trẻ mồ côi đến vị giáo sư danh tiếng
Một "ngoại lệ xuất sắc" - nhiều tờ báo đã bình luận như vậy về sự kiện tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức (lúc đó 46 tuổi) được công nhận là giáo sư trẻ nhất Việt Nam của năm 2004. "Ngoại lệ" bởi ông vừa được phong phó giáo sư trước đó chỉ 2 năm...
Nghe danh giáo sư, rồi vị trí công tác hiện tại của ông, thâm tâm tôi ngỡ chắc hẳn sẽ khó tiếp cận, đến điện thoại cũng băn khoăn lựa chọn thời điểm nào cho hợp lý, bởi thời gian của ông là vàng ngọc. Thế nhưng, vượt xa sự tưởng tượng của mình, giáo sư Nguyễn Hữu Đức xuất hiện thật gần gũi, bình dị nhưng cũng không kém phần ấn tượng.
GS Nguyễn Hữu Đức (bên trái) tại buổi lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội tới GS Ngô Bảo Châu năm 2011. (Ảnh: Bùi Tuấn)
Tuổi thơ nhọc nhằn
Xa quê bao nhiêu năm, nhưng GS Nguyễn Hữu Đức vẫn còn giữ chất giọng đầm ấm, mộc mạc của quê hương Quảng Bình. Có lẽ, đó là điểm thu hút đầu tiên của ông với người đối diện, tạo sự gần gũi, thân tình, cho dù đó là lần đầu gặp mặt.
Ông sinh ra ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch) - một vùng quê sơn thủy hữu tình nằm cuối dòng Gianh lịch sử, trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật. Ba ông là Trưởng đoàn Văn công, Ty Văn hóa tỉnh Quảng Bình trong thời chiến tranh chống Mỹ; các cô, chú đều là những diễn viên có tiếng. Cậu bé Đức ngày ấy cũng thầm mơ lớn lên sẽ trở thành nghệ sĩ. Thế nhưng... biến cố lớn của gia đình, đã khiến cuộc đời Đức rẽ sang một lối đi khác.
Năm lên 11 tuổi, ba Đức mất, rồi chỉ 3 năm sau, bom đạn chiến tranh lại cướp đi người mẹ thân yêu. Đau đớn, buồn tủi, nhưng không thể gục ngã, bởi Đức là anh cả, sau Đức còn ba đứa em nữa. Mới 14 tuổi đầu, Đức đã trở thành trụ cột trong gia đình. Bến phà Gianh lúc đó hầu như ngày nào cũng in dấu chân của cậu bé Đức với rổ bánh rán và trứng luộc, mong kiếm thêm chút tiền phụ giúp bà nuôi em. Tuổi thơ nhọc nhằn là vậy, nhưng bù lại mấy anh em đều chăm chỉ học hành, theo lời răn dạy của bà nội.
Năm 1976, Nguyễn Hữu Đức thi đỗ vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội) và được vào học ngành Vật lý. Lần lượt, hai cô em gái đều đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế và cậu em út cũng nối gót anh theo học ngành Vật lý của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, Nguyễn Hữu Đức hoàn thành xuất sắc khóa luận tốt nghiệp và được giữ lại làm nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm Vật lý nhiệt độ thấp do Hà Lan tài trợ. Và cũng bắt đầu từ đó, con đường nghiên cứu khoa học của ông ngày càng rộng mở...
Một "ngoại lệ xuất sắc"
Nhiều tờ báo đã bình luận như vậy về sự kiện tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức (lúc đó 46 tuổi) được công nhận là giáo sư trẻ nhất Việt Nam của năm 2004. "Ngoại lệ" bởi ông vừa được phong phó giáo sư trước đó chỉ 2 năm, nghĩa là được công nhận trước thời hạn. Chính những công trình nghiên cứu xuất sắc, các bài báo khoa học và uy tín, thành tích giảng dạy của ông đã thuyết phục các nhà khoa học trong hội đồng các cấp từ cơ sở, ngành đến cấp nhà nước; "đã vượt xa so với tiêu chuẩn quy định về các công trình nghiên cứu, bài báo và sách khoa học đã viết cũng như số giờ giảng và hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh"- GS.TSKH Đỗ Trần Cát - Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước từng đánh giá như vậy.
Từ công trình nghiên cứu đầu tiên "Tính chất từ của các hợp chất đất hiếm ở nhiệt độ thấp" mà nhà nghiên cứu khoa học trẻ cùng cộng sự thực hiện được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, đến nay, GS Đức đã có 5 tập sách chuyên khảo được ấn hành tại Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) danh tiếng và gần 100 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của ông được các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao và trích dẫn hơn 1.000 lần để biện chứng cho đề tài khoa học của họ. Ông cũng thường xuyên được mời đi thỉnh giảng và thuyết trình khoa học tại các trường đại học của Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Năm 2004, tại hội nghị vật lý Châu Á - Thái Bình Dương, ông được trao tặng giải thưởng Giang Chấn Ninh (tên nhà khoa học châu Á đầu tiên đạt giải thưởng Nobel). Nhưng thành quả khiến GS Đức vui nhất chính là việc ông đã tiếp được ngọn lửa nhiệt tình khoa học cho thế hệ trẻ. Nhiều học trò của ông sớm khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trong đó có tiến sĩ Đỗ Thị Hương Giang được công nhận chức danh phó giáo sư khi vừa mới 33 tuổi.
