Tham nhũng trong các trường đại học ở Indonesia
Những báo cáo gần đây về nghi vấn tham nhũng trong việc lựa chọn hiệu trưởng các trường đại học là lời nhắc nhở về sự trì trệ, thiếu năng động, sáng tạo trong môi trường văn hóa giáo dục đại học ở Indonesia.
Giáo dục sớm sinh viên về tầm quan trọng của liêm chính là một giải pháp để loại bỏ tham nhũng trong giáo dục đại học ở Indonesia. Ảnh: Shutterstock
Theo tờ Jakarta Post (Indonesia), khi Chính phủ thông báo kế hoạch cho các trường đại học có hiệu trưởng là người nước ngoài, đã có những tin đồn về một cuộc chiến vừa chớm nở. Giáo sư Asep Saefuddin, Hiệu trưởng của Trường Đại học Al-Azhar đã cho rằng, nguyên nhân của sự thiếu tiến bộ tại các trường đại học ở địa phương là do “bộ máy quan liêu quá mức”, dẫn tới việc thiếu tự chủ về tài chính trong các trường đại học; các hiệu trưởng thiếu năng động, sáng tạo; các giảng viên không được trả lương đầy đủ và tồn tại nhiều thách thức trong việc xin giấy phép cho các đề tài nghiên cứu khoa học.
Nhiều người có chung quan điểm với ông Asep Saefuddin. Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến khác. Theo Bộ trưởng Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục Đại học Mohamad Nasir, Chính phủ Indoneisa đã và đang học hỏi kinh nghiệm của các trường đại học nước ngoài để tiến hành những biện pháp cải cách, mang lại những tiến bộ đáng kể…
Trong khi thực tế, một số giáo sư Indonesia hiện là những giảng viên, nhà nghiên cứu danh tiếng ở nước ngoài. Như ông Yanuar Nugroho, một cán bộ Văn phòng Tổng thống, giảng viên của Đại học Manchester (Anh); Ariel Heryanto, một học giả tại Đại học Monash (Australia); và Vedi Hadiz, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Melbourne (Australia); Merlyna Lim, chủ nhiệm nghiên cứu về các mạng kỹ thuật số và giảng dạy tại các trường đại học ở Mỹ và Canada…
Khi đặt câu hỏi, tại sao những giáo sư này đã dành hàng thập kỷ công tác ở nước ngoài thay vì đóng góp cho sự phát triển giáo dục ở quê nhà, câu trả lời của họ thường giống nhau. Đó là: Môi trường văn hóa đại học sôi động, đầy hứng thú hơn ở Indonesia cho phép họ sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn.
Những báo cáo mới đây nhất về nghi vấn tham nhũng trong việc lựa chọn hiệu trưởng trường đại học là lời nhắc nhở về môi trường văn hóa giáo dục đại học trong nước trì trệ, chưa nói tới việc thiếu kinh phí dành cho giáo dục đại học và thiếu các bài báo khoa học cũng như sự phát triển của các nghiên cứu khoa học.
Kỷ nguyên trật tự mới đã cho thấy sự ủng hộ các quyền tự do, trong đó có quyết định cho phép bầu cử chức danh hiệu trưởng. Các cuộc bầu cử như vậy được coi là một bước đột phá trong việc xóa bỏ tệ quan liêu và thúc đẩy sự năng động, sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Video đang HOT
Tuy nhiên, chức danh hiệu trưởng hiện nay ở Indonesia đã trở thành một “mặt hàng” chính trị. Ngày 31/7 vừa qua, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Jakarta (UNJ) Hafid Abbas và lãnh đạo một số trường đại học khác đã yêu cầu Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) trợ giúp trong việc bảo vệ cuộc bầu cử hiệu trưởng các trường đại học khỏi mối đe dọa tham nhũng và các xung đột lợi ích. Họ đã đưa thông tin về các cáo buộc hối lộ và những lời hứa về các khoản tiền thưởng xung quanh quá trình bầu cử.
Các cáo buộc tương tự được tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử hiệu trưởng đang diễn ra tại Đại học Indonesia – ngôi trường đã có nhiều nỗ lực để lọt vào top 500 trường đại học tốt nhất thế giới, theo Xếp hạng Đại học Thế giới Quacquarelli 2020.
