Thẩm định sách giáo khoa: Chưa đồng thuận, mời ‘trọng tài’
Một đợt thẩm định sách giáo khoa mà TS Thái Văn Tài – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học – đánh giá là bài bản, chặt chẽ trên cơ sở pháp luật đã khép lại ở vòng 2 với 38/49 bản thảo của 9 môn lớp 1 đạt yêu cầu.
Tổng chủ biên một bộ SGK vừa đạt yêu cầu thẩm định đi thực tế, trực tiếp trao đổi với giáo viên và học sinh ở Lào Cai – Ảnh: CHU HÀ LINH
“Nếu các tác giả, nhóm tác giả có tâm huyết, kiên trì thì có thể tiếp tục gửi sách thẩm định vào tháng 11-2019. Sách vượt qua đợt thẩm định này vẫn kịp chuẩn bị cho năm học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện chương trình mới ở lớp 1.”
Ông THÁI VĂN TÀI
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều băn khoăn và những ý kiến khác nhau trong quá trình thực hiện. Và nếu chưa thuyết phục, có thể nghĩ đến “lực lượng trọng tài”.
Liệu có quay về thời sách giáo khoa “đồng phục”?
TS Thái Văn Tài cho rằng kết quả thẩm định sách giáo khoa (SGK) khách quan, minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và sự cầu thị, lắng nghe của hội đồng với các nhóm tác giả.
“Đa số các tác giả có thái độ cầu thị, nghiêm túc tiếp thu góp ý của hội đồng thẩm định. Số bản SGK đã đạt ở vòng 2 đầy đủ các môn đảm bảo chất lượng, đa dạng hóa cách tiếp cận nội dung, chú trọng đến tổ chức dạy học” – TS Thái Văn Tài khẳng định.
Tuy nhiên, ý kiến từ các chuyên gia độc lập và tác giả tham gia biên soạn lo ngại về việc thẩm định quá tỉ mỉ, cứng nhắc, can thiệp sâu vào cấu trúc SGK dẫn tới các bộ SGK thực chất chỉ là những phiên bản của một bộ sách, minh họa cho chương trình giáo dục mới.
“Nhiều ý tưởng sáng tạo đã không được thành viên hội đồng thẩm định chấp nhận do quan điểm khác biệt. Những quan điểm mới mẻ đã không thể thuyết phục được hội đồng với tư duy duyệt sách an toàn, bám sát quy định một cách cơ học” – một tác giả sách toán chia sẻ.
Video đang HOT
Nhóm tác giả của các cuốn sách tiếng Việt và đạo đức của Trung tâm Công nghệ do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên cho rằng hội đồng can thiệp sâu vào cấu trúc từng bài học thay cho việc căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng, mục tiêu giáo dục cần đạt.
Những đánh giá “khó” hoặc “không có trong chương trình”, “còn thiếu” khá cứng nhắc, chung chung, mang quan điểm chủ quan nhiều. Khi trao đổi về sự việc này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – nguyên chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước – cho rằng: “Chúng ta cũng không nên đòi hỏi tất cả bộ SGK đều phải được biên soạn giống nhau đến từng nội dung, chi tiết.
Nếu vậy, những bộ sách được thông qua của một môn học sẽ trở thành những biến thể của một bộ sách. Chúng ta đã vô tình trở lại lối quản lý theo “tư duy đồng phục”. Điều này vô hình trung triệt tiêu tính đa dạng, sáng tạo mà chúng ta đang muốn các tác giả viết sách phải phát huy”.
PGS.TS Mạc Văn Trang, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, thì bức xúc hơn khi cho rằng “làm đúng quy trình” như thế thì sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại là đúng rồi, cũng có nghĩa là loại luôn những giá trị đã được khẳng định.
