Thẩm định chương trình, viết sách giáo khoa: Còn nhiều việc để lo
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đang bước vào giai đoạn thẩm định để ban hành nhưng lại có những thông tin về việc một số thành viên soạn thảo chương trình đang tham gia viết sách giáo khoa (SGK).
Một tiết học của học sinh lớp 1/2 Trường tiểu học Kỳ Đồng Q.3, TP.HCM. Chương trình SGK GDPT mới sẽ triển khai đại trà cho lớp 1 vào năm học 2019-2020 – Ảnh: N.HÙNG
GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình GDPT mới, cho biết: Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK GDPT, để chủ động trong công việc, Nhà xuất bản Giáo Dục đã mời một số chuyên gia tham gia các đề tài xây dựng chương trình giả định, biên soạn thử một số bài soạn và bản thảo sách.
Tôi được mời tham gia các công việc nói trên. Tôi đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu về mô hình SGK môn tiếng Việt – ngữ văn, hoàn thành một bản thảo sách tiếng Việt lớp 1.
Tuy nhiên, từ khi nhận lời làm tổng chủ biên chương trình GDPT mới, tôi không còn thời gian để tiếp tục các công việc trên. Chương trình giả định đang phác thảo cũng được “đóng băng” từ khi Bộ GD-ĐT tổ chức Ban phát triển chương trình GDPT.
Có nghiên cứu, viết thử
* Nhưng có thông tin nơi này, nơi khác đã chuẩn bị sẵn bộ SGK mới để “đón trước” khi chương trình được ban hành?
- Việc nghiên cứu, viết thử, tôi nghĩ là có. Tôi được biết có nhà xuất bản đang chỉ đạo làm một lúc 5 bộ sách. Nhưng theo tôi hiểu, đây chỉ là những hoạt động có tính chất chuẩn bị, tập dượt. Có như vậy mới bảo đảm tiến độ mà nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Nhưng khi chương trình chưa ban hành thì cho dù sách có viết ra cũng không đủ điều kiện thẩm định. Kể cả có tổ chức, cá nhân nào nói là đã viết được sách từ lớp 1 đến lớp 12 thì đó vẫn không phải SGK. Các bản thảo chỉ trở thành SGK khi được hội đồng thẩm định thông qua và được bộ trưởng phê duyệt.
* Theo ông thì người biên soạn chương trình có được tham gia viết sách không?
- Không có quy định nào cấm người biên soạn chương trình viết SGK sau khi đã hoàn thành công việc biên soạn chương trình. Thậm chí người biên soạn chương trình tham gia viết sách sẽ có thuận lợi vì hiểu chương trình thì viết sẽ tốt hơn. Dĩ nhiên là họ phải được các tổ chức biên soạn SGK mời. Tác giả viết SGK không thể là thành viên của hội đồng thẩm định SGK.
GS Nguyễn Minh Thuyết – Ảnh: V.D.
Thẩm định: có hội đồng liên cấp và đơn cấp
Video đang HOT
* Việc thẩm định và ban hành chương trình GDPT mới được thực hiện như thế nào?
- 25 hội đồng thẩm định chương trình đang làm việc. Mỗi hội đồng đều có các nhà khoa học, nhà sư phạm, giáo viên phổ thông; một số hội đồng có đại diện một số tổ chức xã hội. Riêng giáo viên phổ thông tham gia ở mỗi hội đồng sẽ chiếm khoảng 30%.
Ngoài các hội đồng thẩm định chương trình của môn học ở một cấp học, có một số hội đồng liên cấp tiểu học – THCS, một số hội đồng thẩm định chương trình cả ba cấp về môn văn, môn toán…
Nếu chương trình môn học được thẩm định có liên quan tới các môn học khác của cấp học dưới hoặc cấp học trên thì ban soạn thảo chương trình phải cung cấp chương trình có liên quan để hội đồng thẩm định có cơ sở đánh giá về tính kế tiếp, liên thông.
* Vai trò của ban soạn thảo chương trình ở giai đoạn này là gì?
- Ban soạn thảo chương trình các môn học có trách nhiệm gửi cho hội đồng thẩm định dự thảo chương trình, báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức xã hội, các sở GD-ĐT, các chuyên gia, giáo viên và dư luận báo chí về chương trình và ý kiến tiếp thu, giải trình của ban soạn thảo, báo cáo về kết quả thực nghiệm.
Nếu hội đồng có yêu cầu thì ban soạn thảo phải cử người trực tiếp đến báo cáo, giải trình những điều hội đồng thắc mắc.
* Cho tới thời điểm này chưa công bố được chương trình thì theo ông liệu có bị chậm tiến độ không?
- Tiến độ thẩm định có chậm hơn so với dự kiến vì phải thực hiện nhiều bước lấy ý kiến, phân tích các ý kiến góp ý để chỉnh sửa. Nhưng tôi nghĩ mục tiêu đề ra triển khai đại trà lớp 1 vào năm học 2019-2020 thì vẫn đảm bảo.
