Thảm họa dịch thuật
“Trên là giời, dưới toàn là sách dịch” – nhà thơ Trần Đăng Khoa đã phải thốt lên như vậy trước tình trạng dịch bừa, dịch ẩu, dịch tràn lan thiếu kiểm soát.
Người đọc là nạn nhân của các thảm họa dịch thuật
Thời gian gần đây, báo chí và bạn đọc đã phê phán gay gắt một bản dịch tệ hại của Nhà xuất bản Thông tấn – cuốn “Nghề làm báo”. Đặc biệt, việc dịch ẩu thể hiện khá rõ trong cuốn “Mật mã Da Vinci” qua bản dịch của Đỗ Thu Hà với rất nhiều lỗi sai ở rất nhiều trang dịch.
Dư luận cũng quan tâm tới các bài phê bình xoay quanh việc dịch của dịch giả trẻ Cao Việt Dũng cùng việc Nhà xuất bản Văn Học và Công ty Nhã Nam phải ra thông báo thu hồi cuốn sách “Bản đồ và vùng đất”.
Đây là cuốn sách dịch để lại nhiều lỗi, thuộc nhiều loại khác nhau: dịch sai nghĩa dịch chệch nghĩa dịch sót, diễn đạt tiếng Việt nhiều bất ổn số lượng lỗi này cao hơn so với chuẩn biên tập, vượt quá số lỗi tối đa cho phép để sách có thể tiếp tục được lưu hành. Rồi hai cuốn sách “Những kẻ thiện tâm” và “Hạt cơ bản” qua bản dịch của Cao Việt Dũng cũng có nhiều sai sót.
Ồ ạt, chụp giật
Tại Hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 10/8 vừa qua, nhiều tham luận của các nhà văn, dịch giả đã xới lên những tiêu cực trong lĩnh vực dịch sách. Tham luận của nhà thơ Bằng Việt gây được sự chú ý khi ông cho rằng những năm qua, có một xu thế dịch ồ ạt các tác phẩm văn chương nước ngoài, ít được thẩm định và xem xét kỹ giá trị đích thực của một trào lưu này hay trào lưu khác mà hầu như sách dịch chỉ chạy theo thị hiếu hấp dẫn độc giả, ăn khách, đôi khi chiều theo cả thị hiếu thích tò mò, hiếu kỳ của bạn đọc, đua đòi theo của lạ dẫu chỉ là “cũ người mới ta”.
Ông Việt cũng báo động về việc nhiều khi một nhà xuất bản, hoặc một nhóm làm sách tư nhân thấy một số tác phẩm vừa được thế giới làm ồn lên vì một vài khía cạnh giật gân nào đó, liền đặt hàng các dịch giả gấp gáp, trả giá cao, thậm chí vài ba người xé lẻ từng chương để dịch cho nhanh, rồi ráp nối lại vội vã, thiếu trách nhiệm, cốt được việc và có tiền nhanh.
Video đang HOT
“Cách làm sách chụp giật này dẫn đến thảm họa dịch ẩu, coi việc làm xuất bản cũng chỉ là một món hàng kinh doanh và chỉ có độc giả là người gánh chịu hậu quả. Lại có khi, tuy cũng biết giá trị của một cuốn sách cần dịch, nhưng không đủ điều kiện để mua bản quyền dịch thuật, trả tác quyền sòng phẳng khi dịch, nên đành xoay xở tìm cách dịch chui, hoặc tệ hơn nữa cho phép phóng tác, tóm lược tác phẩm một cách vô tội vạ, thay đổi cả đầu đề sách, đặt mới cả tên tác phẩm” – ông Việt nhận định.
Dịch giả – nhà văn Trang Hạ thì cho rằng chất lượng sách văn học dịch nằm ở năng lực của dịch giả và trình độ biên tập của biên tập viên các nhà xuất bản, nhưng trên thực tế, nó nằm hoàn toàn trong tay các đầu nậu sách và công ty sách.
“Thảm họa dịch thuật xuất hiện bởi người tổ chức bản thảo không có trình độ, thậm chí có công ty sách đã thuê dịch giả không biết ngoại ngữ để dịch sách qua công cụ dịch của Google rồi viết lại bằng tiếng Việt.