GS Nguyễn Hữu Đức đang giới thiệu về phòng thí nghiệm công nghệ Micro-nano, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trường đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nơi ông từng làm Hiệu trưởng - có 3 năm liền sinh viên công nghệ thông tin của trường nằm trong tốp 100 trường đại học danh tiếng của thế giới ở vòng chung kết cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế (AMC), 3 năm liền các nhà khoa học trẻ của trường đạt giải "Nhân tài đất Việt" và 3 năm liền cán bộ của trường liên tục được giao thực hiện các đề tài khoa học lớn cấp nhà nước... Với thành tích và uy tín trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như công tác quản lý, năm 2008, GS Nguyễn Hữu Đức được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nhìn bề dày thành tích trong nghiên cứu khoa học cũng như giảng dạy, ít ai nghĩ rằng: phần lớn thành quả ấy đều xuất phát từ quá trình tự học, tự nghiên cứu của ông. Hầu như toàn bộ quá trình học tập, nghiên cứu, ông đều thực hiện ở trong nước. GS.TSKH Thân Đức Hiền- người thầy trực tiếp hướng dẫn và dìu dắt GS Nguyễn Hữu Đức từ những ngày đầu ở phòng thí nghiệm Vật lý nhiệt độ thấp đã từng nhận xét: "Ấn tượng sâu sắc nhất mà Đức để lại cho tôi chính là nghị lực. Đức có tinh thần vượt khó và tự lực rất cao". Có lẽ, tinh thần vượt khó ấy đã được hun đúc từ những năm tháng tuổi thơ mà cậu bé Đức đã phải trải qua.
Nặng nợ với quê hương
Đã gần 40 năm xa quê, nhưng quê hương và những kỷ niệm thuở ấu thơ vẫn luôn in đậm trong tâm trí vị giáo sư vừa qua tuổi 50 ấy. Ông nhớ dòng Gianh với làn gió mát những chiều hè, nhớ bến phà nơi ông từng lặn lội mưu sinh cùng nội, nhớ những bài giảng của thầy cô dưới thời bom đạn... Và đôi mắt vị giáo sư buồn diệu vợi khi nhắc đến ngày 13-01-1973, cái ngày đau thương đã trở thành một nỗi ám ảnh suốt cuộc đời ông: 156 bộ đội, thanh niên xung phong và người dân quê ông đã ngã xuống trong trận bom do máy bay Mỹ oanh tạc trước 14 ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc.
Ngày ấy, mẹ ông cũng đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương như bao người dân vô tội khác! Ngày ấy, 4 anh em Đức lầm lũi nắm tay nhau nép vào lòng nội và những người dân nơi quê nhà. Ngày ấy, dòng sông Gianh vốn xanh yên bình, thôn Quyết Thắng đang hiền ngoan sau những lũy tre xanh đã dường như nhuộm đỏ...
Và rồi vị giáo sư như vui hơn khi nhắc đến Quảng Bình hiện tại với những đổi thay đáng mừng, ông mong muốn mình được chung tay, góp sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Theo ông, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Trường đại học Quảng Bình cần quan tâm, ươm tạo một số nhóm khoa học trẻ, có tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, tạo ra các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế tri thức. Trong chiến lược phát triển đó, ĐHQG Hà Nội có thể hỗ trợ đào tạo giảng viên, phát triển quan hệ với các trường đại học trên thế giới.
Ông còn trăn trở: nghề biển của Quảng Bình là một tiềm năng, nhưng cũng còn lắm rủi ro đang rình rập ở ngoài khơi. GS Đức dự định sẽ phát triển các kết quả nghiên cứu của ông và đồng nghiệp về vật liệu nano composite để đóng tàu thuyền, chế tạo các thiết bị giám sát hành trình tàu cá và trao đổi thông tin hai chiều với đất liền để tăng cường bảo vệ hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho ngư dân... Tôi tin, những khát vọng và ước mơ ấy của giáo sư sẽ sớm thành hiện thực!
Theo Dantri
Sinh viên Harvard về VN học toán với GS Ngô Bảo Châu Lớp hè 2012 kéo dài hai tháng của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán do GS Ngô Bảo Châu trực tiếp hướng dẫn có 15 học viên thì bốn người đến từ Mỹ. GS Ngô Bảo Châu dự lễ khai giảng ở Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội với tư cách là học sinh cũ sáng 5/9. Năm nay Lê Hùng Việt...