Thẩm định sách giáo khoa lớp 6: ‘Không cần lấy ý kiến quá rộng’
Khi lấy ý kiến về sách giáo khoa, chỉ nên tập trung vào ý kiến nhà chuyên môn và giáo viên trực tiếp giảng dạy, tránh lấy ý kiến rộng quá có thể xảy ra tình trạng loạn ý kiến, các chuyên gia đề nghị.
Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa cho con tại một nhà sách ở TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngày 10-11, tại buổi họp mở đầu đợt thẩm định vòng 2 sách giáo khoa (SGK) lớp 6, ông Nguyễn Hữu Độ – thứ trưởng Bộ GD-ĐT – lưu ý hội đồng thẩm định cần nắm chắc, bám sát chương trình tổng thể, từng môn học và bảo đảm độ tương đồng giữa sách giáo khoa và chương trình.
Ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh các thành viên hội đồng cần xem xét kỹ ngữ liệu, ngôn ngữ trong từng bản mẫu sách giáo khoa và cộng đồng trách nhiệm cùng với Bộ GD-ĐT trong việc giải trình trước xã hội.
Quy định độ dày rất quan trọng vì liên quan tới giá bìa và độ nặng của mỗi cuốn sách, độ nặng của chiếc cặp sách mà học sinh phải mang theo đến trường.
Ông Đặng Tự Ân (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT)
Công khai bản mẫu để góp ý
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các hội đồng thẩm định tập trung vào thảo luận kỹ, thậm chí có thể dành thêm thời gian để tranh luận giữa tác giả và hội đồng thẩm định để đạt được thống nhất cao. Đảm bảo những vấn đề hội đồng thẩm định còn băn khoăn, thấy bất ổn được giải quyết tới cùng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, với SGK lớp 6 đang trong quá trình thẩm định vòng 2, ngoài việc tăng cường tương tác giữa hội đồng thẩm định và nhóm tác giả, có thể mở rộng lấy ý kiến rộng rãi hơn từ các nhà chuyên môn, từ giáo viên trực tiếp giảng dạy ở cơ sở.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định: “Các bản mẫu SGK trước khi trình bộ trưởng được công khai để xin ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội. Điểm mới này nhằm tăng thêm một khâu kiểm soát, tránh xảy ra sai sót khi SGK đã được phê duyệt.
Đây là áp lực, cũng là động lực để hội đồng thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 phải làm việc nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn, hạn chế việc nể nang, nhân nhượng trong quá trình đối thoại với nhóm tác giả”.
Cần quy định cụ thể việc góp ý
Ủng hộ việc lấy ý kiến rộng rãi công luận song GS Phạm Tất Dong – phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – cho rằng chỉ nên tập trung, chú trọng vào các chuyên gia, nhà khoa học và những giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, ý kiến người dân được xem là một kênh tham khảo. Nếu không sẽ khó khăn trong việc tiếp thu, chỉnh sửa để thẩm định.
“Ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý trực tiếp giảng dạy sẽ sát thực tế, sát đối tượng học sinh. Trong khi ý kiến các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu có thể sẽ góp ý cho cấu trúc, cho nội dung kiến thức, ngữ liệu đảm bảo tính khoa học, giáo dục. Đó là hai kênh cần lắng nghe, phân tích và tiếp thu nghiêm túc. Còn ý kiến của người dân nói chung có ý nghĩa tham khảo. Nếu không phân định mà cứ lấy ý kiến rộng rãi quá có thể xảy ra tình trạng loạn ý kiến” – ông Phạm Tất Dong đề nghị.
Tương tự, ThS Nguyễn Viết Đăng Du – giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) – cho rằng: “Việc lấy ý kiến các lực lượng xã hội cũng cần có quy định cụ thể ai sẽ được có ý kiến về SGK. Tôi cho rằng chỉ cần lấy ý kiến hai lực lượng giáo viên trực tiếp đứng lớp và chuyên gia chuyên ngành về môn học đó. Tránh tình trạng chín người mười ý, các ý kiến tản mạn không đâu vào đâu”.
Lưu ý độ dày của sách
Ông Đặng Tự Ân – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT – cho rằng độ dày của SGK là điều cần lưu ý khi thẩm định. Sau khi thẩm định vòng 1 hoàn toàn có cơ sở quy định số trang sách tối đa cho một cuốn SGK/môn học, tránh tình trạng cùng một môn, một lớp sách dày mỏng khác nhau.