Người biên tập không biết ngoại ngữ, không có khả năng thẩm định bản dịch. Dịch giả coi dịch sách là nghề kiếm cơm, không phải là sự nghiệp, không cần xây dựng thương hiệu tên tuổi của mình. Có dịch giả dịch tiểu thuyết ẩu đến mức, mỗi chương sách chỉ dịch một nửa đầu, còn một nửa cuối không dịch. Hóa ra trong quá trình chuyển ngữ, dịch giả đã “quên” không kéo chuột xuống để hiển thị nốt nửa cuối chương sách điện tử trên màn hình, mà đã chuyển sang dịch luôn chương tiếp theo. Độc giả không có thói quen đòi nhà sản xuất (công ty sách, nhà xuất bản) bảo hành cho sản phẩm lỗi” – chị thẳng thắn.
Thiếu phông văn hóa
Tại hội thảo nói trên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng cần có sự phân định giữa dịch văn học hay văn học dịch. Ông nêu ra trường hợp cụ thể về chuyện nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai thời gian gần đây dịch mấy cuốn sách của tác giả nước ngoài sang tiếng Việt và dịch thơ tiếng Việt sang tiếng Anh… còn mắc khá nhiều lỗi.
“Hội Nhà văn và Hội đồng văn học dịch cần phải thống kê đã có bao nhiêu cuốnsách dịch trong thời gian qua: tác phẩm, thể loại, tác giả, dịch giả. Hiện nay chúng ta chưa có nền phê bình dịch và biên tập dịch để đánh giá về nghệ thuật dịch. Các nhà xuất bản đang ở tình trạng không có đủ người đọc chuẩn cho bản dịch tiếng Việt chứ chưa nói đến đọc đối chiếu” – ông Nguyên nhận xét.
Cùng đồng quan điểm, dịch giả Phạm Tú Châu cho biết: “Không nên gọi những bản dịch chưa đạt là văn học mà chỉ coi là dịch văn học. Và chúng ta cần phân biệt rõ khái niệm: dịch văn học, văn học dịch, tác phẩm dịch và tác phẩm được dịch”.
Nhận xét về bản chất của dịch thuật trên nền tảng văn hóa, dịch giả Trần Đình Hiến cho rằng: “Dịch thực chất là giao lưu giữa hai nền văn hóa mà nhiều khi yếu tố văn hóa cho một dịch phẩm thành công quan trọng hơn ngôn ngữ. Văn hóa rất quan trọng với người dịch, cần phải có phông văn hóa sâu rộng của cả hai nền văn hóa. Cần có hội nghị chuyên đề để giải quyết những vấn đề cụ thể. Dù dịch thế nào thì đích cuối cùng vẫn là độc giả”.
Đặt vấn đề làm cách nào để dịch tốt nhất một tác phẩm văn học, dịch giả Ngô Hương Giang cho rằng người dịch cần phải hiểu đến ngọn nguồn vấn đề mà tác giả đề cập trong tác phẩm gốc trước khi chấp bút dịch. Nếu anh chưa hiểu được tác phẩm viết gì thì không thể nói là anh dịch được tác phẩm ấy. Có tác giả phải mất 5 đến 10 năm mới dịch xong được một tác phẩm.
“Không nói đâu xa xôi, trước 1975 để dịch được bộ Hữu thể và Thời gian (hai tập) của Martin Heidegger, Trần Công Tiến phải mất gần 10 năm chỉ để nghiên cứu tác phẩm mà ông chọn dịch. Điều ấy cho thấy dịch thuật là công việc mệt nhọc và nhiều rủi ro. Những tác phẩm lý thuyết văn học và mỹ học thường nặng về khái niệm và tư duy trừu tượng, do đó, dịch sai một thuật ngữ hoặc một nhận định, đôi khi có thể hạ thấp giá trị tác phẩm được dịch. Vì vậy, dịch sách lý thuyết văn học/triết học/mỹ học, theo tôi, dịch giả cần bình tâm và trầm tư cho thấu vấn đề trước khi dịch thành văn bản, không nên vì một lý do nóng vội nào đó làm ý nghĩa, nhận định của tác giả trong tác phẩm gốc bị triệt tiêu hoặc bị hiểu sai” – bà Giang nhận xét.
