Tham nhũng vặt sinh họa lớn
Dư luận, báo chí đã nói nhiều đến những vụ án liên quan đến thất thoát hàng nghìn tỉ, trong đó có nhiều vụ tham ô với số tiền lớn. Tuy nhiên, để tham nhũng to như vậy phải là người có chức vụ, quyền hạn cũng to, cán bộ quèn có muốn cũng không đủ sức phá tiền tấn được.
Những cảnh đưa – nhận chớp nhoáng của nhân viên “chạy lệnh” và các cán bộ hải quan (Hình ảnh PV Lao Động phản ánh trong bài “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa – nhận tại Hải quan Hải Phòng”.
Nhưng số cán bộ công chức gọi là nhỏ, thì lại tìm cách ăn nhỏ, dân gian gọi là tham nhũng vặt. Vặt nhưng nhiều người ra tay, vặt hằng ngày hằng giờ, khắp mọi nơi, thì chuyện không còn vặt nữa.
Một chiến sĩ cảnh sát giao thông làm mãi lộ là tham nhũng vặt, cán bộ chính quyền nhận tiền lót tay của dân khi đến cửa công là tham nhũng vặt, nhân viên hải quan tìm cách móc túi doanh nghiệp, người dân là tham nhũng vặt. Ở bất cứ nơi đâu cũng có thể xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, và cán bộ công chức rất dễ có cơ hội để tham nhũng vặt. Chính vì vậy nên các loại điều kiện kinh doanh, giấy phép con rất khó loại bỏ, những thứ này là môi trường cho tham nhũng vặt hoành hành.
Tham nhũng vặt như mối mọt, âm ỉ đục khoét làm hư hại rường cột nước nhà. Một vụ án tham ô số tiền nghìn tỉ dù lớn cũng chỉ giới hạn phạm vi thiệt hại, với số tiền cụ thể, còn tham nhũng vặt là vô biên, là nhan nhản khắp nơi, không thể tính hết, lường hết. Tham nhũng vặt gây họa lớn là vậy.
Video đang HOT
Một vụ tham ô tiền tỉ, có thể truy tố ra tòa, có cơ hội thu hồi tài sản tham nhũng. Nhưng với tham nhũng vặt, rất khó có chứng cứ để khởi tố vụ án, xử lý theo pháp luật và thu hồi tài sản. Xét theo khía cạnh này, sẽ thấy tham nhũng vặt tai hại hơn rất nhiều. Cho nên, đừng tưởng vặt mà xem thường, loại mối mọt này rất khó có thuốc trị.
Tham nhũng vặt thực hiện dưới nhiều dạng tinh vi, khó bắt được “tội” vì trên danh nghĩa hợp pháp. Thử nêu ra một ví dụ ngay trong ngành báo chí, có nhiều trường hợp phóng viên đi “đánh đấm” rồi dùng thông tin sai phạm của doanh nghiệp làm áp lực, yêu cầu ký kết hợp đồng bảo trợ truyền thông, quảng cáo. Tuy việc ký hợp đồng là hợp pháp, nhưng che giấu đằng sau hợp đồng đó là một hành vi không minh bạch. Đồng tiền thu được chẳng khác gì tiền mãi lộ của cảnh sát giao thông hay hải quan lấy của doanh nghiệp như đã xảy ra trên thực tế.
Trong thời gian qua, công tác chống tham nhũng có hiệu quả hơn. Những vụ án đã và đang xét xử cho thấy không có chỗ nào là bất khả xâm phạm, không phải hạ cánh rồi là an toàn.
Nhưng nếu không có biện pháp chống tham nhũng vặt, thì người dân, doanh nghiệp còn chịu khổ nạn với đám sâu dân, mọt nước.
Và chính đám sâu mọt này sẽ phá nát đất nước.
LÊ THANH PHONG
Theo LĐO
Hà Nội: Một trường hợp kê khai tài sản không trung thực
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2018, tổng số người phải kê khai tài sản của thành phố là 34.340 người. Có một trường hợp bị kết luận không trung thực trong kê khai tải sản, thu nhập.
Theo báo cáo, trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, UBND thành phố đã ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch Kinh tế xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 của thành phố.
UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện chủ trương tiết kiệm trong công tác xây dựng và phân bổ dự toán, số tiết kiệm, tiết giảm chi thường xuyên năm 2018 ngay từ khâu xây dựng, giao dự toán của thành phố Hà Nội 3.519,044 tỷ đồng, trong đó tiết giảm 2.643 tỷ đồng so với dự toán T.Ư giao; tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương số tiền 876,044 tỷ đồng.
Qua công tác thẩm tra, phê duyệt, phân bổ dự toán chi thường xuyên đã tiết kiệm cho ngân sách thành phố số tiền 1.820,289 tỷ đồng.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản nhà nước, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; triển khai việc quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm; đúng tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; đúng mục đích sử dụng được nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, cho thuê phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hà Nội cũng thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. 6 tháng đầu năm, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 792 công chức, viên chức.
Việc thực hiện quy định về minh bạch tài sản thu nhập, Hà Nội có tổng số người phải kê khai tài sản thu nhập là 34.340 người. Đã kê khai 34.234 người, còn 16 người chưa kê khai. Số bản kê khai đã công khai 25.253 bản, trong đó theo hình thức niêm yết 17.817 bản, theo hình thức công bố tại cuộc họp 17.436 bản. Số người có kết luận không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập là 1 người.
Công an thành phố báo cáo đã thụ lý điều tra 31 vụ, 82 bị can, trong đó kỳ trước chuyển sang 23 vụ, 68 bị can. Khởi tố mới trong kỳ có 8 vụ, 14 bị can. Đã có kết luận điều tra, chuyển viện kiểm sát các cấp đề nghị truy tố 13 vụ, 38 bị can. Đang điều tra 17 vụ, 44 bị can. Theo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, tổng số thụ lý 17 vụ, 58 bị can. Đã giải quyết 11 vụ, 43 bị can. Truy tố chuyển tòa 11 vụ, 43 bị can. Đang giải quyết 6 vụ, 15 bị can. Tòa án nhân dân thành phố cho biết, tổng số thụ lý 27 vụ, 118 bị cáo. Đã xét xử 15 vụ, 65 bị cáo, đang thụ lý 12 vụ, 53 bị cáo.
Theo đánh giá, tình hình tham nhũng trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính... vẫn còn dư luận về tình trạng tham nhũng vặt, hối lộ...
Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế trên là do công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở, trình độ quản lý còn hạn chế, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao làm trái quy định, quy trình công tác để vụ lợi; một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác PCTN; các cơ quan PCTN tại một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc đề ra các giải pháp phòng ngừa, chống tham nhũng; chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
Theo TRƯỜNG PHONG (Tiền phong)
Đại biểu tranh luận "nảy lửa" về chống tham nhũng khu vực tư nhân Nên hay không nên mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra cả khu vực tư nhân - đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến tranh luận tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sáng nay. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn). Sáng nay (13.6), góp ý cho dự thảo Luật...