Có thể mời “lực lượng thứ ba”
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, TS Thái Văn Tài vẫn khẳng định lại quan điểm của Bộ GD-ĐT về thẩm định SGK, trước hết bám sát thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông và thông tư 33/2017/TT-BGDĐT về quy định liên quan tới biên soạn, thẩm định SGK.
Việc các nhóm tác giả có cách tiếp cận nội dung khác nhau đó chính là sự sáng tạo, đa dạng, nhưng cốt lõi vẫn phải bám sát chương trình đã ban hành, tuân thủ nguyên tắc nhất quán trong các bộ sách từ lớp 1 – 12.
Tuy nhiên, ông Tài cũng bày tỏ quan điểm tôn trọng sự dân chủ trong quy trình thẩm định SGK, tôn trọng ý kiến của hội đồng thẩm định và tác giả. Trường hợp hội đồng và nhóm tác giả SGK không có tiếng nói chung thì cả hai bên (hội đồng và tác giả) đều có quyền đề nghị Bộ GD-ĐT mời một lực lượng thứ ba làm việc độc lập để có một đánh giá khách quan.
“Nếu cho rằng hội đồng làm việc cứng nhắc, can thiệp sâu làm mất đi tính sáng tạo làm nên giá trị riêng của mỗi bộ sách thì tại sao không sử dụng quyền đề nghị trưng dụng lực lượng thứ ba?” – ông Tài nêu vấn đề.
Theo luật, bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thẩm quyền công bố các bộ SGK đạt yêu cầu và chịu trách nhiệm về việc này, vì thế lực lượng thứ ba – nếu cần thiết và có sự đề nghị của hội đồng hoặc tác giả – thì cũng do bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định về thành phần.
Những người tham gia “lực lượng thứ ba” này phải hiểu về chương trình, hiểu quy trình biên soạn SGK, làm việc độc lập, khách quan.
Loại thêm cuốn sách đạo đức 1 – Công nghệ giáo dục
Ngoài sách tiếng Việt và toán từng có giá trị thực tiễn, trong đó tiếng Việt có quá trình thực nghiệm dài, trải qua nhiều hội đồng thẩm định, kết quả nghiên cứu khẳng định giá trị của nội dung dạy học này, mới đây sách đạo đức 1 cũng bị loại ở vòng 2 khiến nhóm tác giả bất ngờ.
Theo bà Ngô Thị Tuyên, tác giả cuốn đạo đức 1 – Công nghệ giáo dục, nhóm tác giả đã rất cầu thị. Mặc dù ở vòng 1 nhiều góp ý cứng nhắc, chi tiết, mang tính kỹ thuật nhưng nhóm tác giả vẫn cố gắng điều chỉnh hết để đăng ký thẩm định lần 2, nhưng vẫn bị loại.
Trong biên bản nhận xét lần 2, những đánh giá khiến nhóm tác giả thấy không thuyết phục. Theo nhóm tác giả, hội đồng can thiệp quá sâu vào nội dung bài học thay vì căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu, chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt của chương trình.
Bà Tuyên cũng cho biết ở vòng 2, hội đồng nhận xét tốt về sách đạo đức – Công nghệ giáo dục, cho rằng cách tiếp cận của sách theo hướng giáo dục lối sống, cụ thể hóa thành các kỹ năng rất tốt.
“Ngày 2-10, hội đồng trao đổi với nhóm tác giả chỉ cần phải sửa chữa chút ít nữa và 14-10 nộp lại để xem xét. Nhưng chỉ 2 ngày sau, 4-10, có người của hội đồng báo cho chúng tôi là sách không đạt. Trong quá trình làm việc với hội đồng, nhóm tác giả này cũng đối thoại, trao đổi lại ý kiến của mình nhưng không nhận được giải thích thỏa đáng” – bà Tuyên chia sẻ.
TS Thái Văn Tài cho biết chưa nắm được những vấn đề tác giả nói về quy trình ở vòng 2 nhưng những vấn đề nhóm tác giả thấy chưa ổn thì cần đối thoại hoặc có phản hồi chính thức.
Tham khảo “trọng tài” quốc tế
TS Thái Văn Tài cho rằng luật cũng quy định có thể tham khảo ý kiến chuyên gia quốc tế trong việc thẩm định SGK. “Hiện kết quả này đang được chuyển cho ban tổ chức thẩm định SGK của Bộ GD-ĐT để rà soát lại lần cuối về quy trình, xem xét cả những ý kiến phản hồi, khiếu nại của các nhóm tác giả (nếu có). Khi mọi vấn đề đã ổn sẽ trình bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố kết quả chính thức của đợt thẩm định đầu tiên” – ông Tài cho biết. Dự kiến việc công bố này sẽ diễn ra vào cuối tháng 10-2019.
Ông Thái Văn Tài cũng cho biết các sách không đạt ở đợt này nếu sửa chữa theo những góp ý của hội đồng thẩm định thì có thể đăng ký thẩm định lại vào tháng 11-2019.
Theo tuoitre
Sách giáo khoa phải là bộ sách tốt nhất cho người học
Đó là khẳng định TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT tại tọa đàm với chủ đề "Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục", do Báo Lao động tổ chức ngày 17-9.
Việc triển khai "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền sách giáo khoa, huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường cạnh tranh để có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh.
Trao đổi về quá trình làm việc của Hội đồng thẩm định, TS Thái Văn Tài nói rõ về vai trò của Bộ GD-ĐT trong việc lựa chọn các bộ sách giáo khoa để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021.
Ông Thái Văn Tài chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Theo đó, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới giúp tác giả lọc ra những điểm chưa đạt để tác giả chỉnh sửa cho tốt hơn và cuối cùng là người học sẽ được học những sách giáo khoa tốt nhất. Các thầy cô trong hội đồng làm việc vô cùng khách quan và phải chịu trách nhiệm giải thích những sản phẩm này trước xã hội, trước nhóm tác giả.
TS Thái Văn Tài cho hay, từ Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành quyết định số 04 về chương trình sách giáo khoa. Trong các văn bản nói trên đã khẳng định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới phải đáp ứng những yêu cầu rõ ràng. Trách nhiệm trong luật cũng nói rất rõ về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia và trách nhiệm của Bộ GD-ĐT phân công các tổ chức thực hiện.
Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư 33 năm 2017 và thông tư 32 năm 2018 (thông tư 33 để áp dụng đánh giá trượt một bộ sách nào đó, thông tư 32 là quy định cấu trúc và những điều kiện của bộ sách giáo khoa). Vậy muốn viết sách giáo khoa thì phải tìm hiểu thông tư 33 để hiểu quy định cấu trúc, nội dung và những điều kiện tiên quyết khi đó là sách giáo khoa, ông Thái Văn Tài giải thích.
Tại buổi tọa đàm, diễn giả cũng thông tin: Qua vòng 1 có nhiều bản thảo đánh giá là không đạt. Cho tới thời điểm Bộ GD-ĐT thông báo, có 3 nhà xuất bản gửi lên 5 bộ bản thảo sách giáo khoa. Tuy nhiên trong 5 bộ, có sách tiếng việt, sách toán, sách giáo dục thể chất... có nhiều sách giáo khoa không đạt. Và những bản thảo sách giáo khoa được đánh giá là không đạt hay đạt cần sửa chữa đều có quyền chỉnh sửa và nộp lại cho ban tổ chức để thẩm định lại.
Tin, ảnh: BÁ HẢI - TÔ THẾ
Theo QĐND
Sách giáo khoa cho chương trình mới: Phải tạo cơ hội cho thầy cô đổi mới phương pháp dạy Ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) - thông tin: Các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đang nỗ lực làm việc để có thể công bố kết quả các bộ sách đạt yêu cầu vào khoảng đầu tháng 10 năm nay. Chương trình mới, đòi hỏi phải có sách mới, công việc thẩm...