Cũng tại hội thảo nói trên, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết sẽ kiến nghị với nhà nước về những việc cần làm sắp tới để thúc đẩy sự nghiệp văn học dịch như: hình thành chính sách quốc gia về văn học dịch thành lập trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam lập quỹ dịch văn học: nhà nước tài trợ và xã hội hóa tránh tình trạng tự phát trong dịch văn học phát triển kết nạp hội viên là dịch giả và bồi dưỡng đội ngũ kế cận xin học bổng cho các học viên đi đào tạo dịch văn học ở nước ngoài.
Theo thanh niên
Nước Pháp vinh danh Giáo sư Trịnh Xuân Thuận
Giáo sư thiên văn học kiêm nhà văn Trịnh Xuân Thuận sẽ là người Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng Thế giới Cino del Duca do Viện Pháp quốc (Institut de France) trao vào hôm nay 6/6/2012.
Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Viện Hàn lâm Pháp (thuộc Viện Pháp quốc). Đặc biệt, Giáo sư Thuận được vinh danh trong hai tư cách nhà khoa học và nhà văn.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận.
Đây là giải thưởng văn chương và khoa học danh giá, trị giá 300 nghìn euro, do hội đồng 14 thành viên của 4 viện hàn lâm thuộc Viện Pháp quốc xét tặng. Mục tiêu của giải thưởng Cino del Duca là nhằm khen thưởng "một tác giả Pháp hoặc ngoại quốc mà công trình, dù thuộc lãnh vực văn học hay khoa học, hàm chứa một thông điệp của tinh thần nhân văn hiện đại".
Với tinh thần đó, thông cáo của Viện Pháp quốc nêu rõ: "quyết định trao Giải thưởng Thế giới năm 2012 cho Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lý thiên văn và nhà văn, về công trình phổ biến khoa học của ông bằng tiếng Pháp, một ngôn ngữ mà bản thân ông rất trân trọng".
Viện này ghi nhận: "Song song với công việc nghiên cứu, ông (GS Thuận - PV) còn viết nhiều sách phổ biến tri thức khoa học dành cho công chúng rộng rãi, với cái nhìn phức hợp và tinh tế của một nhà khoa học giàu phẩm chất nhân văn, coi con người là "con đẻ của các vì sao", "sinh vật biết tự vấn về vũ trụ" ông luôn tin tưởng vào vị thế của con người trong vũ trụ".
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nổi tiếng với các công trình phổ cập kiến thức khoa học về vũ trụ viết bằng tiếng Pháp. Từ cuốn sách đầu tiên năm 1988, đến nay, ông đã cho ra mắt hơn một chục tác phẩm.
Nhiều tác phẩm của ông phổ biến tri thức khoa học sâu sắc, ở trình độ cao, lưu hành rộng rãi ở hơn 20 nước trên thế giới, được dư luận quốc tế đánh giá rất cao như: Giai điệu bí ẩn (1988), Một nhà vật lý thiên văn (1992), Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000), Những con đường của ánh sáng (2008), Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao (2009), Vũ trụ và hoa sen (2011)...
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là người Việt đầu tiên và là người châu Á thứ hai nhận được giải thưởng Cino del Duca. Trước ông, đã có giáo sư y khoa Trung Quốc Vương Chấn Nghị, được giải thưởng vào năm 1998.
Trước đó, ông từng được tặng Giải thưởng Lớn Moron của Viện Hàn lâm Pháp về triết học (2007) và Giải thường Kalinga của UNESCO về phổ biến tri thức khoa học (2009).
Giải thưởng Thế giới Cino del Duca từng được trao tặng cho những nhân vật lớn, có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật như: Andrei Sakharov, nhà vật lý người Nga Vaclav Havel, Tổng thống Cộng hòa Czech Léopold Sesdar Senghor, Tổng thống Cộng hòa Senegal và các nhà văn nổi tiếng như Gorge Luis Borges, Mario Vargas Llosa, Milan Kundera...
Hải Tâm (TH)
Theo VietNamNet
Sách dịch sai vẫn xuất bản Không có người dịch giỏi, thiếu đội ngũ biết biên tập nên những người làm sách thiếu lương tâm đã cho ra đời những cuốn sách dịch "khuyết tật". Dịch giả Đoàn Tử Huyến cho rằng tình trạng dịch ẩu, dịch loạn không phải bây giờ mới lan rộng mà đã có từ nhiều năm nay. Thực tế, năm 2005, khi lên tiếng...