Các quy định hiện hành ở Indonesia về bầu cử đại học đặt ra yêu cầu phải xem xét chặt chẽ. Bộ trưởng Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục Đại học có tương đương 35% phiếu bầu. Theo Tổ chức độc lập Giám sát Tham nhũng Indonesia, quy định này cho thấy tồn tại nguy cơ thiên vị và xung đột lợi ích.
Để loại bỏ tham nhũng tràn lan và “mãn tính” trong hệ thống giáo dục đại học, một giải pháp được đưa ra là giáo dục sinh viên từ sớm về tầm quan trọng của liêm chính.
Ngọc Anh
Theo thanhtra.com
Đâu là bí quyết lọt top trong các bảng xếp hạng Đại học uy tín?
ĐHQG Hà Nội hiện có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á với vị trí đứng thứ 124 châu Á, nằm trong top 24,7% những trường ĐH hàng đầu khu vực.
Mới đây, ĐHQG Hà Nội tiếp tục là 1 trong 2 ĐH Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng thường niên nổi tiếng QS World University Rankings. Câu hỏi nhiều trường ĐH Việt Nam đang đặt ra: Bí quyết để lọt vào top trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín là gì?
Sinh viên nước ngoài học tại ĐHQG Hà Nội. Ảnh:Hữu Cường
Hiểu rõ về bảng xếp hạng ĐH
TS Nghiêm Xuân Huy - Giám đốc Viện Đảm bảo chất lượng GD (ĐHQG Hà Nội) phân tích: Bảng xếp hạng là một tập hợp các tiêu chí khác nhau. Như vậy, tham gia mỗi bảng xếp hạng giống như trường ĐH tham gia vào một cuộc thi với những chỉ tiêu, chỉ số riêng. Tham gia một bảng xếp hạng là một góc nhìn về chất lượng, không phải là một bức tranh toàn cảnh về chất lượng của trường ĐH.
Nếu một trường ĐH chỉ lấy xếp hạng làm mục tiêu thì việc phát triển sẽ không bền vững. "Quan điểm của ĐHQG Hà Nội trước hết phải phát triển theo chất lượng. Chúng tôi cho rằng, việc thực hành tốt, làm tốt từng việc, từng khâu trong đào tạo, nghiên cứu gắn với những chỉ số có liên quan đến xếp hạng, vừa lồng ghép những chỉ số phát triển có tính chất bền vững nhưng cũng đặt vào trong đó những chỉ số gắn với những tiêu chí trong bảng xếp hạng" - TS Nghiêm Xuân Huy cho biết.
ĐHQG Hà Nội đã nghiên cứu rất sâu về các bảng xếp hạng, tìm điểm tương đồng giữa các chỉ số phát triển bền vững của trường ĐH với chỉ số đánh giá trong bảng xếp hạng. Trên cơ sở đó, chú trọng chỉ số nào để vừa đảm bảo chất lượng của trường ĐH, vừa phát triển một cách hài hòa, nhưng vừa có những ưu thế trong xếp hạng. Điều rút ra là một trường ĐH đẳng cấp thế giới liên quan đến tài năng, con người, liên quan tới việc quản trị và nguồn lực để thực hiện nó.
Trong chiến lược phát triển, ĐHQG Hà Nội chú trọng 3 yếu tố: Phát triển nhân tài; Tối ưu hóa bộ máy quản trị để phát triển bền vững; Đa dạng hóa các nguồn lực để phát triển, trong đó nguồn lực để hợp tác phát triển như hợp tác quốc tế là một trong những nguồn lực rất được quan tâm.
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN/ Ảnh Internet
Các nhân tố quyết định chất lượng
Với một trường ĐH những yếu tố về đội ngũ giảng viên, đội ngũ học giả, quản trị, đội ngũ lãnh đạo, quản lý, việc lập kế hoạch, đánh giá... quyết định về chất lượng của nhà trường. ĐHQG Hà Nội nhận thấy để đánh giá chất lượng ĐH hiện nay có rất nhiều tham số thông qua các nghiên cứu, kiểm định, phân tích đối sánh, thông qua việc tự đánh giá mình và thông qua xếp hạng. TS Nghiêm Xuân Huy chia sẻ: Chúng tôi nhìn nhận xếp hạng là một trong những chỉ số đánh giá chất lượng trường ĐH. Từ chỉ số chất lượng này, chúng tôi phân tích giảng viên, SV, SV tốt nghiệp, cựu sinh viên cần những yếu tố gì để vừa phát triển đảm bảo chất lượng, vừa giúp cho việc đẩy mạnh các chỉ số trong các bảng xếp hạng.
"Quan điểm của ĐHQG Hà Nội trước hết phải phát triển theo chất lượng. Cần thực hành tốt, làm tốt từng việc, từng khâu trong đào tạo, nghiên cứu gắn với những chỉ số có liên quan đến xếp hạng, vừa lồng ghép những chỉ số phát triển có tính chất bền vững nhưng cũng đặt vào trong đó những chỉ số gắn với những tiêu chí trong bảng xếp hạng."
TS Nghiêm Xuân Huy
Có thể thấy các vấn đề liên quan đến đầu ra, thành tựu, uy tín, tỷ lệ giảng viên làm tiến sĩ, năng lực nghiên cứu của trường ĐH, tỷ lệ SV/giảng viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế... là chỉ số các bảng xếp hạng rất quan tâm, đặc biệt là QS. Đây là một trọng số rất quan trọng cho thấy chất lượng của trường ĐH về góc độ trình độ và chất lượng của đội ngũ khoa học. Được biết, bảng xếp hạng QS châu Á mới nhất đã đưa vào thêm chỉ số Mạng lưới hợp tác quốc tế, trọng số này chiếm 10% chỉ số xếp hạng. Theo đó, để thúc đẩy xếp hạng phải rất quan tâm tới mạng lưới hợp tác quốc tế của trường ĐH.
Ngoài ra, uy tín của trường ĐH được thể hiện qua uy tín về học thuật, tuyển dụng cũng như những đóng góp cho cộng đồng, được thể hiện thông qua những kết quả nghiên cứu, thông qua hợp tác và các đối tác của trường ĐH, để thấy phát triển bền vững và xếp hạng có liên quan tới nhau. Nếu làm tốt hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, uy tín học thuật của trường ĐH sẽ được lan tỏa, tăng các nguồn tài trợ cho nghiên cứu, công bố quốc tế nhiều hơn. Và quan trọng, học giả sẽ đánh giá nhà trường cao hơn.
Hai văn bản quan trọng
TS Nghiêm Xuân Huy cho biết, dựa trên các yêu cầu về chỉ số xếp hạng cũng như các giải pháp đẩy mạnh cải tiến chất lượng, ĐHQG Hà Nội đã xây dựng 2 văn bản rất quan trọng. Văn bản đầu tiên là bộ chỉ số về ĐH nghiên cứu được xây dựng dựa trên các tham chiếu với nhiều trường ĐH hàng đầu khu vực châu Á cũng như các tiêu chí có trong bảng xếp hạng. Trên cơ sở đó định hướng phát triển các trường ĐH, đồng thời đặt ra chỉ tiêu đầu tư nguồn lực để có thể đạt được, vừa đảm bảo hệ thống phát triển bền vững, vừa đảm bảo đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng.
Văn bản thứ hai là chiến lược phát triển ĐHQG Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2030. ĐHQG Hà Nội đưa vào văn bản các chỉ tiêu. Trong nhiều chỉ tiêu phát triển, có chỉ tiêu gắn với xếp hạng như chỉ tiêu về tỷ lệ tiến sĩ, chỉ tiêu về số bài báo công bố, chỉ tiêu về trích dẫn quốc tế, các hợp tác quốc tế... Đây là những chỉ tiêu vừa để phát triển, cũng là chỉ tiêu xếp hạng. "Đây là điều tôi muốn nhấn mạnh với các trường ĐH Việt Nam, làm sao vừa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững nhưng cũng nhanh chóng có thể tiếp cận được với các bảng xếp hạng quốc tế" - TS Nghiêm Xuân Huy bày tỏ.
Được biết, để xây dựng bảng này, ĐHQG Hà Nội đã nghiên cứu nhiều hệ thống xếp hạng, dựa trên bối cảnh cụ thể của các trường ĐH Việt Nam xây dựng các tiêu chí để đánh giá cũng như đặt ra mục tiêu phát triển cho các trường.
Gia Hân
Theo GDTĐ
Môn Ngữ văn đang có rất nhiều lợi thế, sao chất lượng lại chưa đạt được kỳ vọng? Hàng ngàn điểm liệt môn Ngữ văn trong một kỳ thi chỉ nằm ở kiến thức cơ bản của chương trình phổ thông đã đủ để những người có trách nhiệm suy ngẫm, trăn trở! Dù chúng tôi không có được số liệu thống kê chính xác nhưng nhìn vào các trường đại học, các cơ quan nhà nước thì có thể tin...