Thẩm định SGK: “Đông người nhặt thì chắc chắn “sạn” sẽ bớt đi”
Chiều 12/10, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.
Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2020-2021, có 5 bộ SGK lớp 1 mới được đưa vào dạy học trên toàn quốc, bao gồm 4 bộ do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn và 1 bộ mang tên là Cánh Diều của công ty VEPIC phối hợp với Nhà xuất bản ĐH Sư phạm và Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TPHCM biên soạn.
Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia, với 1/3 số thành viên hội đồng là các giáo viên đang dạy học trực tiếp đã thẩm định 5 bộ sách này, sau đó chuyển lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Trải qua quy trình này, nhiều lỗi trong bản thảo SGK đã được yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện. Hầu hết các địa phương chọn ít nhất 3 bộ SGK trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn cả 5 bộ.
Quá trình lựa chọn, phê duyệt từng bộ SGK lớp 1 theo chương trình mới rất công phu, nhưng khó tránh khỏi có những sai sót, bởi thực tế đã có nhiều cuốn SGK dù được tái bản nhiều lần vẫn còn “sạn”. Sau một thời gian thực hiện, một bộ phận phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong sách Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều. Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị trao đổi với tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia xem xét trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, có hướng xử lý phù hợp.
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá quá trình biên soạn, phê duyệt các bộ SGK mới đã được thực hiện theo đúng quy định trong Luật Giáo dục, Nghị quyết 88/2019/QH14. Nhưng các vấn đề liên quan đến giáo dục bao giờ cũng nhận được sự quan tâm, góp ý rất tâm huyết của cử tri, nhân dân, xã hội. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tiếp thu trên tinh thần cầu thị. Những ý kiến xác đáng cần điều chỉnh kịp thời, hướng dẫn nhà trường, giáo viên truyền tải đầy đủ chương trình mới. Các vấn đề sâu về chuyên môn phải được thông tin phản hồi thấu đáo, đầy đủ, cụ thể.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng đã là đổi mới thì phải có cái mới, và Bộ phải có giải thích cặn kẽ, thuyết phục, còn những “hạt sạn” thì chúng ta phải “nhặt”, tiếp tục hoàn thiện.
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân cũng như kết quả khảo sát những tuần đầu triển khai chương trình mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ yêu cầu các tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng SGK ngày càng tốt hơn. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các ý kiến góp ý về SGK Tiếng Việt lớp 1, dù gay gắt nhưng đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.
Video đang HOT
Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.
“Bằng công nghệ thông tin nên chăng chúng ta thay đổi cách làm đối với bản thảo một cuốn SGK khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, “nhặt sạn” ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà xuất bản, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia. Đông người “nhặt” thì chắc chắn “sạn” sẽ bớt đi”, Phó Thủ tướng gợi mở.
GS. Nguyễn Minh Thuyết: 'Các cháu còn học cả năm, mới hơn 1 tháng đầu chưa nói lên điều gì'
Trước những 'ồn ào' về sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chủ biên bộ sách Cánh Diều đã dành cho báo TG&VN một cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề này.
Trước những tranh cãi xung quanh câu chuyện sách giáo khoa lớp 1, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, các cháu còn học cả năm, mới một tháng đầu chưa nói lên điều gì. (Ảnh: NVCC)
Những năm gần đây, giáo dục Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách. Nhưng có ý kiến cho rằng, giáo dục đang cải tiến thành "cải lùi" vì tốn kém tiền của nhưng hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Ông nghĩ sao về quan điểm ấy?
Thực tế, xã hội đang định kiến nặng nề với giáo dục, nói đúng hơn là chưa bao giờ xã hội bằng lòng với ngành giáo dục.
Từ năm 2006, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo, chậm phát triển, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế càng ngày càng khởi sắc.
Nhưng về sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam thường chỉ đứng ở thứ hạng trên dưới 130/190 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong khi đó giáo dục thường được xếp ở thứ hạng trên dưới 60. Lẽ ra, kinh tế phải có thứ hạng cao hơn nữa, nhưng lỗi đó có phải chủ yếu do giáo dục không?
Vì sao phải thay đổi chương trình, sách giáo khoa, thưa ông?
Thế giới có nhiều thay đổi, các nước liên tục đổi mới giáo dục nên chúng ta cũng phải bắt nhịp, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, cạnh tranh, hội nhập trong tình hình mới.
Vậy định hướng phát triển năng lực được cụ thể hóa trong sách giáo khoa mới thế nào?
Nếu như Chương trình giáo dục phổ thông trước đây nặng về cung cấp kiến thức, chủ yếu trả lời cho câu hỏi: "Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?" thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng tính thực hành, tập trung trả lời cho câu hỏi: "Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?". Theo tinh thần này, sách giáo khoa cần chú trọng tính thiết thực, thực hành.
Mục đích chính của môn Tiếng Việt ở lớp 1 là dạy trẻ biết đọc, biết viết. Muốn biết đọc, biết viết thì phải học đủ 29 chữ cái, hơn 10 chữ ghép (ch, ng, ngh, tr, kh,...) và khoảng 140 vần. Chương trình lớp 1 trước đây, hiện nay và mai sau vẫn như vậy. Cho nên, nói chương trình mới nặng là không đúng.
Từ chương trình, mỗi bộ sách giáo khoa có cách tiếp cận khác nhau để dạy trẻ. Ngay trong một lớp, khả năng của học sinh cũng khác nhau. Các bậc cha mẹ cũng không nên vì sốt ruột mà gây áp lực cho con. Các cháu còn học cả năm, mới hơn 1 tháng đầu chưa nói lên điều gì.
Vừa qua, tôi có về huyện Đông Anh (Hà Nội) và huyện Xuân Trường (Nam Định). Giáo viên Đông Anh cho biết học sinh, giáo viên và cả phụ huynh học sinh rất hứng thú với sách giáo khoa mới. Ở huyện Xuân Trường, một số giáo viên phản ánh mỗi lớp hiện có khoảng 20 học sinh đã đọc trơn được, các học sinh khác đang còn phải đánh vần và 1-2 em còn gặp khó khăn ở cả đọc và viết.
Theo tôi, đó là chuyên bình thường. Năng lực trời cho mỗi người một khác. Có em đọc viết chậm, nhưng có khi lại thông minh ở môn khác, hoạt động khác, nên đừng coi việc đọc viết chậm là bi kịch mà cần kiên nhẫn hướng dẫn, có giải pháp riêng cho những học sinh đó.
Tôi cũng mới về Hải Phòng dự hội nghị chuyên đề và dự 2 tiết dạy. Tôi thấy các cô giáo dạy rất nhẹ nhàng, học sinh tiếp thu tốt, đọc và viết tốt. Một số tác giả trong nhóm chúng tôi dự giờ ở Hà Nội, tôi cũng được giáo viên ở nhiều nơi gửi các clip ghi lại các tiết học. Chúng tôi thấy kết quả thực hiện tốt, đúng như dự tính.
Tôi hy vọng với sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các cơ quan giáo dục địa phương, những khó khăn ban đầu (nếu có) sẽ được sớm khắc phục.
Đ iểm ưu việt của sách giáo khoa mới so với cũ là gì, thưa ông?
So với chương trình cũ, chương trình mới tăng cường hoạt động của học sinh, tăng cường thực hành. Điều này được thể hiện ở chương trình của tất cả các môn, nhưng dễ nhận thấy nhất là ở hoạt động trải nghiệm và môn Giáo dục thể chất.
Trong hoạt động trải nghiệm, học sinh được tổ chức hoạt động để rèn luyện bản thân, tìm hiểu cuộc sống xung quanh dưới nhiều hình thức khác nhau. Còn về môn Giáo dục thể chất, học sinh được lựa chọn hoạt động thích hợp (điền kinh, thể dục). Số giờ Giáo dục thể chất cũng được tăng thêm 1 tiết/ tuần.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có quy định về phát triển chương trình (điều chỉnh chương trình). Căn cứ vào thực tế triển khai và kết quả nghiên cứu về phát triển chương trình của thế giới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chương trình đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với điều chỉnh sách giáo khoa.
Mục tiêu cải cách của bộ sách Tiếng Việt Cánh Diều ra sao, có thay đổi điểm nào so với sách cũ, thưa GS?
Triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Cánh Diều là triết lý và mục tiêu chung của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đó là triết lý thực học - thực nghiệp và dân chủ.
Mục tiêu giáo dục của bộ sách là hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Sách giáo khoa Cánh Diều kế thừa nhiều điểm tích cực của sách giáo khoa Tiếng Việt cũ.
Còn những điểm khác biệt chính với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cũ là:
Về thời lượng học: Sách cũ dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 22 (hoặc 24) tuần với 10 tiết một tuần. Còn sách Cánh Diều dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 26 tuần với 12 tiết một tuần. Như vậy, thời lượng dạy chữ và vần của sách Cánh Diều nhiều hơn sách cũ tới 92 tiết (hoặc 72 tiết). Điều này giúp việc thực hiện nội dung của sách mới nhẹ nhàng hơn.
Về các hoạt động trong một bài học chữ (hoặc học vần): Theo sách cũ, học sinh phải thực hiện 6 hoạt động (làm quen và đánh vần, tìm chữ và vần mới học, luyện nói, luyện đọc, viết bảng con, viết vở). Theo sách mới, học sinh chỉ thực hiện 4 hoạt động. Việc luyện nói được dành 1 tiết riêng trong tuần, gọi là kể chuyện. Việc viết vở cũng được dành 2 tiết riêng trong tuần. Với sự thay đổi này, sách mới nhẹ nhàng hơn.
Sách mới cố gắng tạo ra các bài tập đọc (các đoạn văn ngắn) sớm hơn, giúp học sinh gắn chữ và vần mới học với những câu chuyện, bài thơ cụ thể, làm việc học hấp dẫn hơn.
Mặc dù sách được nhiều trường trên cả nước tự nguyện lựa chọn và đang được triển khai có kết quả tích cực, chúng tôi vẫn tếp tục đánh giá kết quả triển khai, tiếp thu ý kiến của giáo viên, xã hội để điều chỉnh cho sách ngày càng phù hợp hơn.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Thông điệp 3 chữ "bình" trường Marie Curie gửi thầy cô, phụ huynh lớp 1 Tháng đầu tiên khi bước vào lớp 1, năm nào cũng vậy, học sinh thường gặp khó khăn khi học đọc, học viết tiếng Việt. Ngày 18/5, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa Hệ thống Giáo dục liên cấp Marie Curie, Hà Nội quyết định lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, bắt đầu sử dụng từ năm học 2020-2021 đối với...