“Việc quy định này rất quan trọng vì liên quan tới giá bìa và độ nặng của mỗi cuốn sách, độ nặng của chiếc cặp sách mà học sinh phải mang theo đến trường. Việc khống chế số trang sách cũng khiến tác giả phải viết cô đọng hơn, nó mang tính gợi mở cho giáo viên trong việc thiết kế bài dạy một cách sáng tạo” – ông Ân nói.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh – giáo viên tiểu học đồng thời là phụ huynh lớp 1 ở quận Thủ Đức, TP.HCM – đưa ra ý kiến: “Tôi đề nghị giảm bớt số lượng SGK lớp 2, 3, 4, 5 vì có nhiều cuốn sách học sinh không cần thiết phải đọc.
Như con tôi năm nay học lớp 1 nhưng từ đầu năm học đến giờ cháu không sử dụng sách giáo dục thể chất, sách âm nhạc, đạo đức. Đối với học sinh tiểu học, những môn này không cần thiết phải có SGK vì trên lớp giáo viên đã dạy theo hướng trực quan rồi…”.
TS Nguyễn Hà Thanh (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Không thể chỉ thực nghiệm 10%
Bộ GD-ĐT phải giám sát quá trình thực nghiệm các bộ sách, chứ không thể giao phó cho các NXB. Nếu việc dạy thực nghiệm tiến hành bài bản thì không thể nào xảy ra tình trạng sai sót như SGK môn tiếng Việt lớp 1 vừa qua. Việc dạy thực nghiệm chỉ có 10% số bài là quá ít, rất dễ để lọt những “hạt sạn” về mặt khoa học giáo dục hoặc kiến thức. Tôi nghĩ cần dạy thực nghiệm cả cuốn sách, chứ thực nghiệm 10% là không ổn. Tuy nhiên, nếu thời gian quá gấp gáp, không thể dạy thực nghiệm trong suốt năm học như bộ sách trước đây thì cũng phải nâng tỉ lệ thực nghiệm lên, đồng thời để cho các trường tiểu học góp ý về nội dung bộ sách trước khi đưa ra thẩm định.
Thực nghiệm sách giáo khoa: Không nên vội vàng
Sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định để chuẩn bị đưa vào giảng dạy trong năm học 2021-2022. Riêng sách giáo khoa lớp 2 đã bước vào vòng thẩm định lần 2
Dù có nhiều thay đổi trong quá trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) nhưng theo nhiều giáo viên (GV) và các chuyên gia giáo dục, rút kinh nghiệm từ những sai sót trong bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 vừa qua, quá trình thực hiện sách mới phải được tiến hành nghiêm túc và công khai, càng không thể vội vàng.
Chưa rõ thời gian dạy thực nghiệm
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đối với SGK lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định lần này sẽ tăng cường khâu thẩm định trong hội đồng, tăng cường các kênh lấy ý kiến đóng góp. Cũng theo Bộ GD-ĐT, công tác thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã thực hiện xong vòng 1. Các tác giả đã chỉnh sửa và bộ bắt đầu thu sách để chuẩn bị thẩm định vòng 2. Trước đây, quá trình thực nghiệm SGK do các nhà xuất bản và tác giả chủ động phối hợp nhưng lần này sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD-ĐT để đạt hiệu quả.
Nhiều chuyên gia cho rằng sách giáo khoa lớp 1 mới có nhiều "sạn" một phần do thực nghiệm lơ là. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc thực nghiệm SGK mới đáng lẽ phải làm ngay từ khi chuẩn bị áp dụng SGK lớp 1. Nếu có một quá trình thực nghiệm cẩn trọng, nghiêm túc thì sẽ không mắc phải những sai sót như trong SGK Tiếng Việt lớp 1 thời gian vừa qua.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết ở chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, quá trình thực nghiệm SGK được tổ chức rất cẩn trọng, là một quy trình khoa học, chứ không thể làm vội vàng, chắp vá. Theo ông Điệp, sau khi dạy thử nghiệm là quá trình tổng kết, những ưu khuyết điểm thế nào để chỉnh sửa. "Ở chương trình giáo dục năm 2000, ban đầu nhóm tác giả SGK chọn thử nghiệm ở tất cả các tỉnh - thành, mỗi tỉnh - thành chọn một số trường để dạy thử nghiệm, riêng TP HCM dạy thử nghiệm luôn ở 24 quận, huyện. Việc thử nghiệm rộng rãi trong thời gian dài để khi áp dụng chính thức sẽ không còn bối rối" - ông Điệp nói.