* Bộ GD-ĐT được giao trách nhiệm tổ chức biên soạn một bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Việc tổ chức biên soạn bộ sách này như thế nào?
- Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về tiêu chuẩn SGK; quy trình biên soạn, thẩm định SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Tuy nhiên, chỉ đến khi chương trình được ban hành, Bộ GD-ĐT mới có thể bắt tay vào việc tổ chức biên soạn bộ SGK và chỉ đạo công việc biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân. Tôi không phụ trách việc làm SGK nên cũng chỉ nắm được định hướng chung như vậy.
* Theo ông, với chương trình GDPT mới, những người viết SGK sẽ đối mặt với những thách thức gì?
- Đây là chương trình đặt ra mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Trong bối cảnh có một chương trình nhiều bộ SGK, một điểm thuận lợi là có thể sẽ có nhiều tác giả, nhóm tác giả tâm huyết, có tư tưởng sáng tạo. Nhưng nếu người có kinh nghiệm viết SGK dễ đi vào lối mòn, thì người mới tham gia công việc này cũng có thể sẽ gặp khó vì phải đối diện với những khó khăn mang tính đặc thù mà họ chưa trải qua.
Tuyển chọn công khai, minh bạch
* Có thông tin Bộ GD-ĐT sẽ chỉ định thầu để chọn đơn vị biên soạn SGK, điều này trái với nguyên tắc mà Ngân hàng Thế giới (World Bank – đơn vị cho vay vốn thực hiện chương trình) đặt ra là phải tổ chức đấu thầu và đơn vị dự thầu không phải là doanh nghiệp nhà nước…
- Tôi chưa bao giờ được nghe đến việc chỉ định thầu. Tôi chỉ được nghe ý kiến bộ trưởng quán triệt trong các cuộc họp về việc thực hiện nghị quyết số 88 và nghị quyết số 51 của Quốc hội là các công việc phải được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
* Việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK có ảnh hưởng đến sự cạnh tranh công bằng giữa các nhóm làm SGK hay không?
- Trước đây, tôi cũng đã có ý kiến là Bộ GD-ĐT chỉ nên thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, không nên gánh vác các công việc nghiệp vụ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ được nghị quyết số 88 của Quốc hội giao để bảo đảm chắc chắn khi triển khai chương trình có đầy đủ SGK tất cả các môn học.
VĨNH HÀ – NGỌC HÀ thực hiện
Theo tuoitre.vn
"Thất bại hay thành công khi thực nghiệm chương trình đều có ích!"
Trong vòng một tháng qua, Bộ GD&ĐT và Ban soạn thảo chương trình đã tiến hành thực nghiệm chương trình mới tại một số địa phương trên cả nước. Tín hiệu ban đầu cho thấy nhiều giáo viên, học sinh khá "thích thú" việc thực nghiệm này. Ban soạn thảo thì khẳng định: Thất bại hay thành công khi thực nghiệm chương trình đều có ích!
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: "Thực nghiệm chương trình môn học là một khâu cần thiết phải làm trong việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông. Còn đối với các tác giả sau này bắt tay vào viết sách giáo khoa thì lúc đó phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa.
Thực nghiệm chương trình nhằm thực nghiệm những nội dung mới, những phương pháp dạy học mới, phương thức đánh giá mới... Mục tiêu để đánh giá những cái mới này có khả thi hay không? Tác động của cái mới này đến giáo viên, học sinh như thế nào?...".
Học sinh Đà Nẵng trong giờ thí nghiệm (ảnh: Khánh Hiền)
Cũng theo GS Thuyết, Ban soạn thảo chương trình trực tiếp khảo sát tình hình ở các trường, các trường được chọn theo tính chất đại diện cho các vùng trong cả nước. Ban chỉ đạo đã trình và quyết định chọn 6 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, tiêu biểu cho 6 vùng miền trong cả nước, mỗi tỉnh/thành phố thì chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT (ở các vùng khác nhau của tỉnh đó, điều kiện dạy học khác nhau). Các trường thực nghiệm được phát phiếu trưng cầu ý kiến của giáo viên về chương trình các môn học, hình thức trả lời của giáo viên là theo hình thức online để đảm bảo tính khách quan.
Bên cạnh đó cũng tổ chức dạy học để kiểm nghiệm tính khả thi và tác động đến việc dạy và học của học sinh như thế nào. Các bài học này có thể chứa nội dung mới hoặc các nội dung đã có trong sách giáo khoa hiện hành nhưng dạy theo phương pháp mới, cũng có áp dụng một số phương pháp đánh giá mới.
Trong khi đó, GS.TS Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán nhấn mạnh: Việc thực nghiệm chương trình đối với các bài mới sẽ cho phép chúng ta đánh giá được tác động khi thực hiện chương trình mới cũng như đo được "sức ì" trong đội ngũ giáo viên.
Những tín hiệu khả quan về chương trình mới
Mặc dù quá trình thực nghiệm chương trình vẫn đang được tiến hành nhưng sau hơn một tháng triển khai cho thấy nhiều tín hiệu khả quan: Giáo viên sẽ hoàn thành tốt bài giảng nếu được tập huấn một cách kỹ càng, học sinh hứng thú hơn sau mỗi tiết học.
GS.TS Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình môn Lịch sử chia sẻ: Trước đây thì không có thực nghiệm chương trình, các thầy cô giáo ở bậc phổ thông thường là không tiếp xúc với chương trình mà thường tiếp xúc với sách giáo khoa, sách hướng dẫn giáo viên. Sách giáo khoa thường được coi như là pháp lệnh, nếu bài học này quy định 2 tiết mà sau hai tiết chưa hết bài thì gọi là "cháy giáo án".
Còn bây giờ chúng ta tiếp cận theo chuẩn năng lực thì lại khác. Ví dụ như một chủ đề môn Sử ước lượng khoảng 20 tiết thì việc cắt thời lượng cho một bài cụ thể nào đó là bao nhiêu tiết là hoàn toàn do giáo viên, họ có quyền được chủ động để làm việc này.
"Mục đích của thực nghiệm chương trình là để chúng tôi kiểm tra được mức độ thích hợp, tính thực tiễn của điểm mới mà chúng tôi đưa vào. Quá trình thực nghiệm thì chúng tôi đánh giá là thành công, ở đây chúng ta chưa đánh giá, chưa chấm điểm bài dạy của giáo viên ở trên lớp. Với kết quả thực nghiệm chương trình môn Lịch sử thì chúng tôi tin chắc mình đang đi đúng hướng, chương trình mới chắc chắn có tính khả thi và mang lại sự đổi mới thực sự đối với môn lịch sử trong nhà trường" - GS Tung nói.
Cũng theo GS Tung, mỗi khi tiết thực nghiệm chương trình lịch sử kết thúc thì đều có 5 phút để trao đổi với học sinh. Qua cuộc trao đổi thì có em khẳng định trước đây không thích học Sử nhưng sau đó lại khẳng định là thích nếu thay đổi cách dạy và được tương tác mô hình thiết bị như dạy thực nghiệm.
"Đóng vai trò then chốt trong thành công triển khai chương trình mới chính là vai trò của giáo viên, ở đâu giáo viên hiểu đúng chương trình, đọc được đúng chủ ý của người biên soạn chương trình thì họ vận dụng rất thành công. Chính vì thế việc tập huấn giáo viên sau khi có đầy đủ chương trình và sách giáo khoa là rất quan trọng", GS Tung nhấn mạnh.
Có một thực tế là khi triển khai thí điểm thì chúng ta luôn khẳng định sự thành công nhưng khi đại trà lại gặp rất nhiều khó khăn?
Trước câu hỏi này, đại diện của Ban biên soạn chương trình cho hay: Quá trình thực nghiệm chương trình cũng lựa chọn những trường thực sự khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt nhưng kết quả vẫn rất tốt. Có giáo viên hơi lúng túng ở lần dạy đầu tiên nhưng sau đó được trao đổi, thảo luận thì tốt dần ở các tiết tiếp theo...
Thậm chí ở các lớp học có sĩ số đông, một số thầy cô vẫn hoàn thành được bài giảng ở mức độ đạt yêu cầu. Tuy nhiên để có chất lượng tốt và bền vững thì sĩ số lớp nên tuân thủ theo Điều lệ trường học.
"Thất bại hay thành công khi thực nghiệm là chuyện bình thường!"
Đó là khẳng định của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ nhiệm chương trình môn Ngữ Văn khi nói về những khó khăn khi triển khai khi thực nghiệm chương trình.
Theo PGS Thống, kinh nghiệm của các lần cải cách trước cho thấy, ít nhất cũng phải mất 1-2 năm sau khi chính thức triển khai thì giáo viên mới có thể quen được. Ở trong quá trình thực nghiệm chương trình thì có giáo viên làm tốt, có giáo viên chưa làm được và điều này là hết sức bình thường.
"Nếu chúng ta triển khai thực nghiệm chương trình thành công thì cũng là điều vui, nhưng nếu chưa thành công thì cũng là dịp để nhìn nhận lại đánh giá và điều chỉnh. Dù có như thế nào thì việc thực nghiệm vẫn giúp ích rất nhiều cho Ban soạn thảo" - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Các thành viên Ban soạn thảo cũng khẳng định, việc triển khai thực nghiệm chương trình vừa qua cũng giúp cho ích cho việc biên soạn chương trình rất nhiều. Nhiều ý kiến đóng góp được các tác giả tiếp thu một cách cầu thị để điều chỉnh nhằm hướng tới hoàn thiện một chương trình tốt nhất.
Nguyễn Hùng
Theo Dân trí
Chương trình phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020 Bộ GD-ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020. Đại diện Bộ GD-ĐT thông tin về chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai áp dụng từ năm học 2019-2020....