Thầm lặng những ‘chuyến đò’ đặc biệt
Thầy, cô giáo thường được ví với hình ảnh người lái đò, bền bỉ đưa những thế hệ học trò vượt qua dòng sông tri thức để cập bến bờ tương lai.
Thế nên, đội ngũ giáo viên hằng ngày dạy dỗ, dìu dắt các thế hệ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) được gọi là những người thầm lặng chở những ‘chuyến đò’ đặc biệt.
Một tiết học của cô giáo Đinh Thị Thủy với những học trò đặc biệt tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì).
Các cung bậc cảm xúc khi đứng lớp
Các thế hệ học sinh được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) là những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Các em không may bị lây nhiễm hoặc truyền nhiễm HIV, lại mất nguồn nuôi dưỡng từ cộng đồng hoặc bị bỏ rơi. Mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”, phải uống thuốc điều trị hằng ngày, nên sức khỏe của các em không tốt, sức đề kháng yếu…
Vì nhiều lý do nên các lớp mầm non, tiểu học được tổ chức tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội suốt gần 20 năm qua. Năm học 2022-2023, trẻ em được nuôi dưỡng tại đây đã lớn, nên “ngôi trường” đặc biệt này chỉ có học sinh ở bậc tiểu học, gồm lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 5, không có học sinh lớp 4.
Học sinh lớp 1 và lớp 2 học chung một phòng, chia lớp theo vị trí phải, trái của bảng, do cô giáo Đinh Thị Thủy (sinh năm 1968), Trường Tiểu học Yên Bài B đứng lớp. “Mỗi lớp có 2 học sinh những tưởng sẽ nhàn nhã, nhưng thực tế thì vất vả vô cùng”, cô giáo Thủy cho hay.
Chứng kiến giờ dạy cho học sinh vào ngày 23-11 vừa qua, phóng viên Báo Hànôịmới thấu hiểu hơn lời giáo viên chia sẻ. Khi giáo viên giảng bài, em V.T.N., học sinh lớp 1 không nghe giảng, mà ngồi cắn móng tay, nhíu mày, thỉnh thoảng co rúm người lại. Thấy vậy, cô giáo Thủy nhẹ nhàng đến bên ân cần động viên “con sẽ làm được” và cầm tay N. uốn từng nét chữ, hướng dẫn làm phép trừ trong phạm vi nhỏ hơn 10 bằng cách đếm ngón tay lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi hiểu bài, N. mừng rỡ reo lên: “A, con làm được rồi, con được cô khen rồi”. Học lớp 1 đến năm thứ ba, N. mới phân biệt được nét chữ, phép tính. Cùng lớp với N. là N.N.A.T., thường nhõng nhẽo hay òa khóc nên những bài giảng của cô giáo liên tục bị gián đoạn. “Trong những tình huống này, tôi vừa làm giáo viên mầm non, vừa làm mẹ của các con”, cô giáo Thủy bày tỏ.
Video đang HOT
Lớp 2 có Đ.T.A. và K.B.A. tuy nhận thức tốt hơn, nhưng cũng liên tục xảy ra những tình huống tương tự lớp 1. Để học sinh phân biệt được chữ G và Gh, chữ Ch và Tr, cô giáo Thủy phải dùng hình ảnh trực quan thân thuộc là cái ghế, cây tre, con trâu, con chó… Bền bỉ gieo từng nét chữ, Đ.T.A. và K.B.A. đã dần biết đọc, viết, ríu rít chia sẻ với giáo viên cũng là người mẹ thứ hai của các em những cảm xúc, suy nghĩ của trẻ thơ.
Còn lớp 3 (2 học sinh) và lớp 5 (3 học sinh) do cô giáo Phùng Thị Thúy Hà (sinh năm 1978) làm chủ nhiệm. Mỗi học sinh là một hoàn cảnh, câu chuyện dài về sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương giữa con người với con người, để các em được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Hà xúc động nghẹn ngào khi học sinh lớp 3 T.V.B. bị khuyết tật trí tuệ có thể viết 2 câu văn gãy gọn, chất chứa tình yêu thương: “Ngày thứ bảy, chủ nhật, em rất nhớ cô. Em rất mong đến trường để được gặp cô”. Đối với cô giáo Hà, đây là món quà tặng ý nghĩa nhất trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay…
Cứ thế, những giáo viên đứng lớp tại những lớp học đặc biệt dành cho trẻ em có HIV vừa là cô giáo, vừa là mẹ, vừa là bạn của các em, vừa dạy kiến thức, vừa dạy văn – thể – mỹ. Các giờ giảng không diễn ra theo giáo án, mà linh hoạt theo tình trạng sức khỏe và khả năng nhận thức của học sinh, nhưng vẫn bảo đảm kiến thức cơ bản theo chương trình phổ thông.
Tình yêu thương là sợi dây kết nối
Chia sẻ về hành trình gắn bó với các học sinh đặc biệt, cô giáo Phùng Thị Thúy Hà nói: “Tình yêu thương là sợi dây kết nối giữa các giáo viên với học sinh ngày càng bền chặt, sâu sắc hơn. Chính những học sinh đặc biệt với những câu chuyện cảm động đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn trong nghề, có thêm kinh nghiệm sống và cảm nhận rõ hơn những thanh âm đa dạng của cuộc sống”.
Cô giáo Hà không thể quên hình ảnh học sinh Đ.Đ.T.T.N. trả lời câu hỏi “Quê con ở đâu, gia đình con có mấy người?” trong giờ học môn tự nhiên – xã hội rằng: “Thưa cô, con bị bỏ rơi ở cổng trại ạ” (cổng cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội). “Câu trả lời này của con khiến tôi bừng tỉnh và nhận ra, tôi đang dạy những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, không thể đưa những bài học theo sách giáo khoa vào dạy tại đây. Mỗi khi nhớ lại, câu trả lời ấy khiến tôi nhói lòng”, cô giáo Hà bộc bạch.
Còn đối với cô giáo Đinh Thị Thủy, ước mơ “Chúng con muốn có gia đình, có người thân, được đi học” của học trò đã thổi bùng lên sự nhiệt huyết với nghề, yêu thương học sinh có HIV.
Đồng hành với những người “lái đò” đặc biệt là người thân của các giáo viên, sự quan tâm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Chia sẻ về công việc của người bạn đời, anh Phùng Trường Sơn (chồng của cô giáo Hà) nói: “Nếu ai cũng chọn công việc nhẹ nhàng, thì ai sẽ là người chăm sóc, dạy dỗ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Mong muốn chia sẻ khó khăn với các em, nên tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vợ tôi yên tâm công tác”. Còn Hoàng Anh Nam (con trai của cô giáo Thủy), khi chứng kiến tình yêu thương, sự quan tâm của mẹ dành cho các thế hệ học sinh có HIV, đã gác lại ước mơ trở thành cảnh sát để trở thành nhân viên y tế làm việc tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.
Giám đốc cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Hoàng Văn Luật cho biết: “Giai đoạn học tiểu học là bước chuyển biến trong nhận thức của những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, từ những đứa trẻ ngây thơ, các em dần biết rõ về hoàn cảnh, số phận của mình. May mắn thay, trên bước đường trưởng thành, các em luôn có sự đồng hành của những giáo viên có tấm lòng nhân ái, đong đầy yêu thương, điển hình là cô giáo Thủy, cô giáo Hà”.
Nhận được sự quan tâm của cộng đồng, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt lớn lên từ cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã đi học hòa nhập tại các trường từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, đại học, nhiều em đã ra trường, đi làm, có gia đình riêng. Dẫn theo chồng cùng 2 đứa con khỏe mạnh, xinh xắn khi về thăm các cô giáo dịp 20-11 vừa qua, L.T.U. đã nhắn nhủ tới các em học sau mình: “Có tri thức và niềm tin, chắc chắc sẽ chiến thắng số phận, rộng mở cơ hội hòa nhập xã hội”.
Chia sẻ lạc quan, sự chiêm nghiệm từ chính bản thân mình của L.T.U. không chỉ là một lời tâm sự với những người em cùng cảnh ngộ ở cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội mà còn là một thông điệp hữu ích nhân Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12) đang đến gần.
Thư viện của những học viên cai nghiện
Ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh, những tủ sách đã đem ánh sáng hy vọng đến với những học viên cai nghiện.
Những giờ đọc sách đã giúp họ vơi bớt đi những tháng ngày dằn vặt với lầm lỗi trong quá khứ của mình.
Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh lựa chọn sách tại thư viện của Cơ sở.
Đọc sách là việc rất bình thường nhưng lại là điều rất khó khăn đối với người nghiện ma túy. Người nghiện vốn chỉ dành để suy nghĩ về việc làm thế nào để bớt vã vì thiếu thuốc chứ còn đâu thời gian để đọc sách. Với lại, không ít trong số họ nhiều người có muốn đọc cũng không được vì không biết chữ. Bởi vậy, đi liền với việc xây dựng văn hóa đọc thì Cơ sở cai nghiện ma túy cần phải xóa mù chữ cho học viên. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh có 2 lớp học xóa mù chữ cho học viên. Một lớp vỡ lòng dạy làm quen với bảng chữ cái, dạy đánh vần. Lớp còn lại dành cho học viên đã học qua lớp 1, lớp 2 tiểu học. Tất cả học viên đặc biệt này đều học ngoài giờ lao động trị liệu với một thời gian biểu phù hợp.
Khi học viên đã biết đọc, biết viết rồi thì phải dần điều chỉnh hành vi, thói quen hướng đến việc đọc sách. Để tập cho học viên có thói quen đọc sách thật ra không phải dễ, bởi lẽ họ rất sợ phải ngồi một chỗ và phải tập trung suy nghĩ. Ban đầu học viên sẽ làm quen với những cuốn sách mỏng, với các tập truyện ngắn, tập thơ. Sau đó đến những sách dày hơn, sách dạy kỹ năng, sách khoa học thường thức. Các học viên có trình độ học vấn cao hơn thì đọc sách tùy thích.
Tủ sách phong phú nhiều thể loại tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Đến hôm nay, hầu hết người nghiện vào Cơ sở đều thích đọc sách. Vì vậy, Cơ sở đã xây dựng không gian phòng đọc và thư viện sách một cách khang trang và thoáng mát giúp học viên được thư giãn. Học viên nào muốn mang về phòng ở thì sẽ được cho mượn tối đa trong thời gian 1 tuần phải trả để mượn cuốn khác.
Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh có 2 tủ sách với hàng trăm đầu sách các loại, rất đa dạng và đầy đủ về các lĩnh vực: Pháp luật, lịch sử, kinh tế, khoa học, văn hóa, văn chương, giáo dục, tâm lý, các loại sách về giá trị sống, hạt giống tâm hồn và các loại sách truyện mang tính giải trí khác... Đặc biệt, có một số văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã có lòng hảo tâm tặng sách làm phong phú thêm cho tủ sách độc đáo này.
Học viên đọc sách tại thư viện Cơ sở cai nghiện ma túy sau giờ lao động.
Nguồn tri thức mà sách mang lại giúp các học viên ở đây nhận ra được giá trị của bản thân mình, khơi dậy khát vọng sống, tạo niềm tin, động lực để vươn lên từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Anh Bùi Văn Tuấn, học viên Ban số 1, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết: "Tôi rất ham mê đọc sách. Những cuốn sách ở đây mà tôi đã đọc rất hữu ích với tôi. Sách giúp tôi giải trí quên đi những ưu phiền và cung cấp những tri thức hữu ích cho tôi sau này tái hòa nhập cộng đồng xã hội".
Việc duy trì hoạt động của thư viện cho học viên cai nghiện ma túy là một trong những hoạt động thiết thực nhằm cải thiện đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho học viên có điều kiện cập nhật kiến thức. Bên cạnh việc điều trị, quản lý học viên, công tác dạy nghề, giáo dục lao động trị liệu thì văn hóa đọc sẽ định hướng tư tưởng, tình cảm, giáo dục ý thức pháp luật cho học viên trở thành người có ích khi kết thúc thời gian điều trị.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Hiện nay, chúng tôi có 2 tủ sách cho học viên. Các thư viện tạm thời được lồng ghép với các lớp học văn hóa. Số lượng sách hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học viên. Việc nâng cấp thư viện khang trang hơn đã là một trong những nội dung của đề án chung sẽ được triển khai trong thời gian tới đây.
Siết chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra các cơ sở đào tạo cử nhân luật Bộ Tư pháp đang chủ trì thực hiện dự thảo Đề án "Các giải pháp tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật". Đề án được xây dựng với mục đích đánh giá thực trạng đào tạo cử nhân luật của Việt Nam theo yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp; đề xuất các giải...