Trong khi đó, theo một phó phòng GD-ĐT phụ trách tiểu học, trong 2 bộ SGK lớp 2 và lớp 6 lần này, Bộ GD-ĐT nói nhiều đến quá trình dạy thực nghiệm. Nhưng thật sự không rõ quy trình của bộ thế nào, vì hiện đã là tháng 11. "Việc dạy thực nghiệm là một quá trình đòi hỏi sự nghiêm túc, khoa học. Nếu vội vàng, gấp gáp, rất có thể lại phản tác dụng và gây ra những sai sót" - vị này cho biết.
Không sửa sách kiểu "đẽo cày giữa đường"
Việc mở rộng lấy ý kiến đóng góp về SGK lần này của Bộ GD-ĐT dù được cho là cởi mở để nhiều đối tượng cùng tham gia góp ý nhưng cũng còn không ít băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng nhóm tác giả biên soạn sách phải là người chịu trách nhiệm chính, kể cả nếu xảy ra tình huống sai sót.
Theo ông Trần Trọng Khiêm (Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, TP HCM; phụ trách giáo dục tiểu học), nhóm tác giả biên soạn phải là người chịu trách nhiệm chính trong quá trình sửa chữa, hoàn thiện sách theo yêu cầu. Nhóm biên soạn cần phải thẩm định lại từng ngữ liệu trong sách và điều chỉnh dựa trên thực tế khi triển khai. Đội ngũ thẩm định cũng nên sâu sát và kỹ càng hơn trong quá trình thẩm định lại bộ sách trước khi cho phép sử dụng. Cũng theo ông Khiêm, nếu xảy ra tình huống SGK tiếp tục có những "hạt sạn" thì việc thay đổi ngữ liệu gì, như thế nào, thay bao nhiêu thì chính nhóm tác giả sẽ là người quyết định. "Cuốn sách là sản phẩm của tác giả biên soạn, vì vậy chính tác giả sẽ là người chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Không thể dựa theo ý kiến của GV. Nếu theo GV, sẽ xảy ra tình huống nếu tiếp tục có những sai sót, không lẽ đổ lỗi cho GV" - ông Khiêm nói.
Thực tế tại quận Tân Phú, theo ông Khiêm, quận có 2 trường tiểu học sử dụng bộ sách Cánh Diều nhưng trong quá trình triển khai, GV được hướng dẫn được quyền chủ động với bài giảng của mình. Nghĩa là nếu thấy những ngữ liệu không hợp lý thì linh hoạt điều chỉnh, thay thế. SGK hiện nay không còn là pháp lệnh, mà như một tài liệu hỗ trợ giảng dạy, học tập. Việc GV chủ động bài giảng, dạy theo năng lực của học sinh... cũng đã được quy định rõ. Nếu GV không có năng lực điều chỉnh, phụ thuộc hoàn toàn vào các ngữ liệu trong sách theo cách "cầm tay chỉ việc", máy móc áp dụng thì rõ ràng cũng không đạt chuẩn nghề nghiệp của mình.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng kể cả trong quá trình lấy ý kiến, nhóm biên soạn phải có chính kiến, quan điểm của mình. Cũng không thể khi dư luận phản ứng sai chỗ nào thì sửa chỗ ấy, như vậy là "đẽo cày giữa đường" để rồi cuối cùng tạo ra một sản phẩm thập cẩm, lộn xộn. Theo ông Trần Trọng Khiêm, sau quá trình điều chỉnh, việc thực nghiệm rộng rãi, lấy ý kiến là tốt nhưng tiên quyết vẫn là nhóm biên soạn và thẩm định phải kỹ càng, cẩn trọng.
Giáo viên được điều chỉnh ngữ liệu dạy học khi cần thiết
Sở GD-ĐT TP HCM vừa có hướng dẫn về việc sử dụng SGK Tiếng Việt lớp 1 đối với GV theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, GV ghi chép lại những nội dung cần điều chỉnh ở SGK Tiếng Việt lớp 1 và nghiên cứu các bộ sách để làm phong phú ngữ liệu dạy học. Đồng thời, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và học sinh. Sử dụng hiệu quả các tiết ôn tập, thực hành, ôn luyện tiếng Việt để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, hỗ trợ dạy học phân hóa.
Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, nghiên cứu kỹ SGK với tư cách là ngữ liệu dạy học để sử dụng hiệu quả, điều chỉnh khi cần thiết.
Tránh sai sót, Bộ GD&ĐT điều chỉnh trong thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 Theo Bộ GD&ĐT, thẩm định vòng 2 sách giáo khoa (SGK) lớp 2 bắt đầu từ 15-11. Bộ GD&ĐT cho biết, lần này sẽ tăng cường khâu thẩm định trong Hội đồng, tăng cường mức độ tương tác với các nhóm tác giả, đồng thời mở thêm các kênh lấy ý kiến góp ý rộng rãi hơn. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung...