Thảm họa MH17: Phe nổi dậy Ukraine bị tố hủy bằng chứng
Ukraine cáo buộc Nga hỗ trợ các tay súng nổi dậy thân Moscow bắn hạ máy bay Malaysia mang số hiệu MH17 và giúp họ hủy bằng chứng tại hiện trường.
Dải băng trắng được quấn trên cây cọc đánh dấu vị trí thi thể nạn nhân vụ rơi máy bay – Ảnh: AFP
Ngày 19.7, Chỉ huy cơ quan phản gián Ukraine Vitaly Nada khẳng định có “bằng chứng thuyết phục” cho thấy đội vận hành hệ thống tên lửa mà Kiev cho là đã bắn hạ máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH17, là các công dân Nga, theo Reuters. Ông Nada còn yêu cầu phía Nga cung cấp danh tính của những người đó để Ukraine thẩm vấn. Ngoài ra, Kiev còn ra thông cáo quy kết “các phần tử khủng bố với sự hỗ trợ của Nga đang cố hủy bằng chứng về tội ác quốc tế này”.
Theo AFP, thông cáo cho biết phe nổi dậy đã đưa 38 thi thể vào một nhà xác ở tỉnh Donetsk, nơi họ đang kiểm soát. Trong khi đó, lãnh đạo phe nổi dậy Aleksander Borodai khẳng định người của ông chưa đến hiện trường, nhưng cảnh báo thi thể nạn nhân đang bị thối rữa, theo Reuters. Ông Borodai tuyên bố nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, họ sẽ di chuyển các thi thể và kêu gọi Nga hỗ trợ, đưa chuyên gia đến.
Trước khi lên đường đến hiện trường máy bay rơi, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho rằng có dấu hiệu cho thấy những bằng chứng quan trọng đã không được bảo vệ và việc không ngăn chặn được hành động phá hủy bằng chứng là “sự phản bội đối với những nạn nhân đã mất”. Theo truyền thông Malaysia, một nhóm điều tra đặc biệt gồm 116 người đã lên đường đến Ukraine để tìm hiểu nguyên nhân vụ thảm họa máy bay khiến 298 người thiệt mạng ngày 17.7. Quân đội Malaysia cũng điều hai máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules đến Ukraine để hỗ trợ các nhà điều tra.
Cản trở điều tra
Video đang HOT
Trước đó, gần 30 quan sát viên quốc tế thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cùng 4 đại diện của Cơ quan hàng không dân dụng Ukraine đã có mặt tại khu vực miền đông Ukraine. Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) thông báo đã cử một nhóm chuyên gia đến Ukraine giúp xác định danh tính nạn nhân. Các nhân viên Interpol sẽ cùng khoảng 30 quan sát viên OSCE giúp giám sát việc bàn giao thi thể nạn nhân cho giới chức của ít nhất 9 nước liên quan. BBC cho hay một nhóm gồm 10 chuyên gia Anh cũng đã lên đường đến Ukraine để giúp làm sáng tỏ vụ việc. Tuy nhiên, các nhà điều tra quốc tế đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường máy bay rơi ở miền đông Ukraine, vốn thuộc quyền kiểm soát của quân nổi dậy.
Theo một đại diện OSCE, các tay súng chống đối không cho những nhà điều tra tiếp cận hiện trường. “Một lính canh đã bắn chỉ thiên khi một thành viên trong đoàn bước ra khỏi khu vực được phép quan sát”, ông Michael Bociurkiw, thành viên của OSCE, kể lại. Một giờ sau đó, các quan sát viên phải nhanh chóng rời khỏi hiện trường nên không thể thiết lập hành lang tiếp cận khu vực cho các nhóm chuyên gia quốc tế đến điều tra vụ việc. AFP đưa tin phe chống đối ngày 19.7 đã đồng ý thiết lập khu vực an ninh quanh khu vực máy bay rơi.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 19.7, Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans nói rằng người dân Hà Lan bị sốc và phẫn nộ khi nghe tin nhiều thi thể nạn nhân của vụ máy bay rơi bị kéo tới kéo lui tại hiện trường. Ông Timmermans còn tuyên bố một khi có bằng chứng, Hà Lan sẽ quyết đưa các thủ phạm và những người liên quan ra công lý, theo Reuters. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong cuộc điện đàm hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry nhất trí rằng Moscow và Washington sẽ dùng ảnh hưởng của họ để tác động cả hai phe ở Ukraine chấm dứt các hành động gây hấn.
“Thủ phạm là tên lửa” Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 18.7 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố có bằng chứng cho thấy máy bay mang số hiệu MH17 bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không được phóng từ một khu vực do phe nổi dậy thân Nga ở Ukraine kiểm soát, theo AFP. Reuters dẫn lời ông Obama cảnh báo vụ MH17 là lời cảnh tỉnh đối với châu Âu và thế giới rằng đụng độ leo thang ở miền đông Ukraine đang gây ra nhiều hậu quả và đang có nguy cơ lan ra ngoài khu vực. Ông Obama loại trừ khả năng Mỹ can thiệp quân sự nhưng tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga. Văn Khoa
3 người Việt trên chuyến bay MH17 Theo thông tin từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) ngày 19.7, trên chuyến bay MH17 của Hãng Malaysia Airlines bị nạn tại Ukraine ngày 17.7 có 3 công dân VN (đồng thời có quốc tịch Hà Lan). Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao VN đã chỉ đạo các cơ quan đại diện VN tại Malaysia, Ukraine, Hà Lan khẩn trương tìm hiểu thông tin liên quan đến công dân VN có mặt trên chuyến bay và thông báo, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết cho gia đình các nạn nhân. Theo thông tin từ Đại sứ quán VN tại Malaysia cung cấp cho Thanh Niên, danh tính của 3 nạn nhân xấu số gồm Nguyễn Ngọc Minh (nữ), sinh ngày 15.9.1977, số hộ chiếu: NUC2616F3; Đặng Minh Châu (nữ), sinh ngày 23.5.1997, số hộ chiếu: NNBR5FKH1; Đặng Quốc Huy (nam), sinh ngày 1.3.2001, số hộ chiếu: NTK1606R6. Theo thông tin được người nhà nạn nhân chia sẻ trên mạng xã hội, 3 hành khách xấu số người Việt là ba mẹ con, hiện đang sống tại Delft, một thành phố ở miền nam Hà Lan, cách thủ đô Amsterdam gần 70 km. Chồng chị Nguyễn Ngọc Minh vừa qua đời vào tháng 8 năm ngoái trong một tai nạn. Hiện Cục Lãnh sự, Đại sứ quán VN tại Malaysia, Ukraine, Hà Lan đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng sở tại giúp đỡ thân nhân những người bị thiệt mạng giải quyết hậu sự. Trong thông cáo gửi Thanh Niên sáng 19.7 đại diện Malaysia Airlines tại VN cho biết trong tổng số 298 nạn nhân trên chuyến bay MH17 có 192 hành khách mang hộ chiếu Hà Lan (trong đó có một công dân mang cả hai quốc tịch Hà Lan/Mỹ); Malaysia (44 người, trong đó 15 thành viên tổ bay và hai trẻ em), Úc (27), Indonesia (12 người, trong đó có 1 trẻ em); Anh (10, trong đó có một công dân Anh/Nam Phi), Đức (4), Bỉ (4), Philippines(3), Canada (1) New Zealand (1). Trường Sơn
VN đề nghị điều tra nhanh chóng, minh bạch Phát biểu tại phiên họp mở rộng của HĐBA LHQ tối 18.7, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn thường trực VN tại LHQ khẳng định VN đề nghị tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng và minh bạch về vụ máy bay Malaysia MH17 bị rơi xuống miền đông Ukraine, làm 15 thành viên phi hành đoàn và 283 hành khách thiệt mạng, trong đó có 3 hành khách VN. VN kêu gọi hành động nhanh chóng, hiệu quả và có trách nhiệm của các nhà chức trách liên quan đối với gia đình của các nạn nhân. Liên quan tới tình hình tại Ukraine, Đại sứ Lê Hoài Trung nêu rõ VN đang theo sát tình hình và hết sức quan ngại về các diễn biến phức tạp gần đây ở các tỉnh phía đông của Ukraine.
Theo TNO
Itar-tass: Nga kêu gọi thành lập ủy ban quốc tế do ICAO dẫn đầu để điều tra vụ MH17
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 18/07/2014, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố Nga vô cùng ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ điều tra vụ rơi máy bay Boeing 777 MH17 trên vùng lãnh thổ của Ukraina vào ngày 17/07/2014, đồng thời xét thấy sự cần thiết trong việc thành lập một ủy ban quốc tế do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) dẫn đầu.
Qua đó, ông Churkin cũng bày tỏ sự hoang mang đối với hành động cho phép một máy bay dân sự đi qua khu vực chiến sự tại Ukraina của các nhà quản lý không lưu nước này.
Ông Churkin cho biết: "Theo quan điểm của Nga, chúng ta cần tiến hành một cuộc điều tra toàn diện không chỉ vụ tai nạn máy bay, mà còn cách thức làm việc của các nhà quản lý hàng không Ukraina".
Ông Vitaly Churkin
Đối với những diễn biến chiến sự tại biên giới Ukraina-Nga, Matxcova xem cuộc tấn công của Ukraina là hành vi hiếu chiến chống lại lãnh thổ có chủ quyền và các công dân Nga, Vitaly Churkin nói. Hỏa lực pháo binh và súng cối "đã trở nên quen thuộc" tại khu vực này.
"Một số công dân của chúng tôi đã thiệt mạng và bị thương. Chúng ta hãy xem xét các hành động khiêu khích này như hành vi hung hăng của phía Ukraina nhằm chống lại chủ quyền lãnh thổ Nga và công dân Liên bang Nga", ông Churkin nói.
"Chúng tôi cho rằng trách nhiệm của những sự việc này thuộc về các quan chức Kiev, và nhấn mạnh rằng phía Ukraina phải nhanh chóng triên khai những biện pháp mang tính quyết định để ngăn chặn những sự cố tương tự", ông nói.
"Các trạm kiểm soát và nhà ở của người dân đã biến thành vùng chiến sự. Số người chết và bị thương liên tục được báo cáo", ông Churkin nhấn mạnh.
Chính quyền Ukraina đã không tiến hành bất kỳ nỗ lực sơ tán thường dân nào ra khỏi khu vực đang diễn ra chiến sự, Churkin nhấn mạnh.
Ông chỉ ra rằng: "những người dân vô tội đang né tránh chiến tranh, đặc biệt là đang yêu cầu sự bảo vệ từ phía Nga đang là mục tiêu tấn công quân sự cố ý của Ukraina".
Ông Churkin nói rằng Nga đã chấp nhận bảo vệ hơn 110.000 người tị nạn từ miền Đông Ukraina.
Đại diện Nga cho biết, mặc dù chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina thông qua đàm phán, nhưng "các hoạt động trừng phạt tại miền Đông Ukraina phải chấm dứt ngay lập tức".
Hoàng Sa (dịch từ Itar-tass)
Theo NTD
Phóng viên Mỹ chứng kiến 'mèo vờn chuột' trên Biển Đông Nữ phóng viên một kênh truyền hình Mỹ tận mắt chứng kiến cuộc đối đầu giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam gần giàn khoan 981 và gọi đây là cuộc đuổi bắt giữa mèo và chuột. Phóng viên Mỹ chứng kiến 'mèo vờn chuột' trên Biển Đông Eunice Yoon, phóng viên kỳ cựu của kênh truyền hình CNBC, có cơ